Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024
10:33 (GMT +7)

Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai? (Kì 2)

VNTN - Mỹ học hậu chiến là mỹ học của cái ngày thường muôn thuở. Cái ngày thường không còn Ta - Địch, chỉ có con người và những phiền tạp bất tận của nhân gian. Trong thực tại ngày thường, việc sống cho ra con người là bận tâm sâu thẳm nhất. Phẩm tính nhân bản mới là vẻ đẹp đích thực muôn đời. Bởi thế, bồi đắp phẩm tính nhân bản cho con người trong cái đời thường đầy phiền tạp là tiếng gọi bức thiết đối với nghệ thuật. Trong cái bình lặng yên ả của thực tại ngày thường, những giá trị người cứ bị ăn mòn, tính người cứ bị băng hoại bởi những thứ a xit vô hình nào đó. Chính vì thế, phát hiện cái bất thường trong cái bình thường là tư duy thẩm mỹ bao trùm của chặng đường này. Tìm cái bất thường ẩn náu tinh vi sau cái vẻ bình thường vừa là sứ mệnh vừa là thách thức lớn đối với tư duy nghệ thuật.

Trong mỹ học thời chiến, để tiếp cận cái phi thường thì chủ nghĩa yêu nước cần được ưu tiên. Còn trong mỹ học hậu chiến, muốn tiếp cận cái bất bình thường của đời thường, thì điều cần ưu tiên là chủ nghĩa nhân bản. Chủ nghĩa nhân bản mới giúp con mắt nhà văn rọi được vào những góc khuất của đời sống, nhìn ra bóng tối của ánh sáng, bóng ma giữa ban ngày, cái ác trong cái thiện, cái loạn của trật tự, mặt hậu của thiên đường, mặt trái của huân chương. Dù viết về muôn mặt của cái đời thường đương đại, dù viết về các cuộc chiến đã qua như là hiện thực đặc thù của chặng trước, thì văn học chặng này cũng sẽ nhìn cuộc chiến bằng tư duy mới đó. Và điều này dường như đã kích hoạt việc kiến tạo nên diện mạo nghệ thuật chung của thế hệ này.

Điều đập ngay vào sự tiếp nhận là: thay vì ca ngợi hiện thực, thế hệ này tập trung tra vấn hiện thực. Do tinh thần tra vấn mà khuynh hướng sử thi nhạt dần, nhường chỗ cho khuynh hướng thế sự và đời tư, cảm hứng lãng mạn thoái vị nhường ngôi cho cảm hứng phản tư, đối thoại. Hoài nghi và đối thoại trở thành nhu cầu thời đại. Do cảm hứng phản tư, đối thoại thúc đẩy mà trong hệ thẩm mỹ này, việc ru vỗ ve vuốt con người thành viên, con người đoàn thể mất dần hấp dẫn, thay vào đó là việc phục hồi mối quan tâm tới con người cá thể và rồi chuyển mạnh sang đào bới con người bản thể. Về điểm này có thể thấy rõ, các cây bút lớp trước, những người từng đào khá sâu vào con người công dân/con người thành viên, giờ có xông pha chặng này, thì đa phần chỉ dừng lại nơi con người cá thể. Đó là sức mạnh cũng là giới hạn của họ. Còn khoan xoáy sâu vào những miền tối thuộc bản thể, khám phá con người bản thể là cảm hứng lớn cũng là sức mạnh lớn của các ngòi bút chính chủ chặng văn học này.

Nói cách khác, trong mỹ học hậu chiến, mối bận tâm về con người công dân đã bị soán ngôi bởi mối quan hoài về Con người phổ quát - Con người viết hoa. Ta hiểu vì sao, sau một hồi hào hứng với việc quay về làm mới con người cá thể thời khói lửa, thời vừa ngớt đạn bom, với những Thời xa vắng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng, Mùa lá rụng trong vườn… thì các ngòi bút ấy dường chững lại. Con người bản thể của thực tại hậu chiến, thực tại đời thường muôn thuở lại phải trông chờ vào thế hệ có nhãn quan phức tạp hơn cùng công cụ đào bới sắc bén hơn với những Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Sương Nguyệt Minh, Trần Vũ, Trần Thùy Mai, Bích Ngân, Thu Trân, Y Ban, Võ Thị  Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Đoàn Minh Phượng, Thuận…

Ta hiểu vì sao, những mâu thuẫn và nghịch lí của đời sống, những nhức nhối âm ỉ trong con người hậu chiến được các cây bút của thế hệ này phơi bày ráo riết và thấm thía như vậy. Nó hiện diện phong phú trong các chủ đề văn học vừa tiếp ứng nhau vừa nhất loạt ra đời trong chặng này: văn học chống tiêu cực, văn học chấn thương, văn học giải mê/giải ảo, văn học nữ quyền, văn học sinh thái, văn học dục tính, văn học đồng giới v.v… Chưa bao giờ ta gặp một thực tại loạn cờ, mê lộ đến thế như ở Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài; một thực tại chiến tranh nghiền nát phận người và hủy diệt tính người ghê rợn thế như ở Bảo Ninh, Sương Nguyệt Minh; một hiện thực phố phường u uẩn phi lí tinh vi như thế ở Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà. Và chưa bao giờ những khuất khúc, những bí mật ẩn sâu trong vùng mờ của bản thể gồm cả tâm trí, tâm linh lẫn bản năng lại được soi rọi bạo dạn, sắc sói như chặng này. Ta gặp những day dở miên man mà nhức nhối ở Tạ Duy Anh, u uẩn mê mị ma quái ở Nguyễn Bình Phương, khao khát nữ tính và dục tính thầm kín mà quyết liệt ở Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, vần vụ tâm linh huyền hoặc ở Trần Thùy Mai, Võ Thị Hảo, khắc khoải vô phương ở Đoàn Minh Phượng, hoài nghi bất tận ở Thuận…

Người đọc quen tiếp nhận hình ảnh một hiện thực được cho là đang “vận động trong quá trình phát triển cách mạng của nó” sẽ luôn thấy khó khăn khi tiếp nhận hình ảnh một thực tại bất toàn, đặc biệt là sự bất toàn của con người được văn học khám phá ở chặng này.

Một cách ứng xử với hiện thực như thế tất phải dẫn đến hệ quả về điệu cảm xúc bao trùm. Thấm thía vào mọi tiếng nói văn học không còn là niềm hân hoan nồng nhiệt dễ dãi của một chủ nghĩa lạc quan vô bờ bến, mà phải là nỗi băn khoăn day dứt, là nỗi buồn cao cả, là mối quan hoài khôn cầm của chủ nghĩa phản tư. Niềm Bằng an thời chiến đã mất ngôi hoàn toàn vào tay nỗi Bất an thời bình. Giữa ngày yên mà xao xác, giữa đám đông mà bơ vơ, giữa quê hương mà lưu lạc, giữa tươi thắm mà nhạt phai, giữa thành được mà mất mát, giữa vui tươi mà tan nát…

Những nỗi niềm thời thế, thân thế, nhân thế ùa vào văn chương. Nỗi cô đơn cá thể được sẻ chia. Nỗi cô đơn bản thể được trân trọng. Trong nỗi bất an của thời bình, người ta thấy đâu đâu cũng dậy lên những niềm Thương nhớ đồng quê, Nỗi buồn chiến tranh, Nỗi lo âu kiếp người, Sự mất ngủ của lửa… Thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Trần Tiến Dũng, Đỗ Trọng Khơi, Phạm Công Trứ, Inrasara, Trương Đăng Dung, Nguyễn Đức Tùng, Dương Thuấn, Trần Hùng, Giáng Vân, Tuyết Nga, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, kẻ đậm người nhạt, đều là những bi cảm hiện đại của con người bản thể… Những điều đó đã đem đến cho chặng văn học này một âm hưởng mới mang một chiều kích khác hẳn chặng trước: ấy là nỗi băn khoăn triết luận về phận người.

Ta hiểu vì sao từ văn xuôi đến thơ, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến tùy bút tản văn, tạp văn, từ thơ cực ngắn đến những bản trường ca của chặng này đều thấm đượm những cung bậc day dứt, trăn trở, đều thấm thía những lo âu, hoang hoải, đều khắc khoải những bất an và trang văn nào dường như cũng nặng trĩu triết luận buồn. Những người đọc quen thụ hưởng tiếng nói vui vẻ, quen đinh ninh hoan mới là tích cực còn bi là không tích cực, sẽ khó mà tiếp nhận được nét cao quí của loại bi cảm nhân bản, những bi cảm nâng cao phẩm tính con người như vậy.

Sự ra đời một hệ thẩm mỹ mới thực sự trong nghệ thuật bao giờ cũng phải là cuộc đảo chính về thi pháp. Sự độc tôn của một hệ thống thi pháp đã bị phế bỏ bởi nhu cầu dân chủ hóa ngày một mạnh mẽ. Tự do hóa về thi pháp là đặc trưng của hệ thẩm mỹ chặng này. Thi pháp của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa từng điều phối sáng tạo văn học chặng trước giờ được miễn nhiệm nghỉ ngơi để chứng kiến sự đua chen về thi pháp trong sáng tạo của thế hệ mới. Có thể khẳng định sân chơi sáng tạo chặng này không còn sự độc tôn của riêng một phương pháp nào, khuynh hướng nào. Tinh thần hậu hiện đại được hấp thụ. Tôn trọng sự khác biệt vốn là linh hồn của nó. Cho nên, sự thoải mái trong lựa chọn những chiêu nghệ thuật riêng cũng như thử nghiệm những chiêu mới để thỏa mãn cá tính mình là nét phổ biến trong sáng tạo ở chặng này. Hệ quả và thành quả cuối cùng của cuộc đảo chính nghệ thuật là sự nổi loạn về ngôn ngữ. Thứ ngôn ngữ đơn sắc, đơn giọng, qui lát, đồng phục thời chiến tỏ ra nghèo, lũa trước thực tại đời thường. Một ngôn ngữ đa sắc, đa âm, đa tầng có khả năng sinh sự, gây hấn với những lối tiếp nhận quen mòn đã mang lại sức sống mới cho ngôn ngữ của thế hệ này. Chưa bao giờ ngôn ngữ văn học lại được làm mới với những khả năng biểu đạt bằng những góc cạnh đầy bất ngờ, được kết nối với ngôn ngữ của nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng như công nghệ khác mạnh tay như vậy.

Văn xuôi bao giờ cũng đi tiên phong. Sau những “bạo động” về thi pháp của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, thì văn xuôi ta đã không thể viết như trước. Cuộc bứt phá đa dạng và liên tục về thi pháp đã được châm ngòi. Người ta thấy những nỗ lực tự sự được tiếp ứng ở hàng loạt cây bút Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Trần Thùy Mai, Đỗ Phước Tiến, Trần Vũ, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Trần Trọng Vũ… Ta hiểu vì sao, các khuynh hướng văn chương của thế hệ này lại phong phú thế. Các lề lối kiến tạo thế giới nghệ thuật như tượng trưng, siêu thực, huyền ảo, kinh dị, viễn tưởng, dã sử/giả sử, cổ tích/giả cổ tích… được huy động. Các kĩ thuật tự sự hiện đại xâm nhập mạnh vào văn xuôi như đa dạng hóa ngôi kể, dịch chuyển điểm nhìn, tô đậm/tẩy trắng giọng điệu, kĩ thuật dòng ý thức, tảng băng trôi, kết cấu phân mảnh, đan xen bè mảng, lai ghép thể điệu, phi tâm hóa… Chưa bao giờ văn xuôi Việt Nam lại phong phú về cấu trúc, biến ảo về phương thức và cách thức trần thuật như vậy. Nhiều thể loại mới bùng nổ, và ngay trong những thể loại quen thuộc, thì hình thái thể loại cũng hoàn toàn khác trước.

Tuy sau một chút, nhưng thơ bao giờ cũng là người hoàn tất một cuộc đổi mới. Chừng nào thơ thay đổi thì văn học mới thực sự thay đổi. Khi Nguyễn Quang Thiều âm thầm tâm nguyện: “Tôi hát bài hát về cố hương tôi/ Khi tất cả đã ngủ say/ Dưới những vì sao ướt át… Góc vườn khuya cỏ thức một mình…” và lĩnh mệnh thơ canh giữ nỗi buồn thiêng: “Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi”, khi Dương Kiều Minh xác định điệu sống mới của thơ là ở những “Điều gì dào lên trong những hạt li ti”, ở “Màu xanh rưng rức dậy buồn”, và trước đó, khi Nguyễn Lương Ngọc dõng dạc tuyên bố nỗi dị ứng với cái cũ: “Khi mắt đã no nê/ Những quy tắc lên men/ Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật/ Có gì không ổn/ Có gì như bệnh tật/ Khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sĩ/ Anh không còn muốn nhìn những gì mình đã vẽ/ Chính nước mắt, hay máu tứa từ cái nhìn bền bỉ/ Đã cho anh chiếc lăng kính này đây” rồi quyết liệt tìm kiếm thi pháp mới “đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu”, thì xem như khuynh hướng thơ của thế hệ này đã được “bẻ ghi”.

Và thế rồi cuộc cách tân thơ loang rộng. Chưa bao giờ thơ Việt Nam lại dồi dào về lối kiến tạo thi ảnh và táo bạo về thi liệu cùng vật liệu đến như vậy. Chưa bao giờ các kĩ năng trữ tình tân kì hấp thụ từ cả Đông lẫn Tây được nhập tịch vào thơ rộng đường như thế. Nếu Nguyễn Lương Ngọc sắc sói lập thể, thì Dương Kiều Minh lại mê miết ấn tượng. Nguyễn Quang Thiều vạm vỡ với thứ thơ phồn thể, trường khí, phức cảm, thì Mai Văn Phấn gần đây lại tiết chế, kiệm kiệt với lối thơ giản thể. Nếu Trần Quang Quý tìm tới cái thô tháp cho sự trầm uất nương náu, thì Trần Hùng lại tìm tới cái tinh trong để gửi gắm nỗi xao xác. Nếu Inrasara hỗn dung nhiều chiêu tân kì từ thế giới đương đại, thì Y Phương, Dương Thuấn lại chuyên chú phục hưng nét truyền thống dân tộc mình. Trần Anh Thái, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh… thì tương tác với thi pháp thời chiến để làm mới. Đỗ Trọng Khơi, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ, Bùi Chí Vinh, Trương Nam Hương, Đoàn Thị Lam Luyến, Thu Nguyệt… lại tái hồi với cổ điển và dân gian để làm giàu. Trong khi Giáng Vân, Tuyết Nga, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh… tìm đến một tinh thần tượng trưng đương đại, thì Trương Đăng Dung, Nguyễn Đức Tùng, Trần Tuấn… lại tìm đến chất siêu thực đời mới; Đặng Huy Giang, Mai Quỳnh Nam, Phan Thị Vàng Anh lại gia tăng chất suy lí tân thời  v.v…

Cùng một tinh thần ấy, chưa bao giờ lí luận phê bình Việt Nam lại cập nhật các lí thuyết mới, các cách đọc mới và ứng dụng chúng linh hoạt đến thế để khảo tả, cảm luận các giá trị văn chương như vậy. Ta gặp nào thi pháp học, ngôn ngữ học, phân tâm học, văn hóa học, cấu trúc luận, nữ quyền luận, hậu thực dân luận, diễn ngôn luận, sinh thái luận… mỗi hướng đều có những công trình và gương mặt nổi lên. Không thể phủ nhận được rằng từ đầu chặng này, thi pháp học đã truyền vào phê bình nghiên cứu Việt Nam một nguồn sinh lực mới mà người truyền lửa là cây bút thuộc top 4x nhưng mãi đầu những năm 80 mới khởi bút: Trần Đình Sử. Cho đến nay nó vẫn là khuynh hướng nổi trội với hoạt động của những ngòi bút Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá, Nguyễn Bá Thành, Trần Khánh Thành, Lý Hoài Thu, Lưu Khánh Thơ, Bích Thu, Nguyễn Thị Bình, Phan Huy Dũng, Nguyễn Thành Thi, Mai Bá Ấn,… Khi những cây bút Phạm Xuân Nguyên, Huỳnh Như Phương, Lê Ngọc Trà kiên định lối tiếp cận mỹ học với một tinh thần mới, thì Đỗ Lai Thúy, Hồ Thế Hà mải mê với hướng phân tâm học; Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn cần mẫn với hướng triết mỹ và văn hóa… Lã Nguyên, Trương Đăng Dung, Trịnh Bá Đĩnh, Đào Duy Hiệp, Lê Huy Bắc, Đoàn Cầm Thi dường như lại đam mê với kí hiệu học và cấu trúc. Và dù hoạt động trong một phổ khá rộng, nhưng điểm tụ của ngòi bút Lại Nguyên Ân, Nguyễn Hữu Sơn vẫn là phê bình đậm chất khảo tả văn bản, còn Nguyễn Thị Minh Thái kết hợp hướng ấn tượng với báo chí, Nguyễn Thị Thanh Xuân lại nghiêng về cổ mẫu với lịch sử phê bình v.v …

Toàn bộ những bứt phá và chuyển động đồng loạt đó đã khiến văn học của thế hệ này luôn thách thức với thói quen thẩm mỹ chặng trước vốn quá trọng cái “thực”, chuộng cái “lạc”, say giọng “ngợi ca”, ưa sự “giản đơn”. Và, tất nhiên, lối đọc của chặng trước khó tránh khỏi nhiều lúc đã dị ứng, kì thị, thậm chí xung đột với hệ thẩm mỹ mới này. Điều đó âu cũng là bình thường đối với sự vận động thẩm mỹ trong đời sống tinh thần một dân tộc cũng như mọi dân tộc.

***

Cái nhìn khái lược và sơ lược trên đây chắc chắn chưa bao quát hết toàn cảnh chặng đường văn học cũng như gương mặt văn học của thế hệ sau 1975. Nhưng, đến đây, vẫn cần chung đúc.

Trên nét lớn, thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai ?

Họ là chủ thể cốt lõi của hệ thẩm mỹ hậu chiến. Với sự xuất hiện của họ, mẫu nhà văn chiến sĩ/cán bộ thời chiến đã nhường chỗ hoàn toàn cho mẫu nhà văn kẻ sĩ/trí giả hiện đại thời bình. Với sự xuất hiện của họ, một cách ứng xử mới với hiện thực lên ngôi: tinh thần ca ngợi hiện thực lu mờ bởi tinh thần tra vấn hiện thực, một cách ứng xử mới với ngòi bút được nhấn mạnh: ngòi bút không phải vũ khí cổ vũ tuyên truyền của cán bộ mà là công cụ đối thoại, thức tỉnh của trí giả, một quan hệ mới với người đọc được xác lập: không tuyên giáo, ru vỗ mà tương tác, tương tri. Với sự xuất hiện của họ, một tư duy thẩm mỹ khác thắng thế: tìm cái bất thường trong cái bình thường, một nhãn quan nhân sinh mới trỗi dậy: chủ nghĩa nhân bản, một chiều sâu mới của thực tại nhân sinh được đào bới: con người bản thể, một điệu cảm xúc mới được khơi nguồn: nỗi bất an thời bình, và một xu thế mở trong lối viết: tự do hóa thi pháp. Họ mới thực là chính chủ của chặng đường văn học sau 1975.

Với những thành quả sáng giá nhất trong chặng này, họ đã tạo nên một tầm vóc mới, một uy tín mới cho văn học nước nhà. Dù rằng, hệ giá trị được kiến tạo chưa phải đã hoàn tất và người đọc vẫn có quyền đòi hỏi họ nhiều hơn.

Bằng những tên tuổi nổi bật nhất, họ đã góp vào sơn hệ văn học nước nhà không ít những đỉnh cao. Dù rằng, vẫn còn những ngọn mà hôm nay chưa dễ nhìn ra đỉnh.

Bó đuốc trên tay họ đến nay vẫn không ngừng tỏa sáng. Dù rằng, trên đường chạy trường kì của lịch sử văn học nước nhà đã rậm rịch bước chân của lớp người sau.

Chu Văn Sơn

Kỳ 1

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy