Thứ hai, ngày 28 tháng 04 năm 2025
16:57 (GMT +7)

Một ngày không có hoàng hôn

Sau những loạt rin rít chói tai của tên lửa phóng giàn ca-chiu-sa, nối tiếp đến là từng chập, từng chập những tiếng xé gió của đạn pháo “Vua chiến trường'' 130 ly. Tất cả đều bay về Đồng Phú, hướng Đông Bắc của cụm cứ điểm Xuân Lộc - Biên Hòa! Rồi… bất chợt có ba quả pháo hiệu ba màu xanh - vàng - đỏ vút lên bung nở giữa bầu trời. Mặt dất dưới chân tôi rùng rùng chuyển động, Và kìa: những chiếc xe tăng T72 đồng loạt đội đất xông lên băng băng lao về hướng Đồng Phú - Xuân Lộc - Biên Hòa! Trung đoàn trưởng Tư Chiểu vén cổ tay áo nhìn đồng hồ: “chậm hơn hai phút!''. Lúc này là 18 giờ 32 phút ngày 26 tháng 4 năm 1975 – ngày đầu tiên của Chiến dịch Hồ Chí Minh – chiến dịch tổng tấn công toàn diện và quyết giành toàn thắng.

Minh họa: Đ.T
Minh họa: Đ.T

Tôi còn nhớ cũng khoảng giờ này chiều tối hôm qua, ngày 25 tháng 4, khi một mảng lớn ở hướng Tây - Tây Bắc Xuân Lộc bị nghiền nát dưới xích xe tăng T54 của Quân giải phóng, thì binh lính ngụy đã như ong vỡ tổ, nháo nhác trút bỏ quân phục, vứt bỏ súng ống… chạy nhập vào những đoàn người đi tản từ mạn Tây Nguyên từ phía Đà Nẵng – Quảng Nam… như dòng thác lũ ào ạt chen chúc cùng đổ về hướng Sài Gòn! Sài Gòn có cảng biển, cảng sông, có cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Nếu đến được Sài Gòn họ có thể xuống tàu “há mồm'' ở cảng Nhà Rồng, cảng Nhà Bè, hoặc may mắn có thể chạy tới phi trường Tân Sơn Nhất với chút hy vọng sẽ lên được một chuyến bay chở người di tản mà thoát ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc này. Đối với những gia đình giàu có, những quan chức cấp cao của chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng thắc thỏm nuôi hy vọng sẽ không bị người Mỹ bỏ rơi, sẽ được đưa lên sân thượng tòa Đại sứ Mỹ để lên trực thăng rời khỏi quê cha đất tổ, phó thác cuộc đời cho số phận rủi may mong sẽ tìm được chốn dung thân cho kẻ lưu vong.

Cũng vào khoảng giờ này lúc chiều muộn hôm qua 25 tháng 4, trước khi “lá chắn thép” Xuân Lộc - Biên Hòa hoàn toàn sụp đổ, vị Chuẩn tướng trẻ tuổi Lê Minh Đảo đã nhận được quyết định vinh thăng lên hàm Thiếu tướng thông qua bản tin chiến sự được phát trên sóng radio do tân Tổng thống tạm quyền Trần Văn Hương ban ký. Trong “bản tin chiến sự” kéo dài chừng năm phút ấy, vị tân Tổng thống tạm quyền Trần Văn Hương đã có ít nhất hai lần suy tôn Đảo là vị tư lệnh xuất chúng, là người anh hùng cứu thế! Và hy vọng sẽ trở thành một yếu nhân góp công cứu vớt được nền “Đệ tam đế chế” của Việt Nam Cộng hòa! Và cũng qua bản tin chiến sự đó, Lê Minh Đảo mới biết Xuân Lộc - Biên Hòa nay được gọi là Mặt trận Đông Bắc Sài Gòn hay còn gọi là “Vùng chiến sự I”! Cái gọi là “Mặt trận Đông Bắc Sài Gòn'' cũng chỉ là do tình thế chiến cục đặt ra. Bởi trong cơ chế vận hành bộ máy quân sự - chiến tranh của thầy - tớ chế độ Việt Nam Cộng hòa chỉ đặt ra các “vùng chiến thuật” tương ứng là các quân khu. Ví dụ như tướng Ngô Quang Chưởng là Tư lệnh Vùng chiến thuật I (tương ứng là Tư lệnh Quân đoàn I).

Thế nên, từ khoảng cuối tháng Ba khi cảm nhận được sự cô độc rệu rã… của quan quân Vùng I chiến thuật trước sức tấn công sấm sét vũ bão của quân và dân khu V, Ngô Quang Chưởng đã hơn một lần xin Thiệu cho mình “đổi chỗ” về gần Sài Gòn bảo vệ Thủ đô. Tất nhiên Thiệu không nghe! Thiệu còn “đặt mồi” nhử Chưởng: “Nếu moa giữ vững được Huế, Đà Nẵng đến hết tháng Tư thì toa sẽ trao cho moa cái ghế Tổng trưởng Quốc phòng!''. Lúc ấy mặt Chưởng không biểu lộ cảm xúc gì nhưng trong thâm tâm Chưởng “xì” vào mặt Thiệu: “Ông có giỏi thì ra đó mà giữ! Liệu có giữ được một tuần?”. Và chính vào lúc đó, Chưởng đã nhìn thấy rõ: Cuộc chiến này đang đi vào hồi kết! Sự sụp đổ hoàn toàn của Việt Nam Cộng hòa là không thể tránh khỏi! Và cũng kể từ đó Chưởng chỉ còn lo tích cóp – chuyển hóa mọi nguồn tài chính sang thành Mỹ kim hoặc vàng thỏi để sẵn sàng… “tếch” khỏi dải đất “nửa hình chữ S” này!

Khi Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam tiến vào giải phóng Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên vào ngày 26 tháng 3, Nguyễn Văn Thiệu đã ra “chỉ dụ” điều Ngô Quang Chưởng về làm Tư lệnh vùng chiến sự I (vì vốn dĩ Biên Hòa cùng Long Khánh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa… là Vùng II chiến thuật). Thiệu chỉ thị Chưởng thiết lập và củng cố cụm cứ điểm Xuân Lộc thành vành đai – lá chắn thép bảo vệ đô thành. Nhưng Chưởng không có mặt ở lá chắn - vành đai thép Xuân Lộc ngày nào. Từ Đà Nẵng, Chưởng bay thẳng về Tân Sơn Nhất rồi cùng vợ con nhập vào đoàn phú hào và các gia đình tướng lĩnh “hết đát” được người Mỹ đưa đi di tản với khối tài sản trị giá nhiều triệu đô la.

Lại nói vị tân Thiếu tướng Lê Minh Đảo. Được chính thức bổ nhiệm làm Tư lệnh Vùng chiến sự I – Mặt trận Đông Bắc Sài Gòn vừa được đúng ba ngày, thì cái “Vành đai – Lá chắn thép” Xuân Lộc – Biên Hòa hoàn toàn sụp đổ! Trong thời khắc đàn ong vỡ tổ, khi hầu hết binh lính đều nháo nhác bấn loạn cố tìm đường tháo thân thì một mình tướng Đảo lại đu mình bật lên khỏi chiến hào, đứng dạng chân oai phong ngay trên mép tăng xê. Bàn tay trái đặt hờ trên chiếc bao da khẩu col quay 12 ly cài theo chiếc xanh - tuya - rông dù trổ 5 hàng khuy đồng đeo trễ xuống gần đầu gối. Tay phải vung khẩu col lên quá đầu bắn đòm đòm liền mấy phát lên trời!

Khá khen cho vị tân Thiếu tướng của quân đội ngụy Sài Gòn, trong cái khắc giờ sinh tử này mà Đảo ta vẫn kiêu hùng chứng tỏ được lý tưởng xả thân vì quốc gia Việt Nam Cộng hòa đệ Tam đế chế! Chả là: từ khi nghe phong thanh qua hệ thống thông tin bộ đàm được thăng hàm Thiếu tướng, Lê Minh Đảo đã sai mấy sỹ quan dưới trướng sục tìm cho y mấy thứ quân phục mang tính “đặc thù” binh nghiệp. Gã chụp cái mũi nồi đỏ của lính dù “anh cả đỏ” – “con cưng triều đại” lệch quá nửa đầu, đến mức che gần kín hết nửa vành tai bên phải; bộ rằn ri loang lổ của bọn biệt kích – thám báo hơi bị “bó cứng” bởi thân hình khá cao ráo với tấm lưng to bè và cái bụng đã có phần phưỡn ra, sệ xuống đến nỗi Đảo không thể cài được khuy mà cứ để phanh ra, vô tình khoe bộ ngực lông lá xăm trổ hình ba cô gái lõa thể đang uốn éo, trườn bò... liếm láp trên thân thể nhau.

Sau mấy phát đòm đòm lên trời, Đảo khẽ nghiêng người cúi nhặt chiếc loa điện mà bọn quân cảnh hay cảnh sát đường phố thường dùng, dõng dạc và từ tốn nhả từng câu chữ:

- Hỡi các anh em chiến hữu! Tất cả chúng ta - tất cả những người đang có mặt và cả những huynh đệ đã nằm xuống tại đây - tại chiến lũy này đều là những anh hùng! Hỡi các anh em! Chúng ta hãy đừng nhìn theo, đừng làm theo những kẻ đớn hèn mạt hạng đang tháo chạy nháo nhác ở ngoài lộ kia! Chúng chỉ là những con gián những con chuột đội lốt người mà thôi! Hỡi các chiến binh anh hùng, những huynh đệ quả cảm của tôi! Mọi người hãy nhớ rằng: Chúng ta là những người lính! Chúng ta được ăn cơm được mặc áo từ mồ hôi công sức của người dân, vì vậy chúng ta có trách nhiệm bảo vệ nhân dân trong lúc khốn nguy này! Là người lính thì phải biết hiên ngang sẵn sàng xả thân, dám chọn sự hy sinh bỏ mạng giữa chốn xa trường là niềm vinh hạnh, tự hào! Lịch sử sẽ mãi khắc nghi ngày hôm nay nơi chiến tuyến Xuân Lộc này! Đây là một ngày liệt oanh của những người anh hùng thời đại! Hỡi anh em! Chúng ta hãy xốc lại đội ngũ! Hãy cùng tôi quyết tử vì lý tưởng cho một thế giới tự do!!!...

Ơ! ơ! ơ... Đù má mấy thằng kia!... Trung tá Đính... mày cũng muốn bỏ chạy hả!? Đồ hèn!!! Chúng mày tưởng có thể chạy thoát được sao? Ngoài kia... là cái miệng lợp to tổ chảng mà Cộng quân đã mở sẵn hom rồi! Chúng anh em có cố chạy thì cuối cùng cũng đều chui hết vào cái rọ ấy thôi!!! Hãy cùng tao ở lại cái chiến địa này may ra còn có chút danh thơm!!! Ơ... Đụ má chúng mày không nghe tao nói hả?! Thằng Tư điện đài, thằng Bảy tham mưu đâu... mau cản chúng nó lại! Thằng nào còn tháo chạy, bắn bỏ luôn!

Một mớ tóc bù xù một khuôn mặt lấm lem khói bụi, cũng loang lổ như màu áo rằn ri... nhô lên khỏi miệng cửa boong - ke, lắp bắp, đứt gãy:

- Thưa... thưa ngài Thiếu tướng... lúc này... cả anh Bảy tham mưu, anh Tư điện tín... đều đã “dông” hết ráo trọi rồi ạ! Sở chỉ huy... giờ... trống trơn rồi ạ!!!

Sững lại giây lát, tướng Đảo lại vung tay bắn đòm đòm đòm liền mấy phát lên trời!

Bầu trời Xuân Lộc lúc này cũng đang nặng trịch một màu đen: màu đen xám xịt quần tụ của khói lửa đạn bom; màu đen tự nhiên của màn đêm đang trườn chụp xuống và… phía trên cao hơn một chút kia là màu đen của những đám mây mang nặng hơi nước báo hiệu mùa mưa đang xáp lại rồi! Mưa! Mùa mưa!… Xin hãy trút mưa đi! Hãy trút mưa như thác xối ầm ào! Xin hãy trút mưa như bầu trời bị thủng để vùng đất này úng ngập thành sông, thành một cơn “đại hồng thủy” chảy trôi rửa sạch những vết bụi dơ hơn 100 năm rên xiết dưới gót sắt lũ ngoại bang xâm lược cùng lũ tay sai bán nước cầu vinh, gây nên cảnh “nhồi da xáo thịt” Nam Bắc chia lìa mấy chục năm trời! Nào xin ông trời hãy trút mưa đi!

Sau mấy phát vung tay “đòm! đòm!” ấy tướng Đảo cũng ngửa mặt lên trời và hét rống lên đầy vẻ phẫn uất và tuyệt vọng! Gã quên khuấy (hoặc cố ý bất đoái hoài) đến người lính duy nhất còn trụ lại với mình trong cái boong ke xi măng cốt thép nửa nổi của chìm nơi “vành đai - lá chắn thép” Xuân Lộc - Biên Hòa này! Anh lính vẫn đang cố nghển cổ khỏi miệng hầm đưa ánh mắt khẩn cầu van vỉ về phía viên Tư lệnh Vùng chiến sự:

- Thưa… thưa ngài Thiếu tướng…

Đảo như bừng thức thoát khỏi cơn ác mộng, quay ngoắt toàn thân 180 độ.

- A! a! Chào anh lính ngự lâm! chào chàng trai dũng cảm vô song! Chúng nó chạy hết rồi hả?! A ừ! thôi mặc thây chúng nó! Toàn bọn giun dế, chuột đồng! Hừ! Chỉ có tao với mày “huynh đệ chi binh” mới thật xứng đáng là những anh hùng! Người anh hùng dám xả thân dù có thịt nát xương tan cũng không rời chiến lũy! Ha ha!… chỉ có tao với mày mới xứng danh là anh hùng!!! Mai rồi… tao sẽ đệ trình tổng thống Thiệu, à không Tổng thống Trần Văn Hương?! Cũng đếch phải!?… Hình như… là người khác rồi! Mà thôi kệ mẹ nó đi! Thằng đ…éo nào cũng được! Là tao sẽ đệ trình Tổng thống thăng mày làm Đại tá thay thằng Bảy hô làm trợ lý tham mưu cho tao! Mày chịu không?

- Dạ! dạ! Đội ơn ngài Thiếu tướng! Nhưng… thưa… xin ngài mau vào đây nhấc hộ em cái tấm bê tông nóc hầm nó sập xuống đè gãy nát chân em rồi ạ!…

- Đù má! Hóa ra là mày bị què… đ…éo chạy được chứ đ… phải anh hùng anh dũng gì náo trơn! Toàn một lũ lừa thầy phản chủ!

Vừa gằn giọng nhả từng lời Đảo vừa di nòng khẩu col 12 ly nhằm thẳng vào cái mớ tóc bù xù, cái khuôn mặt loang lổ máu rằn ri mà lẩy cò! Người lính ngụy liền nghẹo đầu sang một bên! Anh ta chết mà không kịp khép mắt!

Thôi xong! Âu thế cũng là hoàn tất một kiếp người!

Khẽ nghiêng người quay nhìn thẳng vào khuôn mặt nhọ nhem của người lính vừa bị 'ăn” ba phát đạn col 12 của mình, tướng Đảo từ từ dướn thẳng người, từ từ trút bỏ chiếc áo rằn thám báo, hai bàn tay to bè lại từ tốn nâng niu khẽ khàng gỡ ở hai bên cầu vai áo cặp quân hàm có gắn mỗi bên hai bông mai cánh tròn được đúc bằng vàng 18K sáng chóe. Áp hai mặt lưng cặp “lon tướng'' vào với nhau, viên bại tướng cẩn trọng nhét vào túi quần rồi uể oải lê từng bước nặng nhọc đi về phía có quầng sáng vàng vọt thi thoảng lại nhòe bùng lên dăm ba chớp lửa! Nơi đó là Sài Gòn hoa lệ - từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, là Thủ đô của đế chế Việt Nam Cộng hòa…

Đầu óc Lê Minh Đảo trống rỗng.

Gã cứ lang thang, vô định mà rệu rã bước đi.

Bất chợt, Lê Minh Đảo nhìn thấy mặt trời nhô lên từ mặt biển.

Ánh sáng chói lóa, rực rỡ.

Đó là ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Truyện ký. Nguyễn Minh Sơn

(CCB – tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh từ 26 đến 30/4/1975)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Biển bỗng khóc òa

Văn xuôi 21 giờ trước

Thương nhớ đỗ quyên

Văn xuôi 4 ngày trước

Mẹ nấu xôi gấc

Văn xuôi 4 ngày trước

Thiên thần của mẹ

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa măng rừng

Văn xuôi 5 ngày trước

Hoa lê rắc trắng lối về

Văn xuôi 1 tuần trước

Nửa thế kỷ kể chuyện đất và người

Xem tin nổi bật 2 tuần trước