Những người kề vai giữ đảo
VNTN - Thi thoảng, những cuộc gọi, tin nhắn của các bạn nơi đảo xa mà tôi có cơ duyên kết nối trong chuyến hải trình Tây Nam gần cả năm trước lại ùa về, cởi mở và thân thương. Ở phía cực Nam ấy, có những người lính xa quê coi đảo là nhà, xem người dân như ruột thịt. Còn những người dân di trú, bao năm qua đã vững tin, nặng lòng với từng tấc đất và cả những cơn sóng cả…
Tàu vận tải quân sự 632 thuộc Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân chở đoàn công tác vừa cập đảo Nam Du. Chúng tôi được những người dân làm nghề chạy xe máy thồ ở khu vực cầu cảng ân cần: Các anh trên trạm (tức Trạm radar 600 thuộc Tiểu đoàn 511 Vùng 5 Hải quân) dặn chúng tôi chờ đây để đón khách quý. Chở các anh chị chúng tôi không lấy tiền đâu.
Gần 5 km từ cầu cảng lên trạm radar đường dốc vừa dài, vừa đứng rất nguy hiểm nên chỉ có dân địa phương mới có thể “chế ngự”. Vũ Văn Dũng là một trong số những tay lái “nhận nhiệm vụ” đưa các thành viên đoàn công tác lên trạm. Ngữ âm đặc trưng khiến tôi nhận ra ngay anh là người Thanh Hóa, Dũng cười bảo “xa quê lâu lắm rồi (gần 20 năm), ở Nam Du cũng đã 14 năm, toàn người Nam bộ mà coi ra mình vẫn chưa hề… “mất gốc””. Biết chị phóng viên ngồi sau xe mình là người Huế, Dũng mừng rỡ như gặp được người quen. Anh hào hứng kể chuyện 20 năm trước đã từng đến Huế ôn thi đại học. Thời gian lưu lại không dài nhưng nhớ Huế, hình ảnh cầu Trường Tiền từ trong ký ức theo mãi tới tận bây giờ. Sau một vòng đưa chúng tôi tới từng thắng cảnh khám phá đảo nhỏ, tận tình giới thiệu từng chi tiết, kể “gốc tích” của từng con đường ôm quanh đảo với vẻ tự hào, thân thương, cùng nhau ngồi ngắm biển từ không gian quán cà phê nghỉ dưỡng của một khu du lịch, lúc này tôi mới hay Dũng là giáo viên dạy môn địa lý tại Trường THCS An Sơn trên đảo Nam Du.
Đại úy Đinh Văn Phong, trưởng Trạm radar 600 đang trò chuyện với phóng viên
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang (2004), Dũng nộp hồ sơ xin việc lên Sở Giáo dục và được phân ra đảo từ đó đến nay. Ngày ấy điện sáng ở đảo chạy máy phát, mỗi ngày chỉ được mấy tiếng. Mỗi năm vài ba tháng thiếu nước ngọt vào mùa khô; giáo viên ở nhà tập thể mái tôn tạm bợ và chật trội. Đảo chưa có đường sá, đi bộ phải xắn quần vì bùn lầy lội… Khó khăn, buồn tẻ là thế, song anh đã dần chấp nhận rồi yêu đảo lúc nào chẳng hay. Vợ và hai con ở Kiên Giang, bây giờ việc ra vào đất liền không còn khó khăn như trước nữa nên mỗi tháng anh cũng tranh thủ về thăm nhà được một, vài lần. Khoảng 3 năm nay có đường quanh đảo, du lịch phát triển mạnh, đời sống nhộn nhịp; ngoài thời gian dạy học, ngày cuối tuần anh chạy xe ôm chở khách du lịch, thêm thắt mỗi tháng 2 - 3 triệu đồng. Đời sống vật chất, tinh thần đã được chăm lo hơn trước, không còn cảnh thiếu điện, thiếu nước, những gian nhà tập thể lụp xụp trước đây đã được xây mới khang trang rộng rãi; những đứa trẻ khát khao đi tìm con chữ đã thôi thúc, dưỡng nuôi tình cảm trong anh, để anh đối diện với nỗi cô đơn xa gia đình, với sóng gió nơi này mà vững tâm gắn bó.
Trường THCS An Sơn nơi Dũng công tác kết nghĩa với trạm radar, từ lâu anh chị em giáo viên và bộ đội hải quân trạm coi nhau như người nhà. Trong niềm vui hội ngộ với chúng tôi, đại úy Đinh Văn Phong, trưởng Trạm radar 600 (Tiểu đoàn 511 Vùng 5 Hải quân) bộc bạch rằng, từng người dân, từng lối đi, con đường, bãi biển thân thuộc nơi đây chính là động lực để các anh vững lòng, sẵn sàng bám trụ giữ đảo. Đại úy Phong và anh Dũng nhắc nhớ câu chuyện cách đây 4 năm, quân và dân cùng “ngược xuôi” để giành giật sự sống cho một đứa trẻ. Cô bé 9 tuổi đang học lớp 4, chập tối bỗng dưng bị ngất xỉu. Được cấp cứu ở trạm y tế đảo, bé tỉnh lại, nhưng khi về nhà lại lịm dần. Gia đình lo lắng đến hoảng loạn. Y sĩ quân y của trạm radar được huy động tới để ứng cứu. Trong tình cảnh ngặt nghèo, anh Phong gọi điện cho tất cả chủ tàu bè nhờ giúp đỡ, nhưng biển động dữ dội không tàu nào đi được. Gần 3 giờ sáng, sóng dịu hơn một chút mới có ghe nhận chuyển cháu bé vào đất liền. Y sĩ quân y của trạm và một số cô giáo được cử đi cùng.
Thầy giáo Vũ Văn Dũng trong hành trình chở khách khám phá đảo ngọc Nam Du
Nhưng vừa bước chân lên ghe các cô giáo đã say sóng, chẳng còn sức lực. Không chần chừ, anh Phong và một số đồng đội đã đích thân hộ tống, đưa cháu bé rời đảo Nam Du. 7 giờ lênh đênh vượt sóng chiếc ghe mới đến được Rạch Giá (10h sáng hôm sau). Cháu bé được chuyển ngay đến Bệnh viện Kiên Giang, rồi chuyển tuyến lên TP. Hồ Chí Minh cứu chữa và dần bình phục. Sự sống của cháu bé 9 tuổi được hồi sinh là hạnh phúc không chỉ riêng với gia đình em, mà còn là niềm vui không đong đếm của các anh. Nhắc chuyện cũ, mắt anh Dũng ánh vui, giữa lằn ranh sinh tử như thế, quân với dân đã thực sự thấu hiểu và gắn bó.
Từ Phú Quốc ra đảo nhận nhiệm vụ tới nay đã mười năm, trải qua những ngày khó khăn thiếu thốn cùng dân, thứ mà anh Phong và đồng đội nhận được là niềm tin tưởng rất mực của nhân dân. Dân thiếu gì, cần gì thường chạy lên trạm nhờ bộ đội hải quân, bởi bà con hiểu lúc nào các anh cũng sẵn sàng hết lòng giúp đỡ. Nhớ lần khác có một bà cụ lớn tuổi bị tai biến, y sĩ quân y của trạm liền theo ghe vượt biển vào đất liền, chăm sóc bà trên đường đi. Nhưng mới chạy được phần ba quãng đường thì bà cụ qua đời. Các anh lại chung tay lo hậu sự cho người đã khuất.
Nam Du giờ đây có hơn 2 nghìn hộ dân với gần 10 nghìn nhân khẩu. Mỗi dịp Tết đến xuân về, bà con thường tập trung trước khoảng sân của trạm, cùng các cán bộ chiến sĩ gói bánh chưng, bánh tét. 25 năm gắn bó với Nam Du, đại úy Tôn Văn Tuấn chia sẻ cảm xúc tự hào và ấm áp: Dù có nhiều khó khăn song nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng tôi là vô cùng thiêng liêng và vinh dự. Chúng tôi đã cống hiến tuổi thanh xuân gìn giữ cho những đảo ngọc ngày càng xinh đẹp, trù phú, là đất lành cho người dân tìm đến, ở lại gắn bó. Từ những lối đi lầy lội, lính đảo và người dân đã cùng nhau đổ bê tông, làm đường nhỏ để có thể chạy được xe máy... Cùng nhau chia sẻ khó khăn và cả những niềm vui, nhân dân chính là những người kề vai cùng lực lượng hải quân, biên phòng giữ đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
***
Phải tăng bo bằng xuồng để vào đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), từ xa đã trông thấy những nếp nhà lá, nhà mái tôn san sát bên những vách đá dựng đứng ven biển. 54 hộ dân với 177 nhân khẩu trên đảo chủ yếu sống bằng nghề đi biển. Ở đây có 1 tổ dân cư tự quản, Trạm radar 615 (Tiểu đoàn 551 Vùng 5 Hải quân), Đồn biên phòng 704, trạm hải đăng. Điều khiến tôi ngạc nhiên khi leo lên đỉnh núi (nơi đặt Trạm radar) chính là không khí khá tĩnh lặng và thưa vắng người. Những căn nhà khi nãy trông thấy từ biển kia đều bị bỏ trống. Đường lên trạm thưa thớt vài ngôi nhà nép mình ven đường. Mời chúng tôi uống nước nghỉ mệt trên chiếc lán kê ngoài hiên, anh Hồ Tấn Hiệp phân trần: cư dân trên đảo Hòn Chuối sống theo mùa gió, một năm phải dời nơi ở hai lần. Từ tháng 4 đến tháng 9 là mùa gió Nam, người dân sống ở gành Nam phải di chuyển sang gành Chướng ở để tránh sóng và gió. Còn từ tháng 10 đến tháng 3 là mùa gió chướng thì dân lại phải quay trở về gành Nam. Giáp tết là mùa gió chướng nên gành Chướng này chỉ thấy nhà trống thôi, dân tập trung ở gành Nam và đón tết ở đó”.
Những đứa trẻ trên đảo Hòn Chuối
Từ Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau ra đảo đã 17 năm, chọn gắn bó với đất đảo chỉ toàn sỏi đá, vợ chồng anh Hiệp trồng cây ăn trái, là xoài, cam mang về đất liền bán. Về sau người dân rủ nhau nuôi cá bè, anh Hiệp mạnh dạn đầu tư nuôi cá bớp. Mỗi lứa trúng mùa anh bán 4 - 5 tấn cá, trọng lượng bình quân 6 - 7 kg/con; giá thấp cũng 90 nghìn đồng/kg, cao có khi lên tới 160 nghìn đồng/kg. Nhờ thế mà đời sống gia đình anh cũng như các hộ dân trên đảo dần ổn định. Chỉ có điều mỗi năm hai lần sống cảnh “chạy gió”. Dời nhà và phải dời cả bè cá, rất khó khăn và tốn kém, nhưng nếu để một chỗ sẽ mất hết. Anh Hiệp hóm hỉnh: Nhiều khi thấy vui với ý nghĩ ai ở đảo cũng có đến hai nhà. Trước kia, cứ mỗi lần dời từ gành này sang gành kia là chúng tôi phải tháo dỡ toàn bộ để dựng lại, rất mất công mất sức, vừa ổn định vài tháng thì lại “chạy” tiếp.
Sau thấy cực quá, đành nghĩ cách dựng luôn hai cái nhà, mỗi lần di chuyển chỉ sửa soạn, dọn dẹp một buổi là xong. Quen vậy rồi lại thấy hay, có dân đồng nghĩa ranh giới chủ quyền được bảo vệ, chúng tôi đã nghĩ vậy để kiên trì bám đảo, gắng gỏi vượt khó khăn cùng các lính đảo từ bấy đến giờ.
Quen với mùa gió “tới hẹn lại lên”, nếu nhà nào chưa kịp di chuyển khi gió về là các cán bộ, chiến sĩ hải quân trên trạm, ở Đồn biên phòng sẽ thông báo, rồi hướng dẫn, giúp đỡ họ di chuyển. “Các chú nhiệt tình, hăng hái, giúp dân không nề hà chi hết. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng tình quân dân ấm áp. Tết nào bà con cũng rủ nhau lên trạm cùng ăn Tết, vui vẻ lắm.” - anh Hiệp vui vẻ nói thêm.
***
Trước khi thực hiện nhiệm vụ, tôi được nhiều đồng nghiệp động viên rằng, đi tuyến đảo Tây Nam khỏe như đi du lịch. Dẫu vậy, chưa đi lần nào thì lòng dạ vẫn cứ phấp phỏng, song đi rồi mới thấy mê thật. Mê không phải vì khỏe như đi du lịch (vì vẫn cồn cào, biêng liêng), không chỉ bởi cảnh đẹp hút hồn của những đảo ngọc Nam Du, Hòn Đốc, mà còn bởi hải trình ấy đã cho tôi được sống trong vòng tay bè bạn, được trải nghiệm những buồn vui và cả những nỗi trăn trở về thân phận. Nhưng trên hết là mê cái thứ tình cảm nồng đượm của những người đang ngày đêm giữ đảo, giữ biển bằng tình yêu vô điều kiện. Những người lính hải quân vì nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc mà rời xa gia đình, những ngư dân vì “yêu đất nước mình” mà bám biển, bám đảo…
Những cuộc trò chuyện lẫn nghe tiếng sóng, bỗng thấy biển đảo Tây Nam xa xôi đang rất gần…!.
Lê Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...