NGƯỜI VẬN CHUYỂN
VNTN - Xin mượn tên một loạt phim hành động nổi tiếng của Mỹ với “người vận chuyển” Frank Martin, để nói về một nghề đang được gọi là síp - pơ (shipper) hiện nay.
Tiến bộ vượt bậc của công nghệ số đã kích hoạt thị trường mua bán online, kéo theo sự ra đời hệ thống shipper (người giao hàng) - một nghề khá “hot” đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn để mưu sinh. Chỉ cần có phương tiện đi lại (xe gắn máy), có điện thoại thông minh, thông thuộc đường sá là có thể… hành nghề.
“Vượt nắng, thắng mưa, say sưa vận chuyển”
Gắn bó với công việc shipper của Viettel Post Thái Nguyên được hơn 2 năm, Nguyễn Văn Mạnh (28 tuổi, thị trấn Bắc Sơn, thị xã Phổ Yên) đã có nhiều kỷ niệm khó quên. Năm 2016, Mạnh phải chuyển một gói bưu phẩm được gửi từ Bệnh viện Đa khoa Yên Bái tới người nhận là Phạm Thị Huế, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên. Địa chỉ không ghi tổ, số nhà hay điện thoại để liên hệ; trong khi phường có tới 40 tổ, ngõ ngách nhiều vô kể. Nghĩ sẽ không thể phát được, anh gọi điện báo về công ty để bộ phận phụ trách thông tin cho nơi gửi. Nhưng bác sĩ bệnh viện Yên Bái, rồi cả giám đốc Viettel Yên Bái đều nhờ cậy Viettel Post giúp giao hàng. Với một vài thông tin cơ bản, chị Huế 19 tuổi, là trường hợp sinh 3 còn nguyên trong bọc ối được báo chí phản ánh rất nhiều thời gian qua. Thế là Mạnh lên mạng đọc các bài báo liên quan đến ca sinh đặc biệt này, song hầu như báo chí chỉ ghi địa chỉ tỉnh chứ không cụ thể. Đưa thông tin lên facebook cá nhân nhờ bạn bè trợ giúp tìm kiếm. Sau hơn 2 tiếng tích cực tương tác, Mạnh đã biết chị Huế ở ngõ 62, tổ 15. Khi nhận được hàng, chị Huế vui mừng ra mặt, cảm ơn rối rít vì đó là thuốc đặc biệt dành cho sản phụ mà chị đang rất cần. Thông tin lại nơi gửi, Mạnh nghe giọng nói hồ hởi cùng tiếng vỗ tay rào rào của các y bác sĩ, cứ như họ đang tập trung để chờ tin vui vậy. “Lúc đó thấy mình như lập “chiến công”, cảm giác vui lây suốt mấy ngày” - Mạnh chia sẻ.
Bưu tá Vũ Văn Lưu cần mẫn với nghề vì yêu thích và từ những niềm vui nhỏ nhoi
Tập thói quen chỉn chu về giờ giấc; hiểu biết, cập nhật công nghệ thông tin (các phần mềm cũ và mới được xây dựng của công ty) là những điều đầu tiên shipper phải làm. Làm gì cũng phải vượt qua giai đoạn “khủng hoảng tâm lý” thì mới “ngon cơm” được. Ý nghĩ đó đã giúp Nguyễn Thái Bình (Phong Huân, Chợ Đồn, Bắc Kạn) - hiện là shipper của Công ty cổ phần chuyển phát nhanh NewPost (phường Tân Thịnh) bám việc 4 năm nay. Cũng mấy lần có ý định chuyển nghề, bởi Bình vốn tốt nghiệp khoa Môi trường, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, mong muốn tìm kiếm công việc phù hợp hơn với chuyên ngành đã được đào tạo, song suy đi tính lại cuối cùng vẫn chọn làm shipper. Bình dí dỏm bảo: Công việc này “cứ lên xe chạy là có tiền”; lương cứng (đã được đóng bảo hiểm xã hội) thực nhận là 4,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm thưởng hiệu suất kinh doanh, mỗi tháng cũng thêm thắt được vài ba triệu nữa, biết thu vén thì cũng ổn. Ngày đầu mới làm cũng nản vì áp lực. Nhận việc và được các “tiền bối” hướng dẫn 1-2 ngày, sau đó được giao một khối lượng lớn tự mình hoàn thành. Cứ đi và mày mò tìm từng con đường, góc phố. Lo đi sai đường, lo thất thu tiền nong… đến là khổ.
Tiến bộ vượt bậc của công nghệ số đã kích hoạt thị trường mua bán online, dịch vụ vận chuyển ngày càng cần thiết và chuyên nghiệp, đa dạng như Shipper 24/7, Shipper A2Z, Shipper group… Những người như Bình, Mạnh, hầu như đều hoạt động theo một chu trình vận chuyển khoa học, chính xác, nhanh gọn. Mỗi ngày shipper đều đặn nhận hàng từ Hà Nội chuyển lên, thông tin hàng hóa được cập nhật, kiểm tra trên phần mềm hệ thống, chia tuyến để đi phát. “Công việc này chủ động được về thời gian. Điều trước đây là trở ngại thì nay lại là niềm thích thú, bởi đi nhiều, tiếp xúc với nhiều người giúp mình hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, ứng xử” - Bình vui vẻ cho biết.
Trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, tính sơ sơ có khoảng 15 địa chỉ các công ty, trung tâm giao dịch chuyển phát với những cái tên như: Thái Nguyên ship; Ship hàng nhanh; Proship; Shipper High Speed... Quy mô nhỏ thì có khoảng 10 người cả thảy (như NewPost), hoặc đông đảo nhân lực như Viettel Post (trong thành phố có khoảng 5 - 6 bưu cục, mỗi bưu cục 5 - 7 shipper). Do đó sức cạnh tranh khá lớn. Mạnh cho biết, thường thì các công văn, thư tín, hàng chuyển phát nhanh, Viettel Post quy định phải chuyển sau 4 - 6 tiếng; hàng gửi tiết kiệm, gửi thường thì du di thêm 4 - 6 tiếng nữa. Nghĩa là, tính từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối, các shipper phải phân phát “sạch sẽ” mọi thứ. Chiếc Smartphone sẽ giúp họ hoàn thành nhiệm vụ nhanh và chính xác. Mỗi bưu phẩm được phát thành công phải cập nhật qua phần mềm hệ thống chuyển phát được cài đặt trên điện thoại (từng trung tâm, công ty sẽ có phần mềm riêng), kiểm tra mã vạch, báo đã chuyển là xong. Nếu quên thao tác này thì coi như gói hàng đó bị lưu là hàng tồn. Mỗi cuối ngày, các điều hành viên sẽ quét trên phần mềm hệ thống để chốt phần hàng hóa tồn đọng, xem xét cách xử lý chuyển vào ngày kế tiếp hay chuyển hoàn…
Công việc nhìn thì có vẻ đơn giản, song nếu hiểu tường tận, nhiều người sẽ e ngại nghề shipper vì mức độ rủi ro của nó. Chưa bén nghề thì chưa tin mấy chuyện dở khóc dở cười của các shipper, nhưng khi trót được “nghề chọn” thì mới thấm. Vẫn bằng sự cởi mở, vui tính, Mạnh kể: Được phân tuyến ở thành phố thì đi lại và liên lạc thuận tiện, còn đi tuyến huyện thì vất vả hơn nhiều. Vào các bản vùng sâu vùng xa, đường khó, nhiều nơi không có sóng điện thoại, liên lạc rất khó. Có lần giao hàng mà người đặt hàng là trẻ nhỏ, mình đưa đến bố mẹ mới biết, họ quát mắng, thậm chí đánh con và đuổi mình về. Chưa kể có những trường hợp cá biệt, kiểu thích đặt hàng cho vui, giao đến nhưng họa hoằn lắm mới nhận một lần. Đặt nhiều đến nỗi nhìn thấy tên là phát ngán, nhưng nhiệm vụ của mình thì không thể không làm. Viettel Post kỷ luật rất nghiêm, chỉ cần một lỗi nhỏ như gian dối, thái độ với khách hàng… sẽ bị sa thải ngay. Lỗi nhỏ như đi muộn cũng bị phạt từ 50 - 100 nghìn đồng/lần.
Hỏi chuyện riêng tư, Mạnh ngượng ngùng: Tối đa có những ngày mình giao 160 cả thư và hàng hóa. Làm việc từ 7h, 19h điều hành viên chốt xong số liệu thì nghỉ. Những dịp lễ, tết, các ngày đặc biệt như valentine, 8/3… giao tận 21h mới nghỉ. Độc thân vừa là điều thuận lợi nhưng đồng thời cũng là khó khăn với các shipper. Không vướng bận gia đình thì có thể chuyên tâm cho công việc, song cũng chính vì thế mà không có thời gian dành cho bản thân, đặc biệt là chuyện tình cảm. Cái nghề “đội nắng, thắng mưa”, dù mưa dông chớp giật vẫn phải nhận và giao hàng đúng quy trình, thời hạn. Bởi nếu chậm trễ thì bị khách hàng khiển trách, tồn hàng sẽ vất vả cho mình. Nhiều khi không ưng ý mặt hàng nhưng khách vẫn nhận vì thấy mình trưa nắng 40 độ vẫn giao đến. Dù rất ngán cảnh cơm bụi, song mình chẳng còn cách nào khác là phải hàng quán cho nhanh để kịp tiến độ, hoàn thành nhiệm vụ.
Gắn bó với nhiệm vụ của một người vận chuyển, dường như các shipper đều tôi rèn được tính cách nhẫn nại. Bình bộc bạch: Gặp khách hàng khó tính, hàng hóa không như ý có buông vài câu mắng chửi như kiểu “giận cá chém thớt” thì cũng phải cười xòa. Mình chỉ là khâu trung gian, nên nếu “để bụng” những lời lẽ đó sẽ rất ức chế. Rủi ro thường trực khi phải lái xe mướt mải ngoài đường, mình chẳng đụng mà người ta đụng mình. Có người va chạm, ngã đau, hàng hóa rơi vãi, đổ bể; người giúp tham lam nhặt hàng cất vào túi họ, thế là mất. Có người phải đền 2 chiếc đồng hồ hơn 10 triệu đồng. Lắm khi sắp xếp xe hàng theo lộ trình tuyến đường, song có nhiều trường hợp khẩn cấp phát sinh nên không thể phát theo thứ tự đã định, nhiều lúc cũng lộn nhộn, rối trí.
Công việc “vượt nắng thắng mưa”, ngoài khoản lương cứng mỗi tháng, nguồn thu nhập thêm của các shipper như Mạnh, Bình còn đến từ hiệu suất kinh doanh, nghĩa là từ năng suất phát và năng suất thu. Năng suất phát là tỷ lệ phát thành công và phát đúng giờ đến tay khách hàng, phải đạt trên 90%. Năng suất thu là lượng hàng hóa từ các điểm khách hàng sử dụng dịch vụ của đơn vị để chuyển đi. Doanh số này dựa trên số lượng hàng hóa, số tiền khách hàng chuyển. Ví như những tuyến có nhiều siêu thị, nhiều cửa hàng bán hàng online thì có doanh thu cao. Do đó mức thù lao cộng thêm cho các shipper cũng khác nhau, trong khoản khoảng 1 - 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra các trung tâm, công ty còn có chế độ đãi ngộ thưởng doanh thu theo tháng, theo quý…, cộng mỗi thứ một chút thì cũng có mức thù lao tương đối. Trừ chi phí xăng xe, nhà trọ và các hoạt động tiêu dùng khác, Mạnh và Bình có thể để dư 3 - 5 triệu đồng/tháng. Dịp cuối năm, hàng phát nhiều đến tận 29 tết mới nghỉ, thu nhập của Mạnh lên đến 17 triệu đồng.
Việc không kể tuổi
Gần 20 năm làm “con ong” chăm chỉ với công việc chuyển phát, người dân ở phường Túc Duyên đã quá quen với hình ảnh bưu tá Vũ Văn Lưu người chưa đến tiếng đã vang, “phi” xe đến ngõ là í ới gọi tên chủ nhà. Chiếc xe dream cũ nhưng khỏe máy, tuy dáng vóc chẳng còn tráng kiện nhưng bù lại là một gương mặt luôn biểu lộ sự hoan hỉ, điềm tĩnh. Ông xởi lởi: Làm cái nghề này người nóng tính không trụ được lâu vì tính chất cần tỉ mỉ, nhẫn nại. Gặp trường hợp gọi điện thoại cho người nhận nhiều lần mà không thưa máy, buộc lòng phải đến tận nơi tìm hiểu lý do. Đi như thế mà còn không gặp, lại phải dò hỏi tổ trưởng, hỏi hàng xóm… xem khách hàng đi đâu, là người thế nào… Đấy là cái cách mình làm hết trách nhiệm với công việc, kiên trì rồi cũng rèn được sự “mát tính” đấy.
Là bưu tá hợp đồng của Bưu điện tỉnh từ năm 2005, song trước đó ông là bộ đội phục viên (1991) về và tham gia nhiệm vụ Phường đội trưởng phường Túc Duyên, rồi chuyển sang làm văn thư, liên lạc của phường. Đều đặn có mặt tại Bưu điện tỉnh lúc 7 giờ sáng mỗi ngày nhận thư, báo, các bưu phẩm, dù đã ở tuổi 64, song việc phải đảm bảo chuyển hàng hóa, công văn giấy tờ nhanh trong vòng 6 tiếng vẫn được ông hoàn thành nhanh gọn. Có hôm 7 giờ tối vẫn thấy ông mang thư báo đến, giọng cười thủng thẳng: “Dịch vụ bưu điện giờ cũng có nhiều đổi mới, tăng tính cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính với các đơn vị chuyển phát tư nhân. Không còn tình trạng hôm nay phát chưa hết thì ngày mai phát tiếp như trước, mà quy định chặt chẽ về thời gian. Cái nào không phát được thì trả lại để làm thủ tục phát lần 2 hoặc chuyển hoàn. Chính vì thế cũng đòi hỏi trách nhiệm của bưu tá được nâng cao đấy”.
Nguyễn Thái Bình chọn nghề shipper để mưu sinh
Trong 28 xã, phường trên địa bàn thành phố, mỗi xã, phường sẽ có một bưu tá (cứng) được Bưu điện tỉnh hợp đồng như ông Lưu. Ngày nào quá nhiều hàng, ông sẽ có thêm người hỗ trợ. Đội ngũ này cũng được bưu điện hợp đồng, nhưng không theo tuyến cố định mà lưu động trên toàn thành phố. Với mức thù lao 2,5 triệu đồng/tháng; chuyển phát bưu phẩm thì được tính thêm 4.000 đồng/1 lần phát thành công, khoản thu nhập này mỗi tháng cũng thêm được từ 300 - 500 nghìn đồng, đủ để ông Lưu bù chi phí như tiền xăng xe, điện thoại. Cộng cả thù lao làm liên lạc cho phường nữa thì tiền lương trên dưới 3,5 triệu đồng/tháng, ông bảo, chẳng nhiều nhặn gì nhưng cũng đủ để xoay xở cuộc sống.
Cái nghề đi nhiều, gặp gỡ nhiều người; để thuận lợi cho công việc, ông Lưu cũng chịu khó giao tiếp, nắm bắt tâm lý, tính cách của từng cán bộ, tổ trưởng tổ dân phố mà có thái độ ứng xử cho phù hợp. Đi và được dân thương quý, có lần đánh rơi hàng, người dân nhặt được còn mang đến tận nhà gửi lại. “Nghề nào cũng có cái thú của nó cả. Vui là khi đưa hàng hóa đến kịp thời, nhận những lời cảm ơn rối rít. Rồi có những thư tín là giấy báo đỗ đại học của sinh viên, gia đình người nhận reo vui, bỗng thấy phấn khởi. Vợ con thấy tôi yêu nghề nên cũng ủng hộ. Làm bưu tá đã nhiều năm, có khách hàng quen còn yêu cầu phải là ông Lưu phát thì mới nhận, nghe thấy ấm lòng. Bao năm tôi cần mẫn với nghề vì thấy thích và vui vậy thôi” - ông Lưu bộc bạch.
Nghe ông Lưu nói cười nhẹ nhõm, mấy ai nghĩ một nghề là mốt kiếm tiền của giới trẻ, là những cố gắng nhọc nhằn, tưởng dễ mà không dễ với nhiều người nhưng cũng lại là thú vui như ông vậy.
Lê Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...