Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
15:56 (GMT +7)

Người “gieo mầm viết” trong tôi từ “vườn ươm” của Hội

Đó là nhà thơ Hà Đức Toàn, Chủ tịch Hội Văn nghệ đầu tiên của tỉnh Bắc Thái vừa từ trần ngày mùng 4 Tết âm lịch 13/2/2024, hưởng thọ 86 tuổi. Nghe tin ông rời cõi tạm, những kỷ niệm về ông dưới “vườn ươm” Hội Văn nghệ Bắc Thái những năm 1996 - 1999, cứ thế ùa về trong tôi…

 

“Mầm” sáng tác ngoài đời vào “vườn ươm” của Hội

Mùa hè năm 1996, được sự giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Khánh Hạ, Chánh Văn phòng Hội Văn nghệ Bắc Thái (hồi ấy hay gọi tắt Hội Văn học nghệ thuật là Hội Văn nghệ), tôi được tham dự Trại sáng tác thanh thiếu nhi do Hội tổ chức. Nhà thơ Hà Đức Toàn – Chủ tịch Hội đích thân cùng các nhà văn, nhà thơ khác giảng dạy, trao truyền ngọn lửa văn chương cho bọn trẻ chúng tôi. Trại sáng tác hồi đó kéo dài 25 ngày, tôi năm đó 16 tuổi, đạp xe từ nhà ở thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) đến trụ sở Hội tập trung đúng giờ vào 8h30 sáng ngày 22/7/1996.

Người “gieo mầm viết” trong tôi từ “vườn ươm” của Hội
Tác giả (đội mũ trắng) cùng anh Đàm Xuân Hoàng, cán bộ hợp đồng của Hội trong chuyến thực tế tại Hồ Ba Bể, mùa hè năm 1996.

Hội Văn nghệ ngày đó mỗi năm đều tổ chức trại sáng tác thanh thiếu nhi dành cho các học sinh có năng khiếu, đam mê văn chương ở các trường phổ thông trong tỉnh được các nhà văn, nhà thơ trong Hội phát hiện giới thiệu. Đứng lớp giảng bài ngày đó có nhà thơ Hà Đức Toàn cùng các nhà văn khác như: Nguyễn Minh Sơn, Hồ Thủy Giang và họa sĩ Tuấn Vinh… Gần kết thúc trại sáng tác có thêm nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội tham gia cùng. Đặc biệt, Trại sáng tác có một thành viên đặc biệt, đó là anh Đàm Xuân Hoàng, nhân viên hợp đồng chuyên mảng phát hành của Hội Văn nghệ nhưng rất ham viết, nên được các bác cho tham dự Trại với tư cách vừa là học viên, vừa là phục vụ. Mỗi ngày anh mặc áo phông, quần bò ngồi trên chiếc xe Minsk màu xanh bộ đội, yên bọc màu vàng nâu da bò, mang biển xanh của Hội Văn nghệ, phía sau xe treo lủng lẳng chiếc túi bạt màu xanh đựng thư, báo chạy khắp các cơ quan trong thành phố. Anh mê viết nên hễ về Hội là ngồi “hầu trà” các đấng bậc trong nghề, hoặc vào lớp viết văn trẻ nghe các nhà văn, nhà thơ giảng bài.

Những ngày học sáng tác dưới “vườn ươm” Hội Văn nghệ, lớp tôi ngồi tập trung trong căn phòng rộng hơn 2 chục mét vuông trong dãy nhà 3 tầng xây chắc chắn theo lối kiến trúc nhà tầng kiểu Pháp, quét ve màu vàng đất, nghe các thầy giảng lý thuyết về các thể loại văn học, báo chí với các loại hình sáng tác. “Đời” hơn trong sáng tác, chúng tôi được nghe phân tích, truyền dạy sáng tác qua chính các tác phẩm của hội viên Hội Văn nghệ và các nhà văn, nhà thơ khác có bài đăng trên Báo Văn nghệ Bắc Thái. Về thơ có: Nguyễn Thuý Quỳnh, Chu Thị Thơm, Nguyễn Đức Hạnh, Thế Chính, Hữu Tiệp, Hiền Mặc Chất…; văn có Hồ Thủy Giang, Lê Thế Thành, Nguyễn Minh Sơn,…; về ký có tác phẩm của Lương Anh, Minh Hằng… “Đời” hơn nữa, Hội tổ chức cho chúng tôi đi thực tế sáng tác ở hồ Ba Bể, tỉnh Cao Bằng (ngày đó chưa tách tỉnh, huyện Ba Bể thuộc tỉnh Cao Bằng).

Tôi nhớ mãi hình ảnh nhà thơ Hà Đức Toàn dáng người thấp đậm, khuôn mặt vuông chữ điền và ánh mắt rất ấm, rất tình. Từ lời nói, tác phong của ông đều toát lên lòng chân thành, nhiệt tình hướng dẫn, định hướng thế hệ tiếp nối đưa hơi thở cuộc sống vào trang viết. Công việc bận rộn của người đứng đầu Hội, nên ông đứng lớp tôi một, hai buổi, còn ông giao cả lại việc phụ trách giảng dạy lớp cho các cộng sự. Nhưng một, hai buổi ấy với đời tôi là cả sự nhận xét chính xác về năng khiếu viết, sự động viên vững tin con đường cầm bút và định hướng lối viết sau này. Đó là khi tôi nộp sản phẩm là một chùm thơ với các bài như: Hoa chuối rừng Việt Bắc, Một ngày trên Ba Bể, Bản Vài... Với ngây ngô buổi đầu tập viết, tôi háo hức chờ nhận xét về những “đứa con tinh thần” mà mình “mang nặng đẻ đau” thời gian qua với suy nghĩ rằng, chắc các nhà văn, nhà thơ cũng khen như thầy cô giáo và bạn học cùng lớp của tôi ở trường phổ thông. Nhưng rất chân tình, nhà văn Nguyễn Minh Sơn bảo: “Đọc những bài của Phương, chú thấy bóng dáng của thơ Tố Hữu. Với suy nghĩ của học sinh, giọng thơ như vậy cứng, nhiều chỗ lên gân. Phương có vẻ hợp với con đường viết chính luận, hùng biện”. Thấy sự háo hức của tôi chùng xuống, Nhà thơ Hà Đức Toàn động viên: “Văn chương, ngoài khuôn mẫu logic, cần hình tượng, cần mềm, cần “bay”. Cháu cứ giữ đam mê, cứ sống đi rồi viết”.

Từ nhận xét, định hướng của hai giảng viên từ buổi hôm ấy, khi tốt nghiệp cấp III năm 1999, tôi làm hồ sơ và thi đỗ 2 trường đại học đào tạo nghề viết, trong đó 1 trường xu hướng sáng tác là Khoa Biên kịch của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội; 1 trường đào tạo viết lĩnh vực chính trị, tư tưởng là Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Tuy nhiên, gia đình tôi vốn chẳng có ai làm nghề viết văn, lại lo xu hướng việc làm khi ra trường nên tôi đã lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp với sở trường thiên về văn phong chính trị, học Triết học.

 

Chất “đời” trong sáng tác của nhà thơ từ sống và viết

Ngày nhà thơ kết thúc hành trình sống đời với 86 năm cõi tạm, tôi vào trang Vanvn.vn - Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam thấy trang viết đăng bài chia buồn về sự ra đi của thành viên Hội “Vĩnh biệt nhà thơ Hà Đức Toàn ở Thái Nguyên”, trong đó trích lại phát biểu suy nghĩ của ông về nghề viết: “Tôi sáng tác để nói lên lòng mình và nói giùm lòng bạn trong không khí đổi mới của đất nước, trước hết là những mảnh đất của con người miền núi. Tôi say mê ghi lại những sự kiện diễn ra trên quê hương cách mạng với những bước thăng trầm. Tôi có nói đến cái chưa được, nỗi đau và tinh thần xây dựng”, cho thấy cả đời viết của ông đúng như ấn tượng của tôi ngày nào.

Người “gieo mầm viết” trong tôi từ “vườn ươm” của Hội

Chất “đời”, dí dỏm trong câu chữ, dũng cảm đi vào những vấn đề “chưa được” với tinh thần “xây dựng” và để chuyển tải được tinh thần đó trong văn chương, đúng như ông dạy tôi ngày nào “sống rồi hãy viết”. Với tư cách là người đứng đầu Hội Văn nghệ, năm 1998, nhà thơ Hà Đức Toàn phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, dũng cảm đi vào một vấn đề rất nóng ngày đó là nạn phá rừng, buôn lậu gỗ. Trong cuộc vận động sáng tác đó, tôi đọc được Bút ký “Làng tôi” của tác giả Lương Anh, tôi rất thích và bất ngờ thú vị khi biết đây là tác phẩm của ông ký bút danh. Tác phẩm cho thấy quy luật tự nhiên, con người sinh sôi ngày một nhiều, kéo theo những “cái chưa được” là tác động tới môi trường khiến những cánh rừng bạt ngàn quê ông chỉ còn lưu lại trong ký ức. Ngày xưa rừng rậm, cây to, nên khi người làng ông xây dựng ngôi đình to nhất vùng phải huy động toàn bộ già trẻ, trai, gái hò nhau đứng nối thành hàng dùng thừng kéo những thân cây gỗ lim to cả người ôm để dựng cột đình. Để đoàn kết, tập hợp dồn lực khi kéo gỗ, các cụ xưa đã bắt chước tiếng khỉ rừng làm hiệu hô “Ô dất… Ô dất”, nên mới có câu ca rằng: “Ô rất, ô rất, các cụ kéo gỗ làm đình/ Con gái vô tình thì hở (…) ra”.

Nhà thơ viết trong bài ký: “Chỗ ba chấm ấy các cụ làng tôi để lửng, bậy lắm!” đầy thâm thúy, dí dỏm khiến người đọc cứ mường tượng con gái ngày xưa mặc váy đụp, khi cùng trai làng kéo gỗ làm đình, nếu không tế nhị, hớ hênh, nếu bị mất đà ngã ra thì đúng là hở cái “ba chấm” thật. Dí dỏm là vậy, “đời” trong văn ông là vậy. Vì thế, khi đọc tác phẩm của ông thấy sự dũng cảm khi phê phán hiện tượng chặt, phá rừng bừa bãi. Nhưng ông không lên gân, nặng nề, không sổ toẹt thành quả của những “cái được” mà phản ánh, phê phán cái “chưa được” với lối viết vừa khúc triết, mạch lạc tư duy của nhà khoa học, vừa là chuỗi hồi tưởng về những sự kiện, gắn với những con người cụ thể rất dí dỏm, rất tình “đời”, cuốn hút, hấp dẫn của con nhà sử học, của các nhà văn. Tác phẩm bút ký, mảng viết “lấy xây để chống” đó của ông khiến tôi nhớ mãi và cố học ông từ chính trang viết nhưng trộm nghĩ làng văn xứ Chè đến giờ, mấy người học được, chứ nói gì vượt được qua ông về sự thâm thúy trí tuệ, sự dí dỏm, “đời” với loại hình bút ký của ông trong tinh thần “xây dựng”?

Văn chương, quý nhất ấy là mang thông điệp cuộc sống, chính vì thế trong tác phẩm của mình, văn ông thấm đẫm hơi thở, kể cả những cái “đời” nhất của cuộc sống. Nhà thơ Hà Đức Toàn cũng chẳng giấu gì, chia sẻ hết, cho hết, giúp hết thế hệ viết đi sau những “bí quyết”. Chính bởi vậy, ngay cả với người mới chập chững nghề viết đầu đời như tôi ngày đó, ông cũng khuyên “sống đã rồi viết”. Thực tế đời ông như tôi biết, có thể ông sáng tác sớm, nhưng ông đã sống với cuộc đời kinh qua sự nghiệp làm thầy, làm chính trị (1), mãi tới năm 1987, khi 48 tuổi, ông mới chuyển hẳn sang con đường đưa cuộc sống thực vào trang văn với nghề viết văn chuyên nghiệp. Nhưng quãng thời gian hơn chục năm vừa với vai trò là người dẫn dắt, định hướng phát triển làng văn nghệ Bắc Thái, vừa sáng tác, nhà thơ Hà Đức Toàn đã lao động, sáng tạo miệt mài và để lại một gia tài văn chương đồ sộ với nhiều thể loại, đề tài như: 14 đầu sách; 5 tập thơ; 3 tập ký; 6 tập truyện ngắn, tiểu thuyết. Ông là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam với nhiều giải thưởng văn chương của trung ương, địa phương.

Từ những khúc khuỷu cuộc đời thời niên thiếu, đó đã nảy ra trong tâm hồn tôi những bài thơ, câu văn đầy bản năng sáng tác nhưng không được bồi dưỡng, rèn giũa, định hướng cho đến ngày được ngồi trong lớp sáng tác trẻ của Hội Văn nghệ Bắc Thái do nhà thơ Hà Đức Toàn đứng đầu định hướng dẫn dắt. Tôi giữ lửa đam mê sáng tác và đã đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi viết của trung ương và địa phương. Chất “đời” từ ông thấm vào tôi trong văn chương như lời bác Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đinh Xuân Hòa trong lần dự lễ trao giải sáng tác văn học năm 1994, bác bảo: Đọc truyện ngắn, cứ ngỡ tác giả Đoàn Đức Phương là một bác cán bộ nghỉ hưu nào, hóa ra lại là một học sinh cấp III (2).

Ngày gia đình, người thân và các bạn văn xa gần tiễn đưa ông về Cát Nê đất mẹ yên nghỉ, rưng rưng tôi khóc nhà thơ bằng… văn:

Cát Nê!

Một ngày Xuân mới,

Một ngày Xuân, ấm nắng Xuân ngời…

Một ngày Bờ Vai suối lững lờ, nưng nức người ơi

Mây chùng Tam Đảo

Gió mơn mơn nương Chè

Mùng 4, tháng Giêng, Giáp Thìn

Nhà thơ Hà Đức Toàn

Xa rời cõi tạm…

 

--------

Chú thích:

(1)     Ông là Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ

(2) Lúc đó, tôi đang là học sinh lớp chọn văn 11A2 Lương Ngọc Quyến do cô giáo Nguyễn Thu Dông là chủ nhiệm.

 

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy