Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:13 (GMT +7)

Sáp nhập đơn vị hành chính: Những bước đi cho sự phát triển

VNTN- Tại Kỳ họp thứ 20 (kỳ họp chuyên đề), khoá XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra ngày 6/9/2024, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ra nghị quyết về việc sáp nhập 93 xóm, tổ dân phố (TDP) để thành lập 45 xóm, TDP tại các xã, phường thuộc 2 thành phố là Phổ Yên, Sông Công và 3 huyện là Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ; đồng thời đổi tên 5 TDP tại 3 phường: Đông Cao, Tiên Phong, Thuận Thành thuộc TP. Phổ Yên.

Sáp nhập đơn vị hành chính: Những bước đi cho sự phát triển
Các đại biểu tham dự Kỳ họp biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sáp nhập 93 xóm, tổ dân phố

Nghị quyết ra đời vừa để đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định, vừa tạo cơ sở pháp lý cho việc tinh gọn bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách và người trực tiếp tham gia hoạt động ở xóm, TDP.

Việc sáp nhập, đổi tên xóm, TDP được thực hiện trên nguyên tắc: Các xóm, TDP có quy mô số hộ gia đình được quy định (xóm có dưới 75 hộ gia đình và TDP có dưới 100 hộ gia đình) thì phải sáp nhập với xóm, TDP liền kề. Các xóm, TDP đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên theo quy định (xóm có từ 75 hộ gia đình và TDP có từ 100 hộ gia đình trở lên), ở những nơi có đủ điều kiện thì thực hiện sáp nhập.

Quá trình thực hiện sáp nhập đã được xem xét đến các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa hình và phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tại địa phương. Khi xem xét đổi tên xóm, TDP, ngoài việc không được trùng tên với tên của các xóm, TDP hiện có trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã còn được thực hiện theo nguyện vọng của nhân dân.

Theo những quy định trên, tính đến ngày 31/5/2024, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 2.254 xóm, TDP (bao gồm 1.580 xóm và 674 tổ dân phố), trong đó còn 66 xóm, TDP dưới 50% tiêu chuẩn, thuộc diện phải sáp nhập.

Tuy nhiên, trong số 66 xóm thuộc diện phải sắp xếp lần này có xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai được đề nghị được giữ nguyên, không phải sáp nhập. Lý do vì Cao Biền là xóm vùng cao, có địa hình bị chia cắt phức tạp và có vị trí nằm biệt lập.

Sáp nhập đơn vị hành chính: Những bước đi cho sự phát triển
100% người dân trong xóm Cao Biền là đồng bào dân tộc Dao. Ảnh: Hải Bình

Trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện, thành phố liên quan và Báo cáo thẩm định Đề án sáp nhập xóm, TDP và Phương án đổi tên TDP trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh xem xét, quyết định sáp nhập đối với 93 xóm, TDP (trong đó: 45 xóm, TDP thuộc diện phải sáp nhập; 48 xóm, TDP liền kề thuộc diện khuyến khích sáp nhập) để thành lập 45 xóm, tổ dân phố mới (gồm: 31 xóm, 14 TDP) tại các xã, phường thuộc thành phố: Sông Công, Phổ Yên và các huyện: Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ.

Sáp nhập đơn vị hành chính: Những bước đi cho sự phát triển
Sau khi thực hiện sáp nhập, toàn tỉnh sẽ còn 2.206 xóm, tổ dân phố. Ảnh: Mạnh Hùng

Sau khi thực hiện sáp nhập, toàn tỉnh sẽ giảm 48 xóm, TDP, còn 2.206 xóm, TDP (bao gồm 1.548 xóm và 658 TDP). Toàn tỉnh vẫn còn 20/66 xóm, TDP dưới 50% tiêu chuẩn. Đối với các xóm, TDP này, UBND tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá để thực hiện sáp nhập trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, 5 TDP thuộc các phường: Đông Cao, Tiên Phong, Thuận Thành thuộc TP. Phổ Yên sẽ được tiến hành đổi tên. Cụ thể: TDP Rùa thuộc phường Đông Cao sẽ được đổi tên thành TDP Quan Rùa; 2 TDP Ao Cả và Kết Hợp thuộc phường Tiên Phong sẽ được đổi tên thành TDP Cổ Pháp 1 và TDP Cổ Pháp 2; 2 TDP thuộc phường Thuận Thành là Lai 1 và Lai 2 sẽ lần lượt được đổi thành TDP Triều Lai 1 và Triều Lai 2.

Lý do chọn các tên gọi Quan Rùa, Cổ Pháp, Triều Lai thay thế các tên gọi hiện tại vì đây là tên gọi cổ của các vùng đất này. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, các xóm làng trước đây đã được chia tách để thuận tiện cho công tác quản lý hành chính, một phần khác do thói quen của người dân thường gọi tắt nên đã hình thành tên gọi như hiện nay.

Nhằm lưu giữ lịch sử và phù hợp với hoàn cảnh hiện tại (khi thị xã Phổ Yên trở thành TP. Phổ Yên và chuyển xóm thành TDP), nhân dân tại đây có mong muốn được đổi tên về đúng tên gọi trước đây.

Sáp nhập đơn vị hành chính: Những bước đi cho sự phát triển
Thị trấn Chợ Chu hiện nay nhìn từ trên cao. Ảnh: Hải Bình

Từ năm 2018 đến 2021, việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập các xóm, TDP trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ; theo đó, đã giảm được 778 xóm, TDP, từ 3.032 xuống còn 2.254 xóm, TDP. Cùng với đó là giảm được gần 7.000 người hoạt động không chuyên trách và người tham gia trực tiếp công việc ở xóm, TDP, giúp giảm ngân sách nhà nước chi cho hoạt động ở xóm, TDP, nhờ vậy mà nâng cao được chất lượng người hoạt động không chuyên trách và người trực tiếp tham gia hoạt động của xóm, TDP.

Có thể thấy, việc sáp nhập xóm, TDP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không chỉ là quyết định hành chính mà còn nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ địa phương cũng như người dân. Nhìn lại những địa phương đã được thực hiện sáp nhập trước đây chính là minh chứng rõ nét.

Chúng tôi đến thăm thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hoá, địa phương đã được HĐND tỉnh thông qua việc sáp nhập với xã Bảo Cường tại Nghị quyết số 21 ngày 26/4/2024.

Đến nay, việc sáp nhập với xã Bảo Cường đã hoàn tất khâu chuẩn bị. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Chu chia sẻ: Chúng tôi hiểu, việc dôi dư cán bộ sau sáp nhập là điều tất yếu. Ban đầu, tâm tư là điều khó tránh khỏi nhưng khi mọi người đã nắm rõ chủ trương thì tất cả đều hoàn toàn ủng hộ và thoải mái về tư tưởng. Ai cũng hiểu việc sáp nhập là cần thiết nhằm đáp ứng sự phát triển của thị trấn, bởi chỉ khi địa giới hành chính được mở rộng, Chợ Chu mới đảm bảo quy mô dân số và diện tích để hướng tới mục tiêu xây dựng thị trấn đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025.

Sáp nhập đơn vị hành chính: Những bước đi cho sự phát triển
Ông Dương Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hoá

Ngay cả bản thân tôi, sau khi 2 đơn vị hành chính sáp nhập cũng có thể đảm nhận tiếp vai trò Chủ tịch Thị trấn, cũng có thể không, nhưng tất cả chúng tôi, những người ở vị trí có thể sẽ thuộc diện dôi dư đều đã sẵn sàng nhận mọi phân công, điều động hoặc về nghỉ chế độ theo sự sắp xếp của cấp trên.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Cường cũng chia sẻ: Ban đầu, nhiều người dân trong xã còn có tâm trạng lo ngại, bà con cho rằng khi sáp nhập xã về thị trấn Chợ Chu sẽ gặp khó khăn về việc thay đổi thông tin, giấy tờ hành chính. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền cặn kẽ và biết rằng Nhà nước sẽ hỗ trợ hoàn toàn những thủ tục hành chính liên quan đến người dân do việc sáp nhập đơn vị hành chính gây ra, người dân đã đồng thuận và đang rất mong chờ ngày chính thức có quyết định trở thành công dân của thị trấn.

Sáp nhập đơn vị hành chính: Những bước đi cho sự phát triển
Sáp nhập đơn vị hành chính giúp tập trung nguồn lực, tạo đà cho địa phương phát triển nhanh và bền vững hơn

Tương tự, tại xã Ký Phú, huyện Đại Từ, khi sáp nhập với xã Vạn Thọ thành xã Vạn Phú, nhân dân địa phương cũng bày tỏ sự đồng tình cao. Ông Nguyễn Văn Thông, xóm Cạn, xã Ký Phú, cho biết: “Lúc đầu, tôi cũng như bà con trong xóm có nhiều thắc mắc, thậm chí lo ngại rằng việc sáp nhập sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa của xóm. Tuy nhiên, khi được các cấp chính quyền giải thích rõ ràng về mục đích, lộ trình và lợi ích lâu dài, chúng tôi đã hiểu và đồng thuận. Khi xóm Cạn thuộc về xã Vạn Phú nguồn lực được tập trung thì chắc chắn cơ sở hạ tầng sẽ được quan tâm và đầu tư nhiều hơn, đời sống của bà con chúng tôi cũng nhờ đó mà khấm khá hơn.

Những ý kiến từ các địa phương trước, trong quá trình thực hiện sáp nhập cho thấy, mặc dù việc điều chỉnh này không tránh khỏi những khó khăn ban đầu, nhưng với sự minh bạch, tận tâm, tuyên truyền thuyết phục kỹ lưỡng từ phía chính quyền, giúp người dân hiểu về những lợi ích lâu dài khi thực hiện sáp nhập, bà con sẽ đồng thuận.

Đây là nền tảng vững chắc giúp cho các kế hoạch sáp nhập trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục gặt hái được những thành công.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục