Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:19 (GMT +7)

Những nông dân chế tạo máy

VNTN - Họ chưa bao giờ được học tập, nghiên cứu về chế tạo máy, hoặc nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà khoa học. Họ lặng lẽ “thai nghén”, tận dụng phế liệu để làm ra những chiếc máy giản đơn, nhiều tiện ích, giá thành không cao, nhưng thiết thực với cuộc sống con người - Đó là những nông dân hồn nhiên, chân chất đang sinh sống ở các làng quê của tỉnh Thái Nguyên. 


 

Ý tưởng từ nhìn vợ xay lúa

Sau nhiều năm nghiên cứu, sáng tạo, ông Lê Duy Bảo, 64 tuổi, người dân tộc Sán Dìu, xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) mạnh dạn mang chiếc máy bóc lạc của mình tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên. Chiếc máy được Ban Tổ chức trao giải, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Kể từ bấy giờ (2015), nhiều người dân trong vùng gọi ông là cha đẻ của cái máy bóc vỏ lạc cấp tỉnh.

Ông tâm sự: Đồng đất quê tôi phù hợp cho cây lạc phát triển. Hầu như nhà nào cũng trồng lạc, nhiều hộ 1 năm trồng 2 vụ lạc, thu hoạch được cả tấn. Gia đình tôi cũng là một trong những hộ trồng nhiều lạc. Lạc phơi khô bán cho tư thương. Để giá trị củ lạc cao hơn, nông dân chúng tôi tách vỏ bán lạc hạt. Vất vả, bụi bặm, cả ngày có khi bóc được vài cân mà đau nhức hết đầu ngón tay. Một lần vợ cằn nhằn: Ngày mai “người ta” đến nhận lạc hạt, tôi không bóc được, vì tối qua bị vỏ lạc làm chảy máu.

Sinh ra trên đồng đất có bạt ngàn ruộng lạc. Từ tấm bé đi chăn trâu, cắt cỏ bên ruộng lạc, đêm ngủ cũng ngửi thấy cái mùi hoai nồng cây lạc. Ông còn nhớ những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, năm nào gia đình ông cũng nhận lạc của hợp tác xã về nhà bóc lấy công điểm. Cả nhà, ban ngày đi làm đồng, tối thắp đèn, tranh thủ ngồi bóc lạc. Hạt chắc mang giao lại cho hợp tác xã, hạt lép, hạt kẹ để lại, rang với muối trắng, hoặc giã nhỏ chưng lên ăn với cơm. Công việc bóc lạc không nặng nhọc như gánh phân, cuốc đất, nhưng bụi và đau các ngón tay. Cũng từ bấy giờ ông đã suy nghĩ và thử nhiều cách để bóc được nhiều lạc nhất. Ví như việc ông trải lạc ra đất, rồi lấy mảnh gỗ vuông chà sát làm củ lạc vỡ ra. Cách làm này làm vỡ được vỏ, song tỷ lệ lạc hạt bị vỡ đôi nhiều nên phải quay trở lại cách bóc tay truyền thống.

Một lần nhìn vợ xay lúa, ông nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc máy bóc lạc dựa trên nguyên lý vận hành của chiếc cối xay. Nghĩ là làm, nhiều hôm ông ngồi bên chiếc cối xay, xoay qua, xoay lại tìm hiểu xem tại sao khi vỡ thóc, tách được mảnh chấu nhưng hạt gạo lại lành. Việc vận vào người, nhiều đêm ông không chợp được mắt vì nghĩ đến cái thớt trên, thớt dưới của chiếc cối xay. Một đêm ông thở phào vì tìm ra được nút thắt của vấn đề. Ông lấy giấy bút, nằm bò ra nền nhà và bắt đầu vẽ bản thiết kế đầu tiên cho chiếc máy bóc vỏ lạc. Ngay từ ban đầu thực hiện ý tưởng, ông đã nghĩ đến việc là phải làm ra chiếc máy gọn, nhẹ, thuận lợi cho việc di chuyển.

Ông Lê Duy Bảo với chiếc máy bóc vỏ lạc quay tay.

Để tôi hiểu hơn về nguyên lý hoạt động của chiếc máy bóc vỏ lạc, ông lấy trên nóc tủ một cuộn giấy, rồi trải ra giữa nhà, chỉ cho tôi xem từng bộ phận của “động cơ”, về nguyên vật liệu ông tận dụng bằng gỗ tạp, thép phế. Ông cho biết: Các bộ phận lu trong, lu ngoài của máy đều quay cùng một trục. Lu trong có chớp vuông đóng xung quanh một thớt gỗ tròn, chớp cách nhau từ 1,7 đến 3cm, nhờ đó củ lạc chưa vỡ sẽ chờ quay vòng sau. Lu trong và lu ngoài có một khoảng cách nhất định, dễ điều chỉnh để ép củ lạc tách được vỏ mà không bị vỡ hạt.

Ông kéo tôi ra khoảng sân cạnh nhà, lấy lạc củ đổ vào máng và vận hành “trình diễn” hoạt động máy. Hết sức giản đơn, tiện lợi mà hạt ra cửa hạt, vỏ ra cửa vỏ. Với chiếc máy bóc vỏ lạc quay tay, 1 người bóc được 25 kg lạc/ngày, tương đương với sức lao động của 25 nhân công. Ông thở phào: Để “xuất xưởng” chiếc máy bóc lạc này đến tay nông dân trong vùng, tôi mất gần 20 năm đóng vào, phá ra, lại đóng vào kê chỉnh từng chi tiết máy, để khi hạt lạc trong máy chảy ra ngoài có tỉ lệ hạt lành đạt gần như tuyệt đối.

Sau thành công của chiếc máy bóc vỏ lạc quay tay, ông tiếp tục cải tiến, lắp đặt thêm bộ phận cơ truyền lực. Vật tư lắp đặt máy gồm vành xe đạp cũ và dây cu - roa được mua từ cơ sở thu gom thép phế. Ông cho biết: Máy bóc vỏ lạc chạy động cơ điện trong 1 giờ cho ra 7.500kg sản phẩm, cao gấp 300 lần máy bóc vỏ lạc quay tay. Nhưng hiện tôi vẫn lắp đặt cả 2 loại máy này để phục vụ nhu cầu của nông dân.

Để giảm chi phí cho hạt thóc

Gần tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng ông Nguyễn Hữu Luật, xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương) còn vạm vỡ, da thịt săn chắc. Ông là “cha đẻ”, nói đúng hơn thì ông là người nông dân đã tận dụng vật liệu từ những xe mô tô hỏng, lắp đặt được chiếc máy cày tay gọn, nhẹ, dễ vận chuyển qua các khu đồng cao, thấp, thậm chí là cày lật được đất ở cả những góc hẹp tại chân ruộng khó.

Vì cha mẹ nghèo, học hết lớp 7 ông phải nghỉ ở nhà giúp đỡ bố mẹ làm lụng đồng áng, nuôi các em ăn học. 18 tuổi ông nhập ngũ, liên miên trận mạc 10 năm (1966-1975), rồi trở về chốn sinh thành, lòng mang đầy nhiệt huyết của một người từng trải. Mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống, ông thường nói với mọi người: Tôi là người may mắn hơn rất nhiều đồng đội, được lành lặn trở về, nên tôi phải sống và làm thật nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội.

Chuyện ông Luật, nhiều bà con cho biết: Ông Luật là một nông dân năng động, sống gương mẫu, tích cực giúp đỡ bà con chòm xóm và là người sáng dạ, có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất, như việc ông làm được cái máy cày đất thay trâu. Ông Luật kể: Năm 2 vụ lúa, thì cả 2 vụ đều phải thuê người cày. Cày trâu hay cày máy cũng mất hơn 200.000 đồng tiền công/sào. Với suy nghĩ phải làm gì để giảm bớt chi phí cho hạt thóc, tôi nghĩ đến việc tự mình lắp ráp chiếc máy cày theo ý mình.

Nhưng để chế tạo ra chiếc máy cày như ý tưởng, ông phải mất gần nửa năm tìm đọc các tài liệu liên quan đến nguyên lý, cơ chế hoạt động của máy móc. Rồi bảo vợ bán thóc, lấy tiền đi mua máy hàn, máy cắt, máy khoan sắt, vật liệu làm khung máy. Bộ đồ nổ được ông lấy từ chiếc xe mô tô cũ bỏ đi. Ông cho biết: Khó nhất là việc chế hộp số, bộ côn rời và gia công lại các bánh răng để làm chậm lại vòng tua, tạo lực cho máy. Vừa lắp ráp, vừa chạy thử nghiệm, sau gần 1 năm máy mới bảo đảm được các thông số kỹ thuật. Bà con đến xem, thấy máy chạy phăm phăm, thẳng đường cày, nhiều người phấn chấn đặt làm máy cho gia đình.

Ông Nguyễn Hữu Luật cùng chiếc máy cày tự lắp ráp.

Ông hạch toán cho chúng tôi: Chi phí để làm ra một chiếc máy cày này hết 5 triệu đồng. Máy có công suất bằng… 8 sức người. Máy chạy êm, có sức kéo tốt, thân máy gọn, nhẹ, thuận lợi cho việc cày đất. Hơn thế, nhiên liệu sử dụng chỉ mất 1 lít xăng cho 1,5 sào ruộng. Hiện tôi đang tiếp tục cải tiến thêm một số chi tiết máy để có thể cày lật đất ở chân ruộng thụt, đồng thời tiết kiệm được nhiều nhiên liệu hơn.

Thêm một người có cơ hội được sống

Ông Nguyễn Hữu Mùi, 59 tuổi, tổ 21, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) đã chế tạo thành công chiếc máy trợ thở gọn, nhẹ, bền, rẻ phục vụ người bệnh. Ông là một nông dân thuần hậu, chất phác. Ông sinh sống bằng nghề gò, hàn và sửa chữa nông cụ phục vụ nông dân trong vùng.

Cuộc sống riêng chẳng mấy dư dả, nhưng ông luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Ông là người đam mê sáng tạo, thích cải tiến các chi tiết máy móc, nông cụ. Nhiều nông dân khi mang máy cày, máy bừa, máy vò chè, sấy chè đến sửa, ông giúp họ thay thế một số chi tiết máy mà không lấy thêm tiền công, song chất lượng máy tốt hơn, sản phẩm làm ra chất lượng hơn.

Tháng 6/2011, vào bệnh viện thăm ông Nguyễn Ngọc Lăng, tổ 1, phường Trung Thành nằm điều trị dài ngày. Ông Lăng bị liệt cơ thở, nên mỗi lần về thăm nhà phải có 2 người phục vụ, 1 người đẩy xe và 1 người bóp bóng hỗ trợ thở. Thấy vậy, ông Mùi bảo: Để tôi làm giúp cho ông cái máy hỗ trợ thở. Như thế, vợ, con ông sẽ không phải dùng đôi tay bóp bóng nữa.

Bạo miệng như thế, nhưng ông lo lắng, lỡ máy mình làm bị lỗi kỹ thuật thì cướp đi mạng sống con người. Do vậy ông cẩn thận đi hỏi người bạn làm bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu về cơ chế thở, đường thở, nhịp tim mạch, số lần thở ra, hít vào/phút... Về nhà, trằn trọc không chợp được mắt, ông trở dậy lấy que đóm chấm vào chén nước trà và phác thảo chiếc máy hỗ trợ thở ra bàn. Thỉnh thoảng ông lại kéo hơi thuốc lào dài thượt, ngửa cổ nhả khói lên trời. Cho tới lúc con gà gáy gọi ngày, cũng là lúc ông tìm ra lời giải về chống nhiễm khuẩn hô hấp cho người bệnh khi sử dụng máy hỗ trợ thở. Ông bảo: “Tôi áp dụng lọc khí theo nguyên lý lọc khói qua nước của điếu cày”.

Để có linh kiện lắp ráp thành chiếc máy hỗ trợ thở, ông đến các điểm thu mua sắt thép phế, bới tìm, mua lại những động cơ điện, bộ điều tốc, bánh răng, trục khuỷu, pu li, xích... riêng bóng nhựa ép đẩy khí được mua ở cửa hàng cung cấp thiết bị y tế. Sau nhiều lần lắp vào, tháo ra, kê chỉnh để nhịp máy tương thích với nhịp thở của người bệnh. Ông mới dám giao máy cho bệnh nhân sử dụng. Bà Tô Thị Nga, vợ ông Lăng cho biết: Nhờ có máy trợ thở do ông Mùi làm, chồng tôi được về điều trị ngoại trú tại nhà. Hằng ngày, mọi người trong gia đình không phải thay nhau vào bệnh viện. Tôi cũng có nhiều thời gian nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa và ra vườn trồng rau.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến nhà ông Mùi đặt làm máy trợ thở, trong đó có anh Chu Hải Anh, tổ 25, phường Hoàng Văn Thụ. Hải Anh kể: Chỉ sau 1 tuần đặt mua máy, với giá 4,5 triệu đồng, gia đình tôi đã nhận được chiếc máy như ý do ông Mùi chế tạo, để cho bố tôi sử dụng. Ông Mùi cho biết: Mỗi người đều có nhịp thở khác nhau, nên từng máy đều phải có vận tốc khác nhau. Phải bảo đảm nguyên tắc việc máy vận hành giống như hoạt động của lá phổi người. Sau 30 ngày trực tiếp theo dõi bệnh nhân là ông Chu Hồng Việt thở bằng máy bóp bóng tự chế, thấy bảo đảm an toàn tuyệt đối, bác sĩ Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên mới gật đầu, xác nhận: Máy bảo đảm thông số kỹ thuật, an toàn, nhất trí cho bệnh nhân về nhà điều trị.

Ông Nguyễn Hữu Mùi lắp ráp chiếc máy hỗ trợ thở cho người bệnh.

Đến nay, đã có gần 10 trường hợp sử dụng máy hỗ trợ thở do ông Mùi lắp ráp, 100% số máy đều bảo đảm các thông số kỹ thuật, và chính xác theo nhịp thở của từng người bệnh. Ông Mùi tâm sự: Tôi làm chiếc máy hỗ trợ thở là để cứu người, giúp đời, chứ không mảy may toan tính hơn thiệt. Vì mỗi chiếc máy hỗ trợ thở của tôi làm ra, đồng nghĩa với việc có thêm một người được tiếp tục sống.

Tôi hiểu, con người ta sinh ra ở đời, dù lâm vào hoàn cảnh nào cũng khao khát được sống. Ông Mùi, ông Bảo, ông Luật và rất nhiều nông dân Việt Nam chưa từng học chế tạo máy, chưa từng được tham gia các dự án tiền tỉ của Nhà nước về chế tạo máy, cải tiến thiết bị máy móc hoặc được nhận tiền hỗ trợ cho “công trình” của mình. Nhưng họ không ngừng sáng tạo, và đã sáng tạo thành công những chiếc máy mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống con người. Với một suy nghĩ rất chân thành: Được mang lại cơ hội sống cho một ai đó, hoặc để người nông dân bớt đổ mồ hôi trên những ruộng cày.

Những người nông dân sáng chế, họ thật phi thường!

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước