Sự vận dụng lý thuyết Kinh Dịch trong Chinh tây kỉ hành thi tập của Lê Thánh Tông
Lê Thánh Tông là một vị minh quân, một nhà nho và một tác gia văn học lớn của lịch sử văn học Việt Nam thời Lê sơ. Sự nghiệp của Lê Thánh Tông trên cả phương diện chính trị, văn hóa đều có những thành tựu lớn không thể phủ nhận và minh chứng là thời đại Hồng Đức, một thời đại được coi là thành công rực rỡ nhất về mọi mặt trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
Trước tác của Lê Thánh Tông còn lại tương đối nhiều, trong đó thơ ca chiếm một số lượng lớn. Thơ ca của ông bao gồm cả thơ chữ Hán và thơ quốc ngữ (chữ Nôm), đại bộ phận thi phẩm của ông được tập trung trong Thiên nam dư hạ tập. Trong mỗi tập thơ đều có những “nguồn chung” là cảm hứng ngợi ca, tình yêu quê hương non sông đất nước bên cạnh những “dòng riêng”(1) như: tư tưởng nho gia trong Quỳnh uyển cửu ca, lí thuyết Dịch học trong Chinh tây kỉ hành thi tập hay nỗi niềm hoài cổ trong Cổ tâm bách vịnh… Mỗi thi tập đều là một sản phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo và bộc lộ được tài năng cũng như kiến thức uyên bác của Lê Thánh Tông.
Trong nội dung bài viết này, chúng tôi xin được tổng hợp và phân tích về sự vận dụng lí thuyết Kinh Dịch trong Chinh tây kỉ hành thi tập của Lê Thánh Tông.
- Cuộc chiến Đại Việt - Chiêm Thành (1470 - 1471) và sự ra đời của Chinh tây kỉ hành thi tập
Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đăng cơ như một lẽ tất yếu của vận mệnh nhà Hậu Lê, và cũng như một sự sắp xếp của thiên đế. Sau những biến động trong hoàng tộc và những cuộc nội chiến tranh đoạt vương quyền chốn hậu cung, ngày 8 tháng 6 năm 1460, Bình Nguyên vương Lê Tư Thành được các triều thần ủng hộ và phò tá đã lên ngôi, đổi niên hiệu thành Quang Thuận, từ đây mở ra một thời đại thịnh trị bậc nhất thời Hậu Lê.
Tuy nhiên một triều đại dù thịnh trị đến đâu cũng khó tránh khỏi việc binh đao, có khác là ở chỗ tính chất nguy nan hoặc mức độ tổn hao nặng nhẹ với quốc gia. Vào cuối những năm Quang Thuận, biên giới phía Tây Nam của Đại Việt không ngừng xảy ra biến động. Về việc này, sách Đại Việt sử kí toàn thư đã chép: “Tháng 3 (1469, Quang Thuận thứ 10), vua ngự ra Bình Than, rồi đi đánh Bồn Man. Người Chiêm Thành vượt biển tới cướp phá, quấy nhiễu châu Hóa”(2). Đến tháng 8 năm 1470, vua Chiêm Thành là Trà Toàn đã phát động, chỉ huy quân đội đánh vào châu Hóa, với lực lượng mạnh gồm hơn 10 vạn thủy quân cùng voi và ngựa khiến cho người chấn giữ châu Hóa lúc đó là Phạm Văn Hiển không giữ nổi thành, gửi thư cấp báo về triều.
Trước tình hình đó, ngày 6 tháng 11, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Nội dung chủ yếu của bài chiếu là vạch tội quân lân bang và nêu cao vai trò chính nghĩa của cuộc viễn chinh này. Trong bài chiếu có đoạn viết: “Trẫm thể lòng thượng đế, nối chí vua cha. Giết kẻ thù chín đời theo nghĩa Xuân Thu, định mưu kế vạn toàn cho yên đất nước. Cứu muôn dân thoát khỏi vòng điêu đứng, dẹp nước loạn đã trái đạo lâu năm. Đánh phản nghịch, cứu sinh dân, thánh triết phải tỏ bày uy vũ; trồng mầm nhân, nhổ cội ác, đất trời cũng lấy đó làm lòng.
Bởi vì Di, Địch xưa là mối lo cho nước, cho nên thánh vương khi trước, cung nỏ phải ra oai. Cửu Lê loạn đức, hoàng đế phải dùng binh, Tam Miêu bất kính, Đại Vũ gọi quân sĩ. Tuy dụng binh là điều cực chẳng đã, nhưng lập pháp cốt để bọn ngoan ngu phải hay. Sương mù sao che nổi ánh mặt trời, giường mình há để kẻ ngoài nằm ngáy.… Trẫm chỉ huy cờ võ, hiệu lệnh binh thần. Kính đem mệnh lệnh của trời, làm việc đánh kẻ ác.”(3).
Bài chiếu đã nêu được tính chất của cuộc chinh phạt là thuận theo đạo trời, thỏa nguyện lòng dân, trừ gian diệt loạn, v.v. một cách rất rõ ràng.
Trong một sự kiện có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng lớn đến quốc gia như vậy, là một thi nhân có tâm hồn nhạy cảm, Lê Thánh Tông không thể không ghi chép lại thành những trước tác giá trị cho người đời. Và như thế, Chinh tây kỉ hành thi tập ra đời. Thi tập là tập hợp 30 bài thơ chữ Hán, khởi đầu là chùm 3 bài thơ Khởi hành và kết thúc bằng bài thơ Tọa nguyệt khiển hoài (Ngồi ngắm trăng bày tỏ nỗi lòng) với nội dung chủ yếu ghi chép lại những sự kiện chính trong cuộc nam chinh dưới hình thức thơ.
Sách Thiên Nam dư hạ chép tập thơ này của Lê Thánh Tông với tên nhan đề Chinh tây kỉ hành, tuy nhiên khi Bùi Huy Bích soạn Hoàng Việt thi tuyển lại đặt nhan đề là Nam sư kỉ hành. Như vậy, tên gọi nào phù hợp hơn với giá trị và ý nghĩa của tập thơ?
Xét về vị trí địa lí thì Chiêm Thành là quốc gia nằm ở phía Nam của Đại Việt, do đó “nam sư” 南師 tức là đội quân đi về phía nam. Còn “chinh tây” 征西 liệu có phải là đoàn quân đánh phạt đi về phía tây hay không? Về chữ “chinh” 征, chữ này đa số vẫn được hiểu là mang nội hàm ý nghĩa chỉ việc đánh dẹp viễn phương, nhưng sâu xa hơn nữa chữ này còn chỉ kẻ trên đem binh đi đánh kẻ có tội, như chinh phạt 征伐. Tuy nhiên khi tra cứu trong Hán ngữ đại từ điển của Trung Quốc chữ “chinh” 征 ngoài ý nghĩa là đánh dẹp, còn có một nét nghĩa đó là sự “chính hành” 正行. Thuyết văn giải tự giải nghĩa: “chinh, chính hành dã” 征,正行也 (4) có nghĩa là: chinh, là chính hành, chính hành là việc làm đúng với đạo lí.
Thêm một vấn đề cần bàn nữa là chữ “tây” 西. Trước hết chữ “tây” ở đây không đơn thuần được dùng để chỉ phương hướng, nếu chữ “tây” dùng để chỉ phương hướng thì kết cấu Hán ngữ sẽ là “tây chinh” 西征, tức cuộc chinh phạt đi về phía tây, lúc này chữ “chinh” giữ vai trò như một danh từ chỉ cuộc chinh phạt, còn chữ “tây” như một phương vị từ làm rõ nghĩa cho chữ “chinh”. Tuy nhiên trong nhan đề Chinh tây kỉ hành, chữ “chinh” có vai trò là một động từ, do đó chữ “tây” lúc này còn là một tân ngữ bổ nghĩa cho chữ “chinh” là động từ đánh dẹp.
Trong một số từ điển của Trung Quốc, chữ “tây” có một nét nghĩa chỉ những quốc gia láng giềng, như vậy tác giả dùng chữ “tây” ở đây không đơn giản chỉ để nói về phương hướng mà dùng để ám chỉ nước Chiêm Thành. Và trong thi tập, Lê Thánh Tông đã từng nhắc đến chữ “tây” trong các kết cấu như “tây hải”, “tây thùy” với ý nghĩa chỉ nước Chiêm Thành, chẳng hạn như bài Khởi hành thi (kì nhị) ông viết:
Tây hải tinh chiên chỉ nhật bình
(Bọn giặc man rợ ở biển tây hãy chờ ngày bị đánh tan)
Hoặc trong bài Tảo trú quân vu Thai Viên hải khẩu, ông viết:
Tây thùy khuyển trệ bao tam bĩ
(Bọn giặc ở bờ cõi tây như loài chó lợn không biết xấu hổ)
Như vậy, có thể hiểu nhan đề Chinh tây kỉ hành thi tập là tập thơ ghi lại cuộc chinh phạt chính nghĩa đối với lân quốc Chiêm Thành.
- Lê Thánh Tông với việc vận dụng lí thuyết Kinh Dịch trong Chinh tây kỉ hành thi tập
Trong Chinh tây kỉ hành thi tập, khi vận dụng triết thuyết Kinh Dịch vào các bài thơ, Lê Thánh Tông chủ yếu mượn chữ trong lời hào từ hoặc giải thích chữ trong đó để phục vụ mục đích sáng tác của ông.
Khảo sát ban đầu trên tổng số 30 bài thơ trong Chinh tây kỉ hành thi tập, chúng tôi thu được kết quả như bảng sau:
Căn cứ vào bảng khảo sát có thể thấy các quẻ trong Kinh Dịch được Lê Thánh Tông vận dụng 10 lần trong 9 bài thơ trên tổng số toàn bộ thi tập, như vậy tỉ lệ xấp xỉ 1/3.
Sự vận dụng Kinh Dịch vào sáng tác Chinh tây kỉ hành thi tập của Lê Thánh Tông có hai nội dung ý nghĩa cơ bản: khẳng định sự chính nghĩa, thuận theo đạo trời của quân binh nhà Lê; vạch trần, lên án tội ác trái ngược đạo trời của quân Chiêm Thành.
2.1. Vận dụng Kinh Dịch để khẳng định cuộc chinh phạt chính nghĩa
Như phần trên tác giả đã đề cập, Lê Thánh Tông đề cao vai trò chính nghĩa của cuộc chinh phạt Chiêm Thành, bởi lẽ người Chiêm nhiễu loạn một mặt xàm tâu với Minh triều ở phương Bắc làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà Lê, một mặt đánh vào châu Hóa và có ý định lăm le xâm chiếm bờ cõi phía tây nam của Đại Việt. Với quan niệm “núi sông bờ cõi đã chia” theo “sách trời” thì hành động này hoàn toàn trái đạo, và đích thân vị Hoàng đế Đại Việt chỉ huy quân đi chinh phạt. Hành động đó là thuận lẽ trời, hợp lòng dân.
Trong tổng số 10 lần viện dẫn hào từ các quẻ trong Kinh Dịch, Lê Thánh Tông đã 3 lần trực tiếp dùng những lời hào từ đó để khẳng định sự chính nghĩa, thuận đạo trời hợp lòng dân của quân nhà Lê. Ngay trong bài thơ mở đầu cho Chinh tây kỉ hành thi tập ông đã viết:
Nghĩa binh đa trợ sư trinh cát
(Đội quân chính nghĩa có được nhiều sự giúp đỡ vì có khí tượng tốt lành của quẻ Sư)
(Khởi hành thi kì nhất)
Ở câu thơ này tác giả mượn lời quái từ trong quẻ Địa Thủy Sư, thuộc quẻ thứ 7 trong 64 quẻ của Kinh Dịch. Theo Kinh Dịch lời quái quẻ này có nói: “Sư: Trinh, trượng nhân cát, vô cữu” (師:貞,丈人吉,無咎), tức là “quân đội mà chính đáng, có người chỉ huy tài giỏi lão luyện, thì không xấu”. Như vậy, Lê Thánh Tông dù nhận thức được chiến tranh sẽ gây ra tang thương mất mát cho bách tính, cho nhân loại nhưng đội quân chính nghĩa, vì dân phạt tội thì không có gì đáng xấu hổ. Từ sự khẳng định vai trò chính nghĩa của cuộc chinh phạt, Lê Thánh Tông đặt niềm tin vào hành động của ông và tin tưởng sự chính nghĩa này sẽ được trời cao phù hộ và giành được thắng lợi.
Đến với bài thơ thứ 3, Khởi hành thi (kì tam), một lần nữa tác giả khẳng định sự chính nghĩa của đội quân, nhưng lần này ông đưa thêm vào đó là đức của người quân tử, kết hợp với đạo của tự nhiên.
Phụng thiên hợp đức đại nhân tình
…
Vũ thí vân hành vạn vật sinh
(Phụng mệnh trời, hợp với đức, và cảm tình của bậc đại nhân
….
Mưa rơi mây bay, vạn vật sinh sôi)
Hai câu thơ này không liền nhau nhưng lại nhất quán ở quan điểm, đó là nói đến việc đánh Chiêm là việc làm phụng theo mệnh trời (phụng thiên) và hợp với lòng người (nhân tình), thì mới là “đức”. Với cương vị là một vị chủ soái, Lê Thánh Tông là người mang trong mình cái “đức” cao cả của người quân tử. Hai câu này mượn ý từ quẻ đầu tiên trong Kinh Dịch, quẻ Thuần Càn. Lời kinh của quẻ Càn có nói đến 4 đức: 元 nguyên, 亨 hanh, 利 lợi, 貞trinh, trong đó nguyên là nguồn gốc của vạn vật, hanh là sự chuyển vần của sự vật như gió mưa để vạn vật sinh trưởng, lợi và trinh biến hóa khiến cho sự vật giữ được phẩm chất vốn có. Điều đó giống như người quân tử, bậc đại nhân đại nghĩa có 4 đức: nhân, lễ, nghĩa, trí; ứng với thiên nhiên có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông vậy.
Vì cuộc chinh phạt này là chính danh và thuận nghĩa nên Lê Thánh Tông và quân đội nhà Lê được rất nhiều người ủng hộ trong đó có cả đại chúng nhân dân và người tài giúp đỡ. Trong bài Dạ nhập Xước Cảng thi ông viết:
Tế tế tài năng dĩ vựng chinh
(Nhân tài nườm nượp xúm xít giúp cho việc chinh phạt)
Câu này lấy ý lời hào từ Sơ cửu quẻ Địa Thiên Thái trong Kinh Dịch: “拔茅茹,以其 彙,征吉” bạt mao nhự, dĩ kì vựng, chinh cát, tạm dịch là “Nhổ cụm cỏ tranh, bật cả cụm rễ rậm xúm xít, tốt cho việc đánh dẹp”. Cỏ mao trong Kinh Thi được ví với người quân tử. Do đó việc nhổ được cả gốc rễ của cỏ mao cũng như có được rất nhiều người tài giỏi giúp đỡ vậy. Bậc đại nghĩa nhổ được gốc rễ của cỏ mao thì có thể “một hô trăm ứng”, thống nhất được quần hùng, thế thiên hành đạo, bảo hộ muôn dân. Do vậy việc đánh dẹp sẽ tốt đẹp và thành công.
Như vậy, mục đích thứ nhất của Lê Thánh Tông là vận dụng triết thuyết Kinh Dịch, sách của đạo trời để khẳng định vai trò chính nghĩa của quân nhà Lê trong cuộc chiến này. Sự khẳng định này vừa cho thấy vị thế “người trên” của nhà Lê đối với bề dưới là nước láng giếng, do đó ngầm mong muốn trời, thần và người đều ủng hộ để cuộc chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.
2.2. Vận dụng Kinh Dịch để kết tội Trà Toàn và quân Chiêm Thành
Ứng vào thời kì lịch sử lúc bấy giờ, quân Chiêm Thành do Trà Toàn chỉ huy mang hai tội danh lớn được coi là trái đạo trời: thứ nhất, gian dối dùng những lời sàm tấu để hạ bệ danh tiếng của Đại Việt với Minh triều; thứ hai, hung hăng xâm phạm lãnh thổ Đại Việt của nhà Lê. Cả hai hành động đó đều vi phạm vào đạo trời, làm ngòi nổ dẫn đến chiến tranh giữa hai nước láng giềng. Một khi chiến tranh diễn ra thì trăm họ là những người đầu tiên chuốc lấy đau thương mất mát, do đó việc làm này trái với đạo trời.
Trong bài Khởi hành thi (kì nhất), tác giả đã viện dẫn lời hào từ Cửu tam quẻ Cấn để nói đến hành động phi nghĩa của quân Chiêm Thành, điều đặc biệt là lời viện dẫn này nằm trong cặp đối ngẫu với quẻ Sư đã nói ở trên:
Cuồng khấu kinh tâm Cấn lệ huân
(Lũ giặc ngông cuồng phải sợ hãi vì sự hun đốt dữ dội như quẻ Cấn)
Lời hào từ Cửu tam quẻ Cấn có nói: 艮其限,列其夤,厲薰心 Cấn kì hạn, kiệt kì di, lệ huân tâm, có thể hiểu là: “từ bỏ gánh nặng, bảo vệ phần eo lưng nhưng thịt ở sống đã bị đứt ra rồi, rút lui không kịp nữa, lo lắng như thiêu đốt trong lòng”. Câu này tác giả muốn ngụ ý nói đến hành động phi nghĩa của quân Chiêm Thành, chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại.
Tượng vua Lê Thánh Tông tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (nguồn ảnh: baotangvanhoc.vn)
Trong bài Phát tự Bàn hà, ông ngầm ám chỉ hành động không đúng mực, không phải lễ của Chiêm Thành thông qua lời của Khổng Tử chê lễ tế của xóm bên Đông, đồng thời mượn lời hào từ trong quẻ Thủy Hỏa Kí Tế.
Trọng Ni ý tiểu đông lân tế
(Trọng Ni có ý chê cuộc tế lễ của hàng xóm bên đông là nhỏ)
Bài thơ này, trong nguyên chú cũng nhắc đến quẻ Thủy Hỏa Kí Tế để giải thích cho câu thơ này. Phần nguyên chú có dẫn lời hào Cửu ngũ quẻ Thủy Hỏa Kí Tế trong Kinh Dịch: 東鄰殺牛, 不如西鄰之禴祭, 實受其福 Đông lân sát ngưu, bất như tây lân chi thược tế, thực thụ kì phúc, tức là “Láng giềng bên đông giết Trâu, không bằng láng giêng bên Tây tế thược”(6) . Giết trâu là tế lớn, tế thược là tế nhỏ. Thịnh soạn không bằng đơn sơ là vì thời điểm khác nhau. Đã tới chỗ tột cùng, cho dù khéo xử sự cũng không làm thế nào được.
Ở bài Trú Điển Du hải khẩu, tác giả lại nhắc đến quẻ Thăng trong câu thơ:
Thượng lục hiêu hiêu bất phú minh
(Sự ung dung tự đắc cố vượt qua vị trí như hào Lục thượng thì
chẳng ích lợi gì)
Câu thơ trên viện dẫn lời hào từ Thượng lục quẻ Địa Phong Thăng trong Kinh Dịch: “冥昇在上,消不富也” Minh thăng tại thượng, tiêu bất phú dã, tức “trong cảnh đêm tối đã ngồi trên rồi thì không nên cố lên cao nữa, nếu không thì ắt sẽ bị tiêu vong”. Lê Thánh Tông viện dẫn lời tượng này để một lần nữa khẳng định sự hung hăng vượt qua giới hạn vốn có của quân Chiêm Thành, điều đó tức là trái mệnh trời, không những không được lợi mà còn bị tiêu vong. Đó là sự cảnh báo cho những việc làm sai trái mà quân Chiêm Thành đã và đang mắc phải.
Và để phân định rõ ràng vị thế của người trên kẻ dưới, thượng tôn hạ ti của Đại Việt và Chiêm Thành, Lê Thánh Tông đã viết trong bài thơ Tảo trú quân vu Thai Viên hải khẩu như sau:
Tây thùy khuyển trệ bao tam Bĩ
(Bọn người ở biên thùy tây như chó lợn không biết xấu hổ)
Câu thơ lấy hào từ Lục tam trong quẻ Thiên Địa Bĩ trong Kinh Dịch làm chất liệu: 包羞 bao tu (chứa chất sự gian tà xấu hổ). Trong Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông (tổng tập), nhà nghiên cứu Mai Xuân Hải có trích nguyên chú của câu này như sau: “Hào tam âm nhu bất trung chính, mà ở thời bĩ, lại gần sát người trên, không phải là kẻ giữ đạo yên mệnh, cùng thì phải lạm, ấy là tình trạng của kẻ tiểu nhân, cái bọc chứa của chúng toàn chứa sự tính toán cong queo, càn bậy, rất đáng hổ thẹn.”(7) Hào này không giữ đúng địa vị của nó, rất đáng hổ thẹn. Chỉ quân Chiêm Thành vượt khỏi vị trí vốn có mà sai với đạo trời.
Cuối cùng, Lê Thánh Tông vạch trần sự ngu xuẩn, hung hăng của quân Chiêm Thành bằng một câu thơ trong bài Tảo phát tự Nam Giới chí Hà Hoa:
Tam tráng đê dương phiên thượng giác
(Dê đực hung hăng bị mắc sừng trên giậu)
Chất liệu chính của câu này là lời hào từ Cửu tam, quẻ Lôi Thiên Đại Tráng trong Kinh Dịch: 小人用壯,君子用罔。貞厲,羝羊觸蕃,羸其角 tiểu nhân dụng tráng, quân tử dụng võng. Trinh lệ, đê dương xúc phiên, luy kì giác, tức tiểu nhân săn thú thì dùng sức mạnh, người quân tử thì săn thú thì dùng lưới bẫy, chính cũng nguy, giống như con dê đực hung hăng cố húc vào bờ giậu để đến nỗi mắc sừng trên đó.
Đối lập quân tử - tiểu nhân, chính đạo - vô đạo, thuận thiên - nghịch thiên là những gì Lê Thánh Tông muốn thông qua lí thuyết Kinh Dịch để khẳng định. Theo đó, quân nhà Lê đúng đắn, thuận thiên bao nhiêu thì quân Chiêm Thành sai lầm, xuẩn ngốc bấy nhiêu. Lê Thánh Tông đạo đức, điềm tĩnh bao nhiêu thì Bàn La Trà Toàn hung hăng vô đạo bấy nhiêu…
2.3. Ý nghĩa của việc viện dẫn Kinh Dịch
Lê Thánh Tông là một vị túc nho, ông tinh thông nho học nên trong các sáng tác của ông sự xuất hiện của việc viện dẫn kinh điển nho gia là điều dễ hiểu. Khi sáng tác Chinh tây kỉ hành thi tập, ông chọn dẫn các quẻ trong Kinh Dịch, theo chúng tôi, là bởi các lẽ sau:
- Kinh Dịch là tập đại thành của quy luật tự nhiên, lẽ vận hành của vũ trụ, hay nói cách khác Kinh Dịch là đại diện cho “đạo” (道), đạo của thiên - địa - nhân tam tài. Do đó việc Lê Thánh Tông vận dụng Kinh Dịch thực chất là ông vận dụng “đạo” của tạo hóa, điều đó rất phù hợp trong hoàn cảnh cuộc nam chinh này.
- Ngoài sự thể hiện “đạo” của tự nhiên, Kinh Dịch còn thể hiện được “đạo của người quân tử”. Quân tử là một “cảnh giới” mà mọi nho sinh đều mong muốn đạt được. Là một trí thức sùng tôn nho học, Lê Thánh Tông cũng mong muốn mình đạt đến ngưỡng của người quân tử, thậm chí là thi hành đức độ để có thể đạt đến bậc tối thượng trong nho học là “thánh nhân”. Do đó, ông muốn phô bày cho mọi người thấy được “đức” của ông và cách ông thi hành đạo đức trong cuộc dẹp loạn biên thùy, phạt tội kẻ chống lại mệnh trời để đem lại cuộc sống bình yên cho dân chúng.
- Lê Thánh Tông mượn lời và giảng giải Kinh Dịch để khẳng định vai trò chính nghĩa của quân nhà Lê, tranh thủ có được sự đồng tình của bách tính và các nước láng giềng. Như vậy cuộc chinh phạt sẽ sớm kết thúc và dễ dàng có được thắng lợi. Trên thực tế cuộc chiến này chỉ kéo dài được một năm và phần thắng đã thuộc về quân Đại Việt.
Mặc dù Chinh tây kỉ hành thi tập có ý nghĩa nhan đề là tập thơ ghi lại cuộc chinh phạt hành đạo chính nghĩa dẹp quân Chiêm Thành nhưng nội dung chủ đạo vẫn là ngợi ca những cảnh đẹp non sông, thêm vào đó là cảm xúc của tác giả. Việc vận dụng lí thuyết Kinh Dịch không chỉ cho thấy được học thức sâu rộng của Lê Thánh Tông mà còn cho thấy sự khéo léo ứng phó với hoàn cảnh chiến tranh của ông. Thời điểm đó, ông lên ngôi đã được ngót mười năm, và tuổi đời của ông là 28 tuổi, cái tuổi mà theo Khổng Tử mới là chạm đến ngưỡng của “lập”, nhưng ông đã xây dựng được một nền chính trị ổn định và đã tu dưỡng bản thân đến mức “tri thiên mệnh”, điều đó chứng tỏ học vấn của ông vượt quá người thường đến 20 năm rèn giũa. Khảo sát và đánh giá sự vận dụng Kinh Dịch trong Chinh tây kỉ hành thi tập của Lê Thánh Tông chỉ là khai thác một khía cạnh nhỏ giá trị của tập thơ này, một tập thơ vừa có giá trị lịch sử, địa lí, lại có giá trị văn học.
Chú thích:
(1) Chữ mượn của nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương.
(2) Nhóm Lê Văn Hưu soạn, Viện KHXH Việt Nam dịch (1993), Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.416.
(3) Nhóm Lê Văn Hưu soạn, Viện KHXH Việt Nam dịch (1993), Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.466.
(4) La Trúc Phong (1986), Hán ngữ đại từ điển, tập 3, Nxb Thượng Hải từ thư, Thượng Hải, TQ, tr.928.
(5) Vì nhan đề trong nguyên bản của những bài thơ này khá dài nên chúng tôi xin được rút ngắn lại hoặc viết tắt bằng những chữ đầu của các nhan đề đó nhằm tiện cho độc giả theo dõi, ví dụ như: Nhan đề Tự phát Bàn hà thừa khinh phong tố lưu nhi thượng, cùng nhật chi lực, vãn chí Lam Kinh, nhiệt bệnh kịch tăng, khiếp phong úy thự, sầu muộn chi tế, ngẫu thành nhất luật được viết tắt thành Tự phát Bàn hà. Tương tự, nhan đề các bài thơ khác được viết tắt hoặc rút ngắn lần lượt như: Trú Điển Du hải khẩu, Dạ nhập Xước Cảng thi, Tảo trú vu Thai Viên hải khẩu, Hiểu xuất Thiết Sơn cảng, Tam canh khai thuyền nhập Hoa Cái cảng, Tảo phát tự Nam Giới chí Hà Hoa…
(6) Mai Xuân Hải (2003), Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông (tổng tập), Nxb Văn học, Hà Nội, tr.144.
(7) Mai Xuân Hải (2003), Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông (tổng tập), Nxb Văn học, Hà Nội, tr.162-163.
Nguyễn Trung
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...