Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
21:58 (GMT +7)

Những chuyện ấm lòng ở một ngôi trường

VNTN - Trước trùng trùng những khó khăn, vướng mắc của ngành giáo dục mà các nhà trường đang phải đối diện hôm nay, nhiều người không khỏi nặng trĩu ưu tư, có người thậm chí hoang mang lo lắng. Phần mình, tất nhiên tôi cũng không thoát khỏi nỗi vân vi kia. Nhưng sau những cảm giác ấy, tôi lại nghĩ về những thầy cô giáo đang đặt khó khăn sang một bên để dành tất cả nỗ lực cho công việc của mình, làm nên những câu chuyện đẹp đẽ và đáng ngẫm. Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên là nơi có nhiều những câu chuyện như thế. 

Đồng hành với sinh viên

Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên là một môi trường giáo dục khá đặc thù, quá trình phát triển còn non trẻ, phần đa sinh viên là con em đồng bào miền núi với nhiều thiệt thòi và khó khăn. Ấy vậy mà nhà trường vẫn đang là một địa chỉ uy tín và hấp dẫn, nhất là dành được nhiều niềm tin và tình cảm của người học. Thành quả ấy bắt đầu từ chính sự nỗ lực và tận tâm của tập thể các thầy cô giáo nơi đây.

TS Lê Thị Ngân (Trưởng khoa Luật & Quản lý xã hội) là một trong những cô giáo được sinh viên và đồng nghiệp đặc biệt ấn tượng, yêu mến. Ai gặp một lần rồi là muốn được gặp lại để nghe cô nói chuyện. Sắp đến giờ của cô là học trò háo hức chờ đợi. Thật còn vui nào bằng.

Bất kể ngày nào cũng thế, cô luôn luôn vận trang phục áo dài dân tộc đến trường như một điều tự nhiên và tất phải thế. Cô bảo lên lớp giảng bài là một việc trang trọng, cho nên muốn tôn trọng chính mình và tôn trọng học trò, hơn nữa nhất là tự cảm thấy hạnh phúc khi mặc nó, cho nên lại càng không bao giờ rời xa tà áo dài.

Cầm trên tay những bản danh sách sinh viên các lớp, cô không giấu được sự hào hứng. Cô bảo, đến lớp chỉ muốn gọi tên học trò, những cái tên hay lắm, yêu quý lắm. Những Vàng A, Sào Mí, Lùng Cheo. Mỗi cái tên còn là một câu chuyện, đằng sau đó còn là một địa chỉ văn hóa. Ẩn trong đó là sự chân chất, mộc mạc, và cả bao nhiêu thương khó nữa. Các em từ các vùng quê miền cao về học, hành trang mang theo khi xuống phố vào giảng đường là niềm mong mỏi học hành, là sự chân chất trong trẻo vô tư, cùng với bao nhiêu bỡ ngỡ rụt rè khó tránh. Giờ học đầu, việc trước tiên là cô ghi lên bảng cho cả lớp biết số điện thoại, e-mail, nick facebook của mình, bảo các em có việc gì cần thì cứ hỏi. Lo các em chưa quen với việc sống xa nhà, cô hướng dẫn từ chuyện đi lại thế nào, ăn uống chi tiêu ra sao, đến chuyện bạn bè chuyện tình yêu. Những gì thuộc về kĩ năng thiết thân cho các em… Mỗi học trò mang một hoàn cảnh riêng, cô thường phải chủ động hỏi han, khơi mở, chuyện trò để hiểu thêm về các em. Em thì đã có vợ con ở quê, hỏi ra mới biết vùng đó nhiều người tảo hôn. Em thì có mẹ đơn thân, sống lặng lẽ nuôi con. Em thì sống trong cảnh bị bạo hành. Toàn chuyện đau lòng. Không thể để các em đối diện và sống chung mãi với những sự bất hạnh như thế, cô gợi ý và động viên các em về chính địa phương - gia đình để khảo sát, tìm hiểu, làm bài luận hoặc đề tài nghiên cứu, rồi đề xuất những biện pháp sinh kế phù hợp, bền vững. Mỗi bài luận, mỗi đề tài dù có thể cũng chỉ nhỏ bé thôi nhưng mang trong nó bao nhiêu tâm sức, trăn trở cùng sự hi vọng. Hình như, ở đấy, niềm vui của cô và niềm vui của các em gặp nhau, khi mà những kiến thức trên lớp học trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết ngay trong mỗi ngôi nhà, trên mỗi bản làng, mỗi vùng quê.

PGS.TS Phạm Thị Phương Thái (Phó Hiệu trưởng nhà trường) là nhà giáo thực sự tâm huyết và luôn đau đáu với những công việc đã gắn bó, những dự định đang theo đuổi, những ý tưởng đang vẫy gọi. Bận rộn với những công việc của công tác quản lí, nhưng cô chưa bao giờ thiếu thời gian để dành cho sinh viên. Là trưởng khoa, là phó hiệu trưởng, nhưng cô vẫn đòi… được tiếp tục làm giáo viên chủ nhiệm. Nhiều người ngạc nhiên, nhưng các em học trò thì chắc rất hiểu cô giáo chủ nhiệm của mình. Cô chia sẻ đơn giản rằng, sau bao nhiêu tất bật, được về lớp gặp sinh viên là mọi thứ nhẹ bẫng, bao nhiêu trẻ trung yêu mến đến trong khiết. Đồng nghiệp có khi nghĩ cô đang cố gắng làm học trò vui, nhưng cô bảo thật ra ngược lại, bọn nó làm mình vui đấy.

Gần gụi, tin tưởng, có lúc, học trò ngồi giãi bày với cô đến 10h tối, mở cửa phòng ra về thì mới hay đã muộn. Qua những cuộc chuyện trò như thế, bao nhiêu âu lo được giải tỏa, bao nhiêu nút thắt được tháo gỡ. Có sinh viên thiếu tiền nộp học phí, quyết định thôi học về nhà đỡ bỗ mẹ, cô lại đưa tiền cho nộp, động viên em cố gắng theo học thì mới giúp được gia đình. Một đôi triệu chẳng có mấy giá trị trong thời buổi lạm phát này, nhưng trong hoàn cảnh một học trò phải bỏ học thì người trong cuộc mới hiểu được nó ý nghĩa thế nào. Lại có trường hợp sinh viên chẳng may có bầu rồi định nạo bỏ, thôi thì trách giận lúc này mà để làm gì, cô lặng lẽ vận động người thân quen và đồng nghiệp mỗi người một tay, được chút tiền để bà mẹ trẻ bồi dưỡng sinh nở. Tận tình khuyên giải, tìm người đỡ đầu, rồi về tận hai gia đình nói chuyện, ơn trời qua bao nhiêu ngặt nghèo, cuối cùng cô đã giúp được hai bạn trẻ đến được với nhau, bố mẹ đồng thuận, con nhỏ vui vầy.

Cuốn vào những bận bịu vất vả mà hạnh phúc ấy, có lúc ngồi lại, hình như cô thoáng giật mình khi nhớ ra đã ngót mười năm kể từ khi bước vào ngôi trường này - những ngày bắt tay vào chăm chút cho những phác vẽ đầu tiên. Những ngày tháng khởi dựng, đội ngũ cán bộ giảng viên chưa có, chương trình chưa xây dựng, cô không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng khi nhìn những vạt cỏ tranh bên những căn phòng cấp 4 sơ sài. Nhưng nghĩ đến một con đường mới phía trước để khám phá, nghĩ đến một môi trường học tập cho con em những vùng quê miền cao, mọi âu lo cũng được dẹp sang một bên. Hạnh phúc nào bằng khi được sự động viên và trợ giúp của các thầy cô giáo tiền bối, sự ủng hộ của bạn bè đồng nghiệp trẻ. Được các nhà khoa học - nhà giáo danh tiếng và uy tín Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung trực tiếp phỏng vấn kiểm tra tuyển giảng viên mới cho Khoa và bộ môn, vậy là thuyền bắt đầu tìm gặp được con nước. Xuôi ngược trên những chuyến xe lên miền cao, đưa học trò về trải nghiệm văn hóa các tộc người, những gợi ý về sinh kế cho đồng bào, tất cả cứ cuốn cô trò đi, không phải chỉ như trách nhiệm mà còn bằng sự say mê. Ấy chẳng phải còn như là một cơ duyên nữa sao…

Tôi không rõ thực sự nguyên cớ nào giúp cô có thể tận tâm tận lực được đến thế, giữa bối cảnh rất nhiều chuyện đáng buồn của giáo dục hôm nay. Không phải là cô không quan tâm điều ấy, chắc chắn rồi. Có lẽ, phải là người vượt lên trên cả bổn phận, trách nhiệm, đón nhận công việc bằng danh dự, bằng niềm vui của nhà giáo, người ta mới có thể tận tụy một cách say sưa như thế.

Có những người đồng hành như thế, các em sinh viên - những người trẻ đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn - có được chỗ dựa để tin cậy, để đi tiếp.

Chinh phục thử thách khoa học

Yêu cầu công việc của một cán bộ giảng viên đại học, áp lực của các vấn đề đời sống, môi trường học thuật, cơ chế hoạt động.v.v.., có thể thấy đang tồn tại quá nhiều trở ngại với các thầy cô làm khoa học. Trong bối cảnh như thế, nhiều thầy cô giáo của nhà trường vẫn đang đến với khoa học một cách nghiêm túc.

GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn (Hiệu trưởng nhà trường) là nữ giáo sư toán học thứ hai của Việt Nam, một nhà toán học vươn tầm thế giới. Giải thưởng Kovalevskaya danh giá, những công trình nghiên cứu được công bố trên những tạp chí uy tín hàng đầu quốc tế, những lời mời giảng dạy cho các trường đại học danh tiếng ở nhiều nước trên thế giới.v.v.., tất cả đã khẳng định chắc chắn tầm vóc học thuật của cô. Bình thản khước từ những cơ hội và môi trường học thuật tuyệt vời khác, cô ở lại gắn bó và chú tâm vun đắp sự nghiệp của trường Đại học Khoa học. Sống giản dị đến mức mộc mạc, gần gũi với nhân viên, đồng nghiệp và học trò, cô cứ lặng lẽ khiêm nhường đến lạ, như bông lúa càng đẫy hạt lại càng trĩu xuống. Mọi người nếu nhớ nhất về cô, chắc là các công trình/giải thưởng khoa học và… chiếc xe máy cũ gần như nhất trường. Không phải là cô  chưa có điều kiện, càng không phải cô cố gắng tỏ ra bình dị. Đơn giản là cô đang dành sự quan tâm đến điều khác. Cô bảo toán học với cô như là một cái gì gây nghiện. Nghe giản dị vậy thôi. Đằng sau đó, mấy ai biết được những gian khó từ thời đi học cho đến chặng đường nghiên cứu mà cô phải vượt qua, những hi sinh trong cuộc sống gia đình mà cô phải đánh đổi?

Không biết có phải ít nhiều sự khích lệ từ cô Nhàn hay không, nhiều thầy cô giáo của nhà trường cũng chấp nhận để dấn thân với khoa học. Sự dấn thân của họ không phải đơn thuần để thỏa đam mê, mà hiệu quả ứng dụng là bài toán số một cần ưu tiên lời giải.

TS Nguyễn Phú Hùng đã cùng nhóm đồng nghiệp khoa học Pháp nghiên cứu thành công liệu pháp điều trị tận gốc ung thư dạ dày. Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới chứng minh được khả năng ức chế tế bào gốc ung thư dạ dày của Retinoic Acid, mở ra một hướng điều trị mới, hiệu quả và đầy tiềm năng trong việc điều trị tận gốc ung thư dạ dày. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Oncogene, một tạp chí thuộc nhóm 6% các tạp chí uy tín nhất trong số 210 tạp chí uy tín về lĩnh vực ung thư, với chỉ số ảnh hưởng (impact factor) là 8,46. Ngay sau khi được đăng tải online, tạp chí bình duyệt uy tín là “Cancer Stem Cell New” đã đã xếp công bố này vào vị trí thứ 3 trong Top 10 công bố uy tín về tế bào gốc ung thư.

Xuất phát từ thực tế, dựa trên các kinh nghiệm dân gian và trên cơ sở nghiên cứu khoa học, TS Phạm Thế Chính đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu chế xuất thành công sản phẩm bột tắm dược liệu WEDELIA từ cây đơn đất dùng để tắm phòng chống hăm da cho trẻ sơ sinh, kháng khuẩn, chống viêm da và làm trắng da. Sản phẩm đã được đăng ký thành công bằng sáng chế và thương hiệu độc quyền, chuyển giao và thương mại hóa với độ phủ toàn quốc. Hiện nay nhóm còn nghiên cứu chế xuất nhiều loại sản phẩm khác như tinh dầu thảo dược, các dược phẩm thiên nhiên khác.

TS Mai Lan Anh cùng các đồng nghiệp đi vào nghiên cứu và triển khai dự án than sinh học từ nguồn phế liệu nông nghiệp. Được chế tạo từ nhiều loại nguyên liệu có sẵn trong quá trình sản xuất nông nghiệp (rơm, rạ, lõi ngô, vỏ trấu), than sinh học có thể dùng làm phân bón ruộng, giúp làm chậm quá trình thoái hóa đất, chống bạc màu, giảm độ chua, thúc đẩy quá trình cải tạo đất và tăng năng suất cây trồng, giảm thiểu những tác động có hại đến môi trường, khí hậu. Với ích dụng đa dạng, dự án đang được áp dụng rộng rãi cho nhiều vùng nông nghiệp trên cả nước.

Chúng ta đều hiểu rằng, trong bối cảnh hiện nay, một điều nhức nhối là không phải ai làm khoa học cũng trong sáng và dám hi sinh, không phải công trình nào cũng đem lại những hiệu quả cần thiết. Điều đáng khâm phục và trân quý ở đây là những hướng nghiên cứu của các thầy cô trong nhà trường luôn chú trọng tính ứng dụng thực tiễn, tính hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực. Sự trân trọng của đồng nghiệp và học trò, sự đón nhận của cộng đồng - có lẽ đó là một nguồn cổ vũ ý nghĩa cho các nhà khoa học, để rất nhiều các thầy cô giáo khác, nhất là các cán bộ giảng viên trẻ của nhà trường cũng đang tiếp tục thầm lặng, cặm cụi, bền bỉ theo đuổi con đường nghiên cứu của mình.

Phạm Văn Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy