Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
01:43 (GMT +7)

Tết ở quê

Ở quê tôi trước đây, hàng năm có ba cái tết to, đó là Tết Nguyên đán đón năm mới, Tết Độc lập vào ngày 2 tháng 9 (dương lịch) và Tết Trung thu vào Rằm tháng 8 (âm lịch).

Hội vật luôn thu hút đông đảo người xem trong dịp xuân về. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Hội vật luôn thu hút đông đảo người xem trong dịp xuân về. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

 

Cả làng sau kháng chiến chống Pháp phơi phới niềm vui. Nông thôn tưng bừng rạng rỡ, nhà nào cũng cờ hoa lộng lẫy đón Tết Nguyên đán và Tết Độc lập. Tranh cổ động của Lưu Công Nhân, của Tạ Thúc Bình: Nhà tranh bên gốc mít, Mây của ta trời thắm của ta của hai họa sỹ này treo kín hội quán, nơi hàng ngày lũ chúng tôi vẫn tụ tập ca hát. Tết Độc lập dần dần mai một khi đời sống kinh tế gặp khó khăn và chiến tranh chống Mỹ trở nên khốc liệt.  

Với văn hóa truyền thống thì Tết Nguyên đán là sâu đậm nhất, thiêng liêng nhất của tôi. Nhà nghèo quanh năm không được bữa ăn no nói gì đến thịt cá, bánh trái. Cha tôi đi kháng chiến vắng nhà nhưng dù thiếu thốn bao nhiêu thì mẹ cũng lo cho anh em tôi ăn cơm no 3 ngày Tết. Dù chỉ có 3 đến 5 lạng thịt lợn mua ở chợ Đò hoặc đụng chung với hàng xóm. Thịt lợn kho với măng hoặc với bí, hoặc dưa hấu non thái mỏng phơi khô nhưng thơm ngon mùi Tết theo suốt đời người.  

Ít năm nhà tôi có nổi 3 cái bánh chưng nhưng mẹ tôi vẫn nhớ sắp cho tôi cơi trầu và cái bánh chưng mang về góp tết nhà ông ngoại. Chiều 28 Tết năm nào cũng vậy, tôi là con trai trưởng trong nhà nên được mẹ giao trọng trách sang quê ngoại. Gió đông, rét run người lại mưa phùn lất phất bay không đủ ướt tấm áo nâu non mẹ mới may cho. Tôi sung sướng “tay xách, nách mang” vượt cầu Và, đi dọc theo bờ vũng Cố Quang rậm rạp những cây dứa dại âm u, xào xạc tiếng chim đói mồi nghe rợn người.

Men theo đường xe lửa là những bụi tre cao vút, đan kẹt nhau lơ phơ những dây hoa nhài dại hoa nở vào dịp này thơm mùi ma quái. Đi một mình cũng sờ sợ nhưng được về ông ngoại dịp tết là thích lắm nên tôi quên hết mọi thứ, chỉ nghĩ đến lát nữa thôi, đến nhà ông bà ngoại là được ông bà cho ăn, dù chưa phải là Tết nhưng bữa ăn tất niên sẽ có thịt, có cá.

Chỉ nghĩ đến thế là đã nuốt nước bọt rồi. Tôi xách cái bị lác rách như xơ mướp luồn lách qua đường xe lửa, trơ trơ khung sắt những toa tàu bị máy bay Pháp bắn cháy trong kháng chiến nay hoang tàn, đổ nát, đầy hoa cứt lợn mọc hoang, qua vườn mấy nhà ở xóm Kiều Hạ là rẽ xuống nhà ông ngoại… nghĩ đến ăn làm tôi quên hết mọi nghi ngại và nỗi sợ ma.

Ba mẹ con tôi ăn tết với nhau đơn chiếc, lầm lũi như vậy đã mấy năm rồi. Cha tôi chưa về. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ người ta về đông về tây nhưng cha tôi vẫn phải ở lại Thái Nguyên thêm mấy năm nữa để xây dựng Khu Gang thép.

Ngày Tết mẹ giao cho tôi gánh đầy chum nước là coi như hết nhiệm vụ, tôi tót đi chơi từ ngày 30 đến ngày thiên hạ hạ cây nêu thì tôi vẫn trốn nhà chưa về, có năm mẹ tôi phải đi tìm. Tìm làm sao được! Đói bụng tôi mới mò về lục lọi tìm cái đút miệng. Mẹ tôi vớ được, thấy tay bà cầm roi, tôi lại “lủi” ngay.

- Chắt! (là tên cúng cơm của tôi)

- Dạ.

- Mày đưa dạ về đây.

Thấy bà dứ dứ cái roi chứ chẳng đuổi theo, tôi nịnh khéo:

- Con đi nhà ông nội ăn Tết mẹ nhé. Thế là tôi tót đi luôn.  

Ngày Tết năm nào cũng có trò chơi. Ngoài đánh đu, bắt vịt... là cờ thẻ, cờ người, cờ tướng, đánh vật... Trò chơi nào cũng có thưởng cho người thắng cuộc. Giải thưởng không lớn, chai rượu chanh, rượu cam hay bao thuốc lá Sông Lam hoặc Trường Sơn do cửa hàng mua bán xã phân phối nhưng ai cũng quý ở giá trị tinh thần.

Tết năm nào làng cũng tổ chức chơi đu ngoài cửa Đền Vạn. Bốn cây tre to tướng được các anh thanh niên làng Vạn chài trồng chắc chắn, trên ngọn có cắm lá cờ đỏ bay phần phật. Cái dóng đu bằng hai cây hóp đến thì bánh tẻ, gắn với bàn đạp trông rất điệu nghệ.

Từng đôi, từng đôi, một anh một chị nam thanh nữ tú lên đánh đu. Dóng đu cao dần, nhanh dần, bay cao ngang với ròng rọc. Lúc ấy, cả hai người không nhún chân nữa để giảm dần tốc độ. Đôi nào nhún chân đẹp nhất, đu bay cao nhất thì trúng giải. Giải thưởng là gói trà Hồng Đào với cái khăn mùi xoa và cuốn sổ tay có con chim hòa bình giang đôi cánh rộng.

 Tôi nhớ mãi năm ấy anh Hưng là huynh trưởng Đội thiếu niên của chúng tôi cùng đu với một chị xinh nhất làng. Hai anh chị nhún đu thành thục, đến khi "Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Đôi hàng chân ngọc duỗi song song" thì sự cố xảy ra. Dây rút quần anh Hưng bị tụt. Hồi ấy làm gì có quần Âu với thắt lưng. Thanh niên ai cũng mặc quần đũng què có dây rút, áo cổ bẻ gọi là cổ lấp lé, túi áo ngực có cái khăn mùi xoa gấp nếp để thò một góc ra ngoài làm điệu.

Đánh đu (đu tiên) là một trong những trò chơi truyền thống phổ biến trong các lễ hội mùa xuân. Ảnh minh họa
Đánh đu (đu tiên) là một trong những trò chơi truyền thống phổ biến trong các lễ hội mùa xuân. Ảnh minh họa: V.T

Hoảng quá, ai cũng vừa lo lắng, vừa buồn cười. Chỉ sợ anh luống cuống hoặc chị ngượng mà tuột tay thì có mà… Trời xuân lất phất mưa bay, cả xóm nín thở nhìn anh chị. Anh Hưng bình tĩnh lại, cầm tay chị bạn thật chặt, mặt ngước lên nhìn trời, lặng lẽ chờ dóng đu chậm lại đến khi dừng hẳn. Anh ôm ngang lưng chị, đỡ chị và nhảy xống đất. Chị bạn đã ngất đi vì sợ trong tiếng reo hò của cả làng. Anh chị không phải là đôi bay đu cao nhất nhưng Tết năm ấy anh chị cũng được nhận giải thưởng của làng.

Tết phần nhiều là trời rét nhưng cũng có năm nắng ấm. Năm nào như vậy là làng tôi lại có thêm những trò chơi khác vui đón xuân mới. Kéo co, đánh vật, bịt mắt bắt vịt… trong đó thích nhất là trò bò cây chuối bắt vịt có thưởng. Năm nào có trò này là Vũng Đền Vạn lại náo động hẳn lên. Tiếng trống ngũ liên dồn dập xen lẫn tiếng pháo nổ giòn từng tràng dài không dứt. Người đông như kiến, quây quần thành đám hò reo quanh vũng, xéo nát cả những đám nương vừa gieo ngô, gieo lạc chưa kịp mọc mầm.

Mép bờ vũng sát phía đường xe lửa nước sâu, người ta trồng hai cọc tre bắc chéo nhau làm trụ. Phía mặt nước cách trụ chừng 4 - 5 mét cũng trồng một cột tre như vậy, rồi bắc lên đó một cây chuối thật to và dài. Như vậy, gần bờ tương đối vững nhưng ngoài xa, đằng ngọn cây chuối khi có người đứng lên là vật vờ, ngóc lên ngóc xuống, cực kỳ khó bám, khó bò.

Thường là chọn cây chuối sứ bởi giống chuối sứ có cây cao đến 6 - 7 mét. Quả chín vẫn chát òm ăn không được, người ta trồng chỉ để lấy lá gói bánh chưng ngày tết và thân cây thái mỏng nấu cho lợn ăn. Cây chuối trở thành cây cầu trơn tuột, bóng nhẫy. Ngoài cùng người ta buộc hai con vịt rõ to, buộc lỏng thôi để hễ ai đụng tới là chúng nó bay được.

Người chơi có thể mặc hoặc cởi áo quần dài tùy ý, ghi tên chờ đến lượt. Nghe gọi tên mình vào đứng ở ngay cột trụ. Một tiếng trống hoặc tiếng còi vang lên là tuyển thủ bò trên thân cây chuối, đi bằng hai chân hoặc bò thêm hai tay thì tùy. Cách gì thì cũng chỉ chừng 4 - 5 mét, đến cột trụ thứ hai là ngã bởi bẹ chuối rất trơn, tuyển thủ không có tay vịn vào đâu nên bò được một đoạn là chới với rơi xuống nước.

Đến lượt tôi. Trước tôi đã có 3 anh lớn tuổi hùng hổ bước lên trụ nhưng lên được cầu chuối, chỉ bò được vài mét là rơi tòm xuống nước, bởi các anh to béo, tay chân khệnh khạng, không biết bò. Quần áo ướt hết, rét run cầm cập, hai hàm răng va vào nhau ken két, các anh phải lên bờ ôm lấy đống lửa sưởi ấm. Các o, các chị cười chế giễu nổ trời.

Tôi đứng nhìn cây chuối trơn nhẫy mà ngao ngán. Tôi quyết định cởi bỏ quần áo ngoài, nghĩ rằng áp bụng mình vào thân cây chuối, hai tay ôm lấy thân chuối mà lết dần chứ không bò, nên chắc không ngã. Tôi làm đúng như vậy. Tôi còn bé, nhẹ cân chứ không như các anh trước tôi. Cứ vậy, trong tiếng reo hò của người xem, tôi nhích dần ra được đến tận mút cây chuối. Sắp đến nơi, tôi ngừng lại để thở, áng chừng tay với tới nơi buộc hai con vịt đang kêu quàng quạc, tôi vồ tới, cây chuối bị lực đè của tôi nẩy lên, hất tôi và cả hai con vịt rơi tòm xuống nước. Tôi chìm nghỉm còn vịt thì bay loạn xạ rồi bơi lung tung, tôi không làm sao bắt được chúng. Bơi đuổi theo chúng đến mệt lả, có khi tưởng vồ được thì chúng lại lặn mất tăm. Đành chịu, tôi lóp ngóp lên bờ trong tiếng reo hò của người đi xem hội.

Trò chơi đi cầu khỉ ngày nay. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Trò chơi đi cầu khỉ ngày nay. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Tuy không bắt được vịt nhưng dù sao thì tôi cũng là người bò ra được tận ngọn cây chuối nên ban tổ chức cũng trao giải thưởng cho tôi. Phần thưởng là chiếc khăn quàng bằng sợi do các chị thanh niên đan và 3 quyển vở Trung Quốc giấy trắng tinh. Ấy là lần đầu tiên trong đời mình được giải thưởng.

Tôi mê xem đánh cờ tướng. Tết nào có đám cờ tướng là tôi lại sà vào, dù mù tịt môn này, trình độ chỉ đủ nhận mặt quân tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt và cách đi của từng con, nhưng để suy ngẫm từng bước đi thì chịu. Đó là nói chơi cờ ở bàn, nói gì đến chơi cờ thẻ.

Bàn cờ thẻ được kẻ trên mặt sân Đình Làng Trung, con cờ là thẻ tre cao đến mặt người, trên thẻ có gắn tấm bìa viết tên con cờ. Hai địch thủ đánh cờ vào sân phải bao quát được toàn bộ sân và nhấc từng thẻ mà đánh. Chưa nói "Cờ ngoài bài trong", những người ngu cờ như mình cũng chõ mồm mách nước, nghe đinh tai nhức óc. Cờ người thì chỉ thêm vào một loạt ghế ở mỗi chân thẻ và các trai thanh gái lịch áo quần sặc sỡ ngồi vào ghế, tay cầm lấy thẻ cờ. Mà không phải ai muốn cũng được ngồi vào những ghế này đâu. Nhất là ghế tướng, phải được bình chọn. Trai gái chưa lấy vợ lấy chồng, đạo đức không tỳ vết, khỏe mạnh lại phải xinh gái, đẹp trai. Cả làng mới chọn được vài đôi như thế.

Sân đình những ngày Tết vui nhộn nhịp tưng bừng cờ hoa, là nơi bọn trẻ chúng tôi chơi đáo, chơi kéo co, chơi vật, đánh khăng đến chơi ù. Tối đến, suốt mấy đêm liền là văn nghệ, kịch, múa hát đến tuồng chèo. Đặc biệt, các làng lân cận cũng đưa các đội văn nghệ đến góp vui mừng xuân mới.

Nổi bật nhất là Đoàn kịch của làng Kiều Hạ. Đoàn kịch gồm nhiều diễn viên nghiệp dư nhưng ai cũng say mê, nhiệt tình. Đoàn có bộ gõ đầy đủ, có bộ dây không thiếu loại đàn nào, có phông màn sặc sỡ, có đèn bão, đèn măng - xông thắp sáng trưng những đêm biểu diễn. Đoàn diễn kịch nói, diễn tuồng, diễn chèo (kể cũng tài), cả múa quạt, nhảy “Sạp” của đồng bào Tây Bắc do những người lính từ Điện Biên Phủ phục viên mang về, diễn các vở tuồng “Tống Trân Cúc Hoa”, “Trưng Trắc”, “Ngọn đèn Khương Linh Tá”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”,“ Kim Vân Kiều”… Bên cạnh đình là hội quán. Đêm Tết nào hội quán cũng vang vang tiếng hát.   

Đó là những cái Tết nhờ có Hợp tác xã mà hậu phương yên ổn, làm yên tâm những người ra mặt trận. Làng xóm bình yên, không trộm cắp mại dâm, không hút xách, nghiện ngập. Bộ đội, thanh niên xung phong ra hỏa tuyến có cha mẹ già yếu, có con thơ dại đã có Hợp tác xã nuôi. Học sinh đi học không phải đóng học phí, nhà có người ra trận, Tết đến được bà con hàng xóm, đội thiếu niên đến gói bánh, quét dọn nhà cửa đón xuân, giúp đỡ việc nhà.

Cả làng quê vui Tết đến ngày hạ cây nêu (mùng 6 tháng Giêng), tạm dừng lại để ra đồng làm lễ “Tịch điền” rồi náo nức chuẩn bị cho Tết Thanh minh khi “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”…

Lê Thị Hạnh Liên

2 đã tặng

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy