Phận rác
Ký. Phạm Văn Vũ
Nghĩa trang của rác
Khu thung lũng rộng hơn 5ha của xóm Đá Mài xã Tân Cương là nơi tập trung, phân loại và xử lí toàn bộ nguồn rác thải của thành phố Thái Nguyên. Khuất lẫn giữa những đống rác ngổn ngang là những người lao động phủ bịt kín mít từ đầu đến chân. Không nhìn thấy mặt họ, nhưng có thể nhận ra những vết rỉ đen nham nhở trên những chiếc áo xanh bạc mỏng mảnh. Dưới chân họ, những vũng bùn nước bầy nhầy đang loang rộng ra.
Dù đã có nhà máy xử lí, nhưng với nhiệm vụ tiếp nhận khoảng 150 tấn rác thải mỗi ngày, khu vực này vẫn bị bao phủ bởi mùi hôi thối khủng khiếp. Cái mùi nồng nặc khiến ai nhạy cảm hoặc sức yếu có thể nôn ngay lập tức. Tôi phải bịt khẩu trang và gần như không dám thở. Chẳng còn cách nào khác, tôi cứ nín chịu một lúc rồi thở hắt ra, lại nín chịu một lúc rồi thở hắt ra. Trong lúc vật lộn chống chọi trong khoảng 5 phút đầy khó khăn ấy, tôi ngạc nhiên nghĩ, làm thế nào mà những con người nhọc nhằn kia có thể ngày này qua ngày khác cúi gằm mặt trên những bãi rác như vậy? Câu trả lời là những cái rùng mình…
Phân loại rác để kiếm tìm giá trị từ những thứ đã bị vứt đi
Khoảng hai chục gia đình nghèo khó quanh đây đang sống… nhờ rác. Nguồn sống của họ chính là những thứ mà bao gia đình khác đã vứt bỏ. Giật mình tôi nhận ra có một khoảng cách mênh mông giữa người thải rác với người nhặt rác, dù cho khoảng cách từ trung tâm thành phố vào đến bãi rác Đá Mài - Tân Cương này chỉ có 12km mà thôi. Ở đâu đó ngoài kia thì cuộc sống là hào nhoáng, mua sắm, ăn nhậu, vui chơi, nhưng cuộc sống ở đây là sự hôi hám, bẩn thỉu, thối rữa, bệnh dịch. Với ai đó ngoài kia thì cuộc sống là tận hưởng trong an nhàn, nhưng cuộc sống của người nhặt rác ở đây là tận dụng trong thấp thỏm lo lắng. Sau khi mọi nơi đã làm xong việc vứt bỏ, thì nơi đây bắt đầu việc nhận về. Nhìn những vóc dáng quá nhỏ bé giữa thung lũng rác, tôi cứ chập chờn nghĩ, thân phận họ cũng chìm khuất, cũng bé nhỏ, cũng lăn lóc bọp bẹp như những bao túi chai lọ kia sao? Họ cứ khắc khổ một cách lặng thầm như vậy, bất chấp bao nhiêu nguy hại đang đe dọa sức khỏe và thậm chí đe dọa tính mạng. Chính ở nơi tận cùng của khó nhọc, giữa một nơi thuộc về những thứ vứt đi, tôi thấy rõ ràng còn lại điều thật đáng quý - ấy là sức lao động của con người. Chính ở nơi toàn những thứ đã bị vứt đi, ta vẫn thấy có những điều không bao giờ mất giá.
Người lưu lạc và những linh hồn lưu lạc
Quanh khu vực bãi rác chỉ có duy nhất ngôi nhà nhỏ bé của gia đình anh Ngô Văn Quyền - người đã nhặt rác ở đây hàng chục năm nay. Anh cùng vợ và ba người con vẫn từng ngày từng giờ sống trong mùi hôi nồng nặc bốc lên từ bãi rác cách chưa đầy 200m.
Nhìn vết sẹo dài trên gương mặt trầm tĩnh của anh Quyền, tôi không khỏi suy nghĩ về người đàn ông nhiều bí ẩn, tuy đời sống lam lũ vất vả nhưng vẫn dành hết sức mình cho việc hiếu nghĩa ở khu bãi rác này. Phải sau mấy bận tôi trò chuyện, anh mới dần dần mở lòng. Đó là cả một câu chuyện rất dài… Từ nhỏ, cậu bé Quyền sớm phải lao vào cuộc sinh nhai. Khi Quyền mới lên mười tuổi, bố mẹ bỏ nhau, gia đình li tán, anh sống cảnh tha hương cầu thực. Tâm lí bất mãn, chán nản, mặc cảm, Quyền hay gây gổ đánh nhau rồi dần trở thành một “đại ca giang hồ”. Bị bắt giam và lĩnh án 12 năm tù ở cái tuổi 24, mọi thứ đóng sập lại một cách nghiệt ngã trước mắt người trai trẻ ấy. Nhưng có lẽ, đúng như người xưa dạy, cùng tắc biến... Đây chính là thời gian mà Quyền dằn vặt, nung nấu, ngộ ra nhiều điều rồi quyết chí làm lại. Ra tù, anh lựa chọn Tân Cương làm nơi gây dựng cuộc sống. Bốn bề là núi rừng, anh trồng cây. Sống cạnh bãi rác, anh nhặt rác. Cũng nào ngờ, bãi rác định mệnh ấy…
Điều làm anh Quyền phải suy nghĩ nhất ở đây không phải là chuyện rác thải. Hình như cả nhà đã (phải) quen với việc sống cùng rác rồi, chắc nó chẳng còn là vấn đề nữa, nhất là khi đấy lại là một phần nguồn sống của gia đình. Thì biết làm sao?
Anh Ngô Văn Quyền
Điều ám ảnh anh nhất là câu chuyện xót lòng về những hài nhi xấu số bị vứt lẫn trong rác. Thỉnh thoảng trong những lần đang bới nhặt, anh lại gặp những chiếc túi hoặc những bọc quần áo lạ. Đó là những lần anh sửng sốt điếng người khi nhận ra bên trong là những bào thai đã thành hình - núm da thịt bé bỏng đỏ hỏn. Thậm chí có lần, đó là hình hài mà khi đem chôn cất, anh Quyền phải đóng quan tài dài 80cm. Sau những giây phút thất thần, sau những giọt nước mắt, anh lặng lẽ làm phần việc mà bố mẹ các bé đã không làm. Anh cắt gỗ đóng quan tài cẩn thận. Các bé cũng có hình hài, cũng là da thịt cơ mà… Anh đun nước lá thơm tắm rửa cho các hài nhi xấu số vừa sinh ra đã lấm lem cát bụi. Lại thêm bộ quần áo mới mặc cho các bé bớt tủi thân. Khi đưa các bé vào mộ phần, anh mời Cha xứ nhà thờ Tân Cương đến cầu nguyện cho những linh hồn lưu lạc. Anh Quyền là người theo Đạo Thiên Chúa. Giờ nghĩ lại tôi mới hiểu. Lần đầu tiên đến nhà anh, bước chân tôi sững lại trước cửa. Nhìn lên, tôi thấy bức ảnh Chúa rạng rỡ nhân từ treo trang trọng ở chính giữa nhà. Trong người tôi bỗng cảm thấy dịu yên giữa một nơi quá ư ngột ngạt. Giờ thì tôi mới hiểu…
Năm 2012, lo đất ven đồi sạt lở, anh xin phép Ủy ban Nhân dân xã Tân Cương và Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị Thái Nguyên dùng mảnh đất ở góc bãi rác để xây một nghĩa trang nhỏ, làm khu quy tập mộ các bé. Có sự hỗ trợ của Công ty, anh đã bỏ thêm chi phí, mua vật liệu, cùng mọi người trong đội nhân công nhặt rác nơi đây hộ nhau san đất đá, xây cất. Khu đất 30m2 giờ là ngôi nhà của 14 linh hồn thơ bé bơ vơ chưa được sinh ra trên cuộc đời này. Dù việc làm của anh Quyền và người dân nơi đây chẳng thể sửa chữa điều lỗi phạm cho những người làm cha làm mẹ đã bỏ con, nhưng dù sao đó cũng là nghĩa cử nhân tình để những linh hồn thơ trẻ bớt lạnh lẽo. Thật ra, làm cho các bé một ngôi mộ sao có thể bằng việc cho các bé một cuộc đời… Người làm cha làm mẹ ơi?
Bần thần nhìn vào trong ban thờ nhỏ ở giữa khu mộ, thấy có ghi dòng chữ: “Nơi an nghỉ của những hài nhi vô danh”. Không, tôi nghĩ các bé có tên chứ. Các bé đều có tên chung là Con Người. Trên nóc ban thờ là một cây thập giá. Trên tất cả các ngôi mộ cũng đều có hình vẽ cây thập giá. Các bé không được cha mẹ đón nhận, thì các bé làm con của Chúa. Đến lúc này thì tôi biết chắc chắn rằng, Chúa ở đây, ở ngay dưới mặt đất, ngay trên bãi rác hôi bẩn này, ngay trong bàn tay và giọt mồ hôi của người nhặt rác nơi đây.
Khu mộ trắng mênh mang lạnh lẽo trên nền bãi rác xám đen đang ngột ngạt nắng nóng. Tôi quên là mình đang ở cạnh bãi rác. Mùi nhang khói thoang thoảng thơm.
Nơi trú ngụ của những linh hồn bé nhỏ tại bãi rác Đá Mài - Tân Cương, T.P Thái Nguyên
Thật may mắn, nhờ những người nhặt rác mà các hài nhi có một nơi trú ngụ. Tôi cứ hình dung, ngày ngày, các bé nằm đó, chăm chú dõi theo từng đôi tay nhặt rác, lặng lẽ đồng hành cùng họ. Các em còn bé bỏng thế kia mà, sao có những người dứt lòng dứt ruột vứt bỏ giọt máu của mình được thế ư? Những thân kiếp chưa được sinh ra để làm một con người, đã bị mẹ cha từ bỏ. Trong khi ngày nay, bao nhiêu đôi vợ chồng trông ngóng cầu mong để có con mà không được. Sinh hạ một con người là đem đến điều cao đẹp, linh thiêng hơn tất cả mọi điều cao đẹp, linh thiêng cho cuộc sống này. Người làm cha làm mẹ ơi?
Đau xót không biết nói sao khi thỉnh thoảng những người nhân công ở bãi rác này lại thấy có cô gái trẻ lẳng lặng đến thắp hương, rồi cầm lòng không đặng, khóc đứng khóc ngồi. Chẳng biết là mẹ con có tìm thấy nhau không, có nhận ra nhau không? Có những cái mất mát lớn lắm. Người làm cha làm mẹ ơi?
Cứ nghĩ rằng, phải trải qua cuộc đời trăm ngàn bể dâu sinh tử thì con người ta mới cảm nghiệm được thế nào là thân phận. Nào biết đâu, các bé ở đây chưa được sinh ra một phút làm người mà đã phải mang gánh thân phận rồi. Cũng một cuộc đời mà sao chỉ thoáng chớp. Tôi chậm chạp quay xe trở ra, một cơn mưa nhỏ níu chân. Gió nổi lên khiến con đường nhỏ càng thêm hun hút. Có cái gì tê ran trên mặt. Bất chợt, trong người cảm thấy run lên từng câu từng chữ trong bài thơ của một thi sĩ khuyết danh:
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...