Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
23:07 (GMT +7)

Những góc độ tiếp cận mới trong luận giải mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ (từ năm 1986 đến nay)

VNTN - Lý luận đổi mới đã xác định nguyên tắc: “Tự do của người nghệ sĩ phải đi cùng với tuân thủ luật pháp, tự do gắn liền với trách nhiệm của công dân với cộng đồng dân tộc. Không có tự do vượt lên luật pháp, vượt lên quyền dân chủ và quyền con người”. Và chỉ có trên nguyên tắc này, vấn đề tự do dân chủ mới tránh được sự lạm dụng, đời sống văn hóa, văn nghệ mới được quản lý một cách khoa học và hợp lý.


Quan niệm về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị trước năm 1986

Nền văn nghệ Việt Nam thế kỷ XX là nền văn nghệ gắn bó mật thiết với đời sống chính trị của dân tộc. Xu hướng dân tộc, dân chủ mà nổi bật nhất là dân chủ vô sản hay gọi là dân chủ xã hội chủ nghĩa là trào lưu cách mạng to lớn, có sức ảnh hưởng, thu hút mạnh mẽ đối với hàng trăm dân tộc, hàng triệu triệu người trên thế giới. Trong dòng chảy của thời đại, văn nghệ Việt Nam hiện đại đã theo sát và phản ánh tinh thần dân tộc và dân chủ theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, tham gia tích cực vào quá trình vận động chính trị của dân tộc trong suốt hành trình thế kỷ XX. Đây là một nền văn nghệ thiên về biểu hiện những tình cảm chính trị nhiệt thành.

Với Đề cương văn hóa Việt Nam soạn thảo năm 1943, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam công bố quan niệm của mình về văn hóa theo quan điểm Mác-xít, văn hóa được xác định là một trong ba mặt trận (cùng với mặt trận chính trị và kinh tế), sự thắng lợi của cách mạng chính trị là cơ sở đảm bảo thành công của cách mạng văn hóa. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 trở đi, ở Việt Nam quan niệm về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị được quán triệt tinh thần: “Chính trị lãnh đạo văn nghệ và văn nghệ phục vụ chính trị” (1).

Trong Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ (25/5/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”(2). Quan điểm văn nghệ gắn liền chính trị còn được Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951: “Văn hóa văn nghệ là một mặt trận/ Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ phục vụ kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh. Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết.

Tính nhất quán trong quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa văn nghệ là coi văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, phải ở trong kinh tế và chính trị. Văn nghệ phải mang tính tư tưởng, tính chiến đấu cao, nghệ sĩ phải: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” (Sóng Hồng). Trên tinh thần ấy, tác phẩm của các nhà văn đi theo kháng chiến không thể không đặt lên hàng đầu yêu cầu tuyên truyền chính trị trực tiếp và tức thời.

Đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tư tưởng chỉ đạo này càng được quán triệt hơn. Văn nghệ lúc này luôn luôn bám sát tình hình thời sự và các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng để phản ánh hiện thực cách mạng. Trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng, nội dung có lợi cho cộng đồng, có lợi cho việc cổ vũ đấu tranh cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước được coi là phẩm chất chính trị quan trọng của văn học, và tất nhiên đây cũng là tiêu chí hàng đầu để xem xét và định giá mỗi tác phẩm nghệ thuật.

Trải qua suốt ba chục năm kháng chiến trường kỳ, định hướng văn nghệ gắn liền với chính trị, là “công cụ” phục vụ chính trị đã khiến văn nghệ nhiệt tình nhập cuộc vào cơn lốc cách mạng của dân tộc, góp phần không nhỏ trong việc huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân. Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước, quan điểm đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi đúng nguyên tắc văn nghệ chịu sự quản lý của chính trị để phục vụ xã hội, phục vụ con người. Đó là một quan điểm tiến bộ về văn nghệ của nhân loại đã có từ thời cổ xưa và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong tình thế của cuộc sống, định hướng cách mạng nhằm vào sự nghiệp giải phóng dân tộc đòi hỏi văn nghệ cần nghiêng hẳn về chức năng “vũ khí” - về hệ tư tưởng, đây là biểu hiện của quy luật thống nhất giữa văn nghệ và chính trị, giữa nghệ thuật chân chính và chính trị chân chính.

Tuy nhiên, sau 1975, lịch sử dân tộc đã sang trang, vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị cũng cần phải xem xét lại. Bởi vì, trong quá trình vận dụng nguyên tắc văn nghệ chịu sự quản lý của chính trị để phục vụ kháng chiến đã nảy sinh không ít những quan điểm cực đoan, hiểu không đúng về vấn đề này, khiến cụm từ “văn học là công cụ phục vụ chính trị” gây nhiều khó khăn, cản trở sự phát triển của văn học nghệ thuật nói chung và lý luận văn học nói riêng.

Những nhận thức mới xung quanh mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị sau năm 1986 đến nay 

Lý luận về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị có ý nghĩa then chốt, nếu vấn đề không được nhìn nhận một cách biện chứng, khách quan, toàn diện sẽ làm lệch lạc các nguyên lý lý luận khác. Song, nếu vấn đề được luận giải khoa học, phù hợp tinh thần thời đại mới thì sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều giới hạn của đời sống văn học đương đại. Chính vì vậy ngay từ ngày đầu Đổi mới, vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị đã thu hút sự quan tâm của nhiều văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý xã hội. Xuất hiện ý kiến ban đầu bàn về vấn đề “nhạy cảm” này là của các nhà nghiên cứu Hồ Ngọc, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Đăng Mạnh, Lữ Phương, Lại Nguyên Ân... Trong không khí thực sự dân chủ, cởi mở, hàng loạt các vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị đã được xem xét lại. Nhiều nhà nghiên cứu lý luận và văn nghệ sĩ thống nhất ý kiến: “Cần xác định lại cho đúng mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị cả về mặt nhận thức, quan niệm, cả về mặt tổ chức lãnh đạo và quản lý văn nghệ(3).

Trước hết các ý kiến tập trung phê phán quan niệm đồng nhất văn nghệ và chính trị, sự chi phối thái quá của chính trị đối với văn nghệ: “Thời gian qua, xu hướng đồng nhất lại là xu hướng chủ đạo. Chính trị cần tuyên truyền thì đẻ ra văn nghệ minh họa (…) Cũng vì đồng nhất như thế nên văn nghệ không đào sâu vào phương diện nhân cách, chỉ chú ý nói công đức mà quên tư đức”(4). Các nhà nghiên cứu cho rằng việc đồng nhất văn nghệ với chính trị đã không những làm yếu văn nghệ, mà còn làm yếu chung sự nghiệp cách mạng. Biểu hiện cụ thể là “chính trị nói gì, văn nghệ ca hát theo nấy”(5). Do phụ thuộc vào chính trị nên nghệ thuật luôn bị biến thành “công cụ” giải thích và tuyên truyền cho công tác vận động chính trị. Lấy lý thuyết thay cho hình tượng, lấy tiếng nói của nguyên tắc, của lý trí thay cho tiếng nói xuất phát từ tâm hồn, tình cảm, coi thường quy luật đặc thù và đặc tính vốn có của văn học nghệ thuật. Quan điểm phiến diện, sai lầm trên là cơ sở nảy sinh thái độ ứng xử thiếu công bằng, khách quan với văn học nghệ thuật, khiến văn học nghệ thuật không còn được là chính nó.

Cùng với vấn đề trên, tư duy lý luận đổi mới còn đào sâu nhận thức về quan hệ giữa ý thức chính trị và ý thức nghệ thuật, đặc biệt phân biệt rõ bản chất đặc thù của mỗi hình thái.

Theo triết học Mác-xít, văn nghệ, khoa học cũng như chính trị,... là các hình thái ý thức xã hội. Chúng có những chức năng và hình thức biểu hiện riêng biệt, có quan hệ tương tác với nhau chứ không lệ thuộc vào nhau. “Văn học không phải là “thị tỳ” của chính trị. Vẫn biết rằng chính trị vẫn nhận lấy cái sứ mạng hướng dẫn văn học” (Đặng Thai Mai). Song, dường như trước Đổi mới, điều này đã bị lãng quên bởi bao trùm lên đời sống xã hội trước Đổi mới là hiện tượng chính trị hóa các hình thái ý thức xã hội, kể cả văn nghệ. Mọi giá trị nghệ thuật đều được đo bằng tư tưởng, lập trường chính trị.

Đến Đổi mới, tư duy lý luận nhận thức đầy đủ hơn về quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Đây “là hai hình thái độc lập, tuy có quan hệ tác động qua lại chặt chẽ, nhưng giữa chúng chỉ có tính thống nhất, chứ không có tính đồng nhất, như một số người đã quan niệm”(6). Lê Ngọc Trà trong bài viết gây nhiều tranh luận với nhan đề Văn nghệ và chính trị đã phân biệt hai vấn đề: a/ Quan hệ giữa văn nghệ và một chế độ chính trị cụ thể; b/ Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị như hai lĩnh vực của hình thái ý thức. Một mặt ông vẫn thừa nhận rằng văn nghệ chính thống của một xã hội bao giờ cũng phục tùng, phục vụ những nền tảng, những yêu cầu của việc xây dựng và củng cố chế độ ấy - đó là quy luật. Nhưng mặt khác, ông đặt vấn đề nếu coi văn nghệ và chính trị là hai hình thái ý thức xã hội thì:

“Nói văn nghệ phục vụ chính trị là không chính xác. Ở đây chính trị và văn nghệ là hai hình thái ý thức xã hội có nội dung riêng, có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng tồn tại độc lập. Ý thức nghệ thuật không phải là sản phẩm hay nội dung đặc biệt của ý thức chính trị mà là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, phát triển song song với ý thức chính trị và các kiểu ý thức khác”.(7)

Lê Ngọc Trà nhấn mạnh hai hình thái ý thức xã hội này bình đẳng với nhau trong việc thực hiện vai trò đối với xã hội, ông cho rằng ý thức chính trị và ý thức văn nghệ là những người bạn đồng hành trên con đường nhân loại đi tìm hạnh phúc. Tiếng nói chính trị và tiếng nói nghệ thuật bổ sung cho nhau, làm thăng bằng đời sống tinh thần của xã hội, chúng có đặc thù tư duy khác nhau, đối tượng phản ánh khác nhau,... cần thừa nhận sự độc lập cho văn nghệ vì ý thức văn nghệ có nội dung riêng, là tiếng nói về số phận con người, là câu chuyện về đời người, nó không vì chính trị, đạo đức hay cái gì khác ngoài nó.

Nhiều nhà nghiên cứu khác như Nguyên Ngọc, Hồ Ngọc, Phong Lê, Nguyễn Đăng Mạnh,… cũng đồng quan điểm với Lê Ngọc Trà. Trong bài viết với nhan đề Vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ với chính trị, tác giả Nguyễn Văn Dân cho rằng chính trị là một hình thái ý thức xã hội “có một vị trí rất đặc biệt (…) nó liên quan rất mật thiết đến một hình thức quản lý xã hội là quyền lực, là sự cai trị, (...) các lý thuyết chính trị được sinh ra là để trở thành lực lượng quản lý và cai trị xã hội.”(8). Chính vì thế, chính trị khi biến thành quyền lực thì nó không chỉ đơn thuần là hình thái ý thức xã hội mà nó trở thành một lực lượng quản lý có chức năng điều chỉnh mọi lĩnh vực xã hội. Và cũng vì thế, vai trò chi phối của nó đối với mọi lĩnh vực xã hội, trong đó có cả các hình thái ý thức xã hội khác, là một điều hiển nhiên không thể tránh khỏi.

Lập luận này một lần nữa khẳng định: Văn nghệ chịu sự quản lý, chi phối của chính trị là một điều tất yếu, nhưng cũng cần thấy rằng khi mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị trở nên có vấn đề mâu thuẫn thì đó “không phải là vấn đề giữa văn nghệ và chính trị với tư cách là những hình thái ý thức xã hội mà là giữa văn nghệ với quyền lực và thiết chế chính trị của một chính quyền”(9). Từ đây, cần lý giải mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị theo hai cấp độ: a/ Nếu coi quan hệ văn nghệ và chính trị trên phương diện là hai hình thái ý thức xã hội bình đẳng, có mối quan hệ tương tác với nhau thì chúng sẽ “bình đẳng” và “tương tác” nhau như thế nào? b/ Trên phương diện quan hệ giữa văn nghệ và chính trị với tư cách là quan hệ quản lý của chính trị đối với văn nghệ thì thực chất của mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ là gì?

Ở cấp độ thứ nhất, nhà nghiên cứu cho rằng nếu quan niệm văn nghệ và chính trị bình đẳng, tương tác lẫn nhau thì văn nghệ cũng có thể tác động đến sự hình thành các lý thuyết chính trị, và ngược lại chính trị cũng có thể ảnh hưởng trở lại văn học để biến chúng thành công cụ phục vụ sự cai trị. Ông chứng minh, những tác phẩm văn học thời Phục Hưng mang đậm tinh thần nhân văn mới đã làm thành những nguồn cảm hứng cho các lý thuyết chính trị của giai cấp tư sản để tiến tới lật đổ chế độ phong kiến thần quyền thời trung đại.

Với nhận thức như trên, tư duy lý luận văn nghệ đổi mới đã thật sự làm thay đổi quan niệm “xơ cứng” của giai đoạn trước cho rằng chỉ có chính trị mới có thể tác động đến văn nghệ và khẳng định văn nghệ cũng có những tác động nhất định đến chính trị, làm phong phú thêm cho chính trị. Trong thực tiễn, không phải chỉ có nhà chính trị mới có ý thức chính trị mà chính trong bản thân mỗi nghệ sĩ vốn cũng mang sẵn những ý thức chính trị sâu sắc. Ý thức chính trị này được thể hiện vào sáng tác, đó là tư tưởng riêng - tư tưởng thẩm mỹ đầy cá tính của người nghệ sĩ. Và như một hệ quả tất yếu, từ những tư tưởng cởi mở, nhân văn, nhân đạo sẽ sinh ra những ý thức chính trị lành mạnh, chân chính. Ý thức nghệ thuật không phải là sản phẩm hay nội dung đặc biệt của ý thức chính trị mà là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, phát triển song song với ý thức chính trị và các kiểu ý thức khác. Chúng có tác động qua lại lẫn nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển, vì sự tốt đẹp của cuộc sống con người.

Ở cấp độ thứ hai, Nguyễn Văn Dân chứng minh mọi thời đại trong lịch sử phát triển của nhân loại, khi đã có nhà nước thì văn nghệ luôn luôn đặt dưới sự quản lý của thiết chế chính trị. Đó là một quan hệ đã có truyền thống từ thời xa xưa và kéo dài cho tới ngày nay ở bất cứ nơi nào và ở bất cứ xã hội nào.

Những phân tích trên cho thấy đến những năm đầu của thế kỷ XXI, nhận thức về vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị phát triển thêm một bước mới: Các nhà nghiên cứu lý luận một mặt đi sâu lý giải cụ thể sự tác động lẫn nhau của hai hình thái ý thức xã hội đồng thời mặt khác phân biệt rõ văn nghệ chỉ phụ thuộc vào chính trị, liên quan đến chính trị ở phương diện thiết chế chính trị với tư cách là nhà nước quản lý.

Những quan điểm mới của lý luận về vấn đề văn nghệ và chính trị là cơ sở quan trọng để từ đó có thể tháo gỡ nhiều tồn tại trong đời sống văn nghệ đương đại của nước nhà, đặc biệt là phương diện quản lý văn nghệ và tự do sáng tạo của người nghệ sĩ.

Ở phương diện quản lý văn nghệ, các nhà nghiên cứu cho rằng, Đảng phải làm thế nào cho văn nghệ sĩ tự điều chỉnh theo đường lối chứ không ép buộc. Quản lý văn học nghệ thuật phải dựa trên sự hiểu biết về đặc thù của văn học nghệ thuật, hiểu biết về sự sáng tạo của người nghệ sĩ, tránh quan niệm cực đoan, đi tìm văn nghệ thuần túy, hoặc thô thiển, cứng nhắc xem văn nghệ chỉ là “vũ khí” phục vụ cho chính trị. “Đối với chúng ta hiện nay, điều rất quan trọng và thiết thực là thể chế hóa sự lãnh đạo chính trị của Đảng đối với văn nghệ chứ không phải là chỉ cần dừng lại ở cách nói chung chung về “quyền lãnh đạo của chính trị đối với văn nghệ”(10).

Từ những ý kiến đề xuất của nhiều văn nghệ sĩ và trí thức tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, trung thực và thẳng thắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú trọng đổi mới nhận thức luận, đưa ra những quan điểm mới về lãnh đạo và quản lý văn nghệ mà tinh thần cốt yếu là phải làm sao tạo điều kiện, khuyến khích và phát huy được cao nhất tính sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm tạo nên những giá trị mới cho nền văn học nước nhà. (Thể hiện qua NQ 05 của Bộ Chính trị khóa IV; NQ TW5 khóa VIII năm 1988; NQ23 - NQ/TW ngày 16/6/2008).

Quyền tự do ngôn luận, biểu đạt nói chung và tự do sáng tác nói riêng được coi trọng rất cao trong xã hội thông tin và xã hội tri thức. Tự do sáng tác nằm trong quyền tự do văn hóa và tự do diễn đạt, vì thế tự do sáng tác cũng là một trong những quyền quan trọng nhất của con người. Ngay từ đầu Đổi mới, vấn đề này đã được quan tâm bởi lẽ tác phẩm văn nghệ là sản phẩm tinh thần đặc biệt, do sự thôi thúc bên trong của người nghệ sĩ tạo ra và là mục đích tự thân của họ, chứ không phải là một phương tiện, một công cụ có thể sử dụng bất kỳ. Do đó “nó mang đậm cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ trong điều kiện tự do sáng tác - một điều kiện cực kỳ quan trọng, không thể thiếu được của người nghệ sĩ” (11).

Lý luận đổi mới đã ý thức rõ tự do chính là khởi điểm cho sáng tạo. Tuy vậy, không có tự do vô giới hạn, không thể có bất cứ quyền tự do nào mà lại không thực hiện với một trách nhiệm tương xứng. Đó là chân lý mà nhân loại đã thừa nhận từ lâu. Trong tư duy triết học kinh điển Mác-xít, tự do và tất yếu là một cặp phạm trù biện chứng. Không bao giờ có tự do tuyệt đối độc lập đối với tất yếu khách quan. Con người chỉ có được tự do thật sự khi hiểu được các quy luật của tất yếu khách quan. “Đối với những người viết chân chính - đó là tự do trong giới hạn của một lẽ sống chân chính, của mục tiêu cao quý của nghệ thuật vì hạnh phúc của nhân dân, vì lẽ công bằng cho con người và tiến bộ xã hội”(12).

Như vậy, lý luận đổi mới đã xác định nguyên tắc: Tự do của người nghệ sĩ phải đi cùng với tuân thủ luật pháp, tự do gắn liền với trách nhiệm của công dân với cộng đồng dân tộc. Không có tự do vượt lên luật pháp, vượt lên quyền dân chủ và quyền con người. Và chỉ có trên nguyên tắc này, vấn đề tự do dân chủ mới tránh được sự lạm dụng, đời sống văn hóa, văn nghệ mới được quản lý một cách khoa học và hợp lý.

(Còn nữa)

Tài liệu tham khảo

(1), (2). Hồ Chí Minh, Lê Duẩn,… (1976), Về văn hóa văn nghệ, (tái bản lần thứ tư), Nxb. Văn hóa, Hà Nội, tr.189, 53.

(3), (4), (5), (6), (11).  Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thị Bình (Sưu tầm và biên soạn) (2006), Tư liệu văn học đổi mới ( từ 1985 - 2005), http://www.vietstudies.info/NhaVanDoiMoi

(7), Lê Ngọc Trà (2005), Lý luận và văn học, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr.21, 27.

(8), (9). Nguyễn Văn Dân (2009), “Vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ với chính trị”, Nghiên cứu Văn học, (4), tr.11, 12.

(10). Lại Nguyên Ân (2003), Sống với văn học cùng thời, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr.297.

(12). Phong Lê (chủ biên), (1990), Văn học và hiện thực, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.137

Cao Thị Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy