Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024
03:38 (GMT +7)
Tọa đàm khoa học “Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên”

Những thế hệ văn nghệ sĩ - chiến sĩ Thái Nguyên: 50 năm sáng tạo cống hiến

Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên
PGS. TS. Trần Thị Việt Trung trình bày báo cáo đề dẫn tại buổi Tọa đàm khoa học “Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên”, ngày 10/12/2024. Ảnh: Thanh Lên

1. Cùng với sự chuyển mình và phát triển mạnh mẽ của đất nước trong suốt 50 năm qua, văn học nghệ thuật Việt Nam đã liên tục vận động, phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng được khẳng định, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam với hệ giá trị mới (yêu nước, có trách nhiệm cao với cộng đồng dân tộc, tích cực cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển của đất nước; sống nhân văn và có ý thức bảo vệ, giữ gìn những vẻ đẹp truyền thống của con người Việt Nam...).

Các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam trong đó có một số lượng khá đông đảo là những người chiến sĩ đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu, đánh đuổi kẻ xâm lược, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc trong 2 cuộc kháng chiến (chống Mỹ và chống Trung Quốc xâm lược từ tháng 2/1979), đã tích cực tham gia “Mặt trận văn hóa” sau khi rời cây súng. Họ là những nhà văn chiến sĩ, những nghệ sĩ chiến sĩ, những người luôn có trách nhiệm cao đối với từng sáng tác của mình. Bằng tinh thần và trái tim, tâm hồn của người chiến sĩ, họ đã tích cực sáng tác, sáng tạo và cống hiến cho quá trình vận động và phát triển của nền văn học nước nhà sau chiến tranh. Trong công cuộc đổi mới tư duy (trong đó có lĩnh vực đổi mới tư duy trong sáng tạo văn học nghệ thuật) thì chính các “Nghệ sĩ - chiến sĩ” này cũng đã đóng vai trò “tiên phong” trong công cuộc đổi mới đó. Có thể thấy rõ vị trí, vai trò quan trọng của họ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà trong suốt nửa thế kỷ qua. Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên cũng mang những đặc điểm này.

  2. Đội ngũ các nhà văn, các nghệ sĩ, chiến sĩ của Thái Nguyên khá đông đảo (hơn 60 người). Trong số đó, có nhiều tác giả có tên tuổi, có uy tín, không chỉ ở trong phạm vi tỉnh mà còn lan tỏa trong cả nước. Họ đã, đang và luôn tích cực nhiệt huyết sáng tác, sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị, có chất lượng nghệ thuật cao (với những giải thường chuyên ngành cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp khu vực...). Họ là những văn nghệ sĩ có tư tưởng chính trị vững vàng, có quan điểm sáng tác đúng đắn, nghiêm túc, và họ cũng chính là những người chịu khó học hỏi, trao đổi với các đồng nghiệp trẻ, tích cực cập nhật các xu hướng nghệ thuật đương đại trong sáng tác, sáng tạo mới nhất trong nước và trên thế giới. Chính vì vậy trong đội ngũ các nhà văn, các nghệ sĩ, chiến sĩ có khá nhiều người tuổi đã cao, nhưng những sáng tác của họ vẫn luôn có tính mới, tính sáng tạo, họ thực sự là một lực lượng mạnh, có nhiều đóng góp cho sự phát triển đa dạng, phong phú, của đời sống văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên trong suốt 50 năm qua.

Lĩnh vực Văn học

Đây là lĩnh vực có số lượng các nhà văn chiến sĩ đông đảo nhất (26 người) họ thuộc các thế hệ nhà thơ, nhà văn đã từng tham gia quân đội và trực tiếp chiến đấu trên các mặt trận phía Nam, phía Bắc từ trước năm 1975 (chống Mỹ) và sau năm 1979 (chiến tranh biên giới) cùng một số cây bút quân đội xuất hiện và trưởng thành trong thời hòa bình (không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng đã sống trong quân ngũ một thời gian khá dài).

Nhà văn Ma Trường Nguyên đồng thời cũng là một nhà thơ, có số lượng tác phẩm nhiều vào bậc nhất trong các nhà văn sống tại Thái Nguyên (26 đầu sách, trong đó có 14 tiểu thuyết, truyện, hồi ký, 8 tập thơ và trường ca, 3 tập sách tiểu luận, phê bình văn học). Những trang văn, trang thơ của ông đã phản ánh chân thực, sinh động thế giới tâm hồn cùng tư tưởng yêu nước, yêu quê hương miền núi tươi đẹp và giàu bản sắc văn hóa của một nhà văn chiến sĩ người dân tộc thiểu số sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Thái Nguyên lịch sử.

  Cố nhà văn, nhà báo Lê Thế Thành với nhiều sáng tác (bút ký, truyện ngắn...) viết về cuộc sống, chiến đấu anh dũng, ngoan cường vô cùng oanh liệt của quân và dân ta thời chống Mỹ cùng những kỷ niệm chiến trường của chính bản thân và đồng đội của mình. Văn chương của ông đậm “màu sắc lính”, vừa chân thật, thô mộc, vừa hào hùng, xúc động...

Nhà văn thương binh nặng Nguyễn Minh Sơn mang trong mình những cơn đau bất thường, dữ dội sau khi trở về từ chiến trường với vết thương nơi sọ não. Anh viết như một sự “giải tỏa cảm xúc” trĩu nặng trong tâm hồn và trái tim của mình, như một sự tri ân với những người đã khuất trong cuộc chiến tranh đầy vinh quang nhưng cũng đầy đau thương mất mát mà anh đã từng trải qua, từng tận mắt chứng kiến.     

Nhà văn Đỗ Dũng là một nhà giáo, có sức viết đáng kinh ngạc, với gần 50 đầu sách (38 tập thơ lớn, nhỏ, 12 cuốn tiểu thuyết), xuất bản liên tục trong hơn 30 năm qua. Trong đó, đáng trân trọng là cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trung đoàn 165” (dày 623 trang) viết về các sự kiện lịch sử, các nhân vật (có thật) cùng các trận đánh đầy khốc liệt, đầy hy sinh... nhưng đầy quyết tâm, đầy thắng lợi... và đặc biệt là những tình cảm “thắm tình đồng đội, nghĩa quân dân” thấm đậm trong từng trang sách của anh.

Nhà văn Ngọc Thị Kẹo - cô thanh niên xung phong Đội 91 Bắc Thái với những tác phẩm văn học có giá trị lịch sử, giá trị nhân văn sâu sắc, thấm đẫm chất nữ tính, khiến người đọc có một tình cảm đặc biệt về một gương mặt văn chương nữ vừa dịu dàng, kín đáo, vừa mạnh mẽ, quyết liệt trong các gương mặt sáng giá của Thái Nguyên suốt mấy chục năm qua.

Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Long - người lính sinh viên năm xưa, đã từng đóng quân ở Trung Nam Bộ (Quân khu 5). Cho tới nay, anh đã xuất bản 16 tập thơ (13 tập thơ riêng, 3 tập viết chung cùng 2 tác giả khác). Điều đáng trân trọng ở anh là đã dành rất nhiều tình cảm, cảm xúc và tâm huyết với đề tài viết về Bác Hồ kính yêu. Những bài thơ, tập thơ mà anh viết về Bác rất chân thực, cảm động, sâu sắc, có giá trị tư tưởng, giáo dục cao.

Nhà văn Phan Thái thuộc lớp nhà văn chiến sĩ thế hệ thứ hai, là một cây bút đa tài (vừa là nhà thơ, vừa là một tác giả văn xuôi cứng cáp, giàu sức sáng tạo, giàu vốn tri thức về lịch sử, văn hóa, xã hội của Thái Nguyên). Anh đã xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn và 3 tập thơ. Có thể nói với sự đóng góp nổi trội của mình ở chủ đề lịch sử, nhà văn Phan Thái, cùng với nhà văn Hồ Thủy Giang, xứng đáng là người đặt nền móng cho dòng tiểu thuyết lịch sử của Thái Nguyên được hình thành và phát triển trong khoảng 15 năm trở lại đây.

Nhà thơ Võ Sa Hà - nhà thơ đã có một thời mặc áo lính, là thầy giáo “dạy văn hóa cho những người lính” ở Thái Nguyên. Anh là tác giả của 5 tập thơ (tuy viết ít nhưng có chất lượng, ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc). Thơ của anh giàu hình ảnh, giàu cảm xúc và có sự đổi mới về thi pháp một cách khá rõ rệt. Chính vì vậy, anh đã nhận được khá nhiều giải thưởng danh giá của trung ương và địa phương.

Nữ nhà văn - Đại tá Bùi Thị Như Lan là người dân tộc Tày, sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại mảnh đất Thái Nguyên giàu truyền thống lịch sử, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Chị là tác giả của 15 tác phẩm (truyện ngắn, bút ký và tiểu thuyết). Đề tài về dân tộc miền núi và chiến tranh cách mạng - lực lượng vũ trang là 2 đề tài trọng tâm, trọng điểm của chị.

Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Thanh Lên
Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Thanh Lên

Bên cạnh các nhà văn chiến sĩ tiêu biểu đã nêu trên, còn gần 20 nhà văn chiến sĩ khác cũng có rất nhiều đóng góp trong việc tạo nên một đời sống văn chương phong phú, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc ở Thái Nguyên như: Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thắng, Ngọc Thị  Lan Thái, Lê Nhâm, Phan Thức, Trần Cầu, Đỗ Ngọc Tuấn, Hồ Triệu Sơn,... và các nhà văn như: Phạm Quý, Đào Nguyên Hải, Trần Chín, Dương Mạnh Việt... Họ thực sự là những cây bút vững vàng về tư tưởng (tư tưởng chính trị và tư tưởng nghệ thuật) luôn có tinh thần đổi mới về hình thức nghệ thuật. Những tác phẩm của họ là những sản phẩm văn hóa có giá trị nhiều mặt đối với đời sống văn hóa văn nghệ của tỉnh Thái Nguyên trong suốt nửa thế kỷ qua.

 Lĩnh vực Nhiếp ảnh

Theo thống kê của Chi hội Nhiếp ảnh, có đến 16 nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng từ thời Khu Tự trị Việt Bắc là chiến sĩ thời chống Pháp như NSNA Chu Thi, NSNA Trần Thông vẫn tích cực hoạt động sau năm 1975 cho tới những năm 2000.

Xin được điểm qua một số gương mặt nghệ sĩ - chiến sĩ đại diện cho các thời kỳ (từ chống Mỹ trở về đây) cụ thể như sau:

Đó là NSNA Trần Khải, trải qua nhiều cơ quan công tác khác nhau, anh vẫn đam mê chụp ảnh nghệ thuật, xứng đáng là “bậc trưởng lão” trong làng Nhiếp ảnh Thái Nguyên. NSNA Khánh Hạ (nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên), là bộ đội thời chống Mỹ, đã cầm máy mấy chục năm. NSNA Vương Minh Lập, hơn nửa thế kỷ qua anh luôn gắn bó với chiếc máy ảnh trên tay, đam mê với môn nghệ thuật đặc biệt này. NSNA Đỗ Khánh Vân, hoạt động sôi nổi và đầy “chất lính” trong quá trình “tác nghiệp” nghệ thuật nhiếp ảnh trong suốt mấy chục năm qua, luôn xông xáo, nhiệt huyết để có thể thực hiện được những bức ảnh mang tính hiện thực sinh động và tính nghệ thuật cao.

Bên cạnh các NSNA đã nêu trên, còn khá nhiều các tác giả khác cũng có nhiều thành tựu sáng tác, xứng đáng được ghi nhận trong ngành nghệ thuật nhiếp ảnh của tỉnh Thái Nguyên trong 50 năm qua. Đó là các NSNA đã và đang đứng trong quân ngũ như Trịnh Việt Hùng, Đỗ Xuân Hùng, Dương Tuấn Dũng, Hoàng Thao, Lê Hồng Lâm, Nguyễn Quang Hồi, Mai Đồng, Bùi Hào Hiệp... Họ đã góp phần ghi lại những tư liệu lịch sử quí giá, những vẻ đẹp bản sắc văn hóa các tộc người Việt Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng, những hoạt động tích cực, sáng tạo của con người trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nghệ thuật khác nhau, trong cuộc sống thời hiện đại và hội nhập hôm nay. Họ chính là những người viết lịch sử trung thực và sống động, qua các bức ảnh mang tính nghệ thuật cao của mình.

Lĩnh vực Âm nhạc

Trong lĩnh vực Âm nhạc, Thái Nguyên cũng có một đội ngũ các nghệ sĩ - chiến sĩ tài hoa, có những sáng tác “để đời” cho đất nước và quê hương Thái Nguyên trong 50 năm qua.

Trước hết phải kể đến các bậc “trưởng lão” đã từng đứng trong quân ngũ từ thời chống Pháp, sau đó vẫn tiếp tục hoạt động tích cực cống hiến cho đất nước và quê hương Thái Nguyên từ năm 1975 cho tới những năm sau này. Đó là nhạc sĩ Đỗ Minh - người đã cống hiến tài năng và sức lực cho sự nghiệp âm nhạc Việt Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng. Những thành tựu âm nhạc đặc sắc của ông đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng cao quý - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, năm 2001. Đó là nhạc sĩ Tuấn Long - người gắn bó cả cuộc đời mình với Đoàn văn công quân đội, đóng ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tiếp theo phải kể tới các nhạc sĩ - chiến sĩ thời chống Mỹ, chống Trung Quốc xâm lược (1979). Đó là nhạc sĩ Lý Khắc Vịnh, với hàng trăm ca khúc ca ngợi vẻ đẹp quê hương, vẻ đẹp con người Thái Nguyên trong lao động sản xuất, trong chiến đấu bảo vệ đất nước và quê hương Thái Nguyên giàu truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa. Đó là nhạc sĩ Quản Đức Thắng, người góp phần không nhỏ vào phong trào văn nghệ quần chúng của Thái Nguyên, truyền tới họ tình yêu quê hương, lòng tự hào và niềm tin yêu vào cuộc sống, vào lý tưởng cao đẹp của Đảng, của Bác Hồ vĩ đại... Đó là nhạc sĩ Phạm Đình Chiến, người đã sáng tác hàng trăm ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc hay, có chất lượng nghệ thuật cao, hướng về ca ngợi cuộc sống, tình yêu, ca ngợi Đảng, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi vẻ đẹp con người miền núi... Đó là nhạc sĩ, nhà giáo ưu tú Đỗ Quang Đại - người có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đào tạo các thế hệ nghệ sĩ cho khu vực miền núi phía Bắc và tỉnh Thái Nguyên, luôn có ý thức truyền ngọn lửa đam mê âm nhạc cho các thế hệ học trò, góp phần phát triển bộ môn nghệ thuật ghi ta trong đời sống văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà và góp phần nâng cao chất lượng sống (về văn hóa) cho đông đảo những người yêu nghệ thuật tại địa phương.

Có thể thấy rất rõ, các nghệ sĩ âm nhạc đã trải qua những năm tháng hoạt động trong môi trường quân đội đều có chung một đặc điểm, một phẩm chất: sống hết mình, sáng tạo hết mình, vô tư, trong sáng cống hiến tài năng, trí tuệ và sức lực của mình cho phong trào văn nghệ, cho đời sống văn nghệ của quê hương Thái Nguyên. Tinh thần của người chiến sĩ luôn “hừng hực” trong từng tác phẩm âm nhạc của họ cho tới tận bây giờ.

  Lĩnh vực Mỹ thuật

Trong đội ngũ những họa sĩ của tỉnh Thái Nguyên, số lượng các họa sĩ - chiến sĩ chiếm tỷ lệ không nhiều so với các chuyên ngành nghệ thuật khác. Tuy nhiên, những họa sĩ - chiến sĩ này lại có những hoạt động đáng nể trọng. Họ là những họa sĩ tài hoa, đam mê sáng tạo nghệ thuật, và đã đạt được những thành tựu đáng được khẳng định trong suốt 50 năm qua.

Họa sĩ Nguyễn Văn Chính thuộc lớp họa sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp và đã ở trong môi trường quân đội một thời gian khá dài. Anh đã có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo ra nhiều thế hệ họa sĩ của khu vực Việt Bắc nói chung, của tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Bản thân anh đã có nhiều cống hiến cho quá trình hoạt động ngành Nghệ thuật - Hội họa Thái Nguyên kể từ sau năm 1975 tới nay. 

Họa sĩ Hoàng Báu thuộc lớp được đào tạo cơ bản (tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) và đã có thời gian sống, rèn luyện trong môi trường quân đội, trong anh luôn có sự hòa quyện đặc biệt giữa chất lính và chất nghệ sĩ (hội họa). Họa sĩ Lê Quang Thái có nhiều bức tranh đẹp, vừa giàu chất hiện thực, vừa đậm bản sắc dân tộc, vừa rực rỡ, tươi đẹp, vừa thâm trầm đầy chất suy tư. Họa sĩ Lê Thanh Sơn được biết đến với các bức tranh của mảng màu sắc hiện đại nhưng vừa giàu chất truyền thống và mang bản sắc dân tộc, miền núi. Họa sĩ Dương Tấn có nhiều tác phẩm hội họa đáng được trân trọng bởi vẻ đẹp của sự sáng tạo độc đáo của riêng anh.

Có thể thấy, các họa sĩ - chiến sĩ của Thái Nguyên đã tích cực “một cách thầm lặng”, truyền tải tư tưởng, tình cảm, cảm xúc và lòng đam mê cái đẹp... vào trong từng nét cọ, từng mảng màu, từng bố cục của các bức tranh. Họ đã âm thầm thể hiện lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về vẻ đẹp con người, vẻ đẹp phong cảnh mang đậm dấu ấn Thái Nguyên, dấu ấn miền núi trong từng bức vẽ của mình. “Chất lính” của họ được thể hiện trong các chủ đề của tranh trong cả quá trình đi thực tế tìm nguồn cảm hứng và trong tư tưởng nghệ thuật được toát ra từ các bức tranh mà các anh đã dành bao tâm huyết để tạo nên.

Lĩnh vực Sân khấu và nghệ thuật Múa

Đây là lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trực tiếp, là nơi các nghệ sĩ thể hiện rõ tài năng và tư tưởng nghệ thuật của mình. Lĩnh vực này cũng có khá nhiều các nghệ sĩ đã từng tham gia quân ngũ từ 3 cuộc kháng chiến của dân tộc (chống Pháp, chống Mỹ, chống Trung Quốc xâm lược). Và cho tới tận hôm nay, dù ở lứa tuổi đã cao (hoặc rất cao) họ vẫn cống hiến cho đời sống nghệ thuật của Thái Nguyên một cách hiệu quả và tích cực.

Người mà chúng tôi muốn nói tới để ghi nhận những thành tựu, những đóng góp to lớn của ông đối với lĩnh vực sân khấu và nghệ thuật múa của Thái Nguyên trong suốt hơn 50 năm qua, đó là NSND Lê Khình, người duy nhất của tỉnh Thái Nguyên được nhận giải thưởng vô cùng cao quý - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2023). NSND Lê Khình như một “cánh chim đại bàng” trong ngành Múa, đã thể hiện hết tài năng, sự sáng tạo cùng niềm đam mê biểu diễn, sưu tầm, sáng tác, đạo diễn... biết bao điệu múa đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa các tộc người Việt Bắc. Có thể nói: Trong suốt hơn 70 năm gắn bó với ngành Múa, đặc biệt trong 50 năm kể từ năm 1975 tới nay - NSND Lê Khình đã sáng tạo và cống hiến hết mình cho ngành nghệ thuật múa Vùng Việt Bắc nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Ông xứng đáng là “Cây đại thụ” trong ngành múa không chỉ của Thái Nguyên mà của cả khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.

Bên cạnh NSND Lê Khình, ngành Múa Thái Nguyên còn có 2 nghệ sĩ múa đã và đang hoạt động trong môi trường quân đội. Đó là NSƯT Vương Kết và NSƯT Nguyễn Ngọc Bái. Hai nghệ sĩ này đã gắn bó cả cuộc đời với Đoàn nghệ thuật quân đội (Quân khu I), đã cống hiến cho khán giả Thái Nguyên rất nhiều tiết mục đặc sắc, phản ánh cuộc sống, ý chí nghị lực và sức mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như những tình cảm sâu sắc, gắn bó giữa quân và dân, những vẻ đẹp của con người miền núi, của cuộc sống miền quê hương cách mạng Thái Nguyên.

Người nghệ sĩ dân tộc Tày “đặc biệt” - nhà viết kịch Mông Đông Vũ đã từng hoạt động trong quân ngũ 9 năm, trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Anh đã và đang cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp sân khấu nói riêng, sự nghiệp văn học nghệ thuật nói chung của quê hương Thái Nguyên của anh và của chúng ta.

Đó là NSƯT Nguyễn Văn Tiến, các NS Trần Yên Bình, Trần Quang Minh, Trịnh Dũng và Nguyễn Kiên Cường. Họ là những nghệ sĩ - chiến sĩ đã có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật sân khấu tỉnh Thái Nguyên trong suốt 50 năm qua. Họ đều là những nghệ sĩ tài năng, đam mê nghề và đã cống hiến hết mình cho đời sống nghệ thuật của tỉnh. Cho tới tận hôm nay, dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng các nghệ sĩ, chiến sĩ này vẫn hoạt động sôi nổi, vẫn sáng tạo, sáng tác và biểu diễn trong các phong trào văn nghệ quần chúng, trong các Câu lạc bộ nghệ thuật của thành phố, của tỉnh Thái Nguyên. Tinh thần chiến sĩ, trái tim nghệ sĩ đã tạo cho họ một lần nữa thể hiện tình yêu, một sự đam mê, một sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho cuộc sống trên ngay mảnh đất quê hương yêu quý của mình.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu sưu tầm văn học dân gian DTTS đã từng tham gia quân ngũ từ thời chống Pháp, chống Mỹ, như Hoàng Luận, Ma Đình Thu, Trần Bình Dưỡng, với năng khiếu bẩm sinh và lòng đam mê văn chương ở cả hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu, sưu tầm. Họ đã dành cả cuộc đời mình để theo đuổi con đường văn chương một cách không mệt mỏi, với sản phẩm là hàng chục cuốn sách. Những việc làm ấy, niềm đam mê ấy, sự khát vọng văn chương ấy của họ đó khiến chúng ta phải nể trọng và trân quý.

3. Trên đây là những phác thảo của chúng tôi về đội ngũ các văn nghệ sĩ - chiến sĩ của Thái Nguyên cùng những đóng góp, những cống hiến của họ đối với đời sống văn hóa nghệ thuật Thái Nguyên trong suốt 50 năm qua. Từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Nam Bắc sum họp một nhà, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: Chính đội ngũ các văn nghệ sĩ - chiến sĩ này đã có những đóng góp quan trọng cho đời sống văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Họ đã luôn mang trong mình phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, đã tích cực và đam mê sáng tác, sáng tạo, đã cống hiến hết mình để góp phần xây dựng một đời sống văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc trong tỉnh, suốt 50 năm qua. Trân trọng biết bao, sự đóng góp, sự cống hiến vô cùng ý nghĩa và mang nhiều giá trị lớn lao này của họ.

Trần Thị Việt Trung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy