Sự học ở vùng cao
Một góc trưởng Tiểu học Lũng Luông
Bữa trưa chỉ có cơm trắng với dế nướng
Những ngày cuối năm, cái lạnh càng trở nên tê tái. Ngồi trong phòng nghe bên ngoài gió vẫn rít từng cơn, lại nghĩ đến nhiều học sinh nghèo vùng cao mà tôi đã gặp. Các em phong phanh manh áo mỏng, để đôi chân trần lấm lem bùn đất. Và điều khiến tôi day dứt hơn cả là bữa trưa của nhiều em chỉ có nước lã, côn trùng làm thức ăn.
Cách đây tròn một năm, chúng tôi đã phải lội suối, xuyên rừng mới đến được hai điểm trường Khe Rịa và Khe Cái, thuộc Trường Tiểu học Vũ Chấn (Võ Nhai). Ở đây không có điện, không có nước. Phòng học được ghép bằng gỗ thưa, mái lợp cỏ tranh không thể nào ngăn gió lạnh. Khoảng cách giữa các tấm gỗ ghép tường đủ rộng để từng cơn gió lọt qua vờn lên khuôn mặt đã tái nhợt vì lạnh của cô giáo và “cứa” lên da thịt của học trò trong lớp. Học sinh ít, điểm trường Khe Cái có 4 lớp nhưng chỉ 9 học sinh nên các em phải học ghép. Một phòng học nhưng 2 bảng 2 đầu. Trời nắng đã vậy, còn khi trời mưa ánh sáng bên ngoài chiếu vào không đủ để cô giáo và học sinh nhìn rõ con chữ. Càng xót hơn khi nhìn xuống nền lớp học bằng đất ẩm ướt có bàn chân nhỏ xíu rớm máu. Như hiểu điều tôi nghĩ, cô giáo Nguyễn Thị Minh Thoa tâm sự: Bà con ở đây sống phân tán. Nhiều gia đình ở mãi tận trong khe núi xa. Muốn kịp giờ học, có em phải đi từ khi trời còn chưa sáng, khi gặp suối hoặc phải xuyên qua rừng các em phải bỏ dép đi chân trần nhiều khi rách cả chân. Tội lắm!
Nếu như ở điểm trường Khe Rịa, Khe Cái hầu hết là con em đồng bào dân tộc Dao thì học sinh ở Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) chủ yếu là dân tộc Mông. Đúng như tên gọi gợi lên sự xa xôi, cách trở, người dân Bản Tèn sống cách nhau rất xa. Đường đi khó, nếu gặp mưa nhiều thì học sinh không thể đến lớp. Chứng kiến một buổi học của lớp mầm non, càng thấy thương cô, thương trò nơi miền sơn cước này. Hôm chúng tôi có mặt, lớp học vắng đến hơn một nửa. Lý do là mấy ngày trước trời mưa, các ngả đường đều lầy lội nên phụ huynh không đưa con đến lớp. Trong lớp, cô giáo Đoàn Thị Bích Ngọc vừa vỗ tay làm hiệu, vừa nói “các con hát theo cô nào”. Nhưng vừa dứt câu hát bắt nhịp, lác đác vài trẻ nằm luôn xuống chiếu. Trẻ nọ nhìn trẻ kia và thế là cả lớp nằm xuống như đi ngủ. Cô Ngọc nhìn tôi với ánh mắt như tìm kiếm sự cảm thông. Rồi bằng giọng nói rất nhỏ, cô bộc bạch: Nhiều cháu chưa hiểu tiếng Kinh nên cô nói trò không hiểu. Bảo các con hát, các con lại tưởng cô bảo đi ngủ. Ở đây chúng em vẫn phải giao tiếp với học sinh bằng 2 ngôn ngữ (tiếng phổ thông và tiếng của đồng bào Mông). Dạy học ở Bản Tèn một thời gian chúng em học được chút ít tiếng của đồng bào nên cũng quen dần chứ lúc mới lên, cô trò không hiểu được nhau. Các con đến lớp toàn nói tiếng của dân tộc mình thôi.
Khi các bé lớp mầm non ngủ, tôi xuống thăm cơ sở vật chất các lớp bậc tiểu học. Dù buổi học sáng đã tan từ lâu, nhưng vẫn còn nhiều em chơi quanh quẩn trước cửa lớp. Hỏi ra mới biết, nhà xa nên các em không về mà ở lại đợi học chiều. Bữa trưa em có, em không. Cô giáo thương học trò, nhiều hôm lại nhường phần cơm của mình để các em ăn cho có sức.
Nói về cái khó của sự học ở vùng cao có lẽ nhiều không kể hết, nhưng mỗi khi nhớ lại hình ảnh bữa trưa của một học sinh ở Trường Tiểu học Thần Sa (Võ Nhai) chỉ có cơm trắng và vài con dế nướng; một phụ huynh ở điểm trường mầm non Khuôn Ngục, xã La Hiên (Võ Nhai) ngại ngùng không dám đưa con vào lớp vì hôm ấy nhà anh hết gạo, bữa trưa mang đi cho con chỉ là nắm mèn mén nguội ngắt; hay cái lán bé xíu được dựng lên tạm bợ để học sinh Trường Tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai) có được chỗ nấu ăn bữa trưa. Cơm chín, em ngồi trong lớp, em đứng dựa cửa, mặt lấm lem xúc cơm chẳng mấy khi có thịt ăn ngon lành khiến tôi luôn cảm thấy chạnh lòng. Nhưng chính những nhọc nhằn, thiếu hụt của các em dường như lại là động lực để nhiều thầy cô âm thầm hy sinh bám trường, bám lớp. Bởi tình thương của thầy cô dành cho học trò đã bao trùm lên tất thảy.
Điểm trường Mỏ Nước, xã Văn Lăng, Đồng Hỷ khi chưa thực hiện dồn ghép thường xuyên chỉ có từ 2 đến 4 học sinh
Nơi gọi yêu thương về
Đó là những câu chuyện của hai năm về trước. Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự đồng cảm, sẻ chia của nhiều tấm lòng thiện nguyện làm bộ mặt vùng cao dần khởi sắc.
Giữa mênh mông đá núi ở Lũng Luông hôm nay, sẽ không ai còn tìm thấy những lớp học tường gỗ thưa hơ thưa hoác, bạt quây đùm rúm sập sệ, nhếch nhác. Thay vào đó là một “bông hoa núi” rực rỡ với tổ hợp các phòng học xinh xắn, kiến trúc độc đáo, đẹp mắt và đầy đủ tiện nghi. Công trình này không chỉ là tài sản mà còn là tâm huyết, trí tuệ của một vị giáo sư danh tiếng bậc nhất trong nước và quốc tế, của một kiến trúc sư tài ba và những con người đáng kính với nghĩa cử cao đẹp là chỉ cần cho đi mà không cần nhận lại của Quỹ trò nghèo vùng cao và Dự án “Cơm có thịt”.
Càng đi nhiều tôi càng hổ thẹn trước sự hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo nơi miền rừng heo hút, xót lòng khi nhìn các học sinh ăn rau xanh, côn trùng mà nét mặt vui sướng như người ta ăn sơn hào hải vị. Nhưng cũng chính ở những nơi gian khó nhất lại khiến tôi cảm nhận được sâu sắc sự lành lẽ ở đời. Ông Koji Yamada, Chủ tịch Tập đoàn Foresight (Nhật Bản) đã tự mình đến khảo sát tại những điểm trường đặc biệt khó khăn của các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rồi trở về nước quyên góp, vận động gây quỹ tài trợ và quay lại Việt Nam giúp đỡ học trò nghèo. Trong ba năm học gần đây, ông cùng với Hội Hữu nghị châu Á đã xây mới 21 phòng học, 5 nhà vệ sinh và cải tạo thêm 5 phòng học cũ ở các điểm trường gồm: Liên Phương, Bản Tèn (Trường Tiểu học Văn Lăng), Lân Quan (Trường Tiểu học Sa Lung) ở Đồng Hỷ, Khuổi Chao (Trường Tiểu học Bảo Linh, Định Hóa), điểm trường Nho (Trường Tiểu học Liên Minh, Võ Nhai). Đây vốn đều là các phòng học ọp ẹp có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Càng đáng trân trọng hơn khi ông chia sẻ rằng sự thiếu thốn của các em ở các điểm trường khó khăn cũng chính là tuổi thơ ông mấy mươi năm trước. Không chỉ giúp học trò nghèo có phòng học mới, ông cùng các cộng sự còn dành tặng các em nhiều đầu sách quý với mong muốn góp phần giúp các em được tiếp xúc với nguồn tri thức quý báu của nhân loại.
Một phòng học được xây mới là niềm vui, hạnh phúc của nhiều thầy cô giáo, các em học sinh và bà con dân bản. Niềm vui ấy trong năm học 2017- 2018 này trọn vẹn hơn khi tỉnh quyết định đầu tư 20,5 tỷ đồng để xóa bỏ hoàn toàn các phòng học tạm (nhà làm bằng tre, gỗ, mái lợp tranh, fibro xi măng; tường bưng bằng ván, bạt, nền đất). 33 phòng học nằm trong khối mầm non và tiểu học, cùng các công trình phụ trợ tại 15 trường và điểm trường thuộc 2 huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ được xây dựng khang trang, có điện chiếu sáng và nước sinh hoạt đầy đủ. Những lớp học xây vững chãi vốn chỉ tồn tại trong giấc mơ của người dân ở các xóm bản đặc biệt khó khăn nay đã trở thành hiện thực. Niềm hạnh phúc ấy thật khó có thể diễn tả hết bằng lời. Bởi vậy nhiều xóm đã dành quỹ đất công, nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất để góp phần làm cho khuôn viên trường, điểm trường thêm rộng rãi.
Việc tỉnh đầu tư xóa bỏ toàn bộ các phòng học tạm không chỉ đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh và giáo viên mà còn đáp ứng nhu cầu cấp thiết, nguyện vọng học tập chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số, giúp ngành Giáo dục tỉnh nhà có được bước đột phá mới.
Cùng với các việc xây mới, nâng cấp và cải tạo các trường, điểm trường hàng năm, học trò nghèo tại các vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh còn được đón nhận vô số chăn, quần áo ấm, đồ dùng học tập… của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện gửi về. Đây là sự động viên lớn, tiếp thêm nghị lực cho các em đến lớp, đồng thời chung tay cùng ngành Giáo dục tạo tiền đề quan trọng cho các em học sinh vùng cao có cơ hội tiếp cận và học tập ngang bằng với trẻ em miền xuôi. Quả đúng là như vậy, bởi phải ở trong những phòng học luôn ềm ệp trong giá rét, chỉ một trận gió to cũng lung lay thì điều người ta phải nghĩ đến nhiều hơn cả là sự an nguy của cô, trò; khi các em co ro, đói rét thì điều các em mong có lẽ chỉ là được ăn những bữa cơm no… chuyện nâng cao chất lượng giáo dục là điều rất xa vời.
Niềm vui cứ nối tiếp niềm vui. Đề án làm đường bê tông lên các xóm, bản có đông đồng bào Mông sinh sống không chỉ giúp bà con đi lại thuận tiện, có điều kiện phát triển kinh tế mà còn đưa các tấm lòng hảo tâm đến gần với học trò nghèo nhiều hơn nữa. Rất nhiều các chương trình hỗ trợ cho các trường, điểm trường và học sinh vùng đồng bào dân tộc đã được thực hiện trong 2 năm trở lại đây.
Học sinh trường tiểu học Lũng Luông còn được trang bị máy vi tính và nhiều sách, truyện ý nghĩa.
Thầy giáo Hà Mạnh Cương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai cho biết: Trong hai năm 2016 - 2017, từ nguồn ngân sách, hỗ trợ của các cấp, ngành, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, huyện đã xây dựng, cải tạo được trên 50 phòng học với tổng kinh phí thực hiện trên 30 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước trên 25 tỷ, còn lại các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, các trường học còn nhận được chăn ấm, sách vở, xe đạp, đồ ăn... với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Cùng với đó là nhiều chính sách ưu tiên cho học sinh vùng cao của Đảng, Nhà nước và địa phương. Đây chính là nguồn động lực to lớn giúp chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của mình. Nhờ đó, trong năm 2017 chúng tôi đã: Đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 2 ở 100% xã, thị trấn... Tính đến hết tháng 12 - 2017, trên địa bàn huyện xây mới được 5 trường đạt chuẩn.
Mùa đông năm nay lạnh giá hơn nhiều mùa đông đã qua, nhưng cảm giác buốt, xót trong lòng chúng tôi khi đến thăm các điểm trường vùng cao đã vợi bớt rất nhiều. Thay vào đó là sự cảm phục, biết ơn và hy vọng. Và chắc chắn, phía xa xa kia, bên trong những lớp học mới sáng bừng khi trời vừa tan sương sớm là tương lai tươi sáng của học trò vùng cao. Bỗng cảm thấy những cơn gió mùa cũng không còn lạnh nữa.
Sa Mộc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...