Những vụ mùa của người thợ cày trên cánh đồng chữ
VNTN - Gặp phải căn bệnh loạn dưỡng cơ quái ác, Nguyễn Bích Lan phải nghỉ học năm 13 tuổi và chỉ có thể ngồi một chỗ làm bạn với những trang sách, báo. Tự học và vượt lên mọi thách thức tưởng như bất khả, Nguyễn Bích Lan đã trở thành cô giáo dạy tiếng Anh tại nhà cho hơn 200 học trò, một số trong đó giờ đã là các thầy cô giáo tiếng Anh. Và kì diệu hơn nữa, chị đã trở thành một dịch giả tên tuổi với nhiều cuốn sách nổi tiếng.
Dù khó khăn trong những bước đi, nhưng chị đã bước ra thế giới theo cách của mình. Dù bản thân cần hỗ trợ trong di chuyển, nhưng những cuốn sách mà chị dịch đã nâng đỡ, chắp cánh cho rất nhiều người…
Dịch giả Nguyễn Bích Lan
Bạn đọc yêu những cuốn sách hay của văn chương thế giới giờ đây đã quen tên dịch giả Nguyễn Bích Lan. Tuy nhiên, câu chuyện phía sau những trang sách dịch của một người chưa bao giờ được học một chữ tiếng Anh nào trên lớp thì có lẽ không phải ai cũng đã biết. Xin chị chia sẻ về việc tự học và cơ duyên đến với công việc dịch văn chương của mình?
Dịch giả Nguyễn Bích Lan: Do mắc bệnh nan y không thể đến trường được sau khi kết thúc lớp 8, tôi đã phải tiếp tục sự giáo dục của mình bằng hành trình tự học. Các bạn đi học tiếng Anh có thầy, có bạn còn thấy khó, thì hẳn các bạn sẽ hình dung ra phần nào những khó khăn của tôi khi phải mầy mò tự học trong một căn phòng nhỏ, ở một làng nhỏ không có một người nào biết ngoại ngữ để hỏi, và hồi ấy (cách đây gần 30 năm) tôi không có điện thoại để liên lạc với thế giới bên ngoài. Tôi đã phải tự đúc kết các quy tắc ngữ pháp từ các bài tập, tự buộc mình trải qua các buổi sát hạch mà trong đó tôi vừa là thí sinh, vừa là giám thị, giám khảo. Tôi thậm chí đã tưởng tượng ra một người bạn ảo chỉ để mình có thể luyện nói tiếng Anh. Có những lúc cảm thấy mớ kiến thức mình phải đối mặt quá rối rắm, tôi đã gục đầu xuống đám sách vở khóc nức nở. Nhưng trước tất cả những khó khăn đó tôi đã không bỏ cuộc.
Tất nhiên một người biết ngoại ngữ không thôi thì chưa đủ để dịch các tác phẩm văn học. Dịch văn học là một việc công phu đòi hỏi cả khả năng ngoại ngữ, năng khiếu văn chương, khả năng sử dụng tiếng Việt thuần thục, sáng tạo và một nền tảng kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, chính trị, đến văn hóa, phong tục và tâm lý…Sở dĩ tôi có thể dịch được 36 cuốn sách là bởi tôi vốn là một người chăm đọc sách, và không ngừng tự học. Tôi cũng xin nói một cách trung thực rằng, các bản dịch của tôi không phải là những bản dịch hoàn hảo hoặc “tuyệt vời” . Tôi không muốn lạm dụng những từ đó cho chất lượng công việc của mình, bởi vì trong bất cứ cuốn nào tôi dịch cũng vẫn có những chỗ chưa đạt. Càng được người đọc yêu mến thì tôi càng nghĩ ngợi nhiều về những điểm mình cần khắc phục.
Cho đến giờ, cuốn sách gần nhất chị dịch đã được xuất bản đã là cuốn thứ 36. Đó là một hành trình rất dài, rất xa, và tôi hình dung nó đòi hỏi rất nhiều tâm sức, trí lực. Tôi muốn biết, thực sự thì nó đã hấp dẫn chị ở điều gì, “bù đắp” lại cho chị bằng những gì?
Dịch giả Nguyễn Bích Lan: Như tôi đã nói, dịch văn học là loại công việc đòi hỏi khả năng cao. Không những thế nó còn đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cẩn thận mà không phải ai cũng có. Tất nhiên việc gì càng khó thì thành quả từ việc đó càng quý. Thu nhập của dịch giả ở nước ta rất thấp, chưa xứng với công sức của người dịch phần nhiều do đa số người dân chưa có thói quen đọc sách, nhưng tôi nhận thức một cách sâu sắc rằng tiền chỉ là một phần của sự thu hoạch, và tiền không phải là mục đích duy nhất hoặc trên hết để tôi làm công việc này.
Dù công việc nhọc nhằn, tôi thực sự hạnh phúc khi được ngồi dịch những trang sách, thậm chí say mê. Khi bạn thực sự say mê một việc gì đó bạn sẽ chấp nhận mọi thử thách đi cùng với nó và tất cả những gì nó mang đến cho bạn, cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Việc dịch văn học cho phép tôi kết hợp vốn tiếng Anh và năng khiếu văn chương, đòi hỏi tôi phải huy động tối đa khả năng trong con người mình, và thúc đẩy tôi luôn tiếp tục học. Đó chính là sự hấp dẫn của một công việc.
Một điều quan trọng nữa là: qua việc dịch văn học tôi cảm thấy mình đóng góp một phần nhỏ bé vào việc nâng cao dân trí, nuôi dưỡng giá trị tinh thần ở bạn đọc. Đó là một việc cần và đáng làm trong bối cảnh nước ta hiện vẫn còn yếu kém nhiều so với các nước tiên tiến về nhiều mặt, đặc biệt là về dân trí.
Chính vì thế, tôi tự nhận mình là người thợ cày trên cánh đồng chữ.
Xin chúc mừng chị với những vụ mùa miệt mài và nhiều thành quả. Trong bối cảnh chúng ta đang còn nhiều hạn chế trong việc nuôi dưỡng giá trị tinh thần như chị nói, đọc là một vấn đề, và đọc cái gì lại càng là vấn đề. Khi chọn sách để dịch, chị đặt ra tiêu chí như thế nào? Việc cân bằng giữa sự tâm đắc của bản thân với nhu cầu của bạn đọc cần được giải quyết ra sao?
Dịch giả Nguyễn Bích Lan: Tự thấy thời gian và sức khỏe của mình rất quý nên tôi không thể lãng phí những thứ quý giá đó cho việc dịch những cuốn sách không hoặc ít có giá trị tinh thần. Tôi từ chối những lời mời dịch sách thuộc loại “mì ăn liền” dù việc đó hứa hẹn thù lao cao gấp đôi việc tôi đang làm. Tôi chỉ dịch những cuốn sách nào mình thích bởi nếu dịch những cuốn mình không thích thì việc dịch vừa là sự tra tấn đối với bản thân người dịch, vừa là sự tra tấn độc giả.
Tôi thích nhất những cuốn sách đậm chất văn chương, mang đến cho tôi (và có lẽ với đa số bạn đọc của tôi) cảm giác được trải nghiệm, khám phá các nền văn hóa, hiểu biết thêm về con người ở những dân tộc khác cũng như lịch sử phát triển của họ. Tất nhiên, ở một nước mặt bằng dân trí chưa cao như nước ta, việc dịch các tác phẩm hàn lâm đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận một lượng độc giả ít ỏi. Bởi vậy, việc lựa chọn chiều theo sở thích của mình hay sở thích của số đông độc giả cũng là vấn đề đối với một người dịch và mọi người dịch văn học làm việc độc lập như tôi. Bên cạnh những tác phẩm văn chương đỉnh cao như các tác phẩm của các tác giả đoạt giải Nobel, tôi cũng chọn dịch những cuốn sách dễ đọc hơn đối với số đông, nhưng vẫn đảm bảo được “chất”.
Trải nghiệm, khám phá các nền văn hóa, hiểu biết thêm về con người ở những dân tộc khác cũng như lịch sử phát triển của họ, chuyển tải và truyền cảm hứng đến cho bạn đọc, đó là những điều thật tuyệt vời. Hành trình ấy chắn hẳn rất nhiều kỉ niệm đáng nghĩ, đáng nhớ về các tác giả, các cuốn sách, và các bạn đọc của chị?
Dịch giả Nguyễn Bích Lan: Có khả năng thưởng thức các tác phẩm văn học nước ngoài có chất lượng cao ở dạng nguyên tác là một điều thú vị đối với bất cứ ai. Được giao tiếp với các tác giả nước ngoài và bạn đọc, được làm cầu nối giữa họ là một niềm vui rất lớn đối với tôi.
Tôi không bao giờ quên trải nghiệm dịch cuốn tiểu thuyết lịch sử Từ Sông Nile đến Sông Jordan của nữ văn sĩ người Israel Ada Aharoni, một tác phẩm kể về nỗi đau của dân tộc Do Thái bị kỳ thị. Toàn bộ tác phẩm không hề có bóng dáng của những từ như “căm ghét”, “hận thù”, ngược lại, từng con chữ chân tình và đầy tâm sự của bà thuyết phục tôi rằng con người thuộc các dân tộc khác nhau càng hiểu biết nhiều về văn hóa, lịch sử và đời sống tinh thần của nhau thì càng nhiều khả năng tránh được nguy cơ chiến tranh. Cuốn sách đó dường như cũng giúp tôi định hình một cách rõ ràng hơn về cách mình lựa chọn sách để dịch. Tuy không đủ điều kiện sức khỏe để đến các nước đã sản sinh ra các tác phẩm mình dịch, nhưng tôi may mắn có cơ hội làm bạn với hầu hết các tác giả đã cho tôi cơ hội chuyển ngữ tác phẩm của họ. Một số tác giả đã sang Việt Nam thăm tôi, và những cuộc gặp gỡ đầy cảm động đó khích lệ tôi tiếp tục kiên trì con đường dịch văn học.
Ở gần tôi hơn là các độc giả Việt Nam. Nhiều người trở thành bạn của tôi ở ngoài đời. Tình bạn bắt đầu từ việc đọc sách tôi tin là tình bạn đẹp, trong sáng và đáng trọng.
Nhiều người, hầu hết các nhà văn và các dịch giả văn chương mà tôi hỏi ý kiến, đều cho rằng không thể “sống” bằng nghề dịch văn chương. Nhưng tôi thấy những gì chị làm lại đang chứng minh điều ngược lại. Chị nghĩ thế nào về câu chuyện này?
Dịch giả Nguyễn Bích Lan: Tôi khẳng định rằng tôi sống được bằng nghề của mình. Thứ nhất, tôi dịch chuyên nghiệp, làm việc chín tiếng một ngày. Ngoài dịch, tôi viết báo, viết sách hay nói cách khác tôi miệt mài viết và viết. Tôi theo đuổi lối sống tối giản và vì hoàn cảnh của tôi (may mắn hoặc không tùy bạn nghĩ) không phải lo gánh nặng gia đình nên việc tôi tự lo được cho bản thân nhờ thu nhập từ lao động văn chương cũng không phải là khó hiểu. Được làm việc mình thích, biết chấp nhận những gì nó mang đến, đặc biệt biết tận hưởng thành quả ở dạng phi vật chất là hạnh phúc, tôi nghĩ vậy.
Đối diện với hoàn cảnh khó khăn, nhưng chị đã vượt qua bằng cách chọn một công việc khó khăn để giờ đây thấy mình hạnh phúc, tôi cho đó là một câu chuyện không chỉ đem lại bài học mà còn truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Chị có chia sẻ với tôi rằng, mỗi người là kiến trúc sư cho hạnh phúc của chính mình…
Dịch giả Nguyễn Bích Lan: Tôi tin rằng con người ta tìm thấy ý nghĩa của của cuộc sống khi đủ can đảm tự nhận lấy trách nhiệm xây dựng hạnh phúc của bản thân, không đổ lỗi tại hoàn cảnh, không ngồi chờ sự may mắn hoặc sự trợ giúp từ bên ngoài. Sống cuộc đời với mục đích miệt mài kiến tạo hạnh phúc chắc chắn có ý nghĩa hơn nhiều khi hạnh phúc mà chúng ta xây dựng cũng đồng thời góp phần (dù nhỏ bé) vào việc kiến tạo môi trường sống tốt đẹp hơn cho gia đình, cho cộng đồng và xã hội.
Chị đã đem rất nhiều tác phẩm văn chương thế giới về với Việt Nam. Thế còn câu chuyện đem văn chương Việt Nam đến với thế giới, chị nghĩ sao?
Dịch giả Nguyễn Bích Lan: Tôi coi đó là một món nợ chưa trả được khi mình là người viết văn biết ngoại ngữ. Tiếp xúc với những nhà văn nước ngoài tôi nhận thấy rằng, một trong những lý do khiến nền văn học, văn hóa của họ không nhỏ là bởi nó được biểu hiện bằng thứ ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Văn học Việt Nam không phải không có những tác phẩm hay, nhưng việc giới thiệu chúng với bạn đọc nước ngoài còn hạn chế. Nhưng nói thì dễ, làm thì khó đấy. Tôi nghĩ, bản thân mình phải dịch nhiều tác phẩm nước ngoài ra tiếng Việt hơn nữa, mới đủ khả năng để làm ngược lại.
Có lẽ đây là con đường đầy rộng mở, vẫy gọi, nhưng cũng đầy thách thức ở phía trước. Chị muốn chia sẻ gì với những đồng nghiệp tương lai của mình?
Dịch giả Nguyễn Bích Lan: Nếu không thực sự say mê thì đừng bước vào con đường này, tôi chỉ muốn nhắn nhủ như vậy thôi.
Cảm ơn chị với cuộc trò chuyện. Chúc chị luôn tràn đầy năng lượng và cảm hứng với cánh đồng chữ của mình.
Phạm Văn Vũ thực hiện
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...