Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
21:04 (GMT +7)

Lặng lẽ và viết

Nhà văn Ngọc Thị Kẹo.

Mấy chị em tôi kẻ viết văn, đứa làm thơ thỉnh thoảng lại túm tụm trong ngôi nhà ấm cúng của nhà văn Ngọc Thị Kẹo. Một hôm, đang lúc chuyện trò rôm rả, vào lúc cao trào, chị Kẹo nghiêm mặt tuyên bố: Tao sẽ gác bút! Mấy đứa mặt ngẩn ra, ngắn tủn, vừa tin, vừa ngờ. Đành là tuổi tác. Nhưng mà, chị vẫn còn nhiều ý tưởng văn chương mới mẻ, vẫn còn đau đáu với sự đời, với kiếp người. Làm sao mà buông bỏ được chứ!

Có lẽ cũng đành thôi, khi chạm tuổi 70 sức khỏe mỗi ngày mỗi yếu đi. Một mình lo cho cái thân già đã phần nào rệu rã, còn đâu sức lực mà “sinh đẻ” thêm nữa chứ. Chín đứa con tinh thần. Ở xa đâu thì không nói, chứ ở cái tỉnh lẻ này được thế cũng mừng rồi. Sau hôm đó, thỉnh thoảng tôi ra nhà chị chơi, thấy chị và mấy chị em hàng xóm chuyện trò vui vẻ. Nhìn thần thái tươi tỉnh của chị, tôi trộm nghĩ. Nhà văn gác bút có khác, không còn phải lo nghĩ, không thức đêm, không dồn sức cho ý tưởng,… quay về chăm chút yêu thương phần ngọc thể của mình nên mới có sự tươi sáng tỏa ngời trên gương mặt. Tôi mừng vui cho chị, dẫu rằng vẫn còn pha chút nuối tiếc.

Đùng một cái. Vào tuổi 70 (2018) chị công bố cuốn tiểu thuyết: “Gió đồng làng Am” - đứa con thứ 10 tròn trĩnh, khỏe mạnh trước bao sự ngỡ ngàng của bạn bè và đồng nghiệp. Và năm 2019 tiểu thuyết được Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tiếp tục xuất bản.

Thật sự tôi rất tò mò. Có lần tôi gặng hỏi chị. Cái gì khiến chị viết tiếp cuốn tiểu thuyết “Gió đồng làng Am”, khi mà chị đã hạ quyết tâm gác bút. Chị vẫn cười ý nhị: “Vì mình đã sống và chứng kiến quá nhiều cảnh bất công, dối trá, tham ô, tham nhũng, trơ trẽn cướp công người khác, sống xa hoa đồi trụy, lợi dụng chức quyền tác oai tác quái. Tất cả những thứ đó thôi thúc mình, phải viết”. “Nhưng chị viết như thế nào?”. “Thì mỗi ngày viết một ít, khỏe thì viết, mệt lại nghỉ…”. Nghe chị nói cứ nhẹ tênh.

Tôi còn nhớ. Đầu những năm 1990. Tôi mon men tìm đến làng thơ, văn Thái Nguyên. Tôi nghe mọi người kể về chị, về tác giả của tiểu thuyết: “Người đàn bà không chồng”. Thế rồi, tôi và một cô bạn đạp xe xuống Gia Sàng tìm chị. Khi ấy chị đã nghỉ hưu, chị sống nhờ trong ngôi nhà nhỏ của ông anh con bác và tự mình làm hàng ăn sáng phục vụ bà con sống xung quanh. Lúc đó tôi nghĩ mãi. Với dáng vóc mảnh mai và nét người nhàn nhã thế kia, làm sao chị có thể viết tiểu thuyết và làm hàng ăn sáng? Sau này chị mới bảo: Ừ, cũng tại lương hưu mình thấp, khó lòng để trang trải chu toàn cho cuộc sống. Thôi thì cố một chút khi còn làm được, đời còn dài đúng không? Chị cười hóm hỉnh, ý nhị. Song tôi vẫn nhận thấy có gì đó sâu xa thoảng trong ánh mắt của người đàn bà dễ gần, dễ mến là ẩn chứa một sự từng trải với bao thăng trầm, hỉ nộ ái ố của bao kiếp người cộng lại.

Khi dư âm cuốn tiểu thuyết “Người đàn bà không chồng” chưa lắng lại thì chị ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ hai: “Nàng khau âu đa tình” (1997) rồi tập truyện cười “Ông Ba chấm” (2000). Với đà đó, năm 2003 chị trình làng cuốn truyện dài “Nhật ký cô văn thư” do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Đây là cuốn truyện chị viết bằng sự trải nghiệm và dấn thân của mình trong suốt thời gian làm thanh niên xung phong (TNXP). Những năm đó, chị đã cần mẫn hằng đêm ngồi viết nhật ký ghi lại những khoảnh khắc, những tâm trạng, những diễn biến xảy ra trong suốt cuộc hành trình của một nữ TNXP. Và tập Nhật ký viết tay mang tên Ngọc Thị Kẹo đó hiện được trưng bày trong tủ kính của Bảo tàng Phụ nữ (Hà Nội) cùng các kỷ vật của chị em TNXP đã đóng góp vào sự nghiệp giữ nước. Cũng nhờ cuốn nhật ký đó mà sau bao nhiêu năm chị có đủ tư liệu chân thực nhất để viết nên cuốn truyện dài “Nhật ký cô văn thư”. Như lời giới thiệu của ông Nguyễn Văn Đệ, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn khóa III, Trưởng ban TNXP chống Mỹ cứu nước: “Nữ nhà văn Ngọc Thị Kẹo - nguyên là một cựu TNXP chống Mỹ cứu nước Đội 91, từ sự hiểu biết tích lũy ở đơn vị và địa bàn hoạt động của mình đã sáng tác truyện dài: Nhật ký cô văn thư. Đây là một tác phẩm văn học, nhưng có khá nhiều sự kiện, tư liệu, địa danh lịch sử từ thực tế cuộc sống hào hùng và sinh động…

… Qua một số trận chiến đấu, ở một số trọng điểm mà lực lượng TNXP đã trực tiếp tham gia được tác phẩm tái hiện lại cũng đủ cho bạn đọc hiểu được sự tàn ác của đế quốc Mỹ và sự hy sinh dũng cảm của TNXP chống Mỹ cứu nước nói chung. 60 nam - nữ TNXP hy sinh do B52 ném bom tại ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên là sự hy sinh lớn nhất trong tất cả các trận đánh của đế quốc Mỹ đối với lực lượng TNXP cả nước…”

Cuốn sách ra đời, được mọi người đón nhận hồ hởi và trân trọng. Một hôm chị khoe với tôi: Anh Lê Quang Dực, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đọc và đã đề xuất lên trên. Nhờ thế, mà chị được UBND tỉnh tặng Bằng khen đấy.

Một dịp may nữa tới với chị. Có ông thủ trưởng ở Đảo Trường Sa về đất liền công tác, ông vào hiệu sách mua được cuốn “Nhật ký cô văn thư” về đọc. Ông thích lắm và gọi điện cho Nhà xuất bản Thanh niên đề nghị tái bản cuốn truyện với cái tên mới: “Đồng đội tôi”, để đưa ra đảo Trường Sa phục vụ anh em chiến sĩ. Nhờ thế mà năm 2011 cuốn sách được tái bản với cái tên mới: “Đồng đội tôi”.

Rồi cũng tình cờ, một hôm lướt mạng tôi nghe đài RadioToday.Net ngày 27/3/2016 đọc tiểu thuyết: “Đồng đội tôi” của Ngọc Thị Kẹo. Với lời giới thiệu của một cô gái miền Nam giọng ngọt ngào: “Tuy tác phẩm chỉ nói gọn trong một đơn vị TNXP, hoạt động trên địa bàn của tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn nhưng những gì đã được ghi lại trong cuốn sách đã bước đầu phản ánh được khá sâu đậm những nét tiêu biểu nhất, chung nhất của quá trình thành lập, hoạt động và trưởng thành của lực lượng TNXP cả nước thời chống Mỹ…”.

Và nói về tác phẩm văn học có tính dự báo, thì cuốn: “Nhật ký cô văn thư” của chị Ngọc Thị Kẹo đã làm được sứ mệnh của mình. Đây là đoạn kết của cuốn truyện: “ - TNXP Đội 91 Bắc Thái rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thưa thủ trưởng, bao giờ thì chúng ta được nhận danh hiệu cao quý này ạ? Mọi người cùng ờ lên rất tự tin: - Ờ! Đội TNXP 91 Bắc Thái chúng ta hoàn toàn xứng đáng”. Không phải đợi lâu, vào đúng sáng ngày 24/12/2009, tại nhà bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP ở Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 915 thuộc Đội 91 TNXP Bắc Thái.

Người ta ví, đời người như một dòng sông. Có con sông êm ả trôi, có con sông mạnh mẽ tuôn trào… Nếu thế! Chị là một dòng sông thẳm xanh, thư thái nhẹ trôi. Nhưng, đó cũng chỉ là cái nhìn bề mặt, còn phía sâu thẳm kia, liệu ai thấu được những con sóng đang cồn lên. Tôi được coi là đứa em có tới ba mươi năm gần gũi với chị, nhưng tôi cũng như mọi người chỉ nhìn được phía bề mặt. Còn phía sâu thẳm kia! Mãi là sự bí ẩn, khiến người ta tò mò và luôn là điều hấp dẫn… chị là thế!

Nguyễn Thị Minh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Trần Hữu Đạt Tran****@gmail.com

    Tôi rất muốn đọc 1 tác phẩm của tác giả, nhất là đồng đội tôi. Nghe trên chương trình đọc truyện. Truyện lấy bối cảnh miền bắc, mà người ta đọc giọng miền nam mất hay

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nữ văn sĩ tài hoa

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước