Rạp cỏ may ngày ấy và lâu đài nghệ thuật hôm nay
Ấy vậy mà sáng nay, đi trên đường Hoàng Văn Thụ quen thuộc, tôi bỗng giật mình nhìn lên. Gì thế kia? Một công trình ngạo nghễ. Dù còn xù xì sắt thép, phong trần bê tông nhưng đã bộc ra vẻ đẹp mềm mại mà khỏe khoắn.
Phối cảnh Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc
Dù vào ngày thứ 7 nhưng khi tôi đến công trường đã thấy hai Phó Giám đốc của Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc (đơn vị chủ quản) là ông Bùi Hải Anh và ông Nông Xuân Ái leo trèo cao tít, đứng trao đổi công việc với kỹ sư xây dựng Ngô Xuân Thụy, Chỉ huy trưởng đơn vị thi công.
Chỗ chúng tôi đang đứng là khu vực biểu diễn. Tôi nhìn thấy hình hài sân khấu rộng mênh mông, các hàng ghế vòng cung cho khán giả, sẽ là nơi thỏa sức để tổ chức những sự kiện lớn của tỉnh, của Trung ương, quốc tế.
Chỉ tay lên vòm mái đang lợp, Thụy nói tiếp: Kết cấu mái là dàn không gian khẩu độ lớn, mái lợp tôn 6 lớp.
Nghe các thông số Thụy đưa ra, nhất là con số 1.200 chỗ ngồi ở khán phòng chính tôi chợt nghĩ đến Nhà hát lớn Hà Nội, nơi được coi là thánh đường nghệ thuật Việt Nam cũng chỉ có 800 chỗ ngồi. Và so sánh này ít khập khiễng hơn: Mấy địa điểm người Thái Nguyên vẫn thưởng thức nghệ thuật như Nhà thi đấu thể thao, Trung tâm Văn hóa Thông tin, Rạp chiếu bóng - vốn thiết kế cho hội họp, đấu trường - mới thấy chúng ta lâu nay đã chịu thiếu thốn nhiều về thiết chế văn hóa.
Ngắm sân khấu từ trên cao, tôi mường tượng ra độ hoành tráng của những tiết mục sẽ diễn ở đây. Lòng sân khấu 315m2, khu phụ trợ thênh thang chứa được hàng trăm diễn viên và đạo cụ, chưa kể ánh sáng và độ cách âm chuẩn, hứa hẹn mang đến cho người thưởng thức vẻ đẹp sâu thẳm của nghệ thuật.
- Ngay từ khi đặt cọc móng đầu tiên, Công ty Tây Hồ chúng tôi đã quán triệt tinh thần xây dựng: Lương tâm nghề nghiệp đặt lên hàng đầu. Cái mà nhiều người nghĩ đến đại loại như “rút ruột”, làm ẩu, vì lợi nhuận là điều chúng tôi tối kỵ. Bởi ở đây, không chỉ gánh niềm tin của Bộ Văn hóa, của nhân dân Thái Nguyên mà chúng tôi còn gánh trách nhiệm về sinh mạng con người, về dấu ấn để đời của công trình thế kỷ.
- Đấy là nói chung, còn cụ thể, chúng tôi thành lập ban điều hành, ban giám sát, ban an toàn… theo dõi thi công. Hàng ngày, trên công trường này có mặt đại diện chủ đầu tư, tư vấn giám sát, chỉ huy trưởng thi công. Hàng tuần, có tư vấn thiết kế đến kiểm tra thi công đúng thiết kế hay không? Nhân dân Thái Nguyên hãy tin tưởng vào chất lượng công trình - Ông Hải Anh nhắn gửi.
Bỗng nhiên, chiếc cọn nước cách điệu đưa tôi về một kỷ niệm ấu thơ. Vâng, chính chỗ này là Rạp chiếu bóng ngoài trời thành phố. Rạp có từ khi tỉnh lỵ Thái Nguyên thành lập. Lớp trẻ con thành phố chúng tôi thường lấy rạp làm chỗ vui chơi. Gọi là rạp cho oai chứ đó chỉ là một quả đồi thoai thoải, cỏ may ken dày. Chân đồi có một sân khấu lát gạch dãi dầu mưa nắng. Mấy căn phòng áp mái là nơi cho diễn viên thay đồ. Nơi đó, một lần tôi được vào. Năm ấy tôi học lớp 6 trường cấp hai Nha Trang. Như thường lệ, tan học chúng tôi rủ nhau ra rạp chơi trò đuổi bắt. Chúng tôi tròn mắt thấy trên sân khấu dựng một tấm bảng đen đề hàng chữ phấn trắng: “Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam tuyển diễn viên”. Mấy đứa học sinh con nhà nghèo chụm đầu bàn bạc rồi rụt rè vào… tuyển. Qua phần nhìn ngắm “dung nhan”, xem đầu gối có to không, chân tay có thẳng không, tôi được lọt vào phần bắt chước vỗ tay (sau tôi mới biết là xem độ nhạy về tiết tấu), ban tuyển chọn 3 người gật gù nhìn nhau. Khi biết tôi đang học lớp 6, họ bảo: Các cô chú chỉ tuyển học sinh hết cấp hai, sang năm cháu đến nhé. Chúng tôi tiếp tục vui vẻ đùa nghịch, quên ngay vụ tuyển diễn viên vừa xong. Vậy mà đến tận bây giờ, mỗi lần đi qua nơi này tôi lại nhớ đến kỷ niệm trẻ con ấy. Dạo đó, Thái Nguyên đã có rạp chiếu bóng và rạp diễn kịch. Nhưng được vào rạp xem là thú vui xa xỉ bởi giá vé cao. Mà để mua được tấm vé có khi phải trèo lên đầu nhau, chen lấn đến “bẹp ruột”. Vì thế, chúng tôi chỉ thỏa cơn đói văn hóa ở rạp ngoài trời. Mỗi lần có chiếu phim, diễn kịch ở đây, chúng tôi thấp thỏm ăn cơm trước, xin bố mẹ cho đi xem thật sớm. Ấy vậy mà cứ chôn chân ở chỗ soát vé, nơi có cái bóng điện treo tòng teng và hàng nghìn con muỗi bay vòng tròn. Kiên trì đứng đấy đến khi ông soát vé chép miệng bảo: “Thôi, tháo khoán cho chúng mày”. Thế là vội vàng chạy vào. Người ta ngồi kín chỗ rồi, chúng tôi leo lên chóp đồi, vẫn nhìn thấy sân khấu dù xa tít tắp. Mỗi lần đi xem về, cỏ may ghim chi chít hai ống quần, chúng tôi vừa nhặt cỏ may vừa xuýt xoa nhắc lại từng chi tiết phim, từng lời thoại kịch. Trên sân khấu ánh điện lập lòe hòa lẫn sao trời ấy, chúng tôi khóc cười cùng nhân vật của “Lão hà tiện”, “Romeo và Juliet”, “Hòn đảo thần vệ nữ”… Chúng tôi hò reo đón đợi nghệ sĩ xiếc Tâm Chính biểu diễn “Cô hàng giải khát”, khóc nức nở thương cô Dịu trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”… Những lần xem “tháo khoán” ấy đã vun đắp tình yêu văn học để tôi chọn con đường chữ nghĩa sau này.
Một tiết mục của Nhà hát CMDG Việt Bắc
tại Lễ hội Thơ Thái Nguyên 2015 Ảnh: Khắc Thiện
Rạp cỏ may của tôi ngày ấy nay ngự trị lâu đài nghệ thuật hiện đại nhất miền Bắc. Sự trùng hợp này có phải ngẫu nhiên chăng? Hay tầm nghĩ, tầm quy hoạch của hai lớp người sống cách nhau gần thế kỷ có điểm chung: Dành vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố làm nơi xây dựng công trình văn hóa cho người dân hưởng thụ?
Liệu công dân nghèo của Thái Nguyên như chúng tôi thời đó có được ngồi vào những chiếc ghế sang trọng của thánh đường này mà thưởng thức văn hóa? Câu hỏi này của tôi cũng là trăn trở của Giám đốc Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc - Nghệ sĩ Ưu tú Ngô Đình Thành. Ông Thành bày tỏ: Công trình đã thể hiện tình yêu mà Đảng, Chính phủ dành cho đồng bào Thái Nguyên, đồng bào Việt Bắc chúng ta. Nhưng khai thác sao cho hiệu quả là điều chúng tôi trăn trở. Mảnh đất này có thể không “đẻ trứng vàng” vật chất, nhưng phải là nơi cho văn hóa dân tộc sinh sôi, khởi sắc.
Minh Hằng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...