Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
23:26 (GMT +7)

Nguyễn Khắc Trường người bạn tốt của tôi

Thời gian đầu cầm bút, dù chưa gặp mặt nhưng tôi đã biết đến Trường với bút danh Thao Trường, một cây bút viết kí, truyện ngắn của quân đội. Thời ấy, không nhiều người cầm bút như bây giờ nên người nào có vài tác phẩm trên báo, nhất là ở tờ văn nghệ thì trong giới đã biết đến ngay.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (1946 - 2024)
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (1946 - 2024)

Vào khoảng giữa thập niên 80 của thế kỉ trước, về làm việc tại Ban Vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bắc Thái, tôi bắt đầu quen thân với Nguyễn Khắc Trường. Những năm ấy, mỗi lần Trường về Thái Nguyên, lại ghé thăm tôi. Khi Hội VHNT Bắc Thái chính thức thành lập thì anh trở thành người bạn thân thiết của nhiều văn nghệ sĩ Thái Nguyên. Đến tận hôm nay tôi vẫn chưa thể quên hình ảnh của anh với dáng người cao to, rắn chắc như một khúc gỗ lim, mỗi lần bước vào căn phòng nhỏ của tôi ở Hội, quăng phịch cái ba lô xuống giường, chưa uống hết cốc nước lọc đã tuôn ra một tràng cười rất thoải mái. Ngày ấy, qua trò chuyện, tôi biết anh đang ấp ủ một cuốn sách mà có lẽ rất quan trọng trong đời viết của anh.

Một lần, về Thái Nguyên anh rủ tôi cùng đi thực tế ở huyện Phú Bình. Lúc ấy, cơ quan đang nhiều việc, với lại, tôi cũng lượng cái sức vóc trói gà không chặt của mình không thể theo nổi cái "lão" to khỏe như hộ pháp, dày dạn chiến trường ấy. Tôi giới thiệu nhà báo Nam Đa, bạn tôi, cũng là một chiến sĩ đặc công thời kháng chiến chống Mỹ cùng đi với anh. Vậy mà khi trở về, Nam Đa cũng lắc đầu, lè lưỡi tỏ ra "khiếp đảm" về sự lăn lộn của Nguyễn Khắc Trường. Sau này gặp lại, Trường nói với tôi, chuyến thực tế huyện Phú Bình ấy là một trong nhiều vùng đất đã gợi ý, cũng là những tư liệu quí để anh hoàn thành tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma". Ban đầu, cái tên tiểu thuyết của anh là "Mảnh đất ít người nhiều ma". Nhưng để dung hòa, anh đồng ý để nhà xuất bản lấy cái tên như vậy.

Vào những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 (thế kỉ trước), do chị Khang vợ Trường còn công tác ở Nông trường chè Sông Cầu nên Nguyễn Khắc Trường thường xuyên về Thái Nguyên, và thường ghé vào Hội VHNT Bắc Thái. Sà sã ngần ấy năm, anh vẫn chỉ làm bạn với con xe 81 cũ kĩ màu xanh rêu cùng chiếc ba lô thời chiến. Vào chơi với tôi nhưng lần nào mời ở lại ăn cơm, anh cũng từ chối, cười ha hả, bảo: "Vợ tớ ở Nông trường Sông Cầu, một cuốc xe mười lăm phút là đến. Quanh năm chí tháng ăn cơm cơ quan, được một bữa cơm với vợ là quí lắm, vậy mà ông định "cướp" niềm sung sướng của hai vợ chồng tớ à?". Tếu táo thế nhưng tôi biết là thực trong đáy lòng Trường thương tôi ngày ấy kinh tế gia đình quá khó khăn, cả nhà chỉ trông vào suất lương còm của tôi. Bây giờ nói ra thật khó tin, nhưng ngày ấy, không ăn cơm ở nhà ai cũng chính là sự quan tâm, thông cảm chứ không phải là khách khí.

Chỉ có một lần duy nhất, Nguyễn Khắc Trường đồng ý cùng ra quán ăn trưa với tôi. Đó là cái lần một truyện ngắn của tôi được giải của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Do sức khỏe yếu, tôi không đi dự lễ trao giải được nên Trường mang giấy chứng nhận và tiền giải thưởng về giúp. Tôi và anh đi bộ qua mấy dãy phố để vào một hiệu ăn. Nói là hiệu ăn cho oai chứ đó chỉ là một cái quán xập xệ ở cái phố nhỏ ở đường Đội Cấn bây giờ. Một đĩa thịt gà, mấy chai bia Tầu. Định gọi thêm nhưng Nguyễn Khắc Trường nhất định gạt đi. Anh cười rung cả cái bàn ăn bằng gỗ dán, nói: "Tớ chỉ uống thôi, thức ăn vậy là quá thừa rồi. Ông ạ, ăn là bất đắc dĩ, uống mới là cái lí thú ở đời". Tôi biết, vì không muốn gây tổn phí cho bạn văn nghèo như tôi, bên Trường tìm cách tếu táo vui vui như vậy. Bây giờ nhớ lại chuyện nho nhỏ này, bỗng thấy buồn khôn tả. Đó là bữa ăn chung đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi và Nguyễn Khắc Trường.

 Nhà văn Hoàng Minh Tường (phải) đến thăm nhà văn Nguyễn Khắc Trường khi ông đang dưỡng bệnh (11/2023)
Nhà văn Hoàng Minh Tường (phải) đến thăm nhà văn Nguyễn Khắc Trường khi ông đang dưỡng bệnh (11/2023)

Những cuộc gặp gỡ của Trường và tôi thường chớp nhoáng, vì anh phải tranh thủ về Nông trường Sông Cầu với vợ. Nhưng qua những cuộc trò chuyện văn chương, dù ngắn ngủi, tôi cũng hiểu về anh ít nhiều. Với văn chương, anh thường ít nói về những điều vụn vặt, không phê phán nhưng chỉ khi đích đáng mới có lời khen ngợi. Có lần Trường nói với tôi: "Về khoa học kĩ thuật thì không nói, nhưng về văn chương trên thế giới thì các nhà văn của thế kỉ XIX đã làm xong hết rồi ông ạ". Ban đầu, tôi cũng không để ý lắm đến lời nhận định có vẻ hơi "vội vàng" của anh. Nhưng sau đấy ít năm, một số nhà văn ở ta bắt đầu cách tân, muốn ứng dụng văn chương hiện đại, hậu hiện đại cùng những siêu thực, hiện thực huyền ảo, phân mảnh, cực hạn gì đó… vào tác phẩm của mình, người được thì ít, người hỏng thì nhiều, nhất là có những tác giả cách tân một cách "văng mạng", tôi mới nhận ra câu nói của Nguyễn Khắc Trường tuy có phần hơi thái quá nhưng quả là có lí. Tôi nghĩ, Nguyễn Khắc Trường là người tuyệt đối chung thủy với văn chương truyền thống, tất nhiên là có sự cách tân nhiều mặt, nên anh cổ xúy, tôn thờ văn chương lãng mạn và  hiện thực của thế kỉ XIX cũng là điều dễ hiểu.

Quen thân nhau đã lâu nhưng tôi không bao giờ nhắc đến nguyện vọng vào Hội Nhà văn của mình. Một lần Nguyễn Khắc Trường hỏi tôi: Sao ông không viết đơn vào Hội Nhà văn nhỉ? Những người cùng trang lứa vào hội hết cả rồi đấy. Ông có nhiều sách, nhiều giải, xin vào hội đi thôi". Tôi khoe "Viết đơn rồi, Tô Hoài giới thiệu hẳn hoi đấy". Cũng chỉ thế, không thêm lời nhờ vả nào. Có điều lạ là hồi ấy tôi không quan tâm Trường đang ở ban nọ, ban kia, nghĩa là một người cũng quan trọng trong việc kết nạp Hội Nhà văn. Đùng một cái, một ngày gần cuối năm 1993, Trường gặp tôi bảo: "Ông được Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn bỏ phiếu tối đa đấy. Việc vào Hội thế là ổn rồi". Vậy mà năm ấy, Ban Chấp hành hội bỏ phiếu, tôi bị thiếu một phiếu. Nguyễn Khắc Trường an ủi: "Đời nó thế đấy ông ạ. Đừng nản!". Ngày ấy, tôi không buồn có lẽ là do câu nói "Đời nó thế đấy ông ạ" của Trường.

Những năm sau đó có qui định là người viết ở các tỉnh miền núi phía Bắc muốn vào hội nhà văn phải qua Hội đồng Miền núi và Dân tộc của Hội VHNT các dân tộc thiểu số, nên Nguyễn Khắc Trường không có điều kiện giúp tôi nữa. Mọi chuyện như đã bẵng đi. Đến tận năm 2002, bỗng Trường thông báo với tôi là qui định kia đã được xóa bỏ, lại có thể quay về các hội đồng của Hội Nhà văn. Nếu tôi không nhầm thì Trường đã đến Ban hội viên của Hội Nhà văn chuyển đơn của tôi về Hội đồng Văn xuôi và có lời nhắn là lần này thì ông không thể trượt được. Vậy mà cuối năm, Trường lại vò đầu, bứt tai thông báo: "Năm nay, ông và Nguyễn Đức Thiện ở hội đồng văn xuôi, phiếu rất cao nhưng ở Ban Chấp hành, cả hai vẫn thiếu một phiếu. Tôi bực thay cho hai ông lắm". Tôi thành thực bảo: "Không sao đâu. Đời là thế mà". Sau đó, tôi quên đi chuyện hội hè. Năm sau, đột ngột tôi nhận được điện thoại của Trường, nói bằng giọng hồ hởi, như reo: "Xong rồi ông ạ!". Tôi ngơ ngác hỏi lại: "Xong cái gì cơ?". Trường cười ha hả: "Xong cái nhà văn chứ xong cái gì nữa, Nguyễn Đức Thiện cũng vào cùng ông!". Trường nói trong niềm hứng khởi đến tột cùng. Lạ thế! Trong chuyện này, tôi và có lẽ cả Nguyễn Đức Thiện cũng không thể có niềm phấn khích bằng Trường.

Dài dòng chuyện này một chút là để cho vui, cũng là để nói rằng, Trường đã giúp ai là giúp vô tư, tận tâm, thấy việc đúng là làm đến cùng. Không chỉ nhiệt tình với tôi và Nguyễn Đức Thiện, một người Thái Nguyên lưu lạc tận Tây Ninh, mà hầu như Trường quan tâm đến tất cả người viết ở Thái Nguyên. Các cuộc trao giải hằng năm ở Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Trường hay được mời làm giám khảo, khi là thành viên, khi là trưởng ban. Hễ thấy tác phẩm nào của Thái Nguyên, Trường lại điện cho tôi xác định lại. Nhưng không phải vì thế mà anh chiếu cố, nương nhẹ. Phải xứng đáng anh mới đề nghị trao giải. Nhiều lần hỏi tôi về các tác phẩm của người Thái Nguyên nhưng chỉ có tiểu thuyết Bão rừng của Phạm Đức Thái Nguyên là Trường đề nghị Giải C. Anh rất chặt chẽ trong chất lượng tác phẩm và rất công tâm trong việc đánh giá tác giả. Tôi còn nhớ như in trong một cuộc hội thảo về một tác giả là lãnh đạo chủ chốt của hội VHNT địa phương, cũng là người thân tình với Nguyễn Khắc Trường. Sau nhiều ý kiến khen ngợi một chiều của mọi người, Trường đứng lên phát biểu một cách rất hài hước: "Bác ấy không biết ăn thịt nên tôi nghĩ chỉ có thể làm thơ hay được thôi, chứ văn xuôi thì cơ thể cần phải nhiều Protein lắm, nên văn xuôi của bác ấy chưa ổn đâu" trước sự  ngỡ ngàng của nhiều người và làm cả hội trường cười ồ lên. Lần ấy, tôi biết tác giả nọ cũng không hề mếch lòng. Trường rất biết hài hước một cách tế nhị trong những lúc cần/ buộc phải nói sự thật như vậy.

Tiểu thuyết
Tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma"

Rất khác với một số nhà văn xuất sắc khác, thường kênh kiệu và đặc biệt là hay nổi nóng khi bị người khác hiểu lệch lạc hoặc hiểu không đầy đủ về tác phẩm của mình, đặc biệt là những tác phẩm chủ công của họ. Còn nhớ hồi phim "Đất và người" chuyển thể từ tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" được trình chiếu. Tôi xem và ngẫm nghĩ rất kĩ, thấy dù phim rất thành công, được công chúng hoan hô nhiệt liệt. Nhưng có thể do đặc trưng của điện ảnh, tư tưởng chủ đạo của tiểu thuyết chưa thật sự được bộc lộ hết trên màn ảnh. Cứ nghĩ, Trường sẽ cùng chung ý nghĩ với mình và sẽ ít nhiều có phản ứng. Vậy mà khi gặp nhau, tôi trao đổi về vấn đề này, Trường cười ha hả, bảo: "hóa ra khán giả của ta rất thích cười ông ạ. Phim làm thế là tốt rồi, và phải công nhận việc làm phim thì công lao của đạo diễn là rất lớn, lớn hơn nhà văn nhiều, cho nên ông cứ thoải mái xem phim đi, không thể "hoãn cái việc sung sướng được" (câu nói cửa miệng quen thuộc của Chu Văn Quềnh trong phim, về sau trở thành câu nói cửa miệng của công chúng). Nguyễn Khắc Trường là thế. Không quá yêu mình và luôn tôn trọng công sức của người khác.

Tôi và Nguyễn Khắc Trường là bạn bè yêu quí nhau nhưng do mỗi người một nơi nên rất ít có dịp đàm đạo văn chương hoặc lai rai tâm sự. Nhưng tôi hiểu rất rõ Trường là một người hiền lành, giầu lòng nhân ái, đặc biệt là không giận ai bao giờ. Dù có thế nào thì chỉ một tràng cười là tan hết.

  Những năm gần đây, sức khỏe của Trường yếu đi nhiều, sức khỏe của tôi cũng sa sút nên không  có điều kiện đến với nhau được nữa.

  Bất ngờ, nghe tin Trường đã về miền cực lạc. Nhưng tôi tin rằng, có những người đã vĩnh viễn ra đi nhưng sẽ còn sống mãi. Với tôi, thì những tràng cười rổn rảng đầy thân thiện của Trường sẽ còn vang vọng mãi ở thế gian này.

Hồ Thủy Giang

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy