Thứ tư, ngày 30 tháng 04 năm 2025
19:27 (GMT +7)
Thơ và lời bình:

Vào một trưa ngày cuối cùng tháng Tư

Vào một trưa ngày cuối cùng tháng Tư

Những người lính bỗng mang chung một tuổi

Trẻ già khuôn mặt đều sạm khói

Nắng hắt lên màu những tấc đường qua

 

Bao cao tốc nguy nga

Thấp xuống trước mặt người xuống núi

Bao rạch nước hãm tù bóng tối

Chợt rưng rưng in những ánh cờ

 

Buổi ấy Sài Gòn làm thật lại ước mơ

Nhiều tưởng tượng xưa kia trước phố phường tan biến

Mùa hạ xanh những người lính đến

Đột ngột mặt sông ngọn gió chuyển mùa

 

Buổi ấy quá nhiều khao khát ngây thơ

Quên trĩu nặng bởi ba lô vừa cởi

Cứ ngẩn ngơ màu hoa phượng cháy

Hồn bay theo những quả bóng màu

 

Bao năm rồi lùi lại ngắm nhìn lâu

Nhiều lúc cứ buồn cười tấm ảnh mình buổi ấy

Không còn lạc trước ngã năm, ngã bảy

Nhưng biết mình chưa thấu hết hẻm sâu

 

Người lính nào bước vội về đâu

Hay dáng bạn bè ngỡ ngàng buổi ấy

Cho ta có Sài Gòn từ đấy

Vào một trưa ngày cuối cùng tháng Tư

Nguyễn Thụy Kha

 

Lời bình:

 50 năm đã trôi qua nhưng dư âm của ngày 30/4 đại thắng mùa xuân vẫn còn vọng lại với những hồi ức, những kỷ niệm, những hình ảnh, những cung bậc tình cảm trào dâng tha thiết được các văn nghệ sĩ thể hiện qua các sáng tác của mình với nhiều thể loại phong phú và đa dạng. Riêng các nhà thơ những va chấn về tâm hồn được bộc lộ trong cái khoảnh khắc thời gian lịch sử đó với bao tâm trạng, bao chiêm nghiệm sâu sắc. Người lính thông tin - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha lại chọn vào đúng cái buổi trưa cuối cùng của ngày 30/4 để bộc lộ tâm tình, để từ cái mốc thời gian quý hiếm đó suy nghĩ và chiêm nghiệm với tư thế và tình cảm người lính vào giải phóng Sài Gòn.

Bài thơ như một cuốn phim quay chậm lúc cận cảnh lúc toàn cảnh và từ đó tâm hồn người lính được lan tỏa đồng cảm. Nhà thơ thật có lý khi phát hiện khá tinh tế với ý thức cộng đồng cộng hưởng “Vào một trưa ngày cuối cùng tháng Tư - Những người lính bỗng mang chung một tuổi”. Cái tuổi đó hòa với niềm vui thống nhất non sông – tuổi của đất nước hòa bình trọn vẹn, tuổi của người chiến thắng. Đó là khi: “Trẻ già khuôn mặt đều sạm khói”. Khói súng đã làm cho họ không phân biệt tuổi tác vừa mới đi qua một chặng đường dài của cuộc chiến tranh ác liệt, của: “Nắng hắt lên màu những tấc đường qua”. Ống kính tâm hồn của nhà thơ chiến sĩ chiếu rọi qua không gian phố phường và bất chợt nhận ra: “Bao cao tốc nguy nga - Thấp xuống trước mặt người xuống núi”. Đây là một hình ảnh so sánh trực quan về tư thế đĩnh đạc của người lính từ những cánh rừng về với những nguy nga thế lực đen tối của quân thù. Nhưng thật tinh tế và sâu sắc khi nhà thơ lại nhận ra: “Bao rạch nước hãm tù bóng tối - Chợt rưng rưng in những ánh cờ”. Câu thơ nhiều thổn thức, tâm trạng nhiều thảng thốt bởi “rưng rưng” trào dâng nỗi niềm trong niềm vui chiến thắng. Chiến thắng chính là ánh cờ sao đến với từng ngõ nhỏ đến từng thân phận con người bị hãm tù bóng tối. Sắc màu ánh sáng của những lá cờ chính là sự hồi quang đẹp đẽ của bản hùng ca chiến thắng. Và chính lúc đó cái phút thảnh thơi phóng khoáng của ngọn gió lành, ngọn gió tự do: “Mùa hạ xanh những người lính đến - Đột ngột mặt sông ngọn gió chuyển mùa” đã làm cho: “Buổi ấy Sài Gòn làm thật lại ước mơ”.

Thật lạ, bài thơ viết về về trưa 30/4 nhưng không có những âm vang tiếng súng, càng không có những cuộc chiến ác liệt mà ở đây mở ra những bát ngát, những chân tình, những bình dị trong cái lớn lao của hào quang chiến thắng. Đó chính là cái tứ độc đáo của thi sĩ. Một sự hồn nhiên thật trong trẻo: “Quên trĩu nặng bởi ba lô vừa cởi - Cứ ngẩn ngơ màu hoa phượng cháy - Hồn bay theo những quả bóng màu”. Đây là khúc vĩ thanh ngân vang một nét đẹp tâm hồn của người lính giải phóng. Ra trận mang theo cả kí ức học trò, cả màu hoa phượng cháy trong mùa hạ xanh. Những quả bóng màu đã nâng bổng tâm hồn người lính trẻ. Hòa bình đến thật nguyên sơ và bình dị, mọi dư âm cuộc chiến đều lùi lại phía sau để nhường cho tâm hồn rộng mở đón niềm vui thống nhất. Trưa 30/4 ấy không chỉ có trào dâng chiến thắng mà còn bao nhiêu việc phức tạp phải làm khi người lính thi sĩ nhận ra: “Không còn lạc trước ngã năm, ngã bảy - Nhưng biết mình chưa thấu hết hẻm sâu”. Có thể nói nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã dùng rất nhiều đối trọng hình ảnh về không gian đô thị để nói về cái bề sâu chiêm nghiệm của mình. Một người lính trong không khí tưng bừng của ngày chiến thắng vẫn không mất cảnh giác để bảo vệ hòa bình và tự vượt lên mình trước những cám dỗ của đời thường.

Khổ thơ cuối như một động thái vượt lên của người lính với một tư thế đĩnh đạc đàng hoàng, một chân dung của người chiến thắng lại bước vào cuộc chiến mới để bảo vệ những thành quả hòa bình thống nhất vừa giành lại được: “Người lính nào bước vội về đâu” là một câu hỏi và đó cũng chính là câu trả lời: “Cho ta có Sài Gòn từ đấy”. Sài Gòn của ngày 30/4, Sài Gòn thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu trong mùa xuân đại thắng.

Nguyễn Ngọc Phú                       

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xanh trời tháng Tư

Thơ 1 tuần trước

Ướp gió ngoài sông

Thơ 1 tuần trước

Soọng cô

Thơ 1 tuần trước

Ngồi ngẫm tháng Ba

Thơ 1 tuần trước

Hương Thái Nguyên

Thơ 1 tuần trước

Trò chuyện tháng tư

Thơ 1 tuần trước

Về nơi tôi đến

Thơ 2 tuần trước