Nữ văn sĩ tài hoa
Mặc cho mùa đông buốt giá cùng những cơn gió lạnh không ngừng thổi, ngôi nhà của gia đình chị vẫn ngập tràn hoa nở. Nào hoa giấy ngũ sắc, hoa mộc hương, hoa dạ thảo… rực rỡ ngoài sân đón chào đón xuân Quý Mão 2023. Trong phòng khách, hoa hồng nhung, hồng kem nhẹ nhàng tỏa hương, tạo cho tôi cảm giác ấm áp, thư thái khi trò chuyện với nữ Phó Giáo sư, Tiến sĩ, văn sĩ tài hoa Trần Thị Việt Trung.
Nhà thơ Trần Thị Việt Trung
Từ tuổi thơ hiếu học, chăm làm…
Tôi may mắn nhiều lần cùng chị đi hội họp ở Hội Nhà văn hay “chu du” trên từng cây số thực tế sáng tác ở các vùng miền từ Bắc vào Nam. Những lần ấy, hai chị em thường ở chung phòng trong khách sạn. Thế nên, như là duyên phận, chị và tôi gần gũi và thân thiết từ bao giờ không nhớ nữa. Chị quý mến tôi như người em trong gia đình. Chị thường nói: “Chị quý cô, coi cô như dì út nhà chị…”.
Mỗi lần chị trò chuyện, tôi lắng nghe, cảm nhận, thấu hiểu nội lực vượt khó vươn lên qua giọng nói ấm áp, chân tình, truyền cảm cùng nụ cười tỏa nắng của chị. Từng câu chuyện chị kể giản dị mà sống động đưa tôi về làng Đông, vùng đất đai màu mỡ, trù phú, cánh đồng rau bốn mùa xanh tốt, ven dòng sông Cầu hiền hòa. Nơi ấy, vào mùa thu năm 1956 chị cất tiếng chào đời. Chị là con thứ ba trong gia đình “Trần gia” có tám chị em. Bố chị công tác trong ngành y. Ông thường vắng nhà vì bận việc cơ quan. Mẹ chị quanh năm lam lũ, tảo tần trên cánh đồng rau, đồng thời thu vén lo toan việc nhà cửa, chăm sóc con cái... Bởi vậy, trong những năm tháng thiếu thời, ngoài giờ cắp sách đến trường, chị gắn mình với những luống rau xanh tốt, giúp mẹ vun luống, trồng và tưới rau…
Chị tâm sự: “Em biết không, ngày xưa, khi học trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến, chị đi học bằng xe đạp cà tàng, phía sau là hai cái sọt”. Tôi ngạc nhiên: “Sao lại mang sọt đi học?”. Chị cười: “Sáng sớm, chị bán buôn rau xong, vội vàng đến trường học luôn! - Ngưng giây lát, chị dí dỏm: “Cả trường chả ai có chiếc xe “độc đáo” như vậy”.
Không thể tưởng tượng nổi một “mệnh phụ phu nhân” quý phái, một nữ Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà văn đằm thắm ngồi bên tôi, lại có ngày xưa như thế.
Tôi khẽ hỏi: “Bận giúp gia đình như vậy thì chị học bài giờ nào?”. Chị chân thành: “Thường là trong lớp chú ý nghe thầy cô giảng, khi ra về vừa đạp xe, vừa nhẩm lại bài học, cố gắng thuộc bài ngay và luôn. Riêng bài tập các môn tự nhiên thì ăn cơm tối xong, ngồi học đến nửa đêm em ạ. Để rồi sáng hôm sau dậy từ sớm tinh mơ ra ruộng chặt rau, xếp rau vào sọt mang đi chợ, cõng theo cặp sách, đi học với khao khát bỏng cháy trở thành giáo viên đứng trên bục giảng”.
Tuy không nói ra, nhưng tôi khâm phục, ngưỡng mộ nghị lực, sự hiếu học, cần cù chăm chỉ của chị. Và tôi biết, chị là số ít những học sinh thời ấy, vượt khó vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập.
… Đến thắp sáng ngọn lửa đam mê
Có lẽ, chính tình yêu mãnh liệt với văn học thôi thúc chị thi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Sau 4 năm miệt mài trên giảng đường, năm 1977 chị tốt nghiệp đại học. Và 2 năm sau, vào năm 1979 chị tốt nghiệp cao học, chuyên ngành Văn học Việt Nam tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trở thành giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Và đến năm 1994, mặc dù hai con còn bé, chị vẫn quyết tâm phấn đấu học tập, bảo vệ xuất sắc Luận án tiến sĩ. Để rồi năm 2005 chị là một trong số ít giáo viên nữ trở thành Phó Giáo sư.
Từ khi đứng trên giảng đường, truyền thụ tri thức cho lớp lớp các thế hệ sinh viên, chị có niềm đam mê “thả” tâm hồn tràn đầy năng lượng xúc cảm, chuyên tâm vào sáng tác thơ và viết phê bình văn học. Thật sự “làng văn nghệ Thái Nguyên” khi đó xuất hiện một nữ giảng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Việt Trung (Trần Thị Vân Trung) có giọng thơ mới lạ, nữ tính, hồn hậu mà đằm đượm, sâu sắc. Phải chăng chính tình yêu nghề giáo, quý mến các em sinh viên, song hành cùng tình yêu gia đình, là mạch nguồn “chắp cánh” cho thơ chị thăng hoa?
Trong sáng tác là cả quá trình hiểu biết, khám phá sâu sắc, tinh tế về xã hội, thiên nhiên và con người, để từ đó tâm hồn chị rung động, cảm xúc trào dâng, xây dựng hình tượng nghệ thuật mang giọng điệu riêng. Thơ chị trẻ trung, ngọt ngào, đằm thắm, nhân văn, trĩu nặng thương yêu: “Em đi tìm hoa bất tử/ Chẳng tin - trẻ mãi không già/ Nhưng lòng em hằng khao khát/Tình yêu bất tử như hoa” (Hoa bất tử).
Bằng sự chiêm nghiệm, từng trải, chị thả lòng trong những vần thơ nồng nàn mà day dứt:
“Kìa - con đường danh vọng/ Máu chảy hồng gót chân/ Kìa - con đường tình ái/ Thăm thẳm, xa, trập trùng…/ Hết nửa đời tìm kiếm/ Mang về… một chữ không!” (Hư không).
Qua 4 tập thơ đã xuất bản “Xin đừng té nước vào em - 1989; Sao đôi xa xăm - 1991 (in chung); Khoảng cách cuối cùng - 1999; Hoa bất tử - 2011”, ta có thể thấy nữ văn sĩ Trần Thị Việt Trung đã thấu thị niềm vui - nỗi buồn, thiện - ác song hành với những vần thơ trăn trở, thăm thẳm sâu sắc về cuộc sống với biết bao ái, ố, hỉ, nộ. Từng “mắt chữ”, từng câu thơ chiêm nghiệm, đau đáu nỗi đời, phận người, thấu cảm đời sống xã hội đương đại, để rồi thăng hoa, cất tiếng thơ chan chứa yêu thương vô tận, sự hiện sinh với muôn vàn vẻ đẹp trong cuộc sống giữa bộn bề đời người trong sự chuyển động mãnh liệt của thời cuộc và con người thông qua những vần thơ giàu hình tượng: “…Bỗng một chiều thu trời trở gió/ Xao xác heo may, lá rụng tơi bời/ Chợt thấy bóng ai như dáng mẹ/ Tất tả chiều thu sương đẫm vai…” (Mẹ ơi).
Và ở bài thơ “Hư không”, nữ sĩ đã kết hợp nhuần nhuyễn tư duy hình tượng và tư duy logic để truyền tải tới bạn đọc sự “riêng” chứa đựng cái “chung” trong đời sống xã hội qua những câu thơ sáng tạo: “Cười vỡ “ba gian gác”/ Cay đắng “đầy đáy chung”/ Đỉnh vinh quang - còn đó/ Đáy cô đơn - khôn cùng”.
Thơ của chị giàu hình ảnh, dung dị, khát khao, tinh tế và trĩu nặng ưu tư: “Đôi mắt người đàn bà xanh mơ như vạt núi sang Thu/ Đôi mắt thẳm sâu như hang đá chiều Đông lạnh/ Đôi mắt hồng hoang như khu vườn sau cơn bão rớt/ Đôi mắt người đàn bà như có lửa ở bên trong” (Sẽ có một ngày).
Trong khi đọc, nghiên cứu và suy ngẫm về những bài thơ của chị, tôi như thấy được những yêu đương, khát vọng, lo toan, sung sướng, mất mát, đắng cay, hy vọng… và được “đằm mình” trong những vần thơ hào sảng về sự hy sinh cao cả của lớp lớp các chiến sĩ “Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh” trên đường vượt Trường Sơn vào mặt trận phía Nam đánh Mỹ: “Văng vẳng đâu đây - rầm rập những bước chân/ Hướng thẳng vào Nam ngày đêm không nghỉ…”.
Và khi đất nước trọn niềm vui độc lập, thống nhất, non sông nối liền một dải, Tổ quốc nở ngàn hoa, thì: “Đường Trường Sơn hôm nay - sao rộng dài đến thế?/ Mỗi mét đường bao máu đổ xương phơi/ Có con đường nào như ở đất nước tôi/ Xanh biếc cỏ cây, trắng mồ liệt sĩ/ Ngàn năm sau - rừng Trường Sơn vẫn kể/ Câu chuyện con đường huyền thoại của chúng tôi” (Con đường huyền thoại).
Để nói về thơ của chị, cảm nhận của riêng tôi chỉ một vài nét chấm phá, tựa như những lát cắt nhẹ, viết chưa đủ sâu sắc. Với một nữ văn sĩ đa tài như chị thì còn nhiều chủ đề cần nói. Vậy nên, tôi khép lại luận bàn về thơ chị, khi những câu thơ trí tuệ, giàu hình ảnh sáng tạo, trẻ trung vẫn mãi ngân rung, lắng đọng…
Là giảng viên trường đại học, đã từng giữ trọng trách Trưởng ban Quản lý khoa học và Quan hệ quốc tế - Đại học Thái Nguyên, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, nữ văn sĩ Trần Thị Việt Trung là một trong những nhà nghiên cứu, lý luận phê bình “tiên phong” tâm huyết về văn học dân tộc thiểu số. Qua trí tuệ, ngòi bút của chị, những công trình nghiên cứu khoa học sâu sắc, hệ thống về văn học dân tộc thiểu số như: Bản sắc văn hóa dân tộc, đặc điểm, tính hiện đại, truyền thống, thành tựu của tác giả, tác phẩm về thơ, trường ca, văn xuôi… được hiển hiện sinh động, đa dạng, phong phú.
Vốn học vấn cao cùng năng lực giảng dạy thực tế giúp chị có phong cách nghiên cứu khoa học, lý luận phê bình vừa hàn lâm, chuẩn mực, vừa dung dị, mềm mại… để cho ra đời những “trái ngọt” - tác phẩm công trình nghiên cứu kỹ càng, chi tiết, mực thước nhưng tinh tế, sâu sắc. Qua đó giới thiệu tinh hoa văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam đến độc giả.
Trải qua chặng đường nghiên cứu khoa học, lý luận phê bình, chị xuất bản 9 đầu sách nghiên cứu (là tác giả, chủ biên, đồng chủ biên), trong đó có 6 công trình nghiên cứu về văn học dân tộc thiểu số, tiêu biểu như: Bản sắc dân tộc trong thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại - Khu vực phía Bắc; Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại; Nghiên cứu, lý luận phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại - Diện mạo, đặc điểm… đồng thời chị công bố gần 60 bài báo khoa học về đề tài dân tộc thiểu số trên các tạp chí trung ương, tạp chí chuyên ngành lý luận phê bình và hội thảo các cấp. Hướng dẫn thành công trên 40 luận văn thạc sĩ, tiến sĩ về đề tài văn học dân tộc thiểu số…
Trong cái rét ngọt, khi chia tay tôi, chị “bật mí”: “Chị chuẩn bị đi dự, phát biểu tham luận hai Hội thảo khoa học của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam”, chị nở nụ cười hồn hậu, tươi tắn. Tiếng cười, ấm nồng ấy của chị cứ lan trong tâm trí tôi.
Như Lan
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...