Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:34 (GMT +7)

Tháng ngày không thể lãng quên

VNTN - Cuộc gặp gỡ với nguyên Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ Nguyễn Sơn Oanh trong những ngày áp tết Kỷ Hợi là một trải nghiệm đặc biệt. Chúng tôi đã nói về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. 40 năm đã trôi qua, nhưng những ngày tháng là Chính trị viên Tiểu đoàn dân quân du kích huyện Đồng Hỷ, trực tiếp tham gia công tác xây dựng phòng tuyến tại tỉnh Lạng Sơn, với tinh thần sẵn sàng cho một thế trận lâu dài giành chủ quyền lãnh thổ, vẫn còn đậm in trong tâm trí ông.

Ở tuổi 81, tai vẫn thính, tư duy vẫn mạch lạc, dường như thời gian dù bốn mươi năm hay nhiều hơn thế nữa cũng không thể làm mờ phai những ngày mùa xuân lịch sử 1979 ấy. Khi đất nước lâm nguy, dù ở mặt trận nào, trực tiếp xông pha chiến đấu nơi bom rơi đạn lạc, hay ở nơi hậu cứ chuẩn bị tiềm lực, sẵn sàng tiếp sức chi viện, đều là nhiệm vụ cao cả và tự hào. Ông chậm rãi kể, như không muốn để sót một điều gì, dù là nhỏ nhặt…

Ông Nguyễn Sơn Oanh

Cuộc chiến chính thức nổ ra vào rạng sáng 17/2/1979, Bắc Kinh bất ngờ ồ ạt xua quân xâm lược biên giới trên địa bàn 6 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Ngày 5/3, chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh Tổng động viên toàn quốc. Tại tỉnh Bắc Thái (cũ), Quân khu I có chủ trương thành lập 2 trung đoàn chi viện các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Tỉnh đã thành lập Bộ Chỉ huy quân sự thống nhất Bắc Thái, thành phần gồm: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Công an, Sở Lương thực, Sở Lao động, Sở Thương nghiệp, Tỉnh Đoàn Bắc Thái; từ đó lập Ban chỉ huy chỉ đạo cuộc chiến đấu này. Huyện Đồng Hỷ biên chế tại Trung đoàn 2, cùng các đơn vị: Trường Sư phạm 10+3, Đại học Nông nghiệp, Đại học Y, Công ty Xây lắp. Khi đó, ông Oanh với tư cách là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Đồng Hỷ, đã được phân công làm Chính trị viên Tiểu đoàn dân quân du kích huyện Đồng Hỷ, gồm 5 đại đội, 1 trung đội với tổng số 470 người. Công việc chi viện gồm 3 nhiệm vụ chính là: xây dựng phòng tuyến quân sự; tăng cường lực lượng hỗ trợ Lạng Sơn; sẵn sàng bổ sung quân cho chủ lực nếu cần thiết.

Ngày 11/3/1979, 17 chuyến ô tô tải chở người và vũ khí của Tiểu đoàn lên đóng chốt tại Văn Mịch (xã Hồng Phong, Bình Gia, Lạng Sơn). Lên đến nơi đã 7 giờ tối, Tiểu đoàn tập trung vũ khí xuống sân của một lâm trường để sáng mai cấp phát. Ban chỉ huy phân công một tiểu đội mang khẩu súng máy lên đỉnh núi sát lâm trường để gác đề phòng. Sau khi mang súng lên tới điểm gác, các đồng chí dân quân táy máy thế nào mà để súng cướp cò, nổ một băng đạn. Tiểu đội ngay lập tức phát lệnh báo động vì nghĩ quân Trung Quốc tấn công. Suốt cả đêm hôm đó, nhiều người đã thức trắng. Lúc bấy giờ phía Trung Quốc vẫn còn đóng chốt ở huyện Tràng Định. Họ ra tuyên bố “sáng ăn cơm Bắc Kinh, chiều ăn cơm Hà Nội”, thế nên nhân dân đã di tản hết. Vườn không nhà trống, song các lực lượng quân sự của ta không được tùy ý vào ở nhà dân mà phải làm lán trại bên ngoài. Cảnh giác trước mọi tình huống nguy hại có thể xảy đến, ông và các đồng chí trong Ban chỉ huy chỉ đạo dân quân không được lấy nước trực tiếp dưới sông lên nấu ăn, sinh hoạt vì sợ bị đầu độc. Vì thế, lệnh cho mỗi đại đội khoét một cái giếng nhỏ gần bờ sông, dưới mỗi giếng phải thả vào 3 con cá, đến lấy nước mà thấy cá nổi là thôi.

Ở Văn Mịch được một tuần thì tiểu đoàn được lệnh rút ra đóng quân ở Tu Đồn (huyện Văn Quan). Nhiệm vụ xây dựng phòng tuyến tiếp tục được thực hiện, đội quân đào hào dọc núi từ Văn Quan đến Bắc Sơn, chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến tranh lâu dài. Lúc này, ông Oanh được Quân khu điều động lên làm Chính ủy Trung đoàn, nhưng vẫn kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn. Đảm trách hai nhiệm vụ, ông được phân công hai người làm công tác liên lạc và được tăng cường một người của Trường Sĩ quan Lục quân I, Bộ Quốc phòng, rất thông thạo sơ đồ, chiến lược phòng thủ. Hàng ngày cùng ông leo núi, gặp gỡ, trò chuyện động viên anh em dân quân. Ông cũng được Huyện đội trang bị cho một khẩu súng ngắn K59. Đêm ngủ luôn phải giữ súng trong người đề phòng thám báo của địch.

Thời điểm đó, tỉnh Bắc Thái có trách nhiệm chi viện lương thực, thực phẩm lên cho đơn vị. Nhưng được gần một tháng thì bất ngờ bị chậm lại. Cả tiểu đoàn báo cáo lên chỉ còn khoảng 5 ngày nữa là hết gạo, mọi người ai nấy đều rất lo lắng.

Ông Oanh viết thư tay cho liên lạc cấp tốc về báo với lãnh đạo tỉnh, đồng thời tiến hành họp bàn với Ban chỉ huy tiểu đoàn, lường đến tình huống xấu nhất có thể sẽ phải đi… lấy gạo ở Tràng Định. Từ Văn Quan sang đó khoảng 5km. Vì ông nghe trinh sát báo ở đó vẫn còn mấy kho gạo của ta; ban ngày quân Trung Quốc đóng ở thị trấn, nhưng tối thì rút lên căn cứ cách đó khoảng 3km. Với tinh thần đảng viên noi gương, ông Oanh triệu tập cuộc họp gồm 27 đảng viên của tiểu đoàn triển khai nhiệm vụ, quyết định nếu 2 ngày nữa không có lương thực chi viện lên thì tất cả (trong đó có ông) sẽ chủ động vào kho Tràng Định lấy gạo. Nhưng điều khiến ông buồn lòng là có nhiều người không đồng ý thực hiện nhiệm vụ. Với tư cách Chính trị viên, đồng thời phụ trách công tác Đảng, ông Oanh được quyền kết nạp và khai trừ đảng viên tại chỗ, ông đã họp Ban chỉ huy Tiểu đoàn, điện báo xin ý kiến Huyện ủy, nhất trí khai trừ ra khỏi Đảng những thành phần nhút nhát ấy. Mặc dù việc đi lấy gạo không diễn ra như dự kiến, bởi ngay sau đó chi viện đã đến kịp thời, song quyết định đó cho thấy một tinh thần thép của người Chính trị viên Nguyễn Sơn Oanh.

Tiểu đoàn dân quân du kích huyện Đồng Hỷ bám trụ xây dựng phòng tuyến biên giới đến khoảng đầu tháng 4/1979, thì Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3 chủ lực Bộ Quốc phòng rút từ mặt trận Campuchia và Lào về tăng cường cho các tuyến biên giới phía Bắc. Đơn vị của ông Oanh được lệnh của tỉnh tạm thời rút về, chỉ để lại 2 đại đội thường trực đóng ở xưởng 19/8 (xưởng trung đại tu xe cơ giới của của Bộ Lâm nghiệp) ở Khe Mo, Đồng Hỷ.

Tiến bước theo lệnh Tổng động viên, nhiều người trong Tiểu đoàn lần đầu xa nhà. Có 21 phụ nữ được biên chế vào một trung đội; những ngày đầu mới lên Văn Mịch ở trong lán trại, các cô ai nấy cứ đắp chăn thi thút khóc. Ông tìm đến trò chuyện, các cô bảo “thủ trưởng ơi, chúng em nhớ nhà lắm”. Ông phải động viên, dỗ dành như dỗ những đứa em trong nhà. Ông nhớ mãi cái ngày lên đường làm nhiệm vụ rẽ về qua nhà, thấy vợ và các cháu đang làm thịt lợn để bán và chuẩn bị tinh thần đi tản cư, thương lắm. Lên Lạng Sơn được một thời gian, ông nhận được thư và quà là 3 bao thuốc lá Tam Đảo của con trai Nguyễn Tiến Dũng gửi đến. Đọc thư con động viên mà rớm nước mắt.

40 năm đã qua, ông Oanh trải qua nhiều nhiệm vụ, là Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ liên tiếp 5 nhiệm kỳ từ năm 1984 đến lúc về hưu (1999). Trong căn nhà cấp bốn giản dị hòa cùng xanh tươi cây trái ở xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung, tuổi bát thập cổ lai hy, ông vẫn minh mẫn để trò chuyện, dạy bảo các con cháu, kể cho họ nghe về những năm tháng không bao giờ lãng quên ấy.

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước