VNTN - Gần đây, Nghị trường Quốc hội và dư luận đang “nóng” về câu chuyện có hay không quy định “quyền im lặng” của nghi can trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự.
Vậy cái gọi là “quyền im lặng” là gì? Có phải là nghi can được phép “cấm khẩu” hoặc “gây khó khăn cho cơ quan điều tra” như một vài đại biểu Quốc hội phát biểu không?
Tại nhiều nước mà pháp luật của họ có quy định về “quyền im lặng”, khi nghi can bị cơ quan điều tra bắt giữ, người bị bắt có quyền lựa chọn im lặng hay không. Đại diện cơ quan bắt giữ bao giờ cũng nói một câu cảnh báo (ở Mỹ gọi là “cảnh báo Miranda”- phần sau sẽ nói rõ) đại ý như sau: 1- Anh có quyền im lặng; 2 - Mọi lời anh nói ra bây giờ có thể được sử dụng để chống lại anh tại tòa; 3 - Anh có quyền gọi luật sư và yêu cầu luật sư có mặt khi thẩm vấn và nếu anh không có luật sư riêng thì chúng tôi sẽ chỉ định luật sư đại diện cho anh; 4 - Bất cứ lúc nào anh cũng có quyền sử dụng các quyền này và không trả lời hay khẳng định gì… ; 5 - Anh đã hiểu các quyền của anh mà tôi giải thích chưa, đã hiểu rồi thì anh có muốn khai gì với chúng tôi không?”
Bộ luật Tố tụng của các nước, cũng như nước ta đều đề cao “trọng chứng hơn trọng cung”. Trong trường hợp nghi can im lặng không khai, mà chứng cứ chống lại anh ta, thì việc im lặng lại trở thành tình tiết tăng nặng, cho nên để cứu vãn tội trạng, khi đã có các chứng cứ, có nhân chứng, thì không mấy khi nghi can ngoan cố được. Khi đó mới là tâm phục khẩu phục của người phạm tội.
Đó là thực trạng của những nước mà “quyền im lặng” được công nhận. Nếu như vậy, rõ ràng việc ép cung, nhục hình sẽ rất khó xảy ra, đảm bảo giảm tối thiểu sự oan sai trong xét xử. Tại các nước nghi can có quyền im lặng, việc tra tấn bức cung của cán bộ thẩm tra sẽ bị khép tội rất nặng. Nó là một hành vi vi phạm quyền con người, điều mà các nước dân chủ cực lực lên án, điều mà Hiến pháp nước Mỹ đã viết, và Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam đã dẫn lại.
Trong khi chưa thực thi quyền im lặng của các nghi can, kết quả nguy cơ dẫn đến oan sai là điều tất yếu. Tại kênh truyền thông chính thống, hệ thống tư pháp nước ta cũng không chối, không bao che thực trạng oan sai của các phạm nhân. Theo Báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự…” từ 1/10/2011 đến 30/9/2014, có đến 71 vụ án oan (trong số 219.506 vụ, 338.379 bị can). Ngoài ra, còn có 15 trường hợp làm án oan thuộc trách nhiệm bồi thường của cơ quan điều tra, 240 quyết định khởi tố phải bị hủy bỏ. Báo cáo cũng thống kê, có 4998 người bị bắt giữ nhưng chuyển xử lý hành chính (không đáng bị bắt)… Do tiềm ẩn oan sai, nên đã xảy ra oan sai thực sự hoặc cơ quan điều tra bất lực, xảy ra 78 trường hợp tự sát khi tạm giam.
Bức tranh oan sai trong 3 năm gần đây nhất của nền tư pháp, nếu mô tả ngắn gọn, chỉ có thể nói là “đen tối” hoặc “thê thảm”. Ấy vậy mà Báo cáo liệu đã đánh giá hết thực trạng oan sai chưa, hay còn nhiều vụ bị lờ đi. Chỉ những vụ án oan lớn như Nguyễn Thanh Chấn mọi người mới biết, hoặc những vụ bức cung như vụ Hồ Duy Hải, vụ xử oan em Đỗ Quang Thiện lớp 12 ở Đak Lak thì báo chí mới vào cuộc…
Ông Nguyễn Thanh Chấn đã trở về nhà sau 10 năm ngồi tù oan sai
Một vài ý kiến của đại biểu Quốc hội chống lại “quyền im lặng” chắc chắn không phải những đại biểu hoạt động chuyên nghiệp trong hệ thống tư pháp, mà chỉ là thuộc lĩnh vực cảnh sát, công an (điều tra), lĩnh vực quản lý hành chính theo lề lối quan liêu hoặc không có quan hệ rắc rối với cơ quan điều tra. Công nhận “quyền im lặng” còn có ý nghĩa khác, sâu xa hơn, đó là công nhận cốt lõi về quyền cá nhân trong cộng đồng, hay nói cách khác, triển khai khẩu hiệu “Lấy dân làm gốc”. Tại nước Mỹ, lịch sử về “quyền im lặng” khởi nguồn từ Hiến pháp 1788. Lúc đầu, nó chỉ là nguyên tắc để thành lập Liên bang, sao cho Liên bang đủ mạnh mà đảm bảo tự do nhất định của các bang. Nghĩa là một bang không bị số đông các bang và Quốc hội, chính phủ, hay Tổng thống Liên bang áp đặt vô lý.Từ đó dẫn đến bổ sung về Quyền con người, bảo vệ quyền cá nhân mỗi người tránh sự áp đặt của số đông. Quyền im lặng là hệ quả của điều đó. Do vậy, mỗi khi bắt tạm giam nghi can, người bắt giữ điều tra thường phải nói rõ cho nghi can quyền của mình (như đã dẫn phần đầu bài này) gọi là Cảnh báo (hay quyền) Miranda. Năm 1963 Esnesto Miranda bị bắt vì tội bắt cóc và cưỡng dâm.Ông nhận lỗi nhưng không được báo về quyền im lặng, quyền có luật sư nên khi xét xử, công tố viên tạo chứng cớ từ lời nhận tội của ông và ông bị kết án. Tuy nhiên Tối cao pháp viện giải tội cho ông vì lý do ông không biết các quyền của mình và quyền có luật sư. Sau này, với chứng cớ xác thực, Miranda mới bị bỏ tù.Từ đó, việc cảnh báo và “phổ biến” cho nghi phạm “quyền im lặng” là động tác ban đầu tối thiểu của cơ quan điều tra, để tránh những rắc rối oan sai sau này cho cả hai phía.
Như vậy, sự ra đời “quyền im lặng” chính là ngăn ngừa oan sai tốt nhất, để tiếp cận sự thật, là tạo điều kiện cho “quyền nói thật”.
Nguyễn Xuân Hưng
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...