Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
23:33 (GMT +7)

Sở Khanh đã “Sở Khanh” hơn Mã Giám Sinh như thế nào?

1. Truyện Kiều từng được nhiều nhà phê bình ví như một hòn ngọc óng ánh vùi trong đống vũng lầy tối tăm. Đọc Truyện Kiều như đọc Kinh Thi, ngẫm Truyện Kiều là để thấu được những biến suy trong cuộc đời. Nguyễn Du với tài bút sắc sảo, đã chuyển hóa những triết lý thâm sâu vào trong từng câu chữ, lời thơ một cách uyên bác và tế nhị. Tuy vậy, trong “tế nhị” vẫn có lúc ông trỗi dậy một mối hoài cảm nào đó, mà ngay tự trong cảm xúc con người, vốn dĩ không thể giấu giếm được.

Khi đọc Kiều, đã mấy lần tôi tự hỏi rằng, kẻ bạc tình trong truyện không thiếu, người nhẫn tâm với Kiều ngổn ngang, thế nhưng tại sao khi đặt trong mối tương liên bạc tình giữa Mã Giám Sinh và Sở Khanh, chàng họ Sở lại được trao “kim bài” lừa tình “nhỉnh” hơn chàng Mã? Trước tới nay, tôi thường nghe người ta mỉa nhau, miệt thị những thằng đểu cáng là “đồ Sở Khanh”, chứ chưa từng nghe họ bảo “đồ Mã Giám Sinh” bao giờ. Tôi thấy lạ, bèn tra khảo sách vở, thấy rằng, nội tình còn nhiều điều uẩn khuất.

Một minh họa về Truyện Kiều   Nguồn: internet

Trong truyện Kiều, người có tội quả thực đầy rẫy, nhưng phân xử và gán cho chúng một tội danh là điều cần phải cân nhắc đắn đo, ví như tội trạng rành rành, chứng cớ tỏ tường mà ẩn tình còn chưa giải quyết, sao có thể đem người mà ép vào vành lao lung? Tội Mã Giám Sinh và Sở Khanh còn đó, nhưng bên nào nặng hơn bên nào, còn cần phải phân xử rạch ròi...

Nhờ cái lớp áo “thương tình” mà không chỉ Mã Giám Sinh, ngay cả Sở Khanh, Tú Bà, Bạc Bà... cũng có thể gạt dối được nàng Kiều. Bởi nàng vốn dĩ là một người sống tình cảm, đến cả nấm mồ hoang còn ngoái đầu lại mà thương, nên khi vướng phải những dây tơ rối rít của kẻ lừa bịp như thế, nàng dầu phảng phất nhận ra song cản mình không đoạn. Mã Giám Sinh cũng thế, Sở Khanh cũng thế, bọn chúng lừa Kiều như lừa một con vật sa vào bẫy.

2. Khi nhà Vương Ông bị vu oan và giá họa bởi thằng bán tơ rảnh mồm nói khoác, Thúy Kiều với những đắn đo và suy tính đã quyết định lấy thân mình chuộc cha, gả thân mình cho thằng bợm già Mã Giám Sinh. Thế rồi Mã Giám Sinh dưới danh nghĩa của một người chồng trước Kiều và một người con rể trước Vương Ông, đã lừa đảo ý tình cả nhà Kiều một cách ngoạn mục. Cách mô tả hành vi cũng như những cử chỉ lời nói của Nguyễn Du cho người đọc thấy rằng đây không phải là người ngay:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,

Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao;

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng;

Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra;

Cò kè bớt một thêm hai

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm;

Trăng già độc địa làm sao!

Cầm dây chẳng lựa, buộc vào tự nhiên;

Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh,

Vẫn là một đứa phong tình đã quen.

Mã Giám Sinh là một kẻ có lai lịch và hành tung mập mờ, hắn xưng mình là người “viễn khách” nhưng lại trả lời “cũng gần”. Cái vẻ bên ngoài “nhẵn nhụi”, “bảnh bao” đó đối lập hoàn toàn với hành động “tót sỗ sàng”, cho thấy hắn ta chỉ là một kẻ giả tạo và bịp bợm trong lốt một người thư sinh thanh thoát và tao nhã bên ngoài. Hơn nữa, cử chỉ “giục” của hắn ta cũng là một điểm đáng nghi vấn. Điểm này tương ứng với câu:

Tú Bà cùng Mã Giám Sinh

Đi mua người ở Bắc Kinh đưa về

Hóa ra Mã Giám Sinh đã “nhắm” tới Kiều từ trước, nhưng ngặt nỗi hắn phải chờ cơ hội để tiếp cận được gia đình Vương Ông hầu chiếm đoạt được nàng. Giả như Kiều chẳng bán mình mà để nàng Vân ra tay thì ắt hỏng cả việc lớn của hắn. Hắn giục kíp nàng ra cũng chỉ muốn ngắm nghía “món hàng” mình vừa mới vớ bở được mà thôi, chẳng phải để “coi mắt, coi tay” vợ sắp cưới nào cả. Chữ “giục” không chỉ chạm tới được tính cách của hắn mà còn khoáy sâu vào suy nghĩ đồi bại của một kẻ phong tình. Hắn coi Kiều như một vật vô tri, “cò kè” giá cả như để cãi lý với người bán. Chữ “trăng già” dịch từ chữ Hán “nguyệt lão” (月老) ý nói đến người se tơ kết tóc, kết duyên chồng vợ trong văn hóa Trung Hoa, nhưng Nguyễn Du dùng với nghĩa thuần Việt “trăng già” nhằm vào ý niệm chê bai nhiều hơn. Chữ “trăng già” này còn muốn nhấn mạnh đến Mã Giám Sinh - một “Tú ông” chính hiệu, một kẻ bịp bợm chơi trăng ghẹo nguyệt sớm chiều, đến già rồi mà vẫn chưa chừa thói ong bướm lả lơi.

3. Sở Khanh thì khác. Mặc dầu trong tập đoạn trường, hắn và Mã Giám Sinh đều cùng một ruột một rà với nhau, song nếu xét về thủ đoạn, hắn nham hiểm hơn “ngài” họ Mã bội phần. Kim Vân Kiều truyện của văn sĩ Thanh Tâm Tài Nhân được viết cũng ngót gần 500 năm. Chàng Sở Khanh cũng theo đó mà in dấu theo thời gian, nhưng ta phải biết rằng chỉ từ sau khi Truyện Kiều xuất hiện trên văn đàn văn học Việt Nam, chàng họ Sở đó mới trở thành điển hình của những kẻ bạc tình. Điểm nghi vấn ở đây: tại sao chỉ đến khi có Nguyễn Du, Sở Khanh mới “nổi tiếng”? Trước đó hắn ở đâu trong mắt người đọc?

Đặt trong mối tương quan giữa Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và những bộ tiểu thuyết cùng thời, ta có thể nhận ra “Truyện Kiều” của Thanh Tâm có một vị trí rất yếu ớt trong lòng người đọc, kém xa hoàn toàn so với “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tây du ký”... Hầu như cách dẫn giải câu chuyện cũng như việc lựa chọn thể loại không khiến cho người đọc cảm thấy hứng thú. Trong khi Truyện Kiều sử dụng “ngôn từ trần thuật lung linh màu sắc, trở nên có nhiều tầng nghĩa, nghĩa bề ngoài và nghĩa bên trong, nghĩa nổi và nghĩa chìm, nghĩa siêu hình và nghĩa hiện thực” (Nguyễn Huệ Chi) thì Thanh Tâm Tài Nhân đã vô tình tước đoạt những cảm xúc và tâm lý nhân vật trong Kiều, hạn chế việc đặc tả thiên nhiên trong khi chính thiên nhiên là bàn đạp đưa người đọc đến nhân vật. Hơn nữa chỉ là kể suông để nhân vật tự lộ ra tính cách chứ không có dụng ý võ đoán nhân cách thông qua ngôn ngữ như Nguyễn Du. “Cái giá trị tuyệt đối của Truyện Kiều là ở văn chương, ở kĩ thuật miêu tả, tự sự và diễn đạt tình cảm tác giả” (Lê Văn Hòe). Trong môi trường tiếp nhận văn học Trung Hoa, ngặt nỗi, Sở Khanh thua xa một kẻ như Tây Môn Khánh trong Kim Bình Mai về mặt “lừa lọc”. Tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân cũng không đạt tới trình độ đỉnh cao, mà chỉ là một cuốn tiểu thuyết “thường thường bậc trung”. Sở Khanh và các nhân vật khác cũng vì thế mà bị lu mờ theo năm tháng.

Ngoài ra, trong văn hóa người Trung Quốc, hình ảnh những tên ma cô, lừa tình như Sở Khanh, Tây Môn Khánh không còn xa lạ trong giới lầu xanh, bình khang, kỹ nữ nữa, trong khi đó ở Việt Nam, một đất nước chịu ảnh hưởng Nho giáo nặng nề, cộng với đặc trưng văn hóa thuần túy làng xã của người Việt đã khiến Sở Khanh trở thành một kẻ đáng kinh tởm và chê trách. Luật pháp thời xưa được quy định cũng chẳng có chỗ dung chứa cho những người kỹ nữ hoặc làm nghề hát (chúng không được phổ biến rộng rãi như các tửu điếm trong văn hóa của người Trung Quốc). Ngay cả Kiều nhiều khi cũng phải nhận lãnh sự quở trách, thì đương nhiên một kẻ như Sở Khanh thực đáng lên án. Sở Khanh trở thành một hình tượng được điển hình, đặt trong “hoàn cảnh điển hình” của xã hội phong kiến Việt Nam, điều đó khiến hắn hóa danh trở thành kẻ tráo trở, lừa tình và bịp bợm.

Một điểm đặc biệt trong truyện Kiều nằm ở tài năng và bút lực dồi dào, sắc sảo của cụ Nguyễn Du. Hoài Thanh cũng đã từng hạ bút nói rằng chỉ khi tới Nguyễn Du, Sở Khanh mới được bộc lộ đầy đủ những tính cách điển hình của một gã “Sở Khanh”. Để miêu tả Sở Khanh, Nguyễn Du không chỉ sử dụng tính mơ hồ, lấp lửng trong lời nói của hắn, mà hơn hết còn bộc lộ ở cử chỉ và hành vi của hắn với nàng Kiều:

Một chàng vừa trạc thanh xuân

Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng;

Nghĩ rằng cũng mạch thư hương,

Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.

Nhiều bản khắc Nôm sử dụng chữ “dung” thay vì chữ “dong” (容), riêng tôi lại nghĩ chữ “dong” - một chữ Nôm đã bị đọc chệch từ tiếng Hán - hợp lý trong trường hợp này hơn, ví như ca dao xưa có câu “Trông mặt mà bắt hình dong”, với ý nghĩa mỉa mai khinh bỉ. Hơn nữa, hành động “nghĩ rằng” của Kiều lại cũng ứng hợp vô cùng với câu “trông mặt mà bắt hình dong”, nó thể hiện được suy nghĩ non nớt của nàng. Trong tình cảnh thế cô đó, Kiều chẳng còn thể nhận ra giả - chân, một mạch đâm đầu vào lò lửa mặc dầu trong tâm can đã nghi hoặc đủ điều. Sở Khanh cũng vì đoán biết được cả ý nghĩ và ước muốn của nàng, nên hắn mới ra vẻ “anh hùng”, nói lời cao ngạo và khuếch trương:

Thuyền quyên ví biết anh hùng

Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi

Cụm từ “như chơi” đã biến Sở Khanh trở thành một kẻ ba hoa trong mắt người đọc, nhưng trong mắt Kiều, Sở Khanh như là một vị “anh hùng” dọc ngang, có thể cứu nàng trong chớp nhoáng. Kiều đã mắc mưu. Đến khi nhận ra chân tướng của Sở Khanh, Kiều chỉ còn biết trách phận than thân mà thôi.

Trong truyện, có ba người đàn ông liên quan đến Thúy Kiều (trừ Từ Hải) được Nguyễn Du “ưu ái” trao cho chữ “lẻn”, đó là Kim Trọng, Sở Khanh và Thúc Sinh. Với Kim Trọng, chữ “lẻn” được đặt vào trong câu “Băng mình lẻn trước đài trang tự tình” là để giữ gìn phẩm giá cho nàng Kiều. Với Thúc Sinh, chữ “lẻn” trong câu “Thừa cơ sinh mới lẻn ra/ Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng” là để an ủi cho số phận của nàng. Riêng với Sở Khanh, chữ “lẻn” được đặt trong ý nghĩa hoàn toàn khác: “Tường đông lay động bóng cành/ Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”. Chữ “lẻn” vừa thể hiện mưu mô và toan tính của y, vừa bộc lộ rõ bản chất của y. Nếu Sở Khanh không “lẻn” mà “bước”, thì hẳn Kiều sẽ nghi ngờ ngay. Hành việc gian manh sao có thể nghênh ngang. Chỉ có “lẻn” mới xuôi. Màn kịch lấy lòng Kiều ấy thật tinh vi! Vở diễn mà Sở Khanh với Tú Bà đặt ra sẽ hoàn hảo biết mấy nếu như hắn ta thôi oang oang cái mồm với nàng. Nhưng dầu sao, bộ mặt thật của hắn cũng đã phải bộc lộ:

Rằng: Ta có ngựa truy phong

Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện nhi;

 

Nàng càng thổn thức gan vàng

Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!;

 

Bạc tình nổi tiếng lầu xanh

Một tay chôn biết mấy cành phù dung!;

 

Sở Khanh quát mắng đùng đùng

Bước vào vừa rắp thị hùng ra tay.

Tất cả những mô tả của Nguyễn Du đều chỉ vào cái mặt đểu cáng của thằng Sở Khanh. Nào là “quất ngựa truy phong”, nào là “bạc tình nổi tiếng”... Mọi thứ trong mắt nàng Kiều, từ một vị “anh hùng”, hắn bị hạ bệ thành một kẻ “đê tiện”. Sở Khanh và Mã Giám Sinh đều là những kẻ lừa lọc Kiều, nhưng xét kĩ, Mã Giám Sinh không tỏ vẻ thanh cao cũng chẳng giả tạo trước mặt nàng Kiều như Sở Khanh. Cái đáng sợ của Sở Khanh là ở chỗ, hắn lừa Kiều một cách ngoạn mục, đánh lận con đen. Cái lừa của hắn “độc đáo” ở chỗ mặc dầu Kiều đã bán tín bán nghi nhưng trong tâm nàng vẫn một mực quyết đi theo, bất chấp mọi hiểm nguy. Nếu chỉ lừa được những kẻ dại dột ngu dốt tầm thường thì là một nhẽ, trong khi ở đây Sở Khanh lừa được người một con gái thông minh, tài sắc vẹn toàn là Kiều.

Người Việt Nam dùng hai chữ “Sở Khanh” để nói đến những tên đạo đức giả và lừa tình, một phần thể hiện thái độ gắt gao của văn hóa Việt với những tuồng bất lương, một phần thể hiện nếp sống tin yêu vào những điều tốt đẹp của xã hội. Ác như Tú Bà, như Hoạn Thư, như Hồ Tôn Hiến cũng chẳng bằng Sở Khanh. Hắn giết người sau lưng, kinh tởm hơn cả những nhân vật phản diện khác hại người trước mắt. Cái ác của Sở Khanh là cái ác nham hiểm, đáng trừng trị và lên án trong xã hội. Chẳng thế mà Tản Đà đã từng hạ bút mỉa mai rằng:

Ba mươi lạng bạc đời Gia Tĩnh

Để mãi ngàn thu tiếng Sở Khanh!

4. Ta nhận thấy rằng, một hình mẫu trở thành điển hình sẽ không bị tác động bởi quy luật trước - sau hay sớm - muộn của dòng chảy văn học, mà bị chi phối bởi sức sống nghệ thuật. Một tác phẩm nghệ thuật có sức sống phải in dấu sâu đậm trong lòng của người đọc. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đạt được tới tầm cao giá trị đó, điều mà Phạm Quý Thích từng viết:

Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy

Tân Thanh đáo để vị thùy thương

(Nghĩa là:

Vì một mảnh tài tình mà ngàn năm còn lụy

Tác phẩm Tân Thanh này vì ai mà thương cảm đau lòng)

Mỗi lần đọc Kiều, tôi lại càng mở ra nhiều điều mới lạ. Như đi một ngày đàng, học một sàng khôn vậy, cứ đọc một mạch mà không muốn ngưng. Tôi tự hỏi mấy trăm năm sau sẽ còn ai được như cụ Nguyễn Du, sáng tác nên một bản “tân đoạn trường tân thanh”? Thời gian sẽ biết cách mà trả lời...

Nguyễn Thanh Lộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy