Tết trên chiến hào biên giới 1979
VNTN - Ngay trước thềm năm mới 1979, tình hình biên giới phía Bắc đã diễn biến hết sức phức tạp. Các cấp chỉ huy nhận định và quán triệt: Nhiều khả năng nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ cho quân khiêu khích, gây hấn, xâm lấn biên giới, tạo cớ phát động chiến tranh xâm lược nước ta. Các đơn vị thuộc Sư đoàn 346 làm nhiệm vụ tại tỉnh Cao Bằng, nhận lệnh về vị trí trên các tuyến phòng thủ theo phương án tác chiến và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trung đoàn 677 của chúng tôi triển khai đội hình tại huyện Trà Lĩnh, một huyện có nhiều đồi núi trùng điệp, xen giữa những khu vực khá bằng phẳng, với nhiều bản làng nằm sát đường biên giới.
Để giữ bí mật quân sự, Trung đoàn 677 được gọi theo phiên hiệu: Đoàn Sông Cầu. Sở dĩ ban chỉ huy sư đoàn đặt tên như vậy bởi các chiến sỹ của trung đoàn đều là người Bắc Thái, phần lớn nhập ngũ tháng 8 năm 1978. Những người lính chúng tôi khi đó đều mười bảy, mười tám tuổi (thời đó tuổi thực và tuổi theo giấy khai sinh thường chênh lệch vì việc quản lý chưa nề nếp). Mặc dù chỉ được huấn luyện hơn ba tháng tại Ngân Sơn rồi hành quân bộ lên Cao Bằng, nhưng từ cấp trung đội trở lên đều do các cán bộ dày dạn kinh nghiệm trận mạc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chỉ huy, nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng.
Tôi được biên chế vào Tiểu đoàn 4 bộ binh. Tuyến phòng thủ của tiểu đoàn khá rộng gồm các điểm cao thuộc xã Cao Chương và xã Bản Ngoại. Dù còn khá lạ lẫm với phương án phòng thủ tác chiến trên điểm cao, tôi vẫn vui, bởi đồng đội nhiều người vốn cùng học, hoặc quen biết nhau từ nhỏ ở thành phố Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ, lại có một số anh bạn cùng trường cấp III Lương Ngọc Quyến. Bất cứ lúc nào gặp nhau cũng có thể ngẫu hứng đủ thứ chuyện.
Năm đó dường như mùa Xuân đến sớm. Núi rừng sáng bừng lên sắc xanh như ngọc. Làn nắng ấm áp vắt lên vai các cặp trai gái ríu rít bên nhau về chợ phiên. Trong làn sương nhẹ mỏng mảnh như tơ giăng khắp các triền núi, làng bản hiện lên đẹp như bức tranh thủy mặc. Bên các con đường nhỏ uốn lượn men dọc sườn dốc đá tai mèo, nhiều cây mắc cọt đã bật lên nụ hoa trắng như tuyết. Thi thoảng giữa màu trắng tinh khôi đó, nhiều cây đào cũng bắt đầu chúm chím những nụ hoa đỏ thắm. Ôm súng đứng gác trên chiến hào, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ về mẹ, về quê hương.
Càng những ngày giáp Tết, không khí củng cố hầm hào công sự, trận địa chiến đấu và vận chuyển vũ khí đạn dược về các chốt càng khẩn trương. Các căn nhà hầm âm dương (nhà nửa nổi nửa chìm trong đất) xếp đầy các thùng đạn đủ loại. Nhiều buổi tối chúng tôi vẫn phải tranh thủ đào khoét mở rộng thêm để lấy chỗ ăn ở sinh hoạt.
Suốt ngày gồng mình cõng hàng chục kg hàng trên lưng bám sườn dốc trên hai km lên chốt, tối về mình mẩy ai cũng đau ê ẩm. Đang tuổi ăn tuổi ngủ lại làm việc mệt mỏi, chỉ đặt lưng xuống sạp nứa là ngáy như kéo gỗ. Tuy nhiên, đến phiên trực chiến, chúng tôi vẫn nhanh chóng bật dậy ôm súng ra vị trí. Tiểu đội trưởng tếu táo nửa đùa nửa thật: “Đặc công ta nhiều bài học, chúng mày trực chiến mà ngủ gật, nó lẻn vào cắt tiết là xong phim”. Nhiều phiên trực buồn ngủ, tôi phải quờ lá cỏ lấy sương lạnh vã vào mắt.
Cách Tết năm ngày, các đơn vị trên chốt được bố trí ăn Tết trước, dịp Tết tập trung sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới. Tiêu chuẩn Tết khá “xôm”: Mỗi tiểu đội được phát 1 hộp mứt, 1 gói kẹo, 3 bao thuốc lá, 2 gói chè hương Bắc Thái và có cả 1 gói thuốc lào Tiên Lãng. Chúng tôi kê đặt các hòm đạn thành một bàn thờ và xếp cả lên chờ đón giao thừa.
Dũng nhà ở xã Đồng Bẩm vốn cũng biết võ vẽ nghề mộc, thấy có gói thuốc, chẳng rõ lỉnh ra xó xỉnh nào khoét được chiếc điếu cày, đẹp chả khác điếu bán ở chợ Thái, vừa đổ nước rít thử điếu đã kêu xoe xóe. Chưa từng hút thuốc lào bao giờ, thấy hay hay mấy cậu cũng vê thuốc nhét vào nõ điếu châm đóm hút, ít phút sau ai cũng say lử đử, có cậu say sùi cả bọt mép làm bọn tôi phát hoảng.
Bữa liên hoan Tết sớm của chúng tôi được đơn vị tổ chức chu đáo. Buổi chiều, tôi và một cậu bạn cầm rá vo gạo và chậu thau đi xuống anh nuôi lấy cơm như thường lệ. Không ngờ hôm đó anh nuôi chế biến thức ăn gồm các món: Thịt kho, thịt luộc, giò mỡ, hành củ muối, lòng lợn và rau cải xoong xào. Anh nuôi bắt chúng tôi quay về chốt lấy hăng - gô đựng thức ăn từng món riêng. Ngại leo dốc vì trời bất chợt đổ mưa phùn, tôi đáp cùn: “Anh cứ cho hết thức ăn vào chậu thau cho em, đằng nào nó cũng vào bụng cả. Nước đâu mà rửa nhiều dụng cụ...”. Cái “sáng kiến” của tôi mà bây giờ người ta gọi là món lẩu thập cẩm, được tất cả các tiểu đội chốt chờ lấy cơm hưởng ứng làm anh nuôi lắc đầu bó tay. Hàng ngày, chúng tôi phải cử người mang can nhựa đi hơn một cây số xuống chân đồi lấy nước phục vụ sinh hoạt, việc rửa bát đĩa cũng được tính toán cụ thể, sao cho bớt đi mồ hôi anh em, dù ăn Tết cũng thế.
Quây quần bên “mâm cỗ Tết” của tiểu đội, trong khi chờ mấy chiến sĩ tháo đạn giá súng, tiểu đội trưởng phanh cúc áo vừa gãi vừa ca cẩm: “Quái lạ, mình mới có chục ngày không tắm mà đã thấy ngưa ngứa”. Một cậu chêm vào: “Quê em trước khi ăn Tết bao giờ mẹ cũng đun nước giục đi tắm tất niên. Mai anh cho bọn em xuống suối tắm được không?”. Nghe đến tắm, tôi cũng chợt cảm thấy râm ran ngứa. Nhiều ngày nay luân phiên nhau trực chiến, củng cố trận địa và vận chuyển đạn được, chả ai nghĩ đến tắm giặt. Dưới chân chốt chỉ có lạch nước nhỏ, chúng tôi đã đào đắp thành một vũng chứa chỉ đủ dùng cho sinh hoạt của vài chốt kế cận, muốn tắm giặt phải đi xa hơn tới con suối cạn bên bản. Tiểu đội trưởng gật gù: “Thôi được rồi, sáng mai giao ban, tôi sẽ xin đại đội trưởng cho tụi mình đi tắm. Luân phiên thôi, một nửa trực chiến đi sau…”.
“Mâm cỗ Tết” của bọn tôi không có rượu và những lời chúc tụng, nhưng chúng tôi thật vui vẻ. Lần đầu tiên ăn Tết trong quân đội, lại ăn Tết trên điểm chốt dưới ánh đèn dầu, những câu chuyện tiếu lâm về Tết của đồng đội vỡ ra các trận cười rung sạp nứa. Khác với bữa cơm hàng ngày chỉ một loáng đã xong, chúng tôi ăn từ tốn như muốn hương vị Tết đầu tiên trên tuyến phòng thủ biên giới kéo dài mãi. Chúng tôi hiểu tình hình biên giới đang rất căng thẳng. Là người lính cầm súng nơi này để bảo vệ Tổ quốc, tức là đối mặt với kẻ thù và đối diện với cái chết. Ai biết được chiến sự có nổ ra nay mai hay không? Nếu có súng nổ, ắt có người phải ngã xuống. Vì vậy chúng tôi biết sống bên nhau chân thành như anh em ruột thịt. Gần cuối bữa, chúng tôi bắc hai chiếc hăng - gô đun nước pha gói chè hương và rót luôn ra bát vừa ăn chưa rửa của từng người để tiết kiệm nước. Tiểu đội trưởng bóc bao thuốc lá lấy trên ban thờ chia mỗi người một điếu. Anh em chúng tôi không ai nghiện thuốc lá, nhưng trong không khí vui vẻ ai cũng châm lửa hút, nhiều cậu ho sặc sụa.
Sáng ba mươi Tết trời chuyển rét đậm lại đổ mưa phùn. Đại đội báo động điểm danh quân số và triển khai diễn tập thực binh chiến thuật: “Vận động tiến công tiêu diệt mục tiêu hỏa lực địch”. Đang làm nhiệm vụ phòng ngự giữ chốt, lại chuyển trạng thái sang cơ động tiến công, dù chỉ là diễn tập và đã được huấn luyện kỹ, chúng tôi vẫn rất háo hức. Sau hai giờ luyện tập, ai nấy đều ướt lướt thướt. Để sưởi ấm cho bộ đội, cấp trên cho phép nhóm bếp lửa trong nhà âm dương trên các điểm chốt. Chúng tôi khoét vách tả luy, đục lỗ phía trên và đào rãnh cho khói chạy ngầm lan ra các bụi cậy phía xa. Bên bếp lửa đỏ rực, cả tiểu đội xúm xít hơ tay cho đỡ cóng và hong khô quần áo. Thấy quần đùi giăng mắc khắp nơi vì phơi nhiều ngày còn ẩm, tiểu đội trưởng yêu cầu mang luôn ra hơ cho khô và cất vào ba lô. Nhà trên chốt cũng là nhà. Gì chứ Tết nhất mà phơi phóng đồ lót tứ tung trông cũng chả có tý mỹ quan nào.
7 giờ tối, tiểu đội duy trì sinh hoạt văn hóa như thường lệ. Khi đóng quân trong doanh trại, các buổi sinh hoạt khi đó được tổ chức ở cấp đại đội và xếp hàng ngay ngắn. Tiểu đội chúng tôi quây quần bên bếp lửa vừa nói chuyện tào lao vừa nghe đọc báo. Gọi là đọc báo nhưng cả đại đội chỉ có một tờ, lại luân chuyển qua nhiều tiểu đội nên thời sự đã cũ. Chỉ chăm chú nghe đọc xong bài xã luận, chúng tôi chuyển sang phần văn nghệ. Tôi lấy cây đàn ghi ta đệm cho tiểu đội hát. Trình độ chơi đàn của tôi chả ra gì, vì còn đang học dở lớp ghi ta thì đi bộ đội, nhưng với tiểu đội không ai biết nốt nhạc nào, mọi người cho tôi là “siêu” lắm. Hát hết các bài theo quy định của quân đội, mấy người lấy đũa bát, xoong nồi thi nhau gõ và hát bất cứ bài nào thuộc. Thôi thì “hát hay, không bằng hay hát”, hát để đỡ nhớ nhà đêm ba mươi Tết cũng là cách hay.
10h đêm, tôi và hai chiến sỹ bước vào phiên trực chiến. Tôi cẩn thận kiểm tra bao đạn trước ngực và giắt bên mình mấy quả lựu đạn bước ra giao thông hào. Rét cắt da cắt thịt, cây súng buốt lạnh, ngọn cờ căng gió trên cao bay phần phật. Dưới thung lũng những bản làng yên bình chìm trong làn sương mờ đục. Thi thoảng ánh lửa le lói hắt lên từ gian bếp một nếp nhà sàn nào đó… Bất chợt có ánh đèn pin từ điểm chốt trước mặt rẽ sang. Chờ ánh đèn và mấy bóng người lại gần, tôi lên đạn, hô: “Đứng lại. Hồng Hà!” Một người nhanh nhảu đáp: “Cửu Long!”. Nghe đúng mật khẩu, tôi khóa đạn. Thì ra chính trị viên tiểu đoàn đi kiểm tra tình hình trực chiến đêm ba mươi Tết của các đơn vị trên chốt. Vỗ vai tôi ông ôn tồn: “Giờ này, bố mẹ và người thân chắc cũng rất nhớ và gửi gắm niềm tin vào chúng ta. Đừng phụ lòng tin ấy!”. Nghe lời căn dặn của người chỉ huy, nỗi nhớ nhà trào lên quặn xiết làm tôi phải mím môi để không bật lên tiếng nấc.
Giờ phút giao thừa, cả tiểu đội kéo nhau ra trận địa, vị trí cao nhất trên điểm chốt đón mừng năm mới. Lúc này bầu trời dường như sáng hẳn ra. Những dãy đồi núi trùng điệp hiện lên màu xanh sậm khảm khắc vào nền trời. Chúng tôi im lặng xiết chặt tay nhau, chỉ có tiếng súng bên mình va nòng sang khẩu súng người bên đang lạnh. Tôi rưng rưng nước mắt, cũng may trong đêm tối, không ai nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má của tôi. Nhập ngũ gần 5 tháng, đã được rèn luyện và đối mặt với nhiều vất vả khó khăn, nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi lại thấy mình yếu đuối đến thế!
Suốt đêm cả tiểu đội không ai chợp mắt. Những lá thư nhà được mọi người chuyền tay chụm đầu cùng đọc bên ngọn đèn dầu và bếp lửa. Tôi chưa có người yêu, nhưng có nhiều thư của các bạn gái cùng trường, lại có mấy cô bạn gửi kèm những bài thơ rất tình cảm viết về người lính, nên bỗng nhiên trở thành tâm điểm của các câu chuyện phiếm và cuộc bàn luận về yêu đương.
Sáng mùng một Tết, tiểu đội tiến hành nghi lễ chào cờ. Chúng tôi ôm súng đứng dưới giao thông hào hướng về lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Không đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam, chúng tôi tuyên thệ bằng chính trái tim mình và tiếp tục bước vào các phiên trực chiến...
Tôi không bao giờ có thể quên cái Tết trên chiến hào biên giới năm ấy, bởi chỉ ít ngày sau đó, mờ sáng 17/2/1979, đại bác của quân Trung Quốc trút bão lửa hàng giờ liền lên toàn bộ tuyến phòng thủ biên giới và các bản làng, chính thức mở cuộc tiến công xâm lược nước ta. Đạn pháo chưa dứt, xe tăng và bộ binh của địch đã tràn sang…
Tai chúng tôi ù đặc vì đạn pháo. Chúng tôi nhằm thẳng đội hình địch nghiến răng xiết cò súng. Chúng tôi găm lưỡi lê vào những tên địch liều mạng xông tới chiến hào, những ngọn lê bốc khói khi cắm lút vào người kẻ thù….
Hàng trăm chiến sỹ, những người vừa đón Tết trên chiến hào tuyến phòng thủ đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại trên mảnh đất huyện Trà Lĩnh. Một nửa tiểu đội, những người ngồi cùng “mâm cỗ Tết” với tôi, cũng gửi lại máu xương mình dưới cỏ.
Mỗi lần cúng gia tiên khi Tết đến Xuân về, tôi lại thắp nén hương bái vọng linh hồn những người đã ngã xuống. Trong hư ảo khói nhang, tôi như thấy hiện lên gương mặt đồng đội trên chiến hào năm ấy…!
Phan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...