Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi
Nhà văn Phạm Đức (Ảnh: QK)
Vào thập kỷ 90 (thế kỷ trước), người viết văn xuôi ở Bắc Thái gần như trống vắng khi các nhà văn Xuân Cang, Hoàng Minh Tường, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Anh Bình… lần lượt rời Bắc Thái về công tác ở Hà Nội, sau đó nhà văn Vi Hồng lại qua đời. Thời gian này, tuy cũng lác đác vài cây bút mới rụt rè mang bản thảo đến Hội, nhưng sức viết còn rất èo uột, không nhiều hứa hẹn. Hồi ấy, thỉnh thoảng tôi thấy có hai người đàn ông đã vào tuổi ngũ tuần thường ra, vào phòng biên tập của tòa soạn. Sau được biết đó là hai ông Phạm Đức Diêm (mãi về sau mới lấy bút danh là Phạm Đức, rồi Phạm Đức Thái Nguyên) và Phạm Đức Thỏa. Hai ông cùng họ cùng đệm nhưng không phải là anh em. Họ chỉ cùng công tác trong Bệnh viện A, nghe đâu cũng là những yếu nhân của bệnh viện. Anh Nông Phúc Tước, Trưởng Ban Biên tập của Báo Văn nghệ Thái Nguyên bảo tôi, sự xuất hiện của hai người là để nộp bản thảo đăng báo. Cả hai ông đều viết văn xuôi. Nghe anh Nông Phúc Tước nói vậy nhưng thực tình tôi cũng không để tâm lắm, cho dù biết Hội đang rất cần tác giả bổ sung cho đội ngũ văn xuôi. Ngày ấy tôi có một thói quen xấu là không nhiều tin tưởng vào mấy ông, bà đã luống tuổi mới bắt đầu có ý thích cầm bút. Có lẽ đến hơn một tháng sau, tôi mới được tiếp xúc trực tiếp với Phạm Đức. Qua cuộc nói chuyện đầu tiên, tôi như le lói nhìn thấy một tiềm lực văn chương trong ông Trưởng phòng Hành chính của Bệnh viện A ấy.
Thì ra, ngay từ thời còn rất trẻ anh đã có văn, thơ đăng báo. Nhưng rồi ngày tháng trong quân ngũ vất vả cùng hoàn cảnh gia đình khó khăn, niềm đam mê văn chương tạm phải ngưng trệ. Đến nay, nghe tin tỉnh có Hội Văn học Nghệ thuật nên muốn quay bút trở lại. Tôi có bảo Phạm Đức gửi mấy bản thảo truyện ngắn. Tôi đã đọc rất kĩ, thấy truyện hoàn toàn có thể đăng báo. Từ đấy cái tên Phạm Đức bắt đầu xuất hiện. Vài ba năm sau, truyện ngắn Phạm Đức có mặt đều đều trên tờ Văn nghệ Thái Nguyên (VNTN) và dần dần trở nên quen thuộc với bạn viết và bạn đọc. Cũng chỉ sau đó chưa đầy chục năm anh đã cho xuất bản tới 3 tập truyện ngắn khá dày dặn. Sách được phát hành toàn quốc. Đó là những tập: “Vòng hoa mượn” (năm 2000), “Điều không ghi trong bản hợp đồng”(2003), “Cơn lũ đi qua” (2004). Nhưng cái tên Phạm Đức chỉ thực sự được bạn bè ngưỡng mộ khi truyện ngắn “Một chuyến xe ôm” chỉ chừng hơn một nghìn chữ của anh đoạt giải cao nhất (giải Nhì, không có giải Nhất) trên Báo VNTN vào năm 2004 và truyện ngắn “Dì Tâm” cũng đoạt giải Nhì trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên năm 2006. Truyện ngắn “Một chuyến xe ôm” được nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi đưa in trên Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn với bút danh mới: Phạm Đức Thái Nguyên (vì anh Trường sợ có sự trùng tên với nhà thơ Phạm Đức lúc ấy đang là Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thanh niên nên đã giúp Phạm Đức lấy bút danh ấy. Từ đó, Phạm Đức có thêm một bút danh như vậy).
Ngoài những giải thưởng trên, nhiều lần anh được nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 5 năm của UBND tỉnh Thái Nguyên. Như có một lương duyên, ít năm sau, tôi và Phạm Đức trở thành bạn hữu thân thiết, có những kỷ niệm, nói chính xác hơn là những “dấu ấn” khó phai mờ. Dấu ấn thứ nhất là năm 2000 tôi bị kinh tế thị trường đánh gục, phải bán đi tất cả nhà cửa, xe pháo… phải thuê nhà để ở. Gia tài duy nhất còn lại là chiếc xe đạp gãy khung. Trong cơn bĩ cực ấy, tôi nhận thấy không ít người, trong đó có cả họ hàng thân thích, trước đây xởi lởi, vồn vã thì nay, nếu không “thở” ra những lời lẽ chê bai, dè bỉu, giáo huấn… thì cũng dần xa lánh hoặc làm ngơ. Nhưng Phạm Đức thì hầu như tuần nào cũng đến với tôi trong căn nhà thuê tối tăm, ẩm ướt, mốc meo. Thuê nhà được khoảng gần một năm thì Phạm Đức khuyên tôi không thể tiếp tục sống trong căn nhà như thế này được mà phải mua ngay đất làm một căn nhà tạm, bằng tranh tre nứa lá cũng được, để tạo điều kiện trong sinh hoạt và sáng tác. Không có tiền thì vay của bạn bè (trong dự định ban đầu của tôi là phải ở nhà thuê ít nhất 5 năm may ra mới có thể hồi phục lại). Tôi như tỉnh ngộ. Thế là một căn nhà chưa đầy 30m2 ra đời. Nhưng đúng như nhận định của Phạm Đức, nó là sự khởi đầu hanh thông cho việc hồi phục về mọi mặt của cái gia đình bé nhỏ của tôi. Bây giờ tôi vẫn thường chia sẻ với bạn bè rằng, gia đình tôi có được như ngày hôm nay là một phần nhờ vào lời khuyên ấy của Phạm Đức.
Dấu ấn thứ hai là năm 2003, vợ tôi không may trọng bệnh phải đến Bệnh viện 108 phẫu thuật, trong khi gia cảnh đúng như người xưa nói “không một đồng xu dính túi”. Cuộc sống của tôi lại một lần nữa bị “tàn phá”. Nhưng lần này, tôi được sự quan tâm từ nhiều phía. Người thì giới thiệu các giáo sư, bác sĩ quen ở bệnh viện cho tôi, người tạo điều kiện phương tiện đi lại, người cho vay tiền… Riêng Phạm Đức thì đã đội mưa, đội lụt lội, đội bóng đêm giúp đỡ vợ chồng tôi trong những tháng ngày gian nan nhất trong bệnh viện.
Giờ đây, nhiều đêm tôi thường nghĩ, nếu không có những người bạn tốt thì mình cũng khó có thể vượt qua những cơn đại nạn ở đời. Và chính những con người ấy sẽ là bạn đến trọn đời với mình. Phạm Đức là một trong số rất ít những con người như vậy.
Năm 2005, Phạm Đức lại giúp tôi một lần nữa. Nhưng lần này không phải vì nghịch cảnh. Hồi ấy tôi đang làm Chi hội trưởng Chi hội Văn xuôi của Hội nhưng thời gian này tôi cần phải có khoảng mười lăm năm để viết một số tác phẩm theo kế hoạch sáng tác của riêng mình. Tôi ngỏ ý nhờ Phạm Đức gánh cho trách nhiệm Chi hội trưởng. Người không hoạt động trong phong trào VHNT khó có thể hình dung được điều này. Chức Chi hội trưởng là một chức danh “vác tù và hàng tổng”, quyền rơm vạ đá chứ đâu phải loại quyền chức hay ho, béo bở gì. Nhưng Phạm Đức không từ nan, đã sẵn sàng giúp tôi. Tưởng chỉ là sự gánh vác cho tròn trách nhiệm, vậy mà, sau khoảng mười lăm năm làm Chi hội trưởng, anh đã đẩy Chi hội Văn xuôi lên một tầm cao mới. Trong thời gian anh đương chức, Thái Nguyên đã hình thành được một đội ngũ văn xuôi khá đông đảo, một sức viết dồi dào với hàng trăm cuốn sách ra đời, hàng chục giải thưởng ở địa phương và trung ương…
Nhưng có lẽ một sự kiện quan trọng nhất đối với đời cầm bút của Phạm Đức là anh đã viết thành công tiểu thuyết “Bão rừng”. Những năm ấy, ngoài các tác giả Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Hà Đức Toàn… thì các cây bút Thái Nguyên chưa ai có tiểu thuyết. Đáng nói nhất, đây lại là cuốn tiểu thuyết động chạm đến một vấn đề rất gai góc ở địa phương. Phải là những nhà văn dũng cảm lắm mới dám thực hiện. Một người vốn hơi nhút nhát như Phạm Đức mà dám lao vào chốn chông gai, quả là đáng ca ngợi. Nhưng rồi thành quả ấy của anh đã được đền đáp. Năm 2011, “Bão rừng” được Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải Ba. Và cùng năm, được nhận giải Nhất - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 5 năm của UBND tỉnh Thái Nguyên. Chính từ tác phẩm này đã làm đà để anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2014. Tiểu thuyết “Bão rừng” còn có một niềm vui nữa là năm 2020 đã trở thành đối tượng nghiên cứu của một luận văn thạc sĩ về đề tài sinh thái.
Nhìn chung, Phạm Đức là một người tinh tường và chín chắn ở nhiều mặt. Nhất là khi cần đến tinh thần dũng cảm, anh thường quyết liệt, không đầu hàng. Nhưng Phạm Đức lại có một điểm yếu cực lớn là rất hay tin người, tin người đến mức hơi ngờ nghệch. Có thời kỳ, gia sản của anh bị vơi cạn ít nhiều cũng là do tính tin người...
Thi thoảng nghĩ lại cảm thấy hơi khó hiểu. Một người đã từng giúp bạn hoạch định cả một đường đời, một người dám dùng văn chương để vạch trần những mưu ma chước quỷ của lũ lục lâm thảo khấu vậy mà cuộc sống vì tin người mà nhiều bận dễ dàng bị “đo ván”. Nhưng rồi tôi lại nghĩ: có lẽ chỉ có nhà văn mới thế!
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...