Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:39 (GMT +7)

Quả lành trên đất La Hiên

VNTN - “Ruồi vàng, bọ chó, gió La Hiên”, nhắc tới La Hiên (Võ Nhai), trước đây người ta thường nhớ đến nơi có khí hậu khắc nghiệt, đất núi cằn cỗi lẫn đá lởm chởm khó canh tác. Ít ai ngờ rằng chính cái chất đất đặc biệt ấy lại phù hợp với cây na. Dăm năm trở lại đây những hộ gia đình trồng na ở La Hiên mỗi vụ đều thu được hàng trăm triệu đồng. Cây na thực sự làm thay đổi diện mạo một vùng đất và khiến người dân xóm núi “ngẩng cao đầu”.


Vào vựa na

 

Nằm dưới chân núi đá gần Quốc lộ 1B, Hiên Bình, Là Đồng, Hiên Mình là những xóm trồng na lớn của La Hiên. Cuối tháng 9, đã là cuối mùa na chín, tuy không còn cảnh họp chợ nà nhộn nhịp nhưng ven đường, ở cổng các ngôi nhà mới khang trang vẫn còn khá nhiều những hàng bán na. Những phụ nữ gương mặt rạng rỡ, râm ran câu chuyện được mùa, những quả na vừa he hé mắt màu hồng phấn, tròn căng nằm gọn gàng trên sạp, tất cả như níu chân du khách. Vừa dừng xe định mua na ăn cho lại sức, tình cờ gặp mấy người đàn ông chuẩn bị vào lân Hồng cách đó không xa hái quả. Đây là dịp trải nghiệm hiếm có về lân hoa quả của miền núi. Sau khi “trình bày” tay nghề đi xe máy ở miền núi với những người thợ hái na, họ đồng ý cho chúng tôi cùng vào lân với điều kiện: mỗi người đi một xe và nếu thấy “run”  thì lập tức dừng lại.

Hoàn toàn biệt lập với bên ngoài, muốn tới được lân Hồng phải vượt qua khe núi phía trước. Chạy xe luồn trong những vạt na dăm phút đã đến chân núi. Nhìn con đường bê tông dựng đứng ngoằn ngoèo hình chữ chi trước mặt, chúng tôi hít sâu lấy tinh thần rồi về số một, rạp người về phía trước và bắt đầu ì ạch leo dốc. Rất may con đường lên núi được người dân làm khá rộng và mặt đường khía, chằng chịt các rãnh nằm ngang để tạo độ bám, nên đi xe cũng đỡ nguy hiểm. Qua dăm bảy khúc cua chúng tôi tới đỉnh. Dừng xe quay đầu lại, nhìn bên dưới hun hút mới thấy mình “liều”. Trên đó giống như cổng trời nhìn xuống thung lũng phía trước mặt chúng tôi hoàn toàn bất ngờ và choáng ngợp. Thực sự đây là một công trình nhân tạo đặc biệt. Cả một không gian rộng lớn như lòng chảo dài tít tắp bên dưới xanh bạt ngàn những na là na. Chẳng thể hình dung được sức người có thể tạo ra được một cảnh quan như thế. Đây như một vương quốc của na, na trồng kín lũng, mọc từ chân núi cho đến tận đỉnh núi.

Xe vẫn để số một, ghì chặt tay lái chúng tôi vừa phanh vừa bắt đầu trôi vào lũng na lớn nhất La Hiên. Trời mùa thu còn khá nóng nhưng không khí ở đây thì mát lạnh và thoáng đãng khiến người tỉnh táo và khỏe lại nhanh chóng.

Trong rừng na, thỉnh thoảng lại gặp vài xe máy dựng ở cạnh đường, còn chủ nhân đã đi lên núi hái quả. Hết đường bê tông, tới khoảng đất trồng na nhà anh Phạm Huy Thứ - một trong những người có vườn na diện tích lớn ở lân Hồng. Na ở lũng cây nào cũng tốt bời bời, gốc to bằng bắp đùi, tán lá xòe tứ diện. Thấy một cây quả vẫn còn sai lúc lỉu cô bạn đi cùng vốn là dân đất vải Lục Ngạn reo lên đầy thích thú.

Anh Thứ bình thản: “Thế đã ăn thua gì. Đầu mùa mới nhiều quả”.

Dựng xe ở lán canh na, tranh thủ uống nước rồi bốn người thợ tay xách thùng, tay cầm kéo theo các hướng đã phân chia ranh giới bằng một đường dây đi lên đỉnh núi. Tôi thắc mắc tại sao lại phải căng dây. Anh Thứ giải thích: cứ 5 gốc na sẽ căng một đường từ trên đỉnh xuống chân núi. Căng dây như vậy thì chăm sóc, thu hoạch mới dễ. Na trồng khá thẳng hàng, thu hái na chỉ việc đi theo con đường vạch sẵn tìm những quả chín. Đi một đường từ đỉnh xuống dưới cũng vừa đầy thùng quả. Tại lán, na được đóng vào thùng xốp chở xe máy mang về.

Chúng tôi leo núi theo anh Thứ, gặp quả chín mềm anh lại hái mời khách. Na trồng trên đất núi thơm và ngọt lựng. Vừa ăn vừa ngắm cảnh và nghe anh Thứ kể chuyện trồng na, cảm giác mới thật tuyệt vời.

Nhà anh Thứ ở Hiên Bình, hơn 15 năm trồng na đã cho gia đình anh thu nhập đáng kể. 2ha na, vụ vừa rồi vợ chồng anh thu về gần 300 triệu. Nhờ tiền bán na hiện anh chị đã đầu tư 1,5 tỉ xây dựng trang trại nuôi lợn siêu nạc.

Tôi thắc mắc vườn na rộng địa hình lại khó khăn thì chăm bón và phun thuốc kiểu gì. Chỉ những hố trữ nước tự nhiên dưới tán na được xây quây lại từ hốc đá, anh Thứ giải thích: Trồng na trên núi khó nhất là nước để phun thuốc, chúng tôi đã nghĩ ra cách như trữ nước đó. Mùa phun thuốc sâu, thuốc nấm chỉ việc lấy nước ở đấy hòa với thuốc phun cho cây sạch sâu bệnh. Nhà anh mỗi vụ mất hơn 10 triệu tiền phân, thuốc và tiền thuê người, dân ở đây ai cũng trồng na nên làm những việc đó rất thạo.

Cô bạn như không tin: “Thu 300 triệu mà chỉ hết có bằng ấy tiền phân, thuốc. Làm na như thế này lãi hơn vải nhiều”.

Anh Thứ thật thà:

“Lãi nhiều chứ. 300 triệu đã là gì, ở đây có những hộ còn thu 500 - 600 triệu. Hộ ít cũng được hơn 100 triệu”.

Cũng theo lời anh Thứ thì: Tốn ít phân thuốc như vậy là vì na trồng trên đất núi. Mát mẻ thoáng đãng, chất đất lại tốt nên chẳng mấy khi có sâu bệnh.

Nghỉ chân ở lưng chừng núi, ngồi “buôn chuyện” với mấy thợ na đang giải lao. Nghe chúng tôi kể về cảm giác khi leo dốc lân Hồng mấy bà cười sảng khoái: “Thế đã ăn thua gì, Làm được đường bê tông là đỡ công bao nhiêu, giờ nhẹ nhàng hơn nhiều, đi hái na vận chuyển ra ngoài toàn bằng xe máy. Hồi chưa làm đường người nào cũng hốc hác. Sáng sớm mới bảnh mắt đã nắm cơm đi làm tối mịt mới về. Lúc thu hoạch phải gánh na từ lân ra. Người khỏe cũng chỉ gánh được 40 - 50 kg. Một ngày thợ gánh thuê làm hết công suất cũng chỉ gánh được chục gánh”.

Thăm thú vườn na và ăn na cũng đã thỏa chúng tôi chào anh Thứ và rời lân Hồng sang Hiên Minh - xóm có nhiều người trồng na và làm na giỏi nhất ở La Hiên.

Thu hoạch quả tại lân Hồng

Bí quyết 

Không có lũng na như Hiên Bình, na ở Hiên Minh chủ yếu được trồng dưới những khu vườn bằng phẳng gần chân núi đá. Người ta không nhớ rõ cây na ở đây có từ khi nào, chỉ biết Hiên Minh là xóm có kinh nghiệm, kĩ thuật  cũng như thu nhập về na cao nhất và đi đầu trong việc phát triển cây na La Hiên. Ở đây có 176 hộ gia đình đều chuyên canh trồng cây ăn trái, trong đó cây trồng chủ đạo là na.

Đường làng ngõ xóm quanh co. Thấp thoáng lẫn trong màu xanh của tán lá thỉnh thoảng có những căn biệt thự tiền tỷ mới xây như còn thơm mùi ngói mới.

Trong căn nhà khang trang với những vật dụng đắt tiền, anh Nguyễn Xuân Thành vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc thứ cây ăn quả mang lại nhiều duyên nợ cho gia đình. Cầm quả na to bằng vốc tay tròn căng màu hồng phấn anh nhíu mày: “Để có những quả na như này không hề đơn giản. Trồng na thu nhập cao nhưng tỉ mỉ và vất vả lắm”.

Anh chia sẻ: Hết vụ quả là phải phun thuốc diệt sâu, bệnh. Sau đó để chuẩn bị cho mùa na tới, tháng 11 - 12  người trồng na đã tiến hành bón phân, tỉa cành để cây tập trung dinh dưỡng, không tốn thức ăn để nuôi cành lá vô ích. Tháng 1 âm lịch năm sau lại bón phân cho na, để na chuẩn bị ra hoa vào mùa tới. Sau Tết người trồng na phải cầm kéo đi bấm đầu cành, việc này nhằm kích thích cho na ra hoa nhiều. Bấm cành sớm hay muộn, nhiều hay ít phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người, bấm sớm na ra hoa sớm.

Làm na vất vả tới 4 - 5 tháng và qua nhiều công đoạn, nhưng vất vả và tỉ mỉ nhất vẫn là khâu thụ phấn cho na. Đây cũng là một “công nghệ ” mà người trồng na ở La Hiên mới học được khoảng 5 năm nay. Với cách  làm này, năng suất chất lượng của quả na tăng lên rõ rệt. Mùa hoa nở, như những chú “ong thợ” ngày nào, người dân trồng na cũng phải đi thụ phấn nhân tạo cho từng bông hoa, để na ra quả như mong muốn… Khâu thụ phấn diễn ra liên tục trong vòng gần 2 tháng vì hoa na nở lác đác từng ngày.

Nhắc đến việc này anh không giấu nổi niềm vui nhớ lại: “Hồi trước nghe nói đi thụ phấn na tôi cứ nghĩ chuyện đùa. Hoa na bé thế thì làm kiểu gì!? Sau đó có vài người trong làng được chuyển giao “công nghệ”, nhưng họ cũng giấu nghề lắm. Nghĩ thấy cay, bố con tôi quyết định lên tận Lạng Sơn học cách thụ phấn. Và dần dần kỹ thuật thụ phấn cũng bị “lộ” ra cả làng. Trẻ con cũng biết làm…”.

Sợ khách không hiểu, anh tỉ mỉ: “Dễ lắm, muốn ra bao nhiêu quả cũng được. Đầu tiên ta lấy phấn hoa từ những bông hoa đã nở sau đó người trồng na dùng một ống nhựa nhỏ chấm phấn hoa vào từng bông một. Với phương pháp này tỷ lệ đậu quả đạt trên 98%, nếu cành nào nhiều hoa quá còn phải bỏ bớt để quả đậu to và tròn đều”.

Ngoài phương pháp thụ phấn, ở Hiên Minh nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn dùng phương pháp đốn cành. Với cách làm này cây na thấp nên việc phun thuốc trừ sâu và thu hái thuận lợi hơn. Bình vốn là một giáo viên trẻ đang dạy trường THPT Hoàng Quốc Việt và cũng là người làm na có nghề khá thạo về điều này. Bố mẹ đã già không làm vườn được. Bình đi dạy học cách nhà mấy chục cây số thỉnh thoảng mới về. Không có nhiều thời gian nên những cây na Bình trồng thường tỉa rất thấp, chiều cao chỉ 2 - 3m. “1ha na trồng được gần 700  cây na, tính nhanh  trung bình mỗi cây cho 20 đến hơn 30kg quả/năm. Với giá bán như trên, 1ha na cho thu nhập khoảng 270 triệu . Có những diện tích cho năng suất cao hơn, mỗi ha na còn có thể cho thu nhập hơn 300 triệu. Không làm hết việc thì thuê người. Đến mùa thu hoạch gọi luôn dân buôn vào bán đổ xô cả vườn, cứ đếm gốc na mà tính tiền, cũng vẫn lãi ròng, vì mình nhìn gốc na đã áng chừng được sản lượng tương đối chính xác anh ạ!”. - Bình nhẩm tính vanh vách như vậy.

Vợ chồng anh Thành đang kể chuyện trồng na

Ngọt bùi nghề trồng na

Nghe dân trồng na ở Hiên Minh  chia sẻ cách nghĩ, cách làm giầu sao mà dễ thế và sự thật ở Hiên Minh có nhiều nông dân thành triệu phú nhờ cây trái như ông Phạm Huy Thọ, Lê Tiến Sảo… Nhiều hộ dân ngoài trồng na còn kết hợp trồng thêm những loại cây trồng ăn trái khác như nhãn, bưởi... để đa dạng hóa cây trồng và tăng trưởng kinh tế hộ gia đình. Một số hộ có tiền đã mạnh dạn đầu tư mở trang chăn nuôi có quy mô lớn. Thực sự cây na đã giúp cuộc sống của người dân Hiên Minh thay đổi rất nhiều: cả xóm không còn hộ nghèo, xóm có đủ đường bê tông hóa, có đường điện áp đầy đủ trên trục đường chính.... và từ năm 2010 xóm đã hoàn thiện chương trình nông thôn mới. Con em trong xóm được học hành mở mang kiến thức, góp phần xây dựng quê hương.

Nhận thấy cây na là thứ quả lành phù hợp với vùng đất núi hiện nay hầu hết các hộ gia đình trong ở mấy xã sống gần chân núi, đều tận dụng khai hoang, mở rộng diện tích đất trồng na. Ở La Hiên ngoài Hiên Minh, Hiên Bình trồng na nay còn thêm các xóm Sông Hòa, La Đồng. Thời điểm hiện tại La Hiên có gần  250ha na và diện tích này ngày một tăng thêm.

Nhiều ưu điểm như vậy nhưng không phải làm giàu nhờ cây na sẽ bền vững mãi. Để đem những trái ngọt cho đời quả là một kỳ công và bao nhiêu công sức vậy mà khi na ra thị trường vẫn bị tư thương ép giá.

Về điều này nhiều người dân trồng na La Hiên còn bị ám ảnh những ngày na rớt giá cách đây hơn một tháng. Lúc đó na chín rộ đúng những ngày mưa to dai dẳng, giá na xuống thảm hại, hái không xuể. Mỗi ngày nhà nào cũng đội mưa hái hàng tấn na, vậy mà giá bán cũng chỉ được 11nghìn /kg. Na chín rất nhanh không thể bảo quản được. Mệt mỏi, chán nản, nhìn những quả to lông lốc phải bán rẻ như cho nhiều người xót của bật khóc.

Rất may không lâu sau giá na đã lên trở lại và ổn định, hiện bán buôn mỗi kg na dao động từ 15 đến 20 nghìn/kg; giá bán lẻ từ 25 đến 30nghìn/ kg tùy thuộc vào chất lượng quả. Dù được giá nhưng na chín nhanh, rất khó bảo quản và vận chuyển đi xa. Vì vậy cũng không thể tính chuyện xuất khẩu như các loại hoa quả khác...

Trước khi tạm biệt Hiên Minh ra về tôi hỏi anh Thành vụ na vừa rồi nhà anh “thắng” bao nhiêu? Anh cười bí ẩn, giọng khiêm tốn: “Cũng được hơn trăm triệu thôi”. Bình nói nhỏ với tôi: “Anh giấu đấy. Ở đây họ vẫn ngại tiết lộ thu nhập như vậy vì sợ nhiều người tập trung trồng na thị trường bão hòa giá na sẽ giảm”. Suy nghĩ của người dân làm na La Hiên là vậy.

Niềm vui của chuyến đi sẽ hoàn toàn trọn vẹn nếu như hơn chục kg na chúng tôi mua về làm quà không có lẫn 2 gói na hỏng (khoảng 3kg). Đây là hai gói na tôi mua của hai người phụ nữ ở Hiên Bình mang sang bán rẻ, tin họ thật thà và mải nói chuyện nên tôi đã không kiểm tra. Về nhà mở lớp giấy bọc ra thấy bên trong đã ủng hết, có lẽ do để tủ lạnh quá lâu. Chỉ vì ham lợi trước mắt mà hai cá nhân đã bán rẻ chữ tín của cộng đồng người làm na La Hiên và làm tổn thương những người đang trân trọng họ, là chúng tôi.

Na La Hiên đang dần có chỗ đứng trên thị trường các tỉnh phía Bắc. Muốn giữ được và phát triển thương hiệu ngay lúc này cần lắm sự đoàn kết thống nhất cao của cả cộng đồng những người trồng na nơi đây về cách làm ăn, sự nghiêm túc và quan trọng nhất là chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy hương vị ngọt lành của na La Hiên sẽ mãi bay cao và xa hơn.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước