Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:49 (GMT +7)

Nỗi niềm của một cựu TNXP 915

VNTN - “Mùa hè năm 1972, máy bay Mỹ đánh phá dữ dội hòng cắt đứt tuyến đường chi viện của ta cho chiến trường. Giữa bom đạn khốc liệt, các đội viên thanh niên xung phong vẫn không hề nhụt chí khi được điều động tới làm việc tại các vị trí trọng điểm.

Ngày 13/9 khi chúng tôi đang sửa chữa đường, đào hầm cá nhân cho bộ đội và nhân dân qua lại trú ẩn ven quốc lộ thì máy bay Mỹ lao đến ném bom. Tôi bị hất tung lên rồi không biết gì nữa. Tỉnh lại mới biết mình bị mảnh bom cắm vào mặt. Trận ấy, tiểu đội tôi chị Hoàng Thị Cát bị trúng bom hy sinh, 8 đội viên bị thương…”.

Trò chuyện với bà Lê Thị Đoàn, nguyên đội viên thanh niên xung phong Đại đội 915, hiện sinh sống tại phố Trung Thành, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, chúng tôi không khỏi xúc động về một thời hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

“Tôi sinh năm 1950, quê quán tại bản Cốc Bát, xã Nghiêm Loan, huyện Chợ Rã, tỉnh Bắc Cạn, là con thứ năm trong gia đình có 6 anh em. Khi đang học năm thứ hai tại Trường trung cấp Bưu điện miền núi sơ tán tại Bắc Cạn, đoàn trường kêu gọi đoàn viên thanh niên tham gia lực lương thanh niên xung phong góp phần bảo vệ Tổ quốc. Tôi cùng một số anh chị em viết đơn tình nguyện. Tháng 6/1972 tôi được gọi lên đường và được biên chế vào Đại đội 915 thuộc Đội 91 thanh niên xung phong Bắc Thái. Chúng tôi được giao nhiệm vụ sửa chữa đường quốc lộ 1B, quốc lộ 16A (nay là Quốc lộ 17). Đây là hai tuyến giao thông huyết mạch nên máy bay địch thường xuyên ném bom đánh phá với cường độ cao. Trong bom đạn và khó khăn gian khổ, chúng tôi vẫn quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và bất chấp hiểm nguy vẫn không chùn bước…

 

Bà Lê Thị Đoàn vẫn gìn giữ chiếc áo thanh niên xung phong như một kỷ vật vô giá

Do vết thương ảnh hưởng tới hệ thần kinh và chịu sức ép lớn của bom, sau khi mổ lấy mảnh đạn trên vùng mặt, tôi được đưa đi điều dưỡng tại bệnh xá của Đội 91 thanh niên xung phong Bắc Thái. Tạm thời bình phục sức khỏe, tôi xin trở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ.

Qua giám định tỷ lệ thương tật của tôi là 31%. Năm 1974, những thương binh như tôi được bố trí chuyển sang ngành thương nghiệp. Tôi được điều động về làm việc tại cửa hàng ăn uống huyện Định Hóa, tới năm 1989, do chuyển đổi cơ chế quản lý, cửa hàng giải thể, tôi về nghỉ theo chế độ mất sức lao động”.

Im lặng hồi lâu như chìm trong miền ký ức, bà Đoàn rơm rớm nước mắt:

- Mảnh bom xiên ngang nên tôi còn có mặt hôm nay. Nếu nó đi thẳng, chắc... Nhiều đồng đội của tôi không được may mắn ấy.

Vốn đã từng nghe một số cựu thanh niên xung phong kể về mối tình đẹp như trong chuyện cổ tích của bà. Đến nay vợ chồng bà có hai mặt con, một trai, một gái, các anh chị đều đã trưởng thành, tôi ý nhị:

-Trong những năm tháng ác liệt ấy, tình yêu của cô thanh niên xung phong với người lính ngoài mặt trận, chắc cũng có rất nhiều kỷ niệm, dù chỉ qua những trang thư…!

Bà Đoàn ngước nhìn di ảnh của chồng, trầm tư:

“Tôi và anh Trần Trọng Vạn học cùng Trường trung cấp Bưu điện miền núi. Chúng tôi có tình cảm với nhau, nhưng ngày ấy còn trẻ con lắm... Năm 1970, nhà trường kêu gọi thanh niên tòng quân đánh giặc cứu nước, anh ấy tình nguyện lên đường. Cũng chính vì có tình cảm với anh, tôi tình nguyện đi thanh niên xung phong để phục vụ tiền tuyến và được gần anh. Năm tháng ấy, đạn bom nổ ở cả hai đầu đất nước, những người lính ra trận là xác định sẵn sàng chiến đấu hy sinh. Chiến trường xa ngút, thư từ thời chiến cũng ít. Chúng tôi hẹn gặp nhau ngày chiến thắng.

Sau khi bị thương, mặc cảm với vết thương thành sẹo trên mặt, tôi không liên lạc. Không ngờ cuối năm 1975, qua người nhà anh ấy tìm tới. Mới đầu tôi cố tránh, sau cảm động với tình cảm của anh, tôi ưng thuận. Tháng 10 năm 1975 chúng tôi làm lễ cưới. Cưới xong anh ấy lại tiếp tục trở lại đơn vị quân đội đóng quân tại miền Nam. Hai lần anh ấy nghỉ phép là hai lần tôi sinh nở. Năm 1984, anh ấy mới được ra Bắc và về làm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Chợ Đồn. Cứ cuối tuần là đạp xe gần trăm cây số về thăm vợ con rồi lại đi. Năm 1989, ông nhà tôi được nghỉ chế độ và mất năm 2005”.

Qua tìm hiểu, tôi được biết ông Trần Trọng Vạn chiến đấu tại chiến trường miền Nam, thuộc biên chế của trung đoàn 31, Quân khu 5. Ông đã 10 lần bị thương và mang về các giấy xác nhận thương tật… Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đơn vị ông đã tham gia giải phóng Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố. Sau chiến tranh, ông lại cùng đơn vị truy quét các phần tử phản động, đảm bảo an ninh trật tự và làm nhiệm vụ khôi phục các đoạn tuyến của đường sắt Thống nhất. Tôi tiếc mình đã không thể gặp ông để nghe kể lại những năm tháng trực tiếp đối mặt với kẻ thù và chịu đựng bom đạn ác liệt. Hình ảnh người lính 10 lần bị thương, chằng chịt vết sẹo trên cơ thể làm tôi luôn bị ám ảnh…

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, giữa bề bộn lo toan trong cuộc sống thường nhật, bà Lê Thị Đoàn vẫn gìn giữ chiếc áo thanh niên xung phong. Chiếc áo nham nhở vết bom xé như một kỷ vật vô giá thời thanh xuân hoa lửa đầy nhiệt huyết. Có lẽ cũng từ ý chí và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã được hun đúc, vợ chồng bà đã đi qua chiến tranh với tất cả niềm tin yêu, vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống thường nhật để có ngày hôm nay.

Nhìn ngôi nhà cấp 4 lưng chừng dốc với những đồ đạc giản dị, tôi không khỏi ái ngại. Năm 1989, trước ngày chồng mất, với số tiền dành dụm ít ỏi, vợ chồng bà xây ngôi nhà nhỏ này. Sau nhiều năm ngôi nhà đã xuống cấp. Năm ngoái, nhận số tiền 20 triệu đồng hỗ trợ người có công cải tạo nhà ở, bà đã sửa chữa lại đôi chút. Nhiều năm sau khi cưới, chồng còn trong quân ngũ, với đồng lương eo hẹp của một nhân viên cửa hàng ăn uống quốc doanh thời bao cấp, bà đã rất vất vả và cố gắng để nuôi hai con nhỏ. Nhà có mấy sào ruộng và mảnh vườn nhỏ, bà luôn bận bịu với việc tăng gia, chăn nuôi để có thêm thu nhập. Khi về nghỉ mất sức có quy định giữa chế độ mất sức và chế độ thương binh, chỉ được hưởng một loại. Thấy chế độ mất sức cao hơn đôi chút, bà đã chọn hưởng chế độ này. Hiện bà đang sống bằng nguồn trợ cấp mất sức lao động với mức 1,9 triệu đồng/tháng. Nay tuổi cao sức yếu, đau ốm liên miên không thể làm lụng gì thêm thì số tiền ấy trở nên quá eo hẹp. Hiện bà Đoàn còn đầy đủ hồ sơ xác định là thương binh. Đã nhiều lần, bà đề nghị cơ quan chức năng cho hưởng thêm chế độ thương binh, nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.

Vậy, cựu thanh niên xung phong Lê Thị Đoàn có đủ điều kiện để được hưởng chế độ thương binh hay không? Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, xem xét và sớm có câu trả lời thỏa đáng để bà Lê Thị Đoàn, một cựu thanh niên xung phong đã từng hi sinh xương máu cho nền độc lập tự do này không phải khắc khoải đợi chờ, khi tuổi đời ngày một nhiều lên và sức khỏe ngày một hao mòn.

Ngân Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước