Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:47 (GMT +7)

Tắc Xình và hành trình “vươn mình”

VNTN - Bằng công sức, tâm huyết của bao người ở hai huyện Đại Từ và Phú Lương, Tắc Xình - vũ điệu dân gian hơn 900 tuổi của đồng bào dân tộc Sán Chay đã được “đánh thức”, đưa ra sân khấu biểu diễn, đặc biệt được gìn giữ, phát triển và công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 


Nơi đầu tiên đưa Tắc Xình bước ra sân khấu

Mỗi lần xuất hiện, Tắc Xình luôn gây được ấn tượng mạnh, niềm thích thú đối với khán giả. Câu hỏi “Ai, nơi nào đã đưa điệu dân vũ đặc sắc này lần đầu tiên bước ra sân khấu biểu diễn, đến với công chúng thưởng thức?” cứ thắc thỏm trong tôi.

Qua lời giới thiệu, tôi tìm đến ông Nguyễn Đức Nghị (67 tuổi), người được cho là nhân chứng sống có thể cho tôi câu trả lời. Vừa đặt vấn đề, ông đã bắt ngay vào mạch kể rành rọt và say sưa cứ như chuyện mới chỉ hôm qua, dù chớp mắt đã hơn 30 năm. Ông bảo: “Thời gian thì không nhớ chính xác, nhưng chuyện thì không thể quên”.

Theo lời ông, khoảng năm 1986, ông Giang Khuê Tấn, chuyên viên của Ty Văn hóa lên Đại Từ đặt vấn đề với Phòng Văn hóa, rằng Bộ có công văn khuyến khích khai thác các làn điệu dân ca dân vũ cổ truyền của các dân tộc để gìn giữ và phát triển. Lúc đó ông Nghị là người chuyên về nhạc, lại đang phụ trách mảng văn hóa quần chúng nên được cử đi cùng ông Tấn.

Vậy là, hai người đàn ông, mỗi người một chiếc xe đạp lóc cóc băng rừng, lội suối tìm đến các dân tộc trên địa bàn huyện. Họ lên Tân Lập (xã Phú Xuyên), ông Tấn khai thác được một làn điệu Sli nguyên gốc của người Dao; ông Nghị viết được bài hát “Người Dao ơn Đảng” mà đến giờ ở Tân Lập hầu như ai cũng thuộc. Rồi họ đến Phúc Lương, từ câu chuyện con chim khảm khắc của người Tày, ông Tấn viết được một làn điệu hát Lượn. Cuối cùng, hai ông về Phú Thịnh, nơi có nhiều người Sán Chay ở.

“May mắn Chủ tịch xã - ông Dương Chung Cảnh cũng là người Trại (Sán Chay) nên được ông đưa đi gặp ngay nghệ nhân Nguyễn Công Thạch. Dẫu người miền xuôi nhưng ông ấy rất tài, nắm bắt được nhiều làn điệu dân ca dân vũ của các dân tộc”. Ông Nghị tiếp mạch kể: “Mới hỏi: - Thế người dân tộc Trại ở trên này có làn điệu dân ca dân vũ gì không? Ông ấy bảo: - Có! Có điệu múa phát đường (để lên làm nương rẫy). - Thế bây giờ bác múa cho chúng em xem. Chẳng chút ngần ngại, nghệ nhân thể hiện luôn điệu múa dù đang mặc áo may ô với quần đùi cộc. Căn nhà sàn rung lên theo từng bước chân nhảy. Tôi áp tai xuống sàn nghe rõ tiếng “tắc xình, tắc tắc xình” mà vỗ tay reo lên: Âm nhạc đây rồi!”.

Thấy cái tên “phát đường” không gắn được với dân tộc, mà âm thanh do điệu múa tạo ra nghe khá ấn tượng, vậy là ông Nghị đưa ra ý kiến đổi tên điệu múa là “Tắc Xình”. Cái tay nghệ nhân khi múa chỉ phát xuống giống như con dao phát, lại cải biên động tác cho hai tay nắm vào, đánh lên cao cho đẹp. Thống nhất với nhau như vậy, hai ông bắt đầu tập cho đội văn nghệ của xã Phú Thịnh.

Lúc đầu tập múa bằng tay không, sau đấy nghĩ phải có cái đạo cụ. Lại đến hỏi nghệ nhân:

- Ngày xưa, lúc múa có đạo cụ gì không ông?

- Thì cứ chặt cái ống nứa gõ vào cây, gõ vào ống bương thôi.

Sau gợi ý, hai ông mày mò lấy ống bương dài tầm đầu người, cắt hai đầu lỗ hổng để khi gõ xuống đất tạo ra tiếng kêu, và một thanh tre nhỏ dài 30 phân gõ vào ống bương, tất cả tạo ra tiếng “tắc xình, tắc tắc xình” ăn khớp với chân nhảy.

Đội văn nghệ gồm 6 đôi, đều là giáo viên trường Phổ thông cơ sở Phú Thịnh. Ngay cả Hiệu trưởng hồi đấy, ông Nguyễn Mạnh Tuấn cũng hăng hái tham gia. Ông bảo: “Cả trường giáo viên trẻ chỉ có 12 người phải huy động hết. Mình máu thanh niên, lại là người đầu tầu phải tham gia để lôi kéo anh em”.

12 thầy cô, chẳng riêng người Sán Chay mà Kinh, Tày, Nùng, Dao… đủ cả song ai nấy cũng nhiệt tình, say tập như điệu múa của dân tộc mình. “Tập xong lại rủ nhau vào bà con Sán Chay tìm quần áo dân tộc. Họ để đáy rương, đáy hòm, lâu không dùng, nhiều bộ bỏ ra mục gần hết. Nhưng vẫn tìm đủ 12 bộ mặc diễn”, ông Tuấn giọng như còn nguyên cái tinh thần hồ hởi ngày ấy.

Sau một thời gian tập thì vào dịp tỉnh Bắc Thái có Liên hoan văn nghệ quần chúng, vậy là 12 thầy cô được cử đi thi. Đó là lần đầu tiên, điệu dân vũ mang hơi thở, âm thanh của núi rừng, phần hồn của người Sán Chay được bước ra sân khấu, đến với đông đảo người thưởng thức. Và không phụ công người, vũ điệu Tắc Xình đã rinh về giải Nhất cho huyện Đại Từ.

- Vậy sao Đại Từ không phải là huyện đưa Tắc Xình vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” mà lại là Phú Lương?

Đáp lại là giọng trầm ngâm của ông Nghị: “Tắc Xình được Đại Từ đưa đi Hội diễn quần chúng hai lần liên tiếp đều giành giải Nhất. Đến Hội diễn lần 3, ông Tấn lại lên, bảo: Lần này, tôi lại phải tập cho Đại Từ cái món Tắc Xình”.

Đợt đó, Tắc Xình được đưa xuống Hợp tác xã Quyết Tâm của xã Phục Linh. Nhưng ở đấy đa số là đồng bào miền xuôi, gốc Thái Bình. Họ vốn đam mê hát Chèo, nên không mặn mà với nhảy múa. “Thấy đội văn nghệ chẳng có tinh thần gì, ông Tấn mới bảo: Này, cái tiết mục hay thế mà các cháu không chịu tập. Thôi thế để bác mang cái tiết mục này sang Phú Lương. Lần đấy, ông ấy mang đi thật. Còn tôi phải viết một vở Chèo cho phù hợp với đội văn nghệ. Từ bấy giờ Đại Từ không đi Tắc Xình nữa”, ông Nghị không giấu nổi niềm luyến tiếc.

Múa Tắc Xình của Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân gian Sán Chay xã Tức Tranh, huyện Phú Lương. (Ảnh. A.T)

Nơi giữ được “mạch đập” cho vũ điệu dân tộc…

Vậy làm thế nào Tắc Xình ở Phú Lương lại trở thành “vật báu” - nét văn hóa đặc sắc của huyện?

Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) huyện Phú Lương - được mệnh danh “người giúp nối dài điệu múa cổ ngàn năm - Tắc Xình”, cho biết: Năm 1990, ông Giang Khuê Tấn đã cùng Phòng VHTT huyện Phú Lương phục dựng điệu múa Tắc Xình và “lần đầu tiên công bố tại Ngày VHTT tỉnh 1990. Điệu múa được đánh giá rất cao, mọi người gọi vui là vũ điệu Lambađa Thái Nguyên, ông Nguyễn Ân - Phó Chủ tịch tỉnh lúc đó còn góp vui cùng lên sân khấu nhảy”.

Vậy là có mâu thuẫn ở đây khi cả Đại Từ và Phú Lương đều được cho là nơi đầu tiên đưa Tắc Xình lên sân khấu biểu diễn. Tôi tiếp tục hành trình “cởi nút thắt”, tìm gặp ông Duy Sơn - một trong 6 diễn viên nhảy Tắc Xình của đoàn Phú Lương năm 1990 ấy. Ông kể: Để chuẩn bị cho sự kiện Ngày VHTT toàn tỉnh, ông Giang Khuê Tấn đã lên giúp Phú Lương đạo diễn chương trình dự thi, trong đó có nhảy Tắc Xình.

Minh chứng cho lời kể của mình, ông Duy Sơn đưa tôi cuốn “Văn hóa” của Sở VHTT Bắc Thái phát hành tháng 9/1990. Cuốn sách đã ngả vàng theo thời gian, xong được ông gìn giữ cẩn thận, nên những trang viết vẫn còn nguyên vẹn. Ông lật giở, chỉ bài viết “Đội NTQC huyện Phú Lương trong ngày VHTT Dân tộc Bắc Thái năm 1990” mà tác giả chính là ông Giang Khuê Tấn. Trong bài có đoạn: “Tiết mục cuối cùng là nhảy “tắc xình”, một đoạn trích trong tác phẩm “Tỏ tình” của dân tộc Sán Chay, nguyên gốc được khai thác từ cụ Phẩm ở Làng Hin, xã Phấn Mễ. Cụ là nghệ nhân dân gian của dân tộc Sán Chay. Điệu nhảy rất bốc. Nhạc là linh hồn của nhảy múa nhưng lại là những ống cây bương đập xuống đất và gõ vào thân cây thành âm và nhịp tắc-xình”.

Tôi kể ông Duy Sơn nghe chi tiết ông Giang Khuê Tấn từng dạy Đại Từ trước đó, nhưng lần thứ 3 thì không dạy nữa, bởi đội văn nghệ không mấy hứng thú, mới chuyển sang giúp Phú Lương. Ông Duy Sơn gật đầu: “Chuyện đó tôi cũng nghe ông Tấn nói qua”.

Khớp nối với chi tiết “Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Ân lên sân khấu nhảy” của ông Quang Sơn trùng khớp với lời kể của ông Hà Trọng Phong, nguyên Trưởng phòng VHTT huyện Đại Từ: “Sau khi Đại Từ hai lần đưa Tắc Xình tham gia Hội diễn quần chúng tỉnh, thì mới đến Phú Lương. Năm Phú Lương trình diễn còn có Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Ân cùng lên nhảy”.

Như vậy, Phú Lương không phải huyện đầu tiên phục dựng và công bố vũ điệu Tắc Xình. Nhưng để “vũ điệu của rừng” đập những nhịp đập mạnh mẽ, lan tỏa sức sống của mình không chỉ ở tỉnh mà ra cả nước, đến với bạn bè quốc tế thì công đầu đúng là của Phú Lương.

Năm 1996, khi ngành Văn hóa huyện Phú Lương theo đuổi xây dựng làng văn hóa - phục dựng các bản sắc văn hóa đi vào đời sống nhân dân, thì xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh với gần 100% dân tộc Sán Chay được chọn làm điểm mẫu. Khi ấy ông Duy Sơn là Trưởng phòng VHTT huyện, trực tiếp xuống Đồng Tâm, trao đổi với Trưởng xóm Hầu Văn Tĩnh tổ chức Ngày hội VHTT xóm với những trò chơi dân gian cùng các điệu dân ca dân vũ cổ truyền của dân tộc.

Vốn năng nổ, nhiệt tình, lại trách nhiệm, ông Hầu Văn Tĩnh đã tổ chức thành công Ngày hội VHTT xóm. Đặc biệt, được sự gợi ý từ Phòng VHTT huyện, tại Ngày hội, ông Tĩnh đã mời được 3 ông thầy ở xã Phú Đô sang biểu diễn điệu nhảy Tắc Xình nằm trong nghi lễ Cầu mùa của người Sán Chay. Điệu nhảy được Phòng VHTT huyện, ông Quang Sơn lúc đó là chuyên viên trực tiếp cầm máy quay ghi hình, làm tư liệu. Đồng thời, thông qua các nghệ nhân: Vi Văn Cài, Trần Văn Thảo (xóm Pháng 3, xã Phú Đô); Hầu Văn Đạo (xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh), Phòng VHTT huyện đã cùng ông Hầu Văn Tĩnh khảo sát, thu thập các nét cơ bản của múa Tắc Xình. Từ 3 động tác ban đầu, đã tiến hành phục dựng hoàn chỉnh 9 động tác múa mô phỏng đời sống của người Sán Chay, gồm: thăm đường, lập làng, bắt quyết, đánh mài dao, phát nương, tra mố, chăm sóc lúa, thu hoạch mùa màng, mừng mùa - trả lễ cho thần linh. Điệu múa được truyền dạy cho các làng có người dân tộc Sán Chay sinh sống, trở thành nét đẹp không thể thiếu trong những ngày hội làng.

Đặc biệt, điệu dân vũ độc đáo này còn được đem đến với hàng loạt các hoạt động văn nghệ quần chúng của tỉnh, khu vực và cả nước: Năm 1998, tham gia Ngày hội Văn hóa vùng Đông Bắc, ở Lạng Sơn. Năm 2005, khoe sắc trên sân khấu Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất, ở Đồng Mô, Hà Tây. Cùng năm đó tham gia Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, ở Hà Nội. Tại đây, “điệu dân vũ của rừng” khiến bạn bè quốc tế thích thú. Năm 2008, được chọn làm tiết mục mở màn đêm khai mạc Liên hoan dân ca dân vũ toàn quốc lần thứ nhất, tại Quân khu I. Đến kỳ Liên hoan năm 2013, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với Phú Lương dựng Tắc Xình tham gia dự thi giành được giải A toàn quốc.

…và những nỗ lực không ngừng nghỉ

Nói về Tắc Xình đã vang khắp cả nước, ông Quang Sơn từ tốn bảo: “Tất cả là một quá trình dài “Tạo dấu ấn”. Từ việc “đi”, mình quảng bá được mình. Tham gia những chương trình, hội diễn nên mọi người mới biết: “À, Phú Lương có cái món này.”. Chứ nếu mình không đi cũng chẳng ai biết mình, điệu múa chỉ dừng lại ở xóm bản thôi!”.

Nhưng để Tắc Xình - Phú Lương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 8/2014, chỉ nói vài lời thì thực không thể kể hết nỗi vất vả, sự nỗ lực, cùng tâm huyết của bao người.

Trong bản thảo hồi ký “9 năm đi tìm múa Tắc Xình…” của ông Hầu Văn Tĩnh có ghi lại những phút giây xúc động: “Thật không uổng công sau 9 năm tìm tòi và phát triển, điệu múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay đã thành công. Tắc Xình ơi - Tĩnh ơi, chúng bay đã thành công rồi!... Cảm ơn tất cả, cảm ơn Trời Phật, cảm ơn các ông, các chú đã truyền dạy Tắc Xình cho con cháu vô tư, thoải mái. Cảm ơn Tắc Xình, cảm ơn các bậc cổ nhân Sán Chay đã để lại điệu múa Tắc Xình. Hứa với các bậc cổ nhân sẽ luôn gìn giữ, phát triển cho mãi vang hai tiếng “Tắc Xình” cùng non nước!”.

Còn với huyện Phú Lương, ngay năm 1996, Phòng VHTT huyện đã bắt đầu đào sâu nghiên cứu Tắc Xình cùng nguồn gốc, bản sắc của người Sán Chay qua trang phục, tập tục. Năm 2005, phối hợp với Viện Dân tộc thực hiện Dự án Bảo tồn văn hóa truyền thống Sán Chay - Sán Chỉ ở xã Yên Lạc. Từ Dự án, Tắc Xình tiếp tục được nghiên cứu, củng cố hồ sơ, và hàng loạt các câu lạc bộ Tắc Xình được thành lập ở các xã trong huyện như một cách để giữ gìn và phát triển. Cùng với đó, huyện Phú Lương đã phối hợp với Bộ VHTT (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phục dựng Lễ hội Cầu mùa tại xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh. Lễ hội nằm trong danh sách 10 lễ hội đặc sắc của người dân tộc thiểu số Việt Nam được Bộ phục dựng; trong đó, nhảy Tắc Xình là một trong những nội dung không thể thiếu, được coi là linh hồn của Lễ hội Cầu mùa dân tộc Sán Chay.

Xác định phải phát huy giá trị Di sản Tắc Xình, năm 2017, huyện Phú Lương tiến hành thực hiện Dự án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Sán Chay gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh. Mà như lời ông Quang Sơn chia sẻ: “Muốn bảo tồn nó phải đẩy lên thành “hàng hóa”, làm ra giá trị tinh thần và kinh tế. Xác định nó là cái quý hiếm thì phải biến nó thành đặc sản để làm du lịch”.

Nhưng cũng như ông “gan ruột”: để làm được điều đó, cần phải nuôi dưỡng nhiệt huyết của đồng bào trong ý thức bảo tồn giá trị văn hóa, cùng với đó là nhận thức “Di sản không của riêng ai”, tất cả mọi người đều có trách nhiệm cùng đóng góp sức lực bảo tồn và phát huy giá trị Di sản

Bích Hồng

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước