Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:48 (GMT +7)

Những “bà mụ” mặc áo blouse

Dân gian quan niệm, trong cõi tâm linh huyền bí luôn có những bà Mụ quyền phép cao siêu trợ giúp để em bé được hoài thai, bình an chính tháng mười ngày trong lòng mẹ và lớn lên ngoan ngoãn, khỏe mạnh sau khi nở nhụy khai hoa. Chính vì thế, người ta mới thờ mụ, cúng mụ, mới kính cẩn nói lời “trộm mụ”, “xin mụ”, “mụ đỡ”, “mụ dạy”… bất cứ lúc nào em bé non nớt cần được chở che. Niềm tin xưa cũ ấy mãi mãi sẽ không thay đổi. Nhưng trải qua thời gian và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đã bắt đầu củng cố một niềm tin khác: ấy là sự kỳ diệu của y học khi đem hạnh phúc đến với những gia đình thiếu tiếng trẻ thơ. Chúng tôi gọi họ là những bà mụ mặc áo blouse.

Vượt qua “trò đùa tạo hóa”

Con cái là “lộc trời cho”, là kết quả của tình yêu và hôn nhân để duy trì hạnh phúc lứa đôi, nối kết dòng giống muôn đời. Điều tưởng như bản năng và tất yếu ấy đôi khi lại trở thành khao khát, thành nỗi đắng cay, bất lực của không ít gia đình. Từ hàng trăm nguyên nhân được lý giải bởi y học, xã hội lẫn tâm linh, các cặp cha mẹ đã không thể sinh nở thuận tự nhiên, kéo theo biết bao nỗi đau và rạn vỡ.

Người Việt thường coi con cái là mục đích lớn nhất của cuộc hôn nhân, nên trong lễ cưới có biết bao phong tục gửi gắm ước nguyện về sự “mau mắn” của cô dâu (trải chiếu tân hôn, giã cối đón dâu, đặt hạt giống dưới gầm giường đôi vợ chồng mới cưới…). Chữ “Phúc” mà người phương Đông hướng tới vốn chỉ con cháu. Gia đình “có phúc” là gia đình đông đàn sai cái, ngược lại, người đàn bà bất hạnh không con trước kia bị ghép vào một trong “thất xuất”, nghĩa là bảy tội lỗi không thể dung thứ, phải đuổi về nhà bố mẹ đẻ. Họ bị đánh đồng với những người vi phạm đạo đức như ác tà, dâm ô, dối trá. Trong cuộc sống hàng ngày, khi va chạm nhau, lời nguyền rủa nặng nề nhất là “tuyệt tử tuyệt tôn”, không con không cái…

Ngày nay, xã hội đã có cái nhìn thông thoáng và nhân văn hơn đối với chuyện hiếm muộn của những đôi vợ chồng. Dẫu vậy, khát vọng làm cha mẹ không vì thế mà bớt phần thôi thúc, nhất là trong thời điểm hiện tại, khi những nguyên nhân về môi trường sống, thực phẩm, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng đến con người, không loại trừ cả khả năng sinh sản.

Gặp gỡ và chia sẻ với những bệnh nhân ở khoa Hỗ trợ sinh sản trong các bệnh viện mới thực sự thấu cảm với hoàn cảnh của họ. Bao nhiêu người là bấy nhiêu câu chuyện, bấy nhiêu nỗi buồn vì bi kịch khát thèm con cái. Trong hành trình tìm con kéo dài hàng chục năm, thậm chí lâu hơn nữa, có những gia đình đã phải bán nhà bán cửa, ra Bắc vào Nam, đi tới ranh giới của sự tan vỡ khi muốn “giải thoát” cho một trong hai người hay không thể chịu được áp lực từ phía gia đình, dòng tộc. Có bệnh thì vái tứ phương, nên biết bao nỗ lực thay đổi số phận được thử nghiệm, bất chấp cái giá rất đắt của sự đánh đổi.

Có những chị nhận đến 3 người con nuôi (và thực sự nuôi 2 trong 3 đứa con ấy) nhưng vẫn chưa thể có giọt máu của chính mình. Có gia đình anh chuyển nhà tới 4 lần khi tin rằng, nguồn nước là yếu tố quyết định sự sinh nở. Hoặc có gia đình cũng cưới đi cưới lại những mong thay đổi cái “duyên con cái” lắm nỗi éo le. Mà mỗi lẫn cưới là một lần buồn vì tốn kém thì ít, mà buồn vì tủi nhục thì nhiều. Người trong nhà kín đáo mấy cũng không giấu được tiếng thở dài, người ngoài cuộc không biết thì mỉa mai rằng mình thừa tiền, “động cỡn”. Có những đôi vợ chồng còn mang nỗi lòng nặng trĩu hơn: Họ đã từng sinh nở, nhưng “hữu sinh vô dưỡng”, các cháu đều chê cha mẹ mà ra đi. Hai vợ chồng ngoài 40 rồi mới bắt đầu hành trình tìm con. Mỗi ngày của họ trôi đi là một ngày nơm nớp nỗi sợ hãi rằng mình không thể theo kịp trong cuộc đua với sức khỏe, thời gian và số phận.

Tuy vậy, bức tranh cảnh ngộ ở thềm bệnh viện cũng có những mảng sáng đủ để người ta hy vọng. Có những bà mẹ sau gần 10 năm tìm con với bao nhiêu khổ đau hy vọng, may mắn đã mỉm cười. Những đôi mắt ngời lên sung sướng khi các bà kể lại giây phút được các bác sĩ thông báo tin mừng, rằng cả hai phôi cấy vào tử cung đã làm tổ và phát triển.

“Lúc ấy, tôi chỉ muốn ôm chặt lấy bác sĩ như ân nhân. Tâm trí tôi rối bời, cả người tôi cứ run lên, không biết nên nói gì nữa. Sống gần hết đời người mới thực sự được trải nghiệm cảm xúc hạnh phúc và mang ơn thực sự” - Đấy là cảm xúc của nhiều cặp vợ chồng cao tuổi hiếm muộn đã qua. Các bác sĩ đã mang con cái đến cho họ. Có con làng xóm lại tới chúc mừng, khen nhà chị “ở hiền gặp lành”, “có phúc có phận”… Nhưng ông Trời vẫn thử thách họ. Khi vừa bước qua già nửa thai kỳ, có thể lại là dấu hiệu trở dạ ở tuần 24, thời điểm mà cơ hội sống cho những em bé vừa mới chỉ hình thành hình hài trọn vẹn còn quá mong manh. Những tuần nằm giữ thai ở bệnh viện là những chuỗi ngày dài vô tận, chuỗi ngày những người mẹ hiểu thế nào là “trò đùa tạo hóa”, là “chín tháng so chín năm”. Nhiều người mẹ hẳn vẫn không quên được cảm giác bất lực khi giữ con trong người mà như giữ nước trong lòng bàn tay, để rồi, sau những ngày cố gắng, đã sinh những đứa trẻ “siêu non”. Và những bà mẹ đó hẳn sẽ rất hiểu cảm giác mong con, để rồi sau đó cả nhà lại đằm mình vào cuộc chiến khốc liệt hơn để giành lại sự sống cho những sinh linh chưa đủ ngày, đủ tháng.

Những bà mụ khoác áo blouse

Mùa xuân này, ngôi nhà của nhiều cặp vợ chồng như chị Hằng (giảng viên ĐH Khoa học - Thái Nguyên) đã tràn ngập tiếng cười con trẻ sau hai “cuộc chiến” quá gian nan để ươm mầm và giành giật sự sống. Đối với họ, hạnh phúc hôm nay không phải chỉ nhờ 12 bà mụ trợ sinh chốn cao thiên mà còn nhờ các bà mụ “bằng da bằng thịt” khoác áo blouse trắng ở một số khoa sản các bệnh viện: bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Phụ sản Hà Nội… Thành tựu y học và sự tận tâm của những bác sĩ hỗ trợ sinh sản, bác sĩ hồi sức cấp cứu sơ sinh đã đem đến những điều kỳ diệu, giúp bao gia đình chiến thắng số phận nghiệt ngã và thay đổi lối nghĩ cổ hủ truyền thống của người Việt.

Em bé “trong ống nghiệm” đầu tiên đã cất tiếng khóc chào đời tại bệnh viện A Thái Nguyên vào một ngày đông ấm áp năm 2016. Và từ đó đến nay, người Thái Nguyên nói riêng, khu vực trung du, miền núi phía Bắc nói chung có thêm một địa chỉ mới để đặt niềm tin trong cuộc chiến với tạo hóa. Khoa Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện A năm 2017, đơn vị đã tiếp nhận tới 7.965 lượt khám, giúp 277 cặp vợ chồng hoàn chỉnh hồ sơ làm thụ tinh trong ống nghiệm, chọc trứng 240 ca, chuyển phôi vào buồng tử cung 272 ca, rã phôi 166 ca, đông phôi 201 ca… Con số ngọt ngào nhất là 100 sản phụ đang mang thai và 96 em bé đã ra đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Vậy là, gần 200 niềm hạnh phúc và hàng vạn niềm hy vọng đã được các bác sĩ ở đây gieo mầm và không quản công vun xới.

Và nếu người Việt ai đó biết đến bức ảnh từ lâu nổi tiếng thế giới chụp một em bé nằm giữa hàng nghìn ống tiêm xếp hình trái tim từng được sử dụng trong vòng nhiều năm để có được em, hẳn sẽ hiểu, tỉ lệ 50% chuyển phôi thành công ở bệnh viện A là một kỳ tích, có từ những nỗ lực, tâm huyết đáng khâm phục của đội ngũ y bác sĩ và kỹ thuật viên nơi đây.

Do đặc thù công việc là làm việc trên đối tượng tế bào, trên cơ địa cực kỳ nhạy cảm của bệnh nhân, nên bác sĩ hỗ trợ sinh sản phải tuân thủ những yêu cầu rất khắt khe. Họ phải làm việc tất cả những ngày nghỉ, ngày lễ vì phải phụ thuộc vào chu kỳ của bệnh nhân, cán bộ làm việc trong labo không được dùng mỹ phẩm, đồ trang sức, môi trường làm việc có nồng độ CO2 cao… Mặc dù gian nan, vất vả, hy sinh nhưng khi tâm trong, đức sáng, chí bền thì sẽ đạt đến cái phúc cho cả người bệnh và cho chính mình.

Cũng như những bà mụ dõi theo em bé từ trong trứng nước cho đến khi chào đời, đầy tháng, thôi nôi…, các bác sĩ sản - nhi luôn là chỗ dựa cho bao gia đình gian nan đường con cái, nhất là với trường hợp các bé sinh non. Cấp cứu cho đối tượng bệnh nhân nào cũng khó khăn, căng thẳng và nặng nề trách nhiệm. Nhưng hồi sức cấp cứu sơ sinh còn nhọc nhằn hơn nhiều bởi em bé cần được nuôi dưỡng trong môi trường vô trùng, với những điều kiện khắt khe và hoàn toàn không có sự trợ giúp của người nhà, kể cả mẹ đẻ. Từ khi là một giọt máu trong lòng mẹ đến lúc trở thành em bé bế trên tay là chặng đường dài. Vì thế, nếu như sự rủi ro trong quá trình hỗ trợ bà mẹ có thai đem đến tiếc nuối thì sự sơ sảy đối với các em bé đã lọt lòng còn đau đớn hơn gấp bội. Các bác sĩ luôn tâm nguyện điều đó và để cố gắng hết sức mình, giành giật sự sống cho các cháu.

Cuộc sống là điều quý giá nhất của mỗi người và con cái là niềm hạnh phúc lớn nhất của bậc làm cha, làm mẹ. Bởi thế, khó có thể nói hết sự cao đẹp trong công việc của các bác sĩ hỗ trợ sinh sản và cấp cứu sơ sinh, những người ngày đêm ươm mầm hạnh phúc trong phòng labo, sau cánh cửa ICU, biến tiếng khóc thầm của những người như “vô phúc” thành phúc phận tròn đầy qua tiếng khóc chào đời của những em bé đẹp như thiên thần.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước