Tết Nguyên đán của người Sán Chay
Trong kho tàng Văn hóa các dân tộc, nền văn hóa lâu đời đậm đà bản sắc của người Sán Chay đã hòa cùng dòng chảy văn hóa Việt, được phản ánh qua hệ thống, phong tục, tín ngưỡng, các ngày tết, lễ hội… Ở Thái Nguyên, người Sán Chay đón Tết Nguyên đán và những ngày tết trong năm như một minh chứng trong dòng chảy văn hóa đó. Đây là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong văn hóa nông nghiệp, trong mối quan hệ gia tộc và xóm làng, trong tính cộng đồng dân tộc và là để củng cố niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh.
Tết Nguyên đán là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật, cỏ cây, hoa lá. Có ý nhĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn cuộc sống, khao khát của người Sán Chay về sự hài hòa giữa “Thiên - Địa - Nhân”. Khoảng thời gian này cũng là dịp để gia đình, họ hàng, thông gia, làng xóm, người thân sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, tri ân ông bà tổ tiên và cầu chúc cho nhau những điều tốt lành.
Theo phong tục từ ngày 28/12 âm lịch đến ngày 30 Tết, người Sán Chay sắm sửa, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Từ mỗi sáng sớm việc vệ sinh nhà cửa và đồ dùng trong nhà được mọi thành viên trong gia đình thực hiện rất khẩn trương, sau đó là việc trang hoàng sắp đặt bàn thờ tổ tiên vào hôm 30 Tết.
Vào mỗi buổi tối, người Sán Chay đều có tục lệ thắp hương lên bàn thờ để mời tổ tiên về nhà cùng ăn Tết Nguyên đán. Họ còn duy trì tục dán những mảnh giấy đỏ lên những nơi quan trọng như ngõ vào nhà, cửa ra vào, cửa buồng, ban thờ tổ tiên, chuồng trại chăn nuôi, hay các dụng cụ dùng canh tác nông nghiệp... nhằm báo hiệu Tết đã về. Họ quan niệm các đồ vật này cũng được nghỉ ngơi như con người sau một năm làm lụng vất vả…”.
Những ngày này, mỗi gia đình đều bận rộn làm các loại bánh chưng (ét kéo), bánh giầy (ét khây), bánh khảo (ét cao), bánh rán, bỏng, bánh chim gâu… các loại bánh này không chỉ để cúng, ăn trong những ngày Tết mà còn làm quà biếu để đi lễ Tết họ hàng nội, ngoại khi đến chơi nhà và khi đi thăm Tết lẫn nhau. Họ tập trung giúp nhau thịt lợn, mổ gà, chế biến các món ăn truyền thống của ngày Tết gồm thịt treo, lạp sườn, các loại giò mộc nhĩ, nấm hương, xương ninh măng… để cúng lễ và ăn Tết.
Vào chiều 30 Tết, mỗi gia đình đều chuẩn bị mâm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Mâm cỗ Tết của người Sán Chay thường rất bài bản theo đúng nét cổ truyền của dân tộc. Bàn thờ tổ tiên của người Sán Chay thường được chia làm hai tầng, tầng trên là nơi trang trọng nhất để thờ các cụ tổ, được thờ chay bằng bánh trái, hoa quả, rượu… bên dưới là bàn thờ các cụ dưới 5 đời và đồ cúng gồm các thức ăn mặn. Tùy theo từng dòng họ mà mâm cơm dâng lên tổ tiên ngày 30 Tết cũng có những hình thức khác nhau nhưng đầy đủ, trọn vẹn nhất, điểm chung trên mâm cỗ thường là có gà luộc nguyên con, bánh chưng, thịt lợn luộc hoặc quay nguyên miếng, cá nguyên con, lạp sườn, bát miến, khau nhục. Nếu gia đình nào thịt lợn ăn Tết, còn có nguyên cả chiếc thủ lợn để dâng cúng. Tất cả đồ cúng đều được nấu chín bày cùng các loại bánh trái, rượu, hương vàng đã chuẩn bị từ trước. Số lượng bát, chén rượu dâng lên tổ tiên đã khuất trong mâm cúng các ngày thì tuỳ theo mỗi gia đình để dâng cúng.
Khi thắp hương cúng tổ tiên người đứng đầu gia chủ khấn mời các vị tổ tiên các đời về ăn Tết. Họ báo cáo những thành tích đạt được trong năm cũ, và những kế hoạch dự định cho năm mới. Ở đó họ mong tổ tiên dòng họ bỏ qua những lỗi lầm, những mâu thuẫn của gia đình, dòng họ mắc phải trong năm cũ và luôn cầu mong tổ tiên luôn ở bên cạnh họ phù hộ có cuộc sống bình an, gia đình hạnh phúc, mùa màng bội thu, sinh sôi, nảy nở và phát triển. Lần lượt sau đó các thành viên nam trong gia đình mỗi người sẽ rót rượu thắp hương khẩn mời tổ tiên với những lời tốt đẹp nhất cho mình trước khi bước sang năm mới.
Khi nén hương cháy khoảng 3/4, gia chủ thực hiện nghi thức hóa vàng. Những chén rượu cúng trên mâm cỗ được chia cho các thành viên trong gia đình gọi là thụ lộc tổ tiên ban phát những điềm may, điềm lành trước khi năm mới sang. Lúc này cả gia đình cùng nhau ăn bữa cơm tất niên, họ chúc tụng nhau với lời hay, ý đẹp trong niềm hân hoan phấn khởi. Vào đêm 30 rạng sáng mùng một Tết, mỗi gia đình Sán Chay thường sắp lễ để cúng tổ tiên “Bàn ham”, báo cáo với tổ tiên giao thời giữa năm cũ và năm mới đã điểm, và cúng, ban phát cho các ma vất vưởng được ăn Tết, để các loại ma đó không gây hại cho mọi người trong năm mới.
Sáng mùng một Tết, các gia đình đều dậy sớm từ lúc gà gáy, để đi lấy nước ở nguồn nước chung của làng, hoặc sông, suối nơi có nguồn nước trong, tinh khiết nhất. Người Sán Chay là cư dân nông nghiệp, họ quan niệm nước là sự sống cho muôn loài, nước là điềm may mắn đầu tiên cho năm mới… họ cho rằng lấy nước buổi sáng ngày mùng một Tết chính là nước do nước rồng ban, nên càng đi lấy sớm nước càng trong, càng tinh khiết thì gia đình trong năm mới làm ăn càng may mắn…, do đó khi đi lấy nước họ thường mang theo một thẻ hương cầu khấn thần sông, suối, thần nước cho xin nước rồng và phù hộ dân làng có đủ nước ăn, cho cây trồng, mùa màng tươi tốt. Nghi lễ lấy nước người Sán Chay gọi là: “Sắn sui chờ lợn/ hai dốt hai tăn”. Người Sán Chay (nhóm Cao Lan) trước khi lấy nước thường dùng một cọng hành, hút nước suối vào mồm súc miệng 3 lần sau đó lẩm nhẩm đọc:
“Hai dốt hai tăn/ Háy lục lan au thông manh, mểnh lểnh pây lan”.
Nghĩa là: “Bán dốt, bán ngu/ Xin cho con cháu được đem thông minh, may mắn về”.
Khi lấy nước về, người ta thường cắm cành ổi vào chỗ đựng nước với quan niệm cho rằng cành ổi sẽ trừ được tà ma, sâu bệnh không phá hoại mùa màng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Sáng mồng một Tết, người Sán Chay thường kiêng không ăn trước 12 giờ trưa, họ cho rằng tổ tiên vẫn còn nghỉ ngơi chưa thức giấc nên không được đánh động tổ tiên dậy. Sau 12 giờ trưa các gia đình mới làm cơm để cúng và ăn bữa cơm đầu năm mới. Xưa người Sán Chay quan niệm: Ngày mùng một Tết là Tết của tổ tiên, tất cả những may mắn của năm mới đều do tổ tiên mang lại, nên ngày mùng một Tết hầu hết các thành viên trong gia đình đều ở nhà phục vụ cho việc thắp hương cúng lễ tổ tiên.
Người Sán Chay có những điều kiêng là không quét nhà vào buổi sáng với quan niệm là quét lộc do tổ tiên ban đi mất; kiêng không tắm rửa vào hôm mùng một, họ cho rằng như vậy là mất lộc trong cả năm. Họ còn có những điều kiêng kị như ngày mùng một Tết không đến chơi chúc Tết hàng xóm, láng giềng, có chăng chỉ anh em ruột thịt đến thăm nhau. Họ sợ những điều xui xẻo mà bản thân mình đem đến cho gia đình người khác và cũng như người khác đem đến cho gia đình mình, nhất là khi gia đình nào đang có tang trong năm cũ. Ngày nay đời sống văn hóa mới được nâng lên những quan niệm và kiêng kị này chỉ còn là mờ nhạt.
Ở mỗi làng bản người Sán Chay thường có một nơi thờ thổ công chung đó là miếu thờ hoặc đình làng của cả cộng đồng. Miếu thờ thổ công hoặc đình làng thường được đặt ở vị trí trung tâm của làng, hoặc trước cổng vào làng, nơi có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát. Vào dịp Tết Nguyên đán, theo quy ước trong cộng đồng, buổi sáng mùng 2 Tết, các gia đình tổ chức lễ làng (pây việc làng/ hối thâu lộn). Tại miếu thờ hoặc đình làng, già làng cùng các bậc cao niên trong làng làm mâm cỗ thịnh soạn để cúng lễ thổ thần. Các gia đình trong bản làng sắm sửa lễ vật đem đến dâng cúng thổ thần làng (thâu lộn/ săn long).
Lễ vật cúng thổ thần làng của từng gia đình thường là một con gà hay một miếng thịt lợn, bánh chưng, rượu, muối, cùng hoa quả, vàng hương. Ở miếu thờ của làng mọi người cùng nhau sắp cỗ cúng, già làng và thầy cúng thường đến sớm hơn để đặt mâm lễ chính tại nơi trang trọng nhất của miếu thờ, lễ vật của các gia đình trong thôn bản sẽ được sắp xếp thứ tự xung quanh và phía bên ngoài . Khi bày biện xong đại diện các gia đình lui ra ngồi bên ngoài sân miếu.
Khi thực hiện nghi lễ, thầy cúng bái lạy trước bàn hương thổ công, đọc nội dung của bài cúng Nôm - Sán Chay, với mục đích cầu khấn thổ thần phù hộ cho dân làng, gia đình luôn khoẻ mạnh, cầu cho nuôi gia súc, gia cầm vạn vật trong một năm tứ quý bình an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, lúa tốt bằng vai, khoai tốt bằng đầu, các gia đình gặp nhiều may mắn trong cuộc sống… Sau khi khấn xong, thầy cúng xin âm dương nếu thổ thần đồng ý nhận lễ, đại diện các gia đình vào bên trong miếu thắp hương cùng nhau khấn bái với những lời hay ý đẹp cho gia đình mình.
Khi hết tuần hương, thầy cúng thực hiện nghi lễ kết thúc, các gia đình thu các đồ lễ, họ cùng nhau trải chiếu bày các mâm lễ cúng, tập trung cùng ngồi ăn uống tại sân miếu. Trong chén rượu và câu chuyện đầu năm, họ chúc tụng nhau với những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau. Cùng nhau bỏ qua những mẫu thuẫn của năm cũ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, động viên mọi người giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Cũng từ ngày mùng 2 trở đi đến hết ngày mùng 4 Tết, các gia đình thường tổ chức đi chơi, thăm hỏi chúc Tết họ hàng nội ngoại, thăm hỏi thông gia. Những đôi vợ chồng trẻ thì chuẩn bị lễ vật đi lễ bố mẹ vợ và ông bà mối xe duyên cho mình.
Xưa người Sán Chay có tập quán ăn Tết Nguyên đán từ ngày 30/12 tháng Chạp đến hết ngày 15 tháng Giêng năm sau mới hóa vàng hết Tết. Ngày nay, đồng bào thường ăn Tết hết ngày mùng 4 âm lịch. Trước đây người Sán Chay thường làm lễ mở cửa rừng trong khoảng thời gian từ ngày mùng 4 tháng Giêng đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm, tùy theo thầy cúng xem được ngày tốt thì mới tổ chức mở cửa rừng.
Kể từ ngày mùng 2 Tết trở đi cho đến giữa tháng Giêng, nam nữ thanh niên thường tổ chức hát “sình ca/ soóng cọ”. Sình ca của người Sán Chay là lối hát đối đáp giữa nam và nữ gần giống quan họ của người Việt, hát sli của người Nùng… Họ hát cả ngày lẫn đêm giữa các bản làng có người Sán Chay sinh sống. Trong những ngày xuân họ còn tổ chức múa “Tắc Xình”, điệu múa dân gian này được đồng bào múa trong lễ cầu mùa vào mùa xuân. Tham gia vui chơi với các trò chơi dân gian dân tộc như: Đánh yến (tệch zởng); Đánh quay (tệch khẳng); Trò trèo chuối (pèn cói)… Không khí mùa xuân của người Sán Chay diễn ra thật vui tươi và đầm ấm.
Châm Nhật Tân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...