Như “gang cầu” tự cường hóa
VNTN - Ông đưa tôi ba tập thơ, mỏng manh, thanh thoát và bâng khuâng tựa như nụ cười của ông khi gặp lại bạn cũ. Và cũng đã phải đến mấy chục năm, nay tôi mới nghe lại từ ông một lời dặn dò, mà như câu lệnh: Chỉ cho mượn thôi nhé, chứ mình không tặng được, vì đây đều là những bản cuối cùng còn giữ lại để lưu!
Mỗi tập thơ ông in năm trăm cuốn, tổng thể là một ngàn rưởi quyển thơ mang tên ông đang nằm trên kệ sách của bạn bè, người thân khắp gần xa… Tôi không dám sa đà vào nội dung của từng bài thơ. Nhưng khi cầm trên tay một cuốn, tự nhiên tính tò mò chợt bật dậy. Giống như khi ta nâng tấm thiệp mời ướp hương thơm, có cái nơ hồng quấn nhẹ một vòng, mà thấy đầu nút thắt lại nằm chờn vờn ngay trước ngón cái. Và việc rút sợi dây, cũng chỉ như một phản xạ bản năng, thật khó cưỡng lại được.
Nhiều bài thơ ông đã được đăng tải đây đó trên mặt báo, người đọc hẳn đã không thấy vẻ lai láng kiểu thơ của Xuân Diệu; không thấy cái khí phách trào lửa của thơ Phạm Tiến Duật và cũng không thấy thứ thơ mới chẳng vần điệu, ngồn ngộn chất liệu của cuộc sống, mà khi đọc lên, người ta cứ cảm nhận như cành khô, quả rụng đang va lộp bộp vào thành vỏ não, khiến độc giả phải bước ngắn, bước dài chạy theo.
Tôi đặc biệt thích câu thơ trong bài mà tập thơ được mang tên: “Thủng thẳng cùng thu”. Nghe như thấy ông cùng bạn, đang chậm rãi cuốc bộ qua một mùa khô hạn:
“Nắng hanh thèm hơi mưa bụi
Ru tình vừa đủ thấm vai”…
Còn đây những vần thơ giản dị, như lời rủ rỉ sẻ chia, ấm áp trong vòng tay khi giã biệt:
…“Câu bạn hỏi dài mênh mông
Lương mỏng gặp kì lạm phát
Bảo sướng chưa hẳn là sướng
Bao người còn khó khăn hơn”…
Rõ ràng, đó là tâm sự người ta viết nên, chỉ để giãi bày, để an ủi và san sẻ với người bạn thân, hay người đồng nghiệp cũ.
Gọi ông là “nhà thơ”, ông ngượng, cười khỏa lấp đi. Hiểu tường tận lẽ đời, ông biết mình nằm ở đâu trong chốn mênh mông của văn đàn. Ông vui vì đã được bộc bạch ruột gan. Tuy phấn khởi khi nghe bạn văn khen ngợi, mà vẫn đủ tỉnh táo để hiểu: “Ngoài trời còn có trời.”. Khi về hưu, ông mới chú tâm tới thơ và là hội viên Chi hội Thơ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Cái tuổi ngoài sáu mươi, bảy mươi mới “chín”, thì khác nào viên gạch bị quá lửa nằm giữa lò? Vui vẻ, ông làm thứ vật liệu để xây nền, dựng móng cho Chi hội Thơ phát triển.
Qua những vần thơ, người đọc biết ông là lớp người đầu tiên xây dựng khu Gang thép Thái Nguyên. Những chiến sĩ Điện Biên giã từ cây súng, tay búa, tay kìm lăn mình vào với nhiệm vụ mới. Hiện thực khát vọng đầu tiên của một đất nước: Tự mình làm công nghiệp nặng…
Năm 1978, tôi may mắn được điều về làm “quân” của ông. Khi đó Công ty Gang thép Thái Nguyên bắt đầu xây dựng mô hình quản lý chất lượng theo “chiều dọc”. Biên chế của Phòng KCS (Kiểm tra chất lượng sản phẩm) từ gần chục người nay tăng lên hơn trăm con người. Các Ban Cán, Ban Luyện, Ban Cốc… ra đời. Để làm nên một thương hiệu sản phẩm gang thép tốt, thì vấn đề chất lượng phải được quản lý từ khâu lọc than, đãi quặng. Những sản phẩm trung gian, cũng phải được giám sát khắt khe theo từng công đoạn. Một mẻ thép vài chục tấn, nấu ra không đạt chất lượng là cả một hệ thống, gồm hàng trăm con người rối tung lên: Tỷ lệ gang, phế liệu, hàm lượng Fero…, cho đến thời gian tinh luyện trong lò, đều phải kiểm tra lại kỹ càng. Và cuối cùng, thanh thép trước khi xuất ra khỏi nhà máy phải có “lí lịch” đi theo. Người chịu trách nhiệm chính trước khách hàng không ai khác, là người đóng dấu lên lí lịch của lô sản phẩm đó!... Nói tưởng đơn giản, song không biết bao nhiêu khó khăn để dịch chuyển một tâm lý làm lấy được, làm bừa phứa… sang mô hình sản xuất hướng vào đơn hàng, với những quy định nghiêm ngặt về thành phần hóa học, cơ, lý tính. Những người làm công tác quản lý chất lượng khi đó, như vấp vào bùng nhùng thói quen tùy tiện của Người Việt đang tập làm công nghiệp… Phòng KCS luôn sôi lên, vì những tranh cãi giữa bên sản xuất đang chạy đua theo sản lượng. Người làm chất lượng lại lọc dè xẻn, chỉ cho những sản phẩm đạt tiêu chuẩn đến với khách hàng… Khỏi phải nói những gay gắt nảy sinh trong các cuộc họp điều độ, giữa ông Giám đốc phụ trách sản xuất, với ông Trưởng phòng KCS ở cỡ nào… Với nhân viên dưới quyền, ông là chỗ dựa, nhưng ông lại đòi hỏi ở họ rất cao. Mỗi lần bị ông gọi lên phòng, là ai nấy đều thấy ngán ngẩm. Ông ít nói, nhưng chỉ với vài câu điều chỉnh, người ta phải nỗ lực cả tuần mới mong hoàn thành được. Bị tiếng là khô cứng, ông rèn đội ngũ của mình vào việc vì một thứ gì đó xa xôi hơn là những đòi hỏi tạm bợ của thời chiến để lại. Sản phẩm hàng hóa theo ông bao hàm cả danh dự, cả nghĩa vụ và cũng là đạo đức không phải chỉ một cá nhân, mà nó còn phải là khát vọng chung của cả đội ngũ hàng vạn con người.
… “Bước vào nghề
Cuộc sống bộn bề gió xoáy
Những mảng đen chui vào mẻ nấu
Khử nửa vời thép bở như khoai!
Tôi nhìn trời
Trời từ chối cái nhìn cầu cứu
Nhìn đồng nghiệp
Ngập ngừng trong mắt nhau!
Tôi phải là tôi
Giữa tháng ngày ngay thẳng”
Có thể nói, Công ty Gang thép Thái Nguyên là bức tranh thu nhỏ của mô hình công nghiệp ở Việt Nam. Nó cũng thăng trầm với mọi thay đổi của nền kinh tế xã hội đất nước ta. Nó lắng đọng ưu điểm và cả nhược điểm của tất cả những mô hình quản lý, đã được đem ra thử nghiệm. Chẳng ai thống kê những đóng góp thầm lặng của ông cho đội ngũ những người làm KCS xuyên suốt cả một thời kì dài ở Công ty Gang thép. Tuy vậy, ông có quyền tự hào, khi nhãn hiệu thép TISCO đã và đang là thương hiệu hàng đầu, không kém với bất kể sản phẩm cùng chủng loại nào, nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Một lần trở lại thăm nơi khởi đầu công việc của mình ở Nhà máy Luyện gang, chứng kiến một số đổi thay nhờ đã lắp đặt thêm thiết bị mới, ông hòa chung niềm vui với họ:
Rụng rơi đi nhiều cũ kĩ
Nối vòng tay lớn đồng hành
Thôi rồi đòn khiêng, kìm gắp
Đời vui vơi bớt nhọc nhằn
Mấy từ như “giao tuyến”, “dung sai”, “hoàn nguyên”… là thuộc tính nghề nghiệp. Có lẽ chỉ đội ngũ người làm thép mới hiểu thấu đáo những khổ thơ ông Trần Cầu viết về công tác KCS và nghề luyện kim.
Tôi chỉ bất ngờ và không nghĩ những vần thơ sau, lại có thể do một người như ông, định mệnh vốn ép gò chỉ để làm cái dưỡng (một dụng cụ để kiểm tra chất lượng sản phẩm) và khô cứng, treo trang trí phòng làm việc của mình tấm Giản đồ sắt - các bon, sáng tác ra:
Huyền ảo những đêm trăng xếp ải
Chuyện chẳng đầu đuôi sao cũng bồi hồi
Lời hẹn cũ cất trong vạt áo
Bước chân mùa màng giờ đã xa xôi…
Hay:
Xốn xang dừng bước mắt em mời
Anh thấy sóng dập dềnh chồi biếc
Mua may trọn gói xuân có được?
Lúng liếng cười - em bán cây thôi…
Và đây:
Câu vui nghẹn vụn cả lời
Câu buồn xa thẳm trắng nhòa chiều rơi
Còn rất nhiều nữa, những vần thơ mềm mại, sóng sánh, ý nhị rất “tình” của Trần Cầu.
Dăm năm nay ông có vẻ như thu mình lại. Người bạn đời ra đi sớm, khiến ông hụt hẫng. Tuy con cháu ông đều có học và thành đạt cả, nhưng mọi sự động viên, hỗ trợ cũng không bù đắp được nỗi trống vắng để lại từ một con người gắn bó, yêu thương suốt già nửa thế kỷ.
Người ta về già thì bệ vệ, phương phi. Hôm vừa rồi tôi lại thấy ông lỏng lẻo trong bộ com lê từ ngày còn tại chức. Những người đồng nghiệp cũ của Phòng KCS những năm bảy mươi, tám mươi nay đều đã buông thước kẹp và những dụng cụ đo. Chúng tôi như có chung một nhận định: Khi về hưu, ông Trần Cầu trầm lắng, mềm mại, khác xa so với những ngày còn tại chức. Không biết có phải xuất phát từ tên húy mà các cụ đã đặt cho ông, tôi chợt liên tưởng đến một sản phẩm là con đẻ của ngành luyện kim đen: Gang Cầu. Sau khi đúc, người ta đặt ra ngoài trời. Để phơi nắng, phơi mưa, thứ gang cầu tự cường hóa, trơ lì với sự ăn mòn của môi trường và thời gian. Càng để lâu, càng săn chắc lại!.
Vũ Kim Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...