Sáng tạo như là kháng cự khả năng không tồn tại
VNTN - Tồn tại của con người, từ bản thể luận, là một tồn tại đầy giới hạn. Nhà văn Việt Nam, trong điều kiện đổi mới, hội nhập, cũng luôn phải đối mặt với những giới hạn. Trong đó, giới hạn lớn nhất là chính bản thân mình. Đối diện với những vấn đề vừa rất thực tiễn, lại cũng rất siêu hình đó, trong ý thức cao độ về lẽ sống, về ý nghĩa tồn tại, sáng tạo của nhà văn chính là hành trình đưa nghệ thuật vượt qua giới hạn, qua đó, kháng cự tình trạng “không tồn tại” luôn thường trực hiện diện.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Tại sao văn chương đương đại Việt Nam không có tác phẩm lớn? Đi trả lời cho câu hỏi này, người ta lý giải từ ba bình diện: Tâm, Tầm, Tài của người viết. Có thể nói, giới hạn về tinh thần, tư tưởng, tầm vóc và tài năng là những hạn chế cốt lõi của văn chương Việt Nam đương đại. Người đọc luôn hoài nghi về giá trị nghệ thuật, tư tưởng của một tác phẩm, bởi lẽ, chủ thể sáng tạo ra những tác phẩm đó bị giới hạn trong những điều kiện chật hẹp của tư tưởng, tri thức, học vấn, vốn văn hóa, kinh nghiệm thẩm mỹ - hay như P.Bourdieu gọi là “vốn tượng trưng”. Hệ lụy từ giới hạn này làm xuất hiện hàng loạt tác phẩm yếu kém về chất lượng nghệ thuật, hời hợt, nông cạn về tư tưởng (nếu không muốn nói là không có tư tưởng). Trong một dự án làm việc, khi phải khảo sát các tập thơ được nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, chúng tôi nhận thấy phải đến 90% tác phẩm có chất lượng thấp. Chợt nghĩ, hồi đầu thế kỷ XX, Hoài Thanh - Hoài Chân đọc một vạn bài thơ mà có ngót vạn bài là thơ dở cũng là điều có thể hình dung được. Không thể phủ nhận cái Tâm của người viết. Nghĩa là, sáng tạo, trong ý nghĩa đích thực của hành vi này, luôn là sự thể hiện của một nhiệt tâm, cảm xúc đã đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cái Tâm, Tầm, Tài cũng đồng hành hay tỉ lệ thuận với nhau. Những giới hạn luôn được giăng lên, chi phối, kiềm tỏa lẫn nhau, khiến cho thực hành sáng tạo là cuộc chiến không ngừng với những giới hạn trong chính chủ thể. Văn học Việt Nam từ sau 1975, với những tác giả như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Lựu, Dương Hướng, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương, Trương Đăng Dung, gần hơn là Đặng Thân, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh,… là những tên tuổi nỗ lực vượt qua giới hạn để sáng tạo nghệ thuật. Sự thật, ngay trong chính nỗ lực ấy, nhà văn vẫn không ngừng nhận ra những giới hạn ở phía trước. Bởi thế, Nguyễn Minh Châu tự lập tòa án lương tâm để phán xét con người, đọc lời ai điếu cho văn nghệ minh hoạ; Tạ Duy Anh “bước qua lời nguyền”; Mai Văn Phấn liên tục “vong thân”; Nguyễn Bình Phương sau “xa thân” là “từ chết sang trời biếc”; Nguyễn Quang Thiều “rời bỏ thành phố” hát bài ca “châu thổ”; Nguyên Lương Ngọc nung chảy, xé toang, đập mình ra để cấu trúc; Trương Đăng Dung đối thoại với tồn tại; Đặng Thân đẩy sự việc đến tận cùng, loại bỏ cấm kỵ ra khỏi sáng tác; Văn Cầm Hải “không ăn bóng một thời đã qua”; Vi Thùy Linh “một bản thể đầy mâu thuẫn”,… Đó chính là những động thái đối diện và vượt qua giới hạn. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều các ấn phẩm được gọi là văn học mà sự hiện diện của nó chẳng có nghĩa lý gì ngoài việc chứng minh sự thất bại, gục ngã của tác giả trước các giới hạn. Trong một trao đổi ngắn với người viết bài này, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi cho rằng, “thực tế, cái rào cản cuối cùng của nhà văn Việt Nam vẫn là chúng ta thiếu một bản lĩnh, lòng dũng cảm và một đam mê, một tài năng đủ lớn để chấp nhận thua thiệt, khó khăn về đời sống để hết mình cho sáng tác, cho vấn đề, tư tưởng, sự kiện lịch sử có tầm vóc mà mình cần thể hiện”.
Ảnh minh họa |
Giới hạn về Tâm - Tâm - Tài, có lẽ là mẫu số chung của không chỉ nhà văn Việt Nam. Cổ nhân từng nói: Văn chương xưa nay vô bằng cứ, được mất chỉ một mình biết, một mình mình hay. Điều này hàm chứa sự tự tri (tự biết) về Tâm - Tầm - Tài của chính nhà văn. Có thể nói, đó là một sự tri nhận thuộc về đạo đức và luân lý, phẩm chất làm nên cốt cách trí thức, nghệ sĩ. Một khi, ý thức về giới hạn của mình, tức là nhà văn đã có cơ sở để có thể tiến hành những cuộc cách tân, bứt phá, sáng tạo. Cách tân, không gì khác là hành vi nhận ra giới hạn và nỗ lực vượt qua giới hạn. Tuy vậy, ngay ở đây cũng cần phải ý thức rằng, cách tân không đồng nghĩa với giá trị. Có thể, cách tân này hay, có giá trị nghệ thuật, nhưng cũng có những cách tân không hay, không có giá trị. Bởi thế, suy xét kỹ, cách tân chưa phải là mục tiêu cuối cùng của sáng tạo. Cách tân chỉ là một khái niệm để gọi tên một hành động, con đường, một cách thức vượt qua giới hạn để đi đến giá trị nghệ thuật.
Nỗi bất lực trước những giới hạn của tồn tại đôi khi lại được hiện lên với vẻ tự tin đầy can đảm. Dù vậy, trong tình thế đối diện với không - thời gian, con người không thể khỏa lấp những ưu tư về sự sống, cái chết, nghĩa lý của tồn tại, hành trình thực hiện “phác đồ người” của mình (M.Heidegger). Con người buộc phải chấp nhận một thực tế rằng, giới hạn chính là bản chất của tồn tại, động lực của tồn tại, nguyên lý của sự sống, đồng thời là chứng nhân của hiện hữu. Ném mình vào dòng chảy của thời gian, của sự hủy tạo không ngừng, con người luôn nỗ lực để kháng cự và qua đó, khẳng định tư cách hiện diện của mình. Càng những người nhạy cảm với đời sống lại càng ý thức rõ về giới hạn cũng như cố gắng mãnh liệt nhất để chiến thắng giới hạn - Chúng ta đang nói về nhà văn, nghệ sĩ, những người tìm kiếm và sáng tạo cái đẹp. Từ trong những cố gắng không ngừng nghỉ đó, nhân loại có may mắn được chiêm ngưỡng những giá trị nghệ thuật thực sự, như là bằng chứng của nỗ lực vượt qua giới hạn, là niềm tin về điều gì đó có thể được gọi là vĩnh hằng.
Nguyễn Thanh Tâm
Tiến sĩ, Viện Văn học Việt Nam
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...