Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024
03:18 (GMT +7)

Quê Bác – địa linh

Núi Hồng sông Lam (nguồn: namphuongtourist.com)

Bác Hồ sinh năm 1890, năm 1895, mới 5 tuổi chú bé Nguyễn Sinh Cung đã xa quê, theo cha vào Huế. Năm 1901, mẹ Bác, bà Hoàng Thị Loan qua đời, Bác lại theo cha trở về quê.

Tháng 5/1906 sau khi thi đỗ phó bảng, ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế nhậm chức, Bác lại theo cha vào Huế cùng anh trai. Vào Huế lần thứ hai, lúc đó Nguyễn Tất Thành mới 16 tuổi, rồi Người rời xa Tổ quốc,… mãi năm 1957, sau 51 năm mới về lại quê nhà.

Như vậy, Bác chỉ có 10 năm đầu đời sống ở quê Nghệ nhưng tại sao lại thấm đẫm chất Nghệ. Từ ẩm thực, ngôn ngữ, giọng nói, tập quán, thói quen. Đặc biệt ấn tượng là về văn hóa dân gian, tục ngữ, ca dao, thành ngữ… xứ Nghệ, nhất là Truyện Kiều. Bác đã sống với Truyện Kiều, nhớ thuộc lòng nhiều đoạn. Nhiều lần, trong những hoàn cảnh khác nhau Bác đã vận dụng nhuần nhuyễn Truyện Kiều trong đời hoạt động cách mạng của Người bằng kể chuyện Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều…

Bác được sinh ra trong một gia đình Nho học, có nề nếp, nhà nghèo nhưng thanh bạch, có đạo đức. Cha là người chăm học, giàu nghị lực, có tinh thần yêu nước. Mẹ là người phụ nữ đảm đang, đôn hậu, hết lòng thương yêu và chăm lo cho chồng, cho con.

Tuổi thơ của Bác được tắm trong tình thương yêu của mẹ, của bà ngoại và làng xóm, quê hương, lớn lên trong lời ru, tiếng hát của mẹ của bà ngoại và hàng xóm. Nhưng có lẽ chừng ấy là chưa đủ để hình thành một nhân cách lớn, một “Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất” như Hồ Chí Minh.

Tôi nghĩ phải có những yếu tố gì nữa.

Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương đọc tại Tang lễ Bác: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Thật sâu sắc, khi bài Điếu đã khẳng định: “… non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch…”. Ấy là Bác Hồ đã được sinh ra nơi “Địa linh, Nhân kiệt” – huyện Nam Đàn. Nơi Địa linh là những dãy núi cùng với sông Lam huyền thoại với những dấu tích lịch sử và văn hóa Lam – Hồng, cũng là nơi sinh ra nhà Văn hóa dân tộc: Đại thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều đã có tác động sâu sắc vào tình cảm và tâm hồn của Bác.

***

Nhân sinh nhật thứ 131 của Bác, chúng tôi về thăm quê Bác và đến thắp hương cho mẹ Bác Hồ, bà Hoàng Thị Loan trên núi Sài Sơn (Rú Đại Huệ)* hùng vĩ, có Động Tranh là nơi phần mộ của bà quanh năm nghi nghút hương khói. Núi Sài Sơn còn kéo dài về phía trái với núi Đại Hải và Rú Mượu. Đây là quê hương của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.

Đứng ở bên mộ thân mẫu Bác nhìn về Kim Liên là Rú Chung, “Chung sơn tam đỉnh hình vương tự” (Thơ của Nguyễn Thiếp). Xa xa là dòng sông Lam như con rồng xanh (Thanh Long là tên sông thời Trần) uốn khúc. Rú Chung có ba đỉnh, hình chữ vương (vua), ấy là đất phát vương. Cùng với câu sấm “Nam Đàn sinh thánh” mà huyền thoại người đời cho rằng Thánh là Bác Hồ. Nghe nói sau này có người giỏi chữ Hán xem lại thế đất của Chung Sơn thấy có vệt mờ nên đã đề xuất cần có thêm vật thể bổ sung cho chữ Vương rõ nét, có người nối dõi (kế tục sự nghiệp). Vì vậy để tưởng niệm và ghi nhớ công ơn trời biển của Người và những bậc sinh thành cho đất nước một vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất nên Nhà nước đã cho xây dựng Đền Chung Sơn (từ năm 2012, khánh thành năm 2020) to đẹp với khu vườn rộng xanh mát, rợp bóng 79 loài cây cảnh cả nước đem về trồng nơi đây.

Đứng ở đây trông ngược lên phía tây là Rú Đụn (Núi Hùng Lĩnh - Rú Gấu). Dưới chân núi là vệ Vạn An, đó là thành cũ và cũng là kinh đô của vua Mai Hắc Đế (trị vì: 713 – 722).

Trước mặt kinh đô Vạn An là núi Ngọc Tượng, có khe Bò Đái (nước chảy ồ ồ như bò đái) với câu sấm: Đụn sơn phân giái, Bò Đái thất thanh, Thủy đáo Lam Thành, Nam Đàn sinh thánh. (Rú Đụn nứt làm hai, khe Bò Đái mất tiếng, Nước sông Lam tràn đến chân rú Thành, Nam Đàn sinh Thánh). Lùi xuống một chút là nhà cụ Phan Bội Châu, không chỉ là “Nam Đàn tứ hổ” trong khoa bảng mà là một trong 3 nhân kiệt của nước ta (Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh).

Bên kia sông Lam trập trùng những núi. Cả Nam Đàn đều nằm dưới chân núi Thiên Nhẫn, đằng sau là Núi Giăng Màn của dãy Trường Sơn. Dưới chân núi Thiên Nhẫn là Rú Đồn (núi Đông Sơn) và Rú Ngang (núi Hoành Sơn). Rú Ngang (núi Hoành Sơn) có thôn Hoành Sơn, có Đình Làng Ngang to đẹp với kiến trúc đặc biệt ít có trong nước được xây dựng từ thế kỷ XVII.

Núi Thiên Nhẫn (Rú Nghìn - Rú Động Ngựa), vì núi có 999 ngọn (Thiên), ngọn nào cũng có dáng như ngựa phi rong ruổi, vì vậy núi cũng có tên là Rú Động Ngựa. Huyện Nam Đàn nằm trọn trong dãy núi này. Đỉnh cao nhất của Thiên Nhẫn là Hòn Tây cao 287m. Dưới chân núi là Thành Lục Niên của nghĩa quân Lam Sơn, chống quân Minh trong suốt 6 năm (1418 - 1423), đối diện với thành Trương Phụ ở Rú Thành, phía Bắc sông Lam.

Ở đây có trường Bùi Phong của Nguyễn Thiếp dựng nên, dạy học, đào tạo hàng chục nhân tài cho vương triều Quang Trung - Nguyễn Huệ, cho đến khi chết, để lại di chúc đặt mộ ông dưới chân núi, cạnh hồ Thành. Ngoài Thành Lục Niên nổi tiếng Thiên Nhẫn còn có “Ngọn Hoàng Bảng, đời Hiển Tông Vĩnh hoàng đế, năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769) có Dĩnh quận công Nguyễn Đình Đong đóng quân ở núi này để chống nhau với Lê Duy Mật nay vẫn còn” (1). “Ở núi Thiên Nhẫn trong địa phận Nam Đàn còn có ngọn Quải Bái (Rú Treo Cờ). Ở đây có miếu Thống Chinh thờ Nghĩa Quận công, Tiến sĩ Tống Tất Thắng, người xã Trung Cần có công diệt giặc Sầm, giặc Bồn Man ở phía Tây đến xâm phạm nước ta vào thế kỷ XVI” (2).

Cũng ở dưới chân núi Thiên Nhẫn, cuối thời nhà Trần là doanh trại và dinh thự của 2 triều Hậu Trần - Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng (1407 - 1414) với những tên tuổi Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị... Ở đây, xã Nam Kim là một trong những trung tâm hát Phường Vải của xứ Nghệ mà từ tuổi ấu thơ Bác Hồ vẫn theo cha đến hát.

Từ đất Nam Đàn nhìn về phía mặt trời lặn thấy núi mờ cao lên đến tận trời là Núi Khai trướng (Rú Giăng Màn), trông giống như tấm màn trắng từ trên trời buông xuống. Trong núi có suối Vũ Môn. Đời truyền là chỗ cá hóa rồng. “Nguồn tinh thần linh thiêng, sản sinh hội tụ. Hàng trăm tiến sĩ, hàng vạn hương cống, cử nhân cho xứ Nghệ” (3).

Nằm chắn ở phía Nam đất Nam Đàn là Hồng Lĩnh (Rú Ngàn Hống). Mạch núi đi từ Thiên Nhẫn đổ xuống phía đông, chân núi đổ xuống Bến Thủy. “Hồng Lĩnh cao rộng, xinh đẹp với 99 ngọn bao quanh sông Lam và sông Hoằng. Ngọn Đụn cao chót vót chọc trời, mây mù che suốt cả 4 mùa. Phía Tây núi có Ao Trời, không đáy, quanh năm đầy nước dù là không có mưa và gió Lào rát bỏng. Ngày xưa gọi là đài Trang Vương. Dưới thành Ao Trời có am đá dựa vào gọi là am Thánh Mẫu xây từ đời Trần. Bên phải am là chùa Hương Tích. Bảng nhãn Trần Bảo Tín, thời nhà Mạc phản đối nhà Mạc chiếm ngôi nhà Lê đã từ quan về ở nơi đây, cho nên rú Hống còn có tên gọi là núi Trần (Rú Trần)” (4). Bên kia Bến Thủy là núi Lam Thành (Rú Thành) nằm ở phía Đông - Nam huyện Nam Đàn, sát bờ tây sông Lam.

Dưới chân Rú Thành là Phượng Hoàng Trung Đô của vua Quang Trung chưa kịp xây xong và thành phố Vinh. Năm lên 5 tuổi Nguyễn Sinh Cung và anh là Nguyễn Sinh Khiêm được cha đưa xuống học ở trường Tiểu học College Vinh và đổi tên là Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt.

Sách Đại Nam nhất thống chí và Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú) cũng viết về Rú Thành và thống nhất Lam Thành Sơn (Rú Thành) là đại danh thắng, nơi sơn thủy hữu tình nhất ở Nghệ An. Trong bài thơ Lịch sử nước ta (1942), được Bác Hồ viết khi mới về nước, có viết về cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi:

Mấy phen sông Nhị núi Lam

Thanh gươm yên ngựa Bắc, Nam ngang tàng.

Núi Lam đây chính là Lam Thành (Rú Thành).

Sông núi đã tạo nên Quê Bác - Địa linh. Bên cạnh núi là sông. Sông Lam đổ về từ Lào, lưu vực của nó qua tất cả các địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh rồi đổ xuống biển Đông mà cửa chính là Cửa Hội.

Sông Lam (từng có tên là Lam Giang, sông Cả, Thanh Long giang, sông Rum) nổi danh trong sử sách, nhất là dưới triều Nguyễn. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) sông Lam được chạm hình vào một trong Cửu đỉnh (Tuyên đỉnh) - những địa danh tiếng tăm và đẹp nhất của nước ta.

Không tính lưu vực sông Lam từ sông Hoàng Mai đến sông Rác (Kỳ Anh - Hà Tĩnh), chỉ tính hai bên bờ dọc sông Lam từ Kim Liên đến Tiên Điền, chừng 20km, đã là cái nôi của khoa bảng xứ Nghệ. Bắt đầu từ đời Trần, khi khoa bảng của nước Đại Việt được tổ chức ở miền viễn biên này, vào năm 1256 thì đã có Trương Xán thi đỗ Trạng nguyên (Trạng Trại). Tiếp theo gần 8 thế kỷ khoa bảng, trong số 186 vị đỗ đại khoa cả nước (từ Tiến sĩ trở lên) thì Nam Đàn chiếm 26 vị, 99 vị đỗ Trung khoa và 100 vị đỗ tiểu khoa (sinh đồ). “Trong số 183 khoa thi Tiến sĩ từ triều Lý đến triều Nguyễn (1075 - 1919) thì 75 khoa có người Nghệ An trúng bảng… nhiều nhất là khoa Canh Tuất (1910) có đến 7 đại khoa (2 Tiến sĩ và 5 Phó bảng)” (5).

Nam Đàn nép sát bờ sông Lam và chân núi Thiên Nhẫn có những dòng họ khoa bảng nổi tiếng. Họ Nguyễn Trọng (Trung Cần) có 5 vị bắt đầu từ Nguyễn Trọng Thường đỗ tiến sĩ năm 1712. Họ Nguyễn Đức (Hoành Sơn) có 4 vị. Người khởi đầu là Thám hoa Nguyễn Đức Đạt (1824 – 1887). Họ Nguyễn (Trung Cần) có hai chú cháu đều đỗ hàng cao nhất: Thám hoa. Ông chú Nguyễn Văn Giao (1811 - 1863), và cháu là Nguyễn Hữu Lập (1823 - 1874). Dọc đôi bờ sông Lam là một vùng quê nghèo, Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai nhưng Ông đỗ, cha đỗ, cháu đỗ quả là kỳ lạ (6).

Có trường hợp đặc biệt như Phan Bội Châu, đỗ Giải nguyên được đứng riêng một bảng:

Lưỡng tuế tam nguyên thiên hạ hữu

Độc danh nhất bảng thế gian vô.

(Đào Tấn. Tổng đốc An – Tĩnh)

(Hai năm ba lần đỗ đầu (giải nguyên, hội nguyên, đình nguyên) như ông thì thiên hạ cũng có, nhưng đứng tên một bảng thì thế gian không có ai).

Một trường hợp nữa, duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam là trong một khoa thi (năm 1851) có hai vị đỗ Thám hoa (trạng nguyên) là Nguyễn Đức Đạt và Nguyễn Văn Giao đều là người Nam Đàn, nhà ở đây, ven bờ sông Lam.

Sông Lam là một con sông lịch sử, con sông văn hóa và kinh tế của Nghệ - Tĩnh nói chung và của Nam Đàn nói riêng; Sa Nam trên chợ dưới đò/ Bánh đúc ba dãy thịt bò mê thiên. Cuối sông Lam, trên đất Nam Đàn là một truyền kỳ và bài ca giữ nước.

Chỉ tính từ thời Trần, thời Hậu Trần, tại nơi này đã có biết bao nhiêu trận chiến. Ở đây là căn cứ địa của hai vương triều nhà Hậu Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược (1407 - 1414), tiếp đó là những trận chiến của Lê Lợi đánh quân Trương Phụ nhà Minh trong 6 năm trời. Thời Lê Mạt, thế kỷ XVII-XVIII là chiến trường của chúa Trịnh và chúa Nguyễn trong 7 cuộc chiến phân tranh.

Như vậy từ Kim Liên, quê Bác Hồ bên tả ngạn sông Lam đến Tiên Điền quê Nguyễn Du bên hữu ngạn chỉ 20 km. Nằm trọn trong một vùng quê nổi tiếng của Xứ Nghệ, nổi tiếng và thấm đượm văn hóa Lam Hồng. Dòng họ Nguyễn Tiên Điền, những Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Thiện, Nguyễn Điều, kề làng bên là Nguyễn Công Trứ và dòng họ Nguyễn Huy với Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Hổ được xếp bên cạnh Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều... Có người nói Bác Hồ có nhiều dự báo thiên tài về Việt Nam và thế giới… là do ngay từ nhỏ đã biết đến Tả Ao (thế kỷ XIV), nhà địa lý phong thủy nổi tiếng nhất Việt Nam. Quê ông cũng ở đây và được ví như Cao Biền bên Trung Quốc. Đây cũng là nơi Y tổ Việt Nam, và cũng là một văn nhân tài hoa Hải Thượng Lãn Ông sống, làm thuốc và viết Thượng kinh ký sự. Ngay từ năm 14 tuổi, “Cuối năm 1904, Nguyễn Tất Thành theo cha sang làng Du Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, khi ông Sắc đến đây dạy học. Ngoài thời gian học tập, Nguyễn Tất Thành thường theo cha đến các vùng trong tỉnh như làng Đông Thái, quê hương của Phan Đình Phùng, thăm các di tích thành Lục Niên, miếu thờ La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, v.v..” (7).

Giữa khoảng cách 20 km này, ngày xưa, thời còn bé, nhiều đêm Bác theo cha bơi đò qua sông Lam, đi hát Phường Vải. Thực ra để hát Phường Vải không cần đi xa thế, làng Kim Liên cũng có nghề dệt vải mà mẹ Bác rất thạo nghề, đêm đêm ở đây cũng hát. Bà nội Hà Thị Hy của Bác nổi tiếng với tên bà Đèn của những đêm hát Phường Vải. Nhưng để được giao lưu và tập trung hơn, đông hơn cho cả vùng này, có cả nam thanh nữ tú Nghệ -Tĩnh từ Trường Lưu đến Tiên Điền và Nam Đàn cùng hát… thì sang Nam Kim là gần nhất cho cả mọi người. Khoảng cách này quá đủ cho Truyện Kiều của Nguyễn Du lan tỏa sâu đậm cho các bà mẹ ru con, bà nội, ngoại ru cháu, nuôi dưỡng cho mấy đứa con của bà Loan lớn lên và nhớ suốt đời.

Đoạn sông Lam chảy qua quê Bác, xuôi giữa những dãy núi trập trùng như tấm lụa xanh của đất trời vắt ngang giữa miền Trung bỏng rát gió Lào. Ngày Bác còn bé, Nam Đàn quanh năm ngập trong lũ, lụt và nghèo đói xơ xác. Giờ đây nối liền 2 bờ sông Lam, từ nhà Bác Hồ sang nhà Nguyễn Du, bãi bờ xanh bát ngát hoa màu và xóm làng trù phú, nhà ngói, tường xây nép dưới nhà cao tầng và 6 cây cầu vắt ngang: Cầu Nam Đàn, cầu đường bộ Yên Xuân, cầu đường sắt Yên Xuân, Cầu đường bộ Bến Thủy, cầu đường sắt Bến Thủy và cầu Cửa Hội nối thẳng sang Tiên Điền, quê hương của Nguyễn Du.

----------------

* Rú (tiếng Nôm) được dùng phổ biến ở đây, giống như “Núi” và được dùng trong ngôn ngữ hành chính.

(1), (2) Nam Đàn xưa và nay, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2004, tr. 11.

(3) Đào Tam Tỉnh, Các dòng họ ở Nghệ An… Tạp chí KHXH và NV, Số 1/ 2021.

(4) Lê Đình Cúc, Vùng quê Chín Nam – Địa văn hóa, Nxb. KHXH, 2019. tr.34.

(5) Đào Tam Tỉnh (2005), Khoa bảng Nghệ An (1075- 1919), Nxb. Nghệ An, tr. 134.

(6) Lê Đình Cúc, Sđd, tr.258.

(7) Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Tiểu sử, Nxb. CTQG, H. 2015. tr. 16.

Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy