Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai? (Kì 1)
VNTN - Với chủ đề nhận diện, đánh giá về diện mạo và thành tựu của thế hệ nhà văn Việt Nam (sáng tác; nghiên cứu - lý luận - phê bình; dịch thuật) cầm bút và trưởng thành từ sau 1975, Hội thảo khoa học quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975” do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức đã diễn ra vào ngày 28/4 vừa qua.
Đây là một hội thảo khoa học tầm vóc, công phu, thu hút hàng trăm tham luận của các nhà văn, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. VNTN trân trọng giới thiệu tham luận đề dẫn của TS. Chu Văn Sơn - Đại học Sư phạm Hà Nội.
Lịch sử văn học bao giờ cũng là cuộc chạy tiếp sức không mệt mỏi của các thế hệ văn học. Mỗi chặng lớn luôn có sự góp mặt của nhiều thế hệ khác nhau. Các thế hệ vừa có tiếp bước, song hành, vừa có đan xen, chuyển hóa trên hành trình văn học để kiến tạo nên hệ thẩm mỹ thời mình. Nhưng bao giờ vai trò chủ lực cũng thuộc về một thế hệ nào đó. Thế hệ ấy mới là chủ thể đích thực của chặng ấy. Phần cốt yếu của bức tranh văn học ở chặng đó được vẽ bởi ngòi bút của họ. Trong thế kỉ XX, ở ta, do những tác động của lịch sử và vận động của bản thân văn học, có thể thấy bốn chặng lớn, mỗi chặng nổi lên một thế hệ chủ lực: 1900 - 1945, thế hệ Hiện đại hóa; 1945 - 1954, thế hệ kháng Pháp; 1954 - 1975, thế hệ chống Mỹ(*); và sau 1975 là một thế hệ văn học mới, những người từng được gọi là “Thế hệ hậu chống Mỹ”, “Thế hệ Hậu chiến”, “Thế hệ Đổi mới”.v.v… Mỗi cách định danh ấy có cái lí riêng, cũng có phiến diện riêng. Ở đây, họ mang một cái tên giản dị: Thế hệ nhà văn sau 1975.
Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai ?
Chưa dễ trả lời câu hỏi này, nếu thiếu cái nhìn thích hợp. Ai cũng biết, sáng tạo vĩnh viễn là chuyện cá nhân. Nhưng, một thế hệ văn học không giản đơn là tổng số các cá nhân. Nhìn nhận một thế hệ văn học, bởi thế, cũng không phải là phép mô tả lần lượt từng người viết. Mà phải nhìn vào gương mặt nghệ thuật chung của cả một lớp người. Thêm nữa, việc này không thể bỏ qua ngoại lệ, nhưng căn cứ chính không thể là ngoại lệ.
Ảnh: Đ.K.C
Cũng chưa thể giải ngay được câu hỏi này, nếu chưa mở được ba cái nút vốn thắt buộc lẫn nhau: Thế nào là một chặng đường văn học? Thế nào là một hệ giá trị thẩm mỹ? Và sát sạt, thế nào là một thế hệ văn học?
Lịch sử văn học đồng hành nhưng không đồng nhất với lịch sử xã hội. Không phải chặng nào cũng có thể cắm chung một mốc giới. Về căn bản, một chặng đường văn học cần được xác lập dựa trên việc đã kiến tạo được hay chưa một hệ giá trị thẩm mỹ mới cùng một diện mạo mới cho nền văn học. Một chặng đường lớn phải là một hệ giá trị mới được kiến tạo với những khác biệt lớn so với chặng trước đó. Thông thường, khi hệ giá trị này đã hoàn mãn, phía sáng tạo đã bão hòa, phía tiếp nhận đã bội thực, thì một hệ giá trị mới tất sẽ ra đời. Một chặng đường văn học mới cũng theo đó mở ra. Nhờ nguồn sinh lực của hệ giá trị mới mà diện mạo mới của văn học dần đỏ da thắm thịt. Đồng thời, nhờ sức vóc và dung nhan của văn học mà hệ giá trị mới được tôn vinh. Về sau, hành trình văn học sẽ tiến dần vào khúc ngoặt để sang chặng mới, khi phía trước lấp ló một hệ giá trị khác kế tiếp. Chưa làm xong việc này nghĩa là một chặng đường hãy còn dang dở. Vì vậy, về bản chất, chặng đường văn học thực sự phải là quá trình vận động trọn vẹn của một hệ giá trị thẩm mỹ nào đó trong văn học.
Về hệ giá trị thẩm mỹ có thể có những quan niệm khác nhau. Tuy nhiên, dù khác thế nào, cuối cùng, vẫn gặp nhau trên những nét cơ bản. Cụ thể, một hệ giá trị thẩm mỹ phải được hiện hình qua cách ứng xử của một lớp người viết trong ba mối quan hệ: với hiện thực, với ngòi bút và với người đọc. Và, trong phần cốt lõi nhất, nó gồm một chuẩn mực đặc thù về cái đẹp, một điệu tình cảm thẩm mỹ nổi bật và một hệ thống thi pháp tương ứng. Hệ thẩm mỹ ấy được kiến tạo bằng cả phủ định và kế thừa đối với cái cũ, nhưng chủ yếu bằng thử nghiệm và sáng lập cái mới. Một chặng đường văn học thực sự phải là một tiến trình sống động trong đó hệ giá trị thẩm mỹ vừa được kiến tạo bởi thực tiễn sáng tạo vừa âm thầm kiến tạo nên chính thực tiễn đó. Nghĩa là, một hệ giá trị bao giờ cũng vừa là động lực vừa là sản phẩm của một chặng đường văn học.
Các đại biểu tham dự Hội thảo Nguồn: daidoanket.vn
Từ đó, có thể xác định: một thế hệ văn học thực sự phải là chủ thể cốt lõi của một chặng đường văn học. Đó là một lớp người cầm bút được kết nối bởi cùng một hệ giá trị chung của thời mình. Họ vừa là kẻ sản sinh lại vừa là con đẻ của hệ giá trị đó. Nhìn vào lực lượng cầm bút trong mỗi chặng đường lớn, người ta thấy một cơ cấu gồm ba lớp người được phân vai khá rõ, tạm gọi là lớp trước, lớp giữa và lớp sau. Lớp trước, vốn là chủ lực của chặng trước. Họ là đại diện cho một hệ giá trị đã lên ngôi và ngự trị giai đoạn trước đó. Có thể có người đến lúc này vẫn còn tỏa sáng. Thản hoặc, có người mãi khi này mới bừng sáng. Nhưng về căn bản, độ sung sức nhất trong ngòi bút của cả thế hệ đã ở sau lưng. Có thể có cá nhân tinh anh nào đó của lớp ấy còn tự phủ định, tự lột xác, tự dò đường để tiếp tục thắp sáng trong hệ giá trị mới. Nhưng cực hiếm. Và, dù sao, kí ức của hệ giá trị trước vẫn trầm tích sâu nặng trong sáng tác mới của họ. Bởi thế, họ vẫn là chính chủ của chặng trước dù kiêm khách VIP của chặng này. Còn lớp sau thì đã bắt đầu góp mặt và hăng hái đồng hành, hơn thế, có thể ít nhiều đã thành tựu. Nhưng, về căn bản, họ sẽ là nguồn lực của chặng sắp tới, những chồi mầm của hệ giá trị kế tiếp. Thành thử, chủ lực của một chặng đường văn học bao giờ cũng là lớp giữa. Họ là lớp người có sứ mạng chính trong việc kiến tạo, xác lập và hoàn thiện hệ giá trị của thời mình. Không lớp nào tranh chấp được với họ và họ cũng không thể đùn đẩy được cho lớp khác. Sáng tạo của họ vừa là chân dung tự họa riêng của thế hệ mình vừa quyết định đến gương mặt nghệ thuật chung của cả chặng. Nhìn vào từng cá nhân, có thể có trường hợp vượt khung, ngoại cỡ. Nhưng, nhìn chung, các cá nhân trên mỗi chặng thường thuộc về một trong ba lớp người như vậy. Đây là dạng phổ biến. Không phải lúc nào, ở đâu cũng nhất nhất như thế. Riêng thực tiễn văn học Việt Nam hiện đại thì khá chuẩn với mô hình chung đó.
*
Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai ?
Những đường viền đầu tiên của bức chân dung thế hệ, đương nhiên, phải là độ tuổi và thời điểm đầu quân. Trừ một ít ngoại lệ, về căn bản, một thế hệ phải có sự gần gũi nhau về độ tuổi. Nếu phổ tuổi của thế hệ Hiện đại hóa là +/- 1x, thế hệ kháng Pháp là +/- 2x, thế hệ chống Mỹ chủ yếu là 3x - 4x, thì thế hệ sau 1975, chủ yếu là 5x - 6x. Và, thế hệ này chỉ thực sự bước lên văn đàn từ sau 1975. Nói “thực sự”, vì ngoài phần đại thể, có thể có người đã cầm bút từ trước đó. Song, quãng trước, họ mới mon men, ngoại vi, chầu rìa, thậm chí, còn mờ, lạc. Phải sau 1975, họ mới đĩnh đạc cất tiếng.
Ở văn xuôi, họ là các cây bút Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Nhật Ánh, Phan Triều Hải, Nguyễn Trọng Tín, Đỗ Phước Tiến, Nguyễn Một, Trần Thùy Mai, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan, Dạ Ngân, Bích Ngân, Thu Trân, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Trần Vũ, Lê Minh Hà.v.v… Ở thơ là những gương mặt: Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Trần Quang Quý, Nguyễn Linh Khiếu, Trần Hùng, Inrasara, Dương Thuấn, Trương Đăng Dung, Trần Tiến Dũng, Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Đỗ Minh Tuấn, Đỗ Trọng Khơi, Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Chiến, Trần Hòa Bình, Phạm Công Trứ, Đặng Huy Giang, Mai Quỳnh Nam, Giáng Vân, Tuyết Nga, Lê Thị Kim, Thu Nguyệt, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Đức Tùng, Phan Nhiên Hạo.v.v… Ở lí luận phê bình là: Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá, Inrasara, Huỳnh Như Phương, Trương Đăng Dung, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn, Đoàn Cầm Thi, Trần Đăng Khoa, Trần Đăng Suyền, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Đào Duy Hiệp, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh, Phan Huy Dũng, Lê Huy Bắc, Nguyễn Thị Minh Thái, Lưu Khánh Thơ, Bích Thu, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lý Hoài Thu, Hồ Thế Hà, Lê Tiến Dũng, Hoàng Dũng, Vu Gia, Nguyễn Thành Thi, Mai Bá Ấn, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Hòa, Đông La.v.v… Và dịch thuật là: Phạm Xuân Nguyên, Trương Đăng Dung, Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiễn Cao Đăng, Nguyễn Đình Thành, Hữu Việt, Trương Hồng Quang.v.v… Bên cạnh đại thể đó, không thể bỏ qua những ngoại lệ. Ấy là những cây bút, về độ tuổi có thể thuộc 4x, nhưng thời điểm gia nhập văn đàn thực sự và khẳng định thành tựu thì lại sau chống Mỹ, thuộc hệ giá trị sau 1975. Trong thơ, là những Trúc Thông, Y Phương, Hoàng Hưng, Trần Quốc Thực, Dư Thị Hoàn, Hoàng Trần Cương…, trong văn xuôi là những Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn…, trong lý luận phê bình là Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, Lã Nguyên.v.v…
Với màn điểm danh còn đại khái như vậy, đã có thể khẳng định thế hệ nhà văn sau 1975 là một lực lượng đông đảo và hùng hậu, không phải chặng nào cũng có được.
Song, nghệ thuật là lĩnh vực của chất lượng. Làm nên gương mặt và tầm vóc của một thế hệ không phải là quân số. Điều cốt yếu phải là thành tựu. Thành tựu riêng bầu lên mỗi cá nhân, thành tựu chung bầu lên một lớp người. Bằng những thành tựu phong phú của mình, thế hệ nhà văn sau 1975 đã kiến tạo nên một hệ giá trị mới, đưa lịch sử văn học Việt Nam sang một chương/trang mới.
Đành rằng, một thế hệ nghệ thuật mới thường ra đời trong cuộc đối thoại liên tục và nhiều chiều với các nguồn ảnh hưởng khác nhau. Nhưng cuộc đối thoại quan trọng nhất vẫn là với chặng nghệ thuật ngay trước đó. Có tương tác với cả thế giới xung quanh đang chuyển mình sang tâm thức Hậu hiện đại, có tương tác với cả bộ phận văn học một thời bên kia chiến tuyến, nhưng hệ thẩm mỹ sau 1975 hình thành chủ yếu bởi cuộc đối thoại với hệ thẩm mỹ tiền nhiệm. Bởi thế, muốn hình dung rõ gương mặt nghệ thuật chặng này, không thể không điểm lại hệ mỹ học của chặng trước.
Nhận diện gương mặt văn học chống Mỹ, người ta đã quen với nhận định chính thống: đó là giai đoạn văn học của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn; và ngoài chính thống: giai đoạn văn học phải đạo, giai đoạn văn nghệ minh họa, văn học đồng phục, văn học của dàn đồng ca… Mỗi cách hình dung ấy đều có lí do riêng. Từ cách ứng xử với hiện thực, với ngòi bút và người đọc của thế hệ này, có thể gọi hệ mỹ học của văn học chống Mỹ là mỹ học thời chiến, với ba nét chính: chuẩn mực đặc thù của cái đẹp là cái phi thường, điệu tình cảm bao trùm là một chủ nghĩa lạc quan vô bờ bến và hệ thống thi pháp của nó xoay quanh chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Không hề khó hiểu, khi hệ thẩm mỹ ấy đã định đoạt toàn diện gương mặt nghệ thuật của thế hệ chống Mỹ. Từ 1945 đến 1975, đất nước lâm vào hai cuộc chiến tranh liên tiếp. Sự tồn vong của tổ quốc luôn được đặt lên hàng đầu. Lòng yêu nước của mọi công dân đều được kích hoạt quyết liệt. Dùng ngòi bút để cổ vũ tinh thần chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc là yêu cầu bức thiết của hoạt động tuyên truyền. Vì thế, văn học Việt Nam tất phải vận hành theo mỹ học thời chiến. Nó tất phải là mỹ học của cái phi thường. Chiến tranh là chuyện bất thường, hòng cướp đi đời sống bình thường của mỗi người dân. Muốn tồn tại, cần phải có một sức mạnh phi thường. Vì thế, hiện thực kháng chiến là một hiện thực phi thường. Trong hệ thẩm mỹ thời chiến, cái phi thường tất phải lên ngôi. Và nó có tên là chủ nghĩa anh hùng.
Xu hướng thẩm mỹ bao trùm của thời chiến là làm nổi bật cái phi thường/cái anh hùng. Âm hưởng chủ đạo tất phải là âm hưởng anh hùng ca. Phương cách làm nổi bật cái phi thường trùm lên tư duy thẩm mỹ cả thời đại ấy là: tìm cái bình thường trong cái bất thường, và bình thường hóa cái bất thường chính là sự phi thường. “Ra ngõ gặp anh hùng”, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”, “Thế đấy giữa chiến trường/ Nghe tiếng bom rất nhỏ”, “Tất cả như là trong báo động/ Tất cả như là trong báo yên”,… là cái tứ chung của cả thời đại, không chỉ ở riêng thi ca. Chúng ta hiểu vì sao ý thức hệ giai cấp lại thành khung tư tưởng chung của mọi người cầm bút chính thống, tư duy phân tuyến giản đơn ta - địch, với lược đồ: ta tốt - địch xấu, ta cao - địch thấp, ta sang - địch hèn, ta thắng - địch thua đã quy định cách mô tả mọi tình thế của hiện thực ấy. Ta cũng hiểu vì sao đó là chặng đường văn học của chủ nghĩa lạc quan vô bờ bến.
Thế giới tình cảm cảm xúc vốn vô cùng phong phú, nhưng lúc này, tựu trung, tất cả chỉ là các sắc thái khác nhau của cùng một tâm thế/ một điệu cảm xúc bao trùm: niềm bằng an thời chiến. Bằng an trở thành bản lĩnh, thành điệu sống tưới tắm cho mọi tiếng nói văn học. “Họ đã sống và chết/ giản dị và bình tâm”, “Tiếng hát át tiếng bom”, “Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc”, “Trong một góc vườn cháy khét lửa Na-pan/ Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc”... Và ta hiểu vì sao hệ thống thi pháp chủ yếu phải xoay quanh cái trục xuyên suốt là một phương pháp mà mỗi thao tác nghệ thuật của nó, dù phù phép thế nào, cuối cùng vẫn phải tạo ra hình ảnh một hiện thực tươi sáng, toàn hảo, ấy là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chặng đường văn học ấy dừng lại, khi thế hệ chống Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh kiến tạo hệ thẩm mỹ đó một cách vẻ vang. Họ là hình ảnh chuẩn của mẫu nhà văn chiến sĩ.
Sau 1975, đất nước trở lại hòa bình. Sau hai cuộc đụng độ biên giới, cuộc sống hoàn toàn trở lại bình thường. Mỹ học của cái phi thường tỏ ra không còn phù hợp. Nhưng quán tính của nó vẫn chưa hết lai rai câu giờ. Một số cây bút tinh anh của thế hệ chống Mỹ đã sớm nhận ra, họ muốn phủ định nó. Một số, sau những trăn trở dò đường, đã vật vã lột xác để thành người lữ hành của chặng mới. Với những thành tựu đáng giá, họ đã tạo tiền đề, đã khởi động cho những bước sau. Tất nhiên, do trầm tích của chặng trước nặng đè, thuộc hẳn về hệ thẩm mỹ mới là không dễ. Dầu vậy, hệ thẩm mỹ mới không thể không ơn huệ những cây bút lớp trước như Việt Phương, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Ý Nhi, Hữu Thỉnh.v.v… trong thơ, những Nguyễn Trọng Oánh, Thái Bá Lợi, Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu.v.v… trong văn xuôi, những Lê Đình Kỵ, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn.v.v... trong lí luận phê bình. Họ là chính chủ chặng trước, cũng là tiền nhân của chặng sau.
(*) Về mặt nào đó, hai chặng này cũng như hai thế hệ tương ứng có thể gộp làm một. Và trong thời kì này ở bên kia chiến tuyến cũng có những thế hệ văn học chưa gộp được vào đây.
Chu Văn Sơn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...