Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
08:15 (GMT +7)

Ông lão chăn bò

Trời nắng chang chang. Ve sầu gióng giả. Quán bà Năm đang vắng khách mặc dù có bóng mát cây vối. Bà ngồi mắt ngó ra đường nhưng tay vẫn cầm cái quạt nan khua phành phạch. Một ông lão lững thững đi bộ bước vào quán. Cứ nhìn dáng nhỏ thó, gầy gò tong teo, khuôn mặt đen đúa nhăn nheo, bộ quần áo nâu bạc vá vài ba chỗ. Bà Năm đoán ngay đây là một lão nông ở xa đến. Ông lão bỏ cái nón rách thủng đôi chỗ, vành đã cạp lại để lịch sự chào:

-Xin chào bà, xin ngồi nhờ bà chút ạ!

Để tay nải màu chàm xuống chõng tre. Ông lão tiếp lời:

-Dạ, xin bà bát nước vối.

Bà Năm đưa cho ông lão cái quạt mo cau. Theo thói quen hay tò mò bà ướm hỏi:

-Ông ở đâu đến và đi đâu? Đang nắng nóng thế này sao không chờ mấy hôm nữa lập thu rồi đi?

Ngước đôi mắt còn sáng lên nhìn bà chủ quán, ông nói thong thả vừa đủ nghe:

-Tôi ở Bình Sơn ra. Không thể hoãn được. Ngài Kép Le đã cho người vào tận nhà gọi tôi ra trông đàn bò cho ông ấy. Sắp đến chuồng bò chưa bà? Chiều mai phải nhận chục con bà ạ. Người Pháp họ trọng giờ giấc lắm, không nên coi thường. Tôi mấy đời chỉ cày thuê, cuốc mướn, chăn bò, chăn ngựa thuê. Chăn bò quen rồi bà ạ.

-Ra thế. Ông xuống dốc là đến chuồng bò.

Trả tiền nước vối, ông lão lễ phép chào rồi đi. Cái chuồng bò lợp lá cỏ gianh, móng xây be, nền thấp hơn mặt bãi cỏ, chỉ rộng hơn trăm mét vuông. Cách chuồng mấy mét là cái lán trình tường để cho người làm ở và làm nhà kho. Ông Thực, tên ông lão, nhanh chóng sắp xếp chỗ ở như kê lại cái chõng tre, nhặt ba viên gạch kê cái bếp nấu, cởi tay nải lấy ra cái nồi đồng nhỏ xíu, cái ấm niêu đất, cái bát ăn cơm,... bầy vào góc bếp. Xong xuôi, ông lão lững thững đi quanh cái chuồng bò.

Ông lão chăn bò
Minh họa: Nguyễn Gia Bảy

Bãi cỏ, cây lùm xùm bỏ hoang lâu, được cái tiện là gần con đường từ thị xã vào Tân Cương. Tất cả đất vùng này đều của chủ đồn điền Kép Le nên ông ta đã chọn chỗ tiện nhất để đặt chuồng bò. Nhìn phía Nam là cả một dãy đồi ông Đống cây cối xanh rì chạy từ Tây sang Đông hàng nghìn mét. Tha hồ mà thả chăn dắt bò. Ông lão chỉ là người làm thuê, còn chủ nuôi bò làm gì ông đâu có biết. Chỉ biết người Pháp rất thích ăn thịt bò. Chả thế sau khi nhận lời làm, ông được ông chủ cho chục hộp thịt bò mang từ Pháp sang. Theo con đường mòn xuống dốc, ông đã phát hiện ra cái giếng chung của cả khu vực. Đó là một cái giếng to như giếng làng, rộng có đến chục mét vuông, xung quanh xếp đá. Nước trong leo lẻo nhìn thấy cả đáy. Nhìn biết ngay là giếng nước mạch ngầm không bao giờ cạn. Thế này thì không lo bò khát nước. Ông chụm hai bàn tay vốc nước rồi vã lên mặt lên đầu lên cổ. Trời, nước mát tỉnh cả người. Vừa quay lại thì có tiếng đàn ông:

-Nước mát không ông? Ông từ đâu đến đây vậy?

Một người đàn ông chỉ trên ba chục tuổi nhưng đầu tóc bù xù, tay cầm con dao quắm, đứng dạng chân, cách ông không xa. Nhìn bên ngoài người đàn ông này, nhiều người sẽ chờn chợn sợ gần. Ông Thực thì thấy quá bình thường. Ông nhoẻn cười vừa đi lên dốc vừa trả lời:

-Tôi là người chăn bò cho chủ đồn điền. Đang tìm cái giếng theo lời dặn của người giúp việc ông chủ. Tôi ở Bình Sơn ra. Thế bác nhà ở đây à?

-Vâng, nhà cháu kia. - Ông ta chỉ tay lên cái mái nhà lợp cỏ gianh lấp ló sau lùm cây. - Vợ chồng cháu cũng là tá điền. Ông chủ cho mượn đất làm cái lều ở. Vì chúng cháu còn sinh nở mà. Ông qua nhà cháu làm chén rượu nhạt. Bình Sơn uống rượu tốt lắm ông nhỉ?

-Xin phép bác, tôi lại không biết uống. Chăn bò chăn ngựa mà say rượu thì ai dám thuê.

-Thôi, thế lúc nào ông sang chơi nhé.

Chiều dìu dịu nắng, ông Thực bỏ mấy hộp thịt bò vào cái tay nải nhỏ rồi lững thững đi vào cuối bãi, nơi có nhà vợ chồng tá điền gặp lúc sáng. Ông có ý định chào hỏi làm quen mấy gia đình gần gặn, nhưng phải đến nhà anh tá điền mới quen để nhờ anh chỉ nhà cho. Đối với nghề trông bò ngựa thuê thì hàng xóm là vô cùng quan trọng, nó như hàng rào vô hình để giúp ông bảo vệ đàn bò. Xem ra khu này đất rộng nhà thưa, cũng chỉ trên dăm nóc nhà. Vừa bước vào chân dốc đã có tiếng chó sủa. Được mươi bước thì có tiếng đàn bà cất lên:

-Im nào, xem ai nào. Ai đấy, chờ em xích con vàng đã nhá.

Một người đàn bà chỉ ngoài ba mươi, nhỏ nhắn trắng trẻo, hàm răng đều đen nhánh, mặc cái áo nâu vá, cái váy đen dài cũng vá, đi ra tận cổng đón, vồn vã:

-Ôi, em chào ông. Ông là lão chăn bò hả? Trưa nay nhà em nói chuyện ông là hàng xóm mới. Nghe chó cắn là đoán ra ông. Nhà em đây có bao giờ có ai thèm bước chân đến. Đã nghèo lại không có con, rượu chè, ai thèm dây. Ấy mời ông vào nhà.

Cái nhà nghèo thật, nó chỉ to hơn cái lán của ông đôi chút. Nhưng xem ra tá điền này có cô vợ xinh xắn, nhanh nhẩu, ăn nói dễ nghe, chắc cái nghèo chỉ là tạm thời. Các cụ vẫn nói: “Giàu vì bạn, sang vì vợ” là gì.

Trước khi bước vào nhà, ông lão hỏi:

-Thế bác trai đi vắng à?

-Dạ, vâng, nhà em ra cầu Bánh Dầy đánh cá. Cứ lúc nào nước sông Cầu lên là lại ra kiếm vài con về muối ăn dần. Ông cứ vào nhà đi.

-Thế thì thôi cô ạ. Tôi sang trước hết chào anh chị rồi gọi là có tí quà Tây biếu. Tôi cũng hỏi xem xóm ta có ai chỉ cho tôi đến chào.

Ông lão cầm hộp thịt bò đưa cho chị chủ nhà. Chị ta cười tươi như hoa giơ tay nhận. Không biết do vô ý bàn tay chị ta còn chạm vào cả bàn tay lão Thực, mặt chị ta đỏ gay. Chị nhanh nhảu:

-Ông đi hướng Tây có nhà ông Tám, bà Đợi, đi hướng Nam có nhà... Xóm bên này đường có sáu nhà. Mà từ nay bất cứ lúc nào rỗi ông sang chơi với em nhé.

***

Mấy ngày sau đều tối tăm mặt mũi vật vã với gần chục con bò. Vì là bò mua lẻ các nơi nên khi gò cho vào một chuồng, con nào cũng trở nên hung dữ. Cho ăn mấy ngày để chúng quen nhau rồi mới thả ra bãi ăn cỏ. Rồi công việc cũng quen. Lũ bò cũng bị thuần phục trước cái nhanh nhẹn và kinh nghiệm mấy đời của ông. Càng sống, ông lão càng được dân ở cái xóm nhà bò này quý mến. Bất kể việc gì từ mài con dao, đánh cái lưỡi cuốc, chêm cái cán xẻng đến tát cái ao, vét cái giếng, thậm chí lấy lá thuốc cho trẻ đứt tay, cảm sốt... Ông đều giúp. Tiếng tốt của ông truyền khắp đồn điền. Đặc biệt có chị vợ tá điền Thủy là hay tạt té qua nhà. Chị ta rất tự nhiên mỗi lần sang đều vào nhà ngó nghiêng nói năng lộn chộn. Có lúc ngồi vờ hớ hênh ở cái chõng khiến nó kêu lên kèo quẹt. Ông lão vốn chẳng ưa đàn bà đến nhà. Nhiều người bảo đàn bà dễ gây tai họa. Rồi mọi việc cũng bình yên. Sáng đánh bò lên bãi, lúc nào thấy bụng chúng căng căng thì lùa về. Ông lão hiền lành chỉ thích cuộc sống như thế. Một năm cũng đôi ba lần ông chủ cho người đến thịt một con bò. Thịt người ta mang đi. Ông lão xin để lại cho ít lòng để chia cho mấy nhà hàng xóm. Thời ấy sách bò là quý hiếm lắm.

Mọi việc tưởng cứ bằng lặng như mấy con bò. Nào ngờ bão giông đến lúc nào mà ông không hề biết. Ông không ngờ sau cái đợt anh Thủy đi làm ăn xa đã gần năm, chị Thủy thi thoảng lại sang vay gạo ăn, xin phân bò bón cây. Ông lão thấy cũng bình thường. Bỗng một hôm đang chăn bò trên núi thì có mấy tá điền đi làm về qua tạt vào gặp ông lão. Một người nói ra vẻ khiêu khích:

-Ái chà, nhỏ thó nhưng cũng cứng cáp đấy. Chắc chỉ ngoài ngũ tuần, thảo nào hăng thế. Thế nào vớ gái trẻ có sướng không?

Ông lão hiền là thế nhưng cũng bật lò xo:

-Anh nói ai thế? Đừng có trêu chọc tôi.

Một người thấy vậy nói giọng dịu hơn:

-Chúng tôi chờ có dịp này mới gặp ông. Thế cái bụng lùm hùm của con vợ thằng Thủy kia là của ai? Nó nói thẳng là của ông đấy. Nó bảo chồng nó bất lực, có ông nó mới có đứa con đấy. Liệu mà biến đi không thì chồng nó về thì bỏ mạng như chơi.

-Bậy quá, vu oan giá họa. Không phải của tôi thì tôi sợ gì.

-Thì chị ta ngày nào chẳng kể chuyện ông ở làng cà phê đấy. Chắc có nó mới dám nói chứ. Bọn tôi thương ông chăm chỉ biết cách đối nhân xử thế mới báo động cho ông. Liệu mà đối phó không nó đẻ ra thì hết chối.

Cũng tối đó, mấy nhà hàng xóm thân thiết sang chơi. Họ cũng nói như thế nhưng có phần cảm thông:

-Chúng tôi biết ông ăn ở phúc đức nhưng có thể quá hiền mà bị mắc lừa. Loại đàn bà ấy sẵn sàng tốc váy lên cho đàn ông ấy chứ. Nếu ông mắc mẹo thì tìm kế biến đi. Thằng chồng nó rượu vào vũ phu lắm.

Ông Thực nghe như sét đánh ngang tai. Trời như đổ sập. Cả đời bố mẹ ông rồi đến đời ông chỉ có làm thuê không bao giờ cãi chửi nhau, trêu chọc ai, chỉ có giúp người, sống lấy cái đức là trên hết. Ấy thế mà lại có người làm hại ông. Tội này mà có là tày đình, bị đâm bị chém còn là nhẹ. Nhưng làm sao bây giờ. Trốn thì càng bị kết tội, mà trốn đi đâu cũng khó thoát. Cái tiếng này nó sẽ theo đuổi tận cùng trời cuối đất ấy chứ. Ai có thể minh oan cho ông?

Nghĩ ngợi nhiều quá, cả đêm không ngủ, ngày quên cả ăn, ông Thực thẫn thờ vật vã, người xọp đi trông thấy. Chiều đó gần tối không thấy ông lão đưa bò về, hàng xóm bảo nhau đi tìm thì thấy ông nằm vật trên bãi cỏ, phều phào, người gầy tong teo. Đàn bò vẫn tha thẩn quanh ông. Bà con đưa ông và bò về rồi cử người ra xóm ngoài báo ông chủ và lo đánh cảm, nấu cháo. Ông nằm như con gián trên chõng, thở dài, lắc đầu không chịu ăn. Cái bếp nguội lạnh, không biết ông đã nhịn ăn bao lâu rồi. Mọi người thấy cần về quê ông báo tin không nhỡ có gì xảy ra… Sáng hôm sau, ông Kép Le đánh xe đến đưa ông đi lên bệnh viện tỉnh khám Đốc tờ.

Đến nửa chiều xe đưa ông lão về. Hàng xóm chạy sang. Vừa hay cả mấy bác ở Bình Sơn cũng ra. Thấy ông lão tỉnh hơn, mọi người mừng lắm. Ông thông ngôn cầm cái cặp có mấy tờ giấy báo tin:

-Ông lão không có bệnh gì. Tim, phổi, gan, mật chiếu chụp không sao. Đốc tờ kết luận là tâm bệnh, tức là vì lo nghĩ quá mà suy kiệt thôi.

Một lão nông ở Bình Sơn ra, xin phép ông chủ nói xen vào:

-Tôi thấy ông Đốc tờ kết luận là quá đúng. Ông ấy ở với bọn tôi hơn nửa thế kỷ chẳng có ốm đau bệnh tật gì.

-Nhưng…, nhưng cũng không hẳn thế…

Ông thông ngôn ngập ngừng cắt lời:

-Là..., là… Đốc tờ còn ghi thêm đây. Ông Thực bị chứng… vô sinh, có nghĩa là không thể có con…

Lão nông cười vang, xoa tay nói:

-Lại quá đúng. Có cái giái gì đâu mà sinh sản. Từ năm mười mấy tuổi trèo cây khế già lấy tầm gửi làm thuốc chữa bệnh cho bố, ngã vào bức tường đổ đã bị bẹp cả hai quả cà tưởng chết, may tìm được lá thuốc tốt đắp. Chim bằng quả ớt còn làm ăn gì.

Mọi người nghe mà chảy nước mắt. Thương cho ông lão thiệt thòi, nhưng cũng mừng cho ông lão đã được giải oan.

Nghe mọi người nói chuyện, ông lão gượng ngồi dậy, ông hướng mắt về ông thông ngôn ngập ngừng:

-Tôi cảm ơn ông chủ, ông thông ngôn và bà con lối xóm, bà con trong quê. Chắc tôi lại được sống tiếp rồi…

Sáng hôm sau ông chủ cho mấy tá điền đến nhà vợ tá điền Thủy định bắt nhà chị vợ sang xin lỗi ông lão thì chị ta đã ôm quần áo bỏ nhà trốn đi đâu từ đêm qua.

Chuyện ông lão chăn bò ở xóm nhà bò đã qua lâu, bỗng nhiên hôm nay lại được ông Bình kể lại. Mà chuyện này ông Bình cũng được bố mình là cụ Tám, hàng xóm của ông lão chăn bò kể lại. Chứ hồi ấy, ông Bình còn nhỏ có biết gì đâu.

Nguyễn Đình Tân

1 đã tặng

1

0

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 2 giờ trước