Nhớ về những mùa đông thủa ấy
VNTN - Bọn đầu cấp chúng tôi thường hay phải học ca chiều. Ca chiều mùa đông, lại ở vùng núi thật có nhiều thứ để nhớ. Nhớ cái nắng trưa hanh hao, đi bộ dăm cây số từ nhà đến trường, mồ hôi thấm đẫm lưng áo mỏng. Nhớ màu xám trời chiều như đổ sập khi cuối chiều và cái lạnh miền sơn cước se sắt. Nhớ con đường trở lại nhà dăm cây số trong cái mệt, cái đói và ngọn đèn dầu tù mù bên mâm cơm lạnh ngắt… Nhớ cái lớp học nơi sơ tán nằm sâu dưới lòng đất ẩm, mái và ụ đất đắp xung quanh chỉ cách nhau dăm bảy chục xăng ti mét, ở xa chỉ thấy thấp thoáng mái đầu học sinh lắc lư theo nhịp cây bút trên tay.
Những buổi chiều giữa hai tiết học, bọn học sinh đầu cấp chúng tôi thường có thói quen ngồi lê la trên triền đồi, nhặt những nhành sim cuối vụ, thả hồn vào biền biệt của chiều hoang hay chuyện tào lao, hoặc mơ mộng gì đó… Có cả những câu chuyện về các trận chiến trên không của ta và địch mà một vài bạn nhà có đài bán dẫn được nghe… Không có khả năng phân tích chiến cuộc. Cũng chưa hề biết sợ hãi sự tàn bạo của chiến tranh… Dù phải học dưới hầm nơi sơ tán, liên tục nghe còi báo động máy bay địch, tiếng bom đạn inh tai nhưng giai điệu chung của chúng tôi là lạc quan lãng mạn và tự hào.
… “Đồi trung du phơ phất bóng thông già
Lớp sơ tán buồn trong chiều lộng gió
Những trang sách, đi suốt đời vẫn nhớ
Những đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu…”
Với tôi, bốn câu thơ mở đầu của bài thơ tình Nghĩ về Pauxtopxki luôn là âm hưởng chủ đạo, nốt nhạc thánh thót thường trực của một thời trai trẻ. Không khác gì xúc cảm:
“Ta muốn thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
Muốn vượt mọi lo toan để vạch dấu chân trời…”
Đó là mùa đông của những năm đầu thập niên bẩy mươi - những năm không thể quên của lứa học sinh cấp III nói chung và cấp III Đại Từ nói riêng. Những năm tháng mà cuộc chiến tranh chống Mỹ đi vào hồi kết và chúng tôi là lớp thu hái thành quả.
Bọn chúng tôi thường tự hào vì những thứ riêng có của chính mình. Khi lớn lên thì đất nước đã có rồi: Thanh bình, yên ả và đói khát. Một giọng ru cháu “Cái cò, cái vạc, cái nông…” của bà nơi vùng chiêm trũng Hà Nam; những câu Kiều với ý tứ sâu lắng cha vừa đọc, vừa giảng giải cứ thấm dần trong bộ óc non dại của chúng tôi… Và cứ thế, hồn cốt quê hương xứ sở cứ lặng thấm, lặng thấm để tới một lúc nào đó, chính chúng tôi cũng không tự thức được cái vốn văn hóa trong mình đã rất lớn… Nó lại được bổ sung bởi tập tục của đồng bào miền núi thành sự hòa hợp lớn lao hơn.
Các cụ nói “Trong phúc có họa”. Có thể câu chuyện ở hoàn cảnh sau của tôi là đúng. Và, nếu không có những tình huống như thế thì thật là tẻ nhạt. Đó là vào năm đầu cấp III, môn văn, chúng tôi nhận được đề ở hệ số 2. Đề rằng: “Bình giảng một nhân vật chính trong tác phẩm mà em yêu thích” … Vừa chép xong đề, tôi hăm hở viết một mạch, tới chín mười trang giấy “phê đúp”. Nộp và hý hửng chờ… Vào buổi ấy của tuần sau, giờ trả bài, tôi “được” nêu tên trước lớp vì điểm thấp 2 điểm. Một lời phê lạnh tanh của thầy giáo: “Em đã bình một tác phẩm mà chúng ta chưa học tới”…
Sinh ra trong một gia đình yêu văn học, yêu những câu hát, điệu hò dân ca. Ba ngàn hai trăm năm mươi câu Kiều chí ít cũng thuộc lòng và hiểu nghĩa hai ngàn câu có lẻ, thế mà nhận điểm 2(?). Đúng thôi, thời ấy mà học sinh đã “sai quy trình” thì 2 điểm còn là nương nhẹ. Cũng không uổng phí: Năm 1979, sau khi tốt nghiệp Văn khoa Hà Nội, tôi vào SPK (Thông tấn xã Cam Pu Chia), trong lần ngồi ô tô cùng với Tổng Giám đốc SPK Li Bu Ti và trợ lý Tuây Sóc Yêng từ Phnompênh đi Căm Pốt, chặng đường một trăm tám mươi ki lô mét cứ đằng đẵng, tẻ nhạt. Li Bu Ti rất thạo tiếng Việt và yêu truyện Kiều của ta có đề xuất tôi đọc và bình (chẳng hạn cảo thơm là gì? Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng là sao?)… Họ thích lắm mà chặng đường đến Căm Pốt như gần hơn, nhanh hơn (!). Lần nữa, cách đây mươi năm, khi tôi đã là Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên rồi, ngồi trên xe từ Hà Tĩnh ra, anh Lương Đức Tính, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị đọc Kiều cho “đỡ buồn”. Cũng lại như thế, chỉ có điều sau mấy chục năm, thực tình cũng quên nhiều… Mãi đến năm ngoái, kỷ niệm 250 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, chúng tôi vào Tiên Điền làm 4 tập phim tài liệu “Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du” mới lại có dịp ôn lại chút ít. Gần đây nhiều chính khách lớn của thế giới thường dẫn Kiều, mới thấy tình yêu Truyện Kiều là của nhân loại. Tiếc thay người Việt ta…
***
Lứa chúng tôi học hành gắn liền với bom đạn. Cấp I, II thì mũ rơm, túi vài quyển vở, lấy đôi chân trần để trải nghiệm đầu đời. Học đấy mà lao động quần quật để kiếm miếng ăn cũng đấy. Tý tuổi đầu mà chứng kiến đầy những chuyện lạ của người lớn: Bố mẹ thức cả đêm sao được cân chè cho con ra chợ Đại Từ bán để lấy tiền đóng học, ông Bảo Bầu (nghe nói làm thuế gì đấy) bắt mất, thế là hỏng. Bánh cuốn má Năm, xôi bà Đức béo thì ngon đấy nhưng các bà lại không cho cắm (mua chịu, mua nợ). Vậy là nhịn.
Lớp học giữa vùng đồi heo hút, lại dưới hầm, 5h chiều đã tối om, trong ánh sáng hoàng hôn lờ mờ, vậy mà trên bục, thầy vẫn say sưa với Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu hay “Ưu tiên công nghiệp nhẹ, phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý” …. “Lê Nin nói: Chủ nghĩa xã hội là chính quyền Xô Viết cộng với điện khí hóa toàn quốc…”. Bây giờ nghĩ lại tự thấy bái phục chính mình.
Cũng có những chuyện “Suốt đời đi vẫn nhớ!”. Ấy là: Vạn Thọ, Ký Phú, Văn Yên có Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội do giáo sư Ngụy Như Công Tum làm Hiệu trưởng sơ tán về. Sinh viên cái trường đại học số 1 quốc gia này thật giỏi giang. Thế là cả bầu không khí văn chương, học thuật lan tỏa cả huyện. Chúng tôi lúc rảnh lẻn vào các hội thảo để “hóng hớt” chuyện phê bình văn học. Thế là các cụm từ “bi lụy, tiểu tư sản, phai mờ ý tưởng”… trở thành câu nói cửa miệng. Có ông vừa đọc vừa mếu máo phê phán tính hai mặt của bài thơ “Vòng trắng”. Bài thơ thế này: “Khói bom lên trời thành những chiếc vòng đen/Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng/Tôi với bạn tôi đi trong im lặng/Cái im lặng bình thường trong đêm chiến tranh/Không mất mát nào lớn bằng cái chết/Khăn tang vòng tròn như một số không/Nhưng bạn hỡi ở bên trong vòng trắng/Là cái đầu bốc lửa , ở bên trong”.
Hội thảo quốc gia về bài thơ, cuối cùng là “Tại sao lại Không mất mát nào lớn bằng cái chết? Cái đầu bốc lửa ở bên trong là cái gì? Căm thù ai?…vv. Dẫu sao thì giữa một miền thâm sơn cùng cốc, một miền quê yên ả, câu chuyện sắn khoai, cơm gạo là mục đích vươn tới thì các cơ sở văn hóa hàn lâm đó cũng đã ít nhiều gieo tư duy và sự nhìn nhận cho “những chàng trai Việt Bắc béo tròn” là chúng tôi.
***
Trở lại chủ đề mà tôi muốn nói đến của bài viết này là cảm xúc của một lứa học sinh thời bom đạn… Vùng Đại Từ không phải là nơi có nhiều cơ sở quân sự hay kinh tế lớn nhưng lại là đường bay của không quân Mỹ từ căn cứ quân sự U Tha - pao, Pattaya (Thái Lan) qua Sơn La, Yên Bái, bay thấp hơn sườn Tây dãy Tam Đảo để tránh rađa của ta rồi lao xuống thả bom ở Gang Thép - Thái Nguyên, quốc lộ 1B và Hà Nội…. Mặt khác, Đại Từ cũng là nơi sơ tán của nhiều cơ sở đào tạo, đơn vị quân sự của miền Bắc: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Sư phạm Việt Bắc, Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, Trường Trung cấp xăng xe của quân đội; các đơn vị quân đội huấn luyện để đi B,C… Chính vì điều này, suốt những năm cấp II và đầu cấp III, lứa chúng tôi là mũ rơm, túi cứu thương đi học; lao động là đào hào giao thông, hầm trú ẩn máy bay chữ A… cứu thương, tham gia bắt phi công Mỹ…
Tất cả những điều đó đều ít nhiều gieo vào tâm hồn thơ trẻ, những miền ký ức của một thời. Cá nhân tôi thì coi những năm tháng ấy là vốn sống, là sự trải nghiệm của những cảm xúc đầu đời không dễ gì quên được… Mặc dù ít tiếp xúc (vì sơ tán mỗi lớp một nơi) nhưng hình ảnh các thầy cô: thầy Đỗ Như Hiện, thầy Bình, thầy Phán, cô Kháng, thầy Khôi, thầy Dương… là những đóa hoa luôn tươi rói trong ký ức về những người thày của chúng tôi. Vâng, khi ngồi viết những dòng chữ này, những dòng chảy của ký ức đang dội về… Hơn bốn mươi năm rồi, vui nhiều, buồn cũng lắm. Do đặc thù nghề nghiệp, tôi đã đến Mỹ, Úc, Ấn Độ rồi Nga, Pháp, Đức, Hồng Kông, Anh và đáng kể hơn là thời gian làm việc ở Cam-Pu-Chia, Lào… Cuối cùng thì cái bài thơ thời sơ tán Đại Từ luôn rất đúng, luôn là nỗi niềm của một thời không thể và không bao giờ quên.
“Xa xôi sao thời thơ ấu sau lưng/Nhưng không phải thế đâu?/Không phải thế đâu?/Cuộc đời không phải thế!/Giọt nước mắt rơi trên tay/Không cùng mầu sóng bể/Bể mặn mòi sôi sục biết bao nhiêu ”.
Trong cái nhá nhem chạng vạng và giá buốt của những chiều cuối đông, dưới tán rừng già, cái lớp học rìa đồi nửa chìm, nửa nổi, Thầy Tuấn (dạy Văn) giới thiệu ảnh chân dung của các nhà văn, nhà thơ.
Đây là nhà thơ Tế Hanh mà tiêu biểu là “Nhớ con sông quê hương”; Đây là nhà văn Nguyên Ngọc Nguyễn Trung Thành với tiêu biểu là” Đường chúng ta đi ” và “Rừng Xà Nu”. Đây nữa là chân dung nhà thơ Giang Nam... Đây nữa là chân dung nhà văn Anh Đức - Bùi Đức Ái với “Hòn Đất” … Chúng tôi chăm chú lắng nghe thầy giới thiệu. Chỉ đến khi tiếng gầm rít của máy bay Mỹ mới đưa chúng tôi về với hiện tại… Nháo nhác trong màn đêm để về cái làng xóm thân thương của mình.
Đó là đêm 20 tháng 12 năm 1972, Mỹ cho nhiều máy bay tàng hình F111 hộ tống pháo đài bay B52 đánh phá Gang Thép Thái Nguyên, nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ và 2 pháo đài bay bốc cháy đền tội ác. Chiến công để đời của Thái Nguyên ta.
***
“Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả/Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông/Kẻ cuốc cầy mưa nắng ngoài đồng…”
(Nhớ con sông quê hương - Tế Hanh)
Cái lớp 10H của chúng tôi cũng như mấy câu thơ trên vậy. Vào lớp 8, học được vài tuần, một phần tư lớp lên đường đi bộ đội chiến đấu. Hết lớp 10 mỗi người một ngả, mỗi người tự chọn cho mình (hoặc là cuộc đời, số phận chọn cho) một việc, một cuộc sống. Nhưng sau bốn mươi năm gặp lại nhau thì đáp số chung vẫn là những con người lớn lên từ bom đạn và đều rất “tử tế”, như mong mỏi của các thầy cô năm ấy… Nguyễn Hiệp Lợi trôi nổi rồi cuối đời cũng đâu vào đấy, nhiệt tình với bè bạn. Đoàn Khắc Hòa, bôn ba mãi rồi có đận về làm Bí thư Huyện ủy. Lê Tất Thắng (bốn mùa mặc áo bông - là thày Dương đặt cho) làm Giám đốc ngân hàng đầu tư…
Tôi nhớ những chiều đông là nhớ về những gian khổ, đói rét và cả những khoảnh khắc đầy cảm xúc và tự hào của thế hệ chúng tôi - học sinh Đại Từ những năm đầu thập kỷ bẩy mươi thế kỷ XX. Và sau hết cái câu thơ “Như tuổi thơ vừa đó đã qua rồi” trong bài thơ Nghĩ về Pautopxki thật chí tình.
Và luôn nhắc nhớ một thời đã qua, thương lắm bạn bè ơi! Xa đấy mà cũng gần lắm đấy!
Nhà báo Phan Hữu Minh (cựu học sinh)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...