Thứ tư, ngày 30 tháng 04 năm 2025
23:00 (GMT +7)

Những buổi ngày xưa nói vọng về (*)

 (Có những điều không trôi đi cùng năm tháng, chỉ lặng lẽ như hơi thở trong tim)

Những ngày tháng Tư, trong nắng gió lồng lộng, màu cờ đỏ tung bay như ngọn lửa thiêng cháy lên từ ký ức hào hùng của dân tộc. Ngày 30/4, ngày thống nhất đất nước, mỗi năm lại trở về như một nhịp thở quen thuộc, nhưng chưa bao giờ là cũ. Tôi ngồi trong góc quán nhỏ, lướt Facebook và dừng lại trước đoạn Trailer phim Địa đạo ai đó vừa chia sẻ. Những hình ảnh khốc liệt của chiến tranh kéo tôi trở về quá khứ. Để tới được vinh quang, biết bao người con của đất Việt đã ngã xuống, mà chú của tôi là một trong số đó.

Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 Quảng Trị. Nguồn: luhanhvietnam.com.vn
Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 Quảng Trị. Nguồn: luhanhvietnam.com.vn

Chú tôi quê ở Hưng Yên – nơi có hồ Bán Nguyệt lặng soi bóng trời, có chùa Chuông cổ kính rêu phong và đền Mẫu linh thiêng, nơi người dân vẫn thường đến cầu an, cầu phúc mỗi dịp đầu xuân. Ngày chú “Xếp bút nghiên lên đường đi chinh chiến”, bà tôi mặc chiếc quần lụa đen đã bạc màu, vắn hai bên sườn cho gọn, tay xách chiếc làn mây đan đã sờn, chân đi đôi dép đã mòn vẹt, cứ thế mà hớt hải chạy theo con đường hành quân gập ghềnh đất đỏ. Trong làn chỉ có mấy củ khoai luộc, một nắm cơm nắm muối vừng, và túm nhãn buộc vội - những thức quà quê mùa, nhỏ nhoi nhưng chứa trọn ân tình của người mẹ già.

Bà không thể dặn dò gì nhiều, chỉ ánh mắt chứa ngàn điều không nói và nỗi lo âu in hằn trên gương mặt chằng chịt nếp nhăn thời gian. Những nếp nhăn như dấu ấn của những khổ đau, của những phiền não tích tụ trong một đời người. Bà ủng hộ con lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nhưng phút giây chia ly lòng mẹ vẫn rưng rưng nắm giữ. Trời Hưng Yên hôm ấy nhiều mây. Gió từ hồ Bán Nguyệt thổi về se sắt. Tiếng chuông chùa ngân dài theo ngọn gió xa xôi. Những bước chân quân hành xa dần trên con đường đất đỏ...

 - Mợ về đi, cậu mợ ở lại giữ gìn sức khoẻ, con đi, ngày chiến thắng con sẽ trở về…

 - Hải ơi! Hải… con ơi…

Bà khuỵu xuống. Tiếng gọi khản đặc như gió lạc giữa đồng.

Rất nhiều lần sau này, bà tôi kể về một giấc mơ kì lạ như sự kết nối huyền vi.  Trong mơ, chú tôi đã về. Đứng ngay đầu giường. Người bê bết máu. Quân phục rách bươm. Mùi đất và thuốc súng nồng nặc. Bà run rẩy muốn lau vết máu trên trán con, mà lau mãi không sạch. Bàn tay bà đi qua thân thể con mình như đi qua làn khói mỏng.

Chú tôi đã mãi mãi không về.

Cả Trung đoàn hy sinh không còn ai.

Có bao nhiêu người mẹ như bà tôi trên dải đất này! Bao nhiêu người đã tiễn con đi rồi lặng lẽ sống nốt phần đời còn lại với một khoảng trống không bao giờ lấp đầy! Không ai thống kê được. Không ai viết hết được.Tờ giấy báo tử gửi về, mỏng nhẹ như một lời than lạc lõng giữa mênh mông đất trời. Không ngày cụ thể. Không có nơi chôn cất. Chỉ ghi vẻn vẹn mấy dòng: “Đồng chí Phạm Quang Hải đã anh dũng hy sinh, tại mặt trận phía Nam”.

Phía Nam rộng đến nhường nào! Là rừng già, là suối cạn, là bờ sông loang máu hay một cánh đồng chưa kịp xanh! Bà không khóc, cũng không thể đi tìm. Chỉ lặng lẽ gấp tờ giấy lại, cất vào chiếc hộp gỗ nhỏ đặt trang trọng trên ban thờ. Thỉnh thoảng, lau chùi từng chữ, như thể lau đi vết ố thời gian, như thể mong con mình không bị lãng quên giữa trăm ngàn cái tên đã hoá thành cát bụi.

Rồi một ngày, bà lặng lẽ ra đi. Không kịp dặn dò. Không kịp nhắn nhủ. Bà đi, nhẹ như mây tan, hoà thân mình trong vô thường trời đất. Nhưng tôi biết, có một điều bà mang theo, như một lời thầm thì chưa thành tiếng: Bà ước có ngày đón được con mình về quê nhà. Dù chỉ là một nắm đất. Một bộ quân phục bết máu và bùn khô. Không phải để đòi lại gì từ cuộc chiến. Chỉ để con mình có một nơi nằm xuống giữa lòng quê. Để khi gió nổi lên, hương khói còn biết về đâu. Để bà dù đã hoá mây trời vẫn có thể ngậm cười nơi chín suối.

Năm tôi học đại học năm thứ hai, ba tôi gửi thư về chuyên mục “Đi tìm đồng đội” trên Báo Quân đội Nhân dân. Không ai trong nhà nói ra, nhưng tôi biết ông vẫn âm thầm tìm em trai suốt mấy chục năm qua, như một cách để thay mẹ gánh điều chưa trọn.

Rồi một chiều tháng Ba, bưu điện báo có thư hồi âm. Từng chữ như in sâu vào trí nhớ tôi: Liệt sĩ Phạm Quang Hải hiện an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, tỉnh Quảng Trị. Ba tôi lặng người. Đôi bàn tay run run như sợ chỉ một cái buông nhẹ, những dòng chữ ấy sẽ tan biến. Ông ngồi rất lâu bên hiên nhà, mắt dõi về phía bầu trời, ánh nhìn mông lung như như thể đang dò tìm gương mặt em trai giữa tầng tầng kí ức. Ba tôi không khóc. Nhưng ánh mắt ông ướt. Là niềm hạnh phúc, thứ hạnh phúc run rẩy đến không dám tin vào sự thật. Sau bao năm chỉ còn lại một tờ giấy báo tử mơ hồ, giờ ông biết rõ em mình đang nằm ở đâu, có đồng đội bên cạnh, có hương khói mỗi ngày.

Sắp xếp mọi việc chu toàn, ông gói ghém đồ đạc, mang theo tấm ảnh cũ của em, lặng lẽ đi vào Quảng Trị. Không một lời phàn nàn, không một giọt nước mắt. Chỉ có sự bình thản của một người anh cả đang hành hương về miền đất lửa, để đón em trở về sau mấy mươi năm chia biệt. Mọi việc diễn ra như một duyên lành. Cuối cùng chú tôi đã trở về trong sự đón đợi của quê hương, thân quyến, bạn bè. Và tôi hiểu, trong thế giới huyền vi xa xôi , bà tôi đã mỉm cười. Bởi sau cùng, đứa con mà bà từng tiễn đi nay đã trở về quê nhà – nơi có dáng mẹ ngóng đợi, nơi có dấu chân tuổi thơ trên lối nhỏ, nơi có tình thân để giấc ngủ ngàn thu không còn cô quạnh.

Hôm nay, tôi đứng giữa Quảng trường Võ Nguyên Giáp của thành phố Thái Nguyên lộng gió và ngập tràn cờ hoa, tôi mang theo trong lòng niềm tự hào lặng lẽ về gia đình mình, về chú tôi, người đã nằm xuống với tuổi 20 đẹp đẽ của mình. Niềm tự hào ấy không ồn ào, không được nhắc tên trong sách sử, nhưng nó sống trong mỗi bước chân tôi đi giữa phố phường, trong mỗi lần tôi ngoảnh lại nhìn quá khứ và nhận ra: Gia đình mình cũng đã góp một phần máu xương vào cuộc chiến giành lại non sông.

Tôi lại nghĩ đến Anh hùng Lực lượng vũ trang - liệt sĩ Vũ Xuân - người con của Thái Nguyên, người học trò từng ngồi trên ghế Trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến, tác giả của cuốn “Nhật ký Vũ Xuân” với những trang viết, những câu nói đầy xúc động, như là phương châm sống cho các thế hệ người Việt Nam: “Tôi muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”. Tên anh đã trở thành tên của một con đường trong tỉnh Thái Nguyên – như một cách để người dân quê hương luôn nhớ đến anh. Cuốn nhật ký của anh nay đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa Ngữ Văn mới. Là người trực tiếp đứng lớp, giảng dạy những dòng chữ thấm đẫm máu và nước mắt ấy cho học sinh của mình, tôi đã nhiều lần xúc động đến nghẹn lời.

Còn chú tôi, như bao người chiến sĩ khác, là cái tên khắc trên bia mộ, là một tấm ảnh đã phai màu theo năm tháng, được đặt trang trọng trên bàn thờ. Những buổi ngày xưa, chẳng ai còn gọi tên, nhưng vẫn vọng về, không lời, trong ký ức của những người thân yêu, trong những trang nhật ký xưa cũ, và trong trái tim tôi,  người kể lại câu chuyện này.  

Tháng 4 năm 2025

Tản văn. Cẩm Anh

--------

* Một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, trong bài thơ Đất Nước.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy