Người nhiều chuyện
VNTN - 79 tuổi đời, 53 năm tuổi Đảng, ông Hoàng Tú, tổ 17, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Tuy đã nghỉ hưu từ 25 năm nay, nhưng nhiều cán bộ, nhân dân gọi ông là người nhiều chuyện. Bởi cuộc đời ông luôn phải đối diện với những việc “người ta” bảo chẳng đâu vào đâu nhưng buốt óc, đau đầu, buộc ông phải tranh đấu để giành lại quyền lợi chính đáng cho mình.
Cuộc đời ông, đáng lý đường công danh “xuôi chèo mát mái” vì ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố ông, cụ Hoàng Văn Thọ là cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên là giáo viên tỉnh Yên Bái, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính tỉnh Bắc Giang, nguyên Trưởng Ban Thanh tra tài chính Liên khu Việt Bắc. Cụ hy sinh năm 1954, ngay trên đường đi làm nhiệm vụ. Ông Tú có bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Nhung. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Lựu cũng được Đảng, Nhà nước vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông Hoàng Kiếm Phong, em trai ruột của ông là liệt sĩ kháng chiến chống Mỹ. Còn bản thân ông là thương binh.
Ông tâm sự: Vinh quang của gia đình tôi được bồi đắp bằng máu và nước mắt. Nhưng vì rất nhiều lý do, trong đó có sự quan liêu; thiếu hiểu biết; thiếu kiến thức lịch sử và cách làm việc chưa hết trách nhiệm của một số cán bộ liên quan đến chính sách, dẫn đến thiệt thòi cho bản thân tôi rất nhiều. Chính vì thế mà gần suốt cuộc đời tôi phải mang đơn đi tìm công bằng. Nên tôi mới có cái tên “Người nhiều chuyện”.
Sau 42 năm trở về từ chiến trường miền Nam, tháng 10 - 2018, ông Tú chính thức nhận được Giấy Chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng.
Câu chuyện về ông, lúc giống cây phi lao đứng chắn phong ba, khi lại như cỏ cây bị dẫm đạp. Và dù ví thế nào thì ông cũng là một con người chân chính, lương thiện, biết sống cho mình, cho mọi người. Năm 1959, sau tốt nghiệp sư phạm hệ 7+2, Trường Sư phạm Việt Bắc, ông được điều động về làm giáo viên ở một trường cấp I của Thị xã Thái Nguyên. Do có năng lực, phấn đấu tốt, ông được tổ chức điều động công tác về Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, phụ trách công tác tuyển sinh. Năm 1968, ông được cấp trên cử sang Liên Xô cũ học tập, nhưng tiền tuyến miền Nam vẫy gọi, ông làm đơn xin ở lại và tình nguyện nhập ngũ, được biên chế vào Đơn vị huấn luyện ở Bờ Rạ (Đại Từ), rồi vào chiến trường thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; bên nước bạn Campuchia. 7 năm phục vụ chiến đấu, mình mẩy phải mang nhiều thương tích đạn bom. Bù lại, ông được Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng nhiều Giấy chứng nhận khen thưởng.
Năm 1976, ông được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 giao nhiệm vụ Trưởng đoàn đưa cán bộ, thương binh đi A (ra miền Bắc). Cũng năm này ông phục viên, trở về cơ quan cũ nhận nhiệm vụ. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông hăng hái nhận làm những phần việc khó trong cơ quan; chủ động tham mưu cho cấp trên không sử dụng người yếu kém năng lực vào các vị trí quan trọng. Cũng vì “cái nết” thấy bất bình, ngang tai là khó chịu, nên khi thấy người hàng xóm (gia đình ông bà Diếu - Bơn) bị một cán bộ có chức quyền chèn ép, ông lên tiếng bênh vực, và “rước họa về mình”.
Đêm mùng 1 Tết Đinh Mão (1987), đối tượng đã dùng súng K63 bắn liên tiếp 6 phát vào ngôi nhà gia đình ông sinh sống. Oái oăm ở chỗ: Đối tượng là một cán bộ ngành thuế, có chức vụ. Oan ức, ông mang đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng Nhà nước đòi công bằng, nhưng không được giải quyết thấu đáo. Không cam chịu, ông tiếp tục khiếu kiện đến cấp cao hơn. Sau cùng, ngày 2-10-1987, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Thái ban hành Quyết định miễn tố, số 593/HS/TA. Kết luận: “Vũ Văn Đạm, cán bộ Chi cục Thuế (Sở Tài chính), ngày 29-1-1987 đã có hành động sử dụng súng trái phép, bắn 6 viên đạn chỉ thiên, nhưng do vô ý nên 1 viên đạn xuyên vào nóc nhà anh Tú. Hành động này đã gây tác hại về mặt tư tưởng và gây mất trật tự về mặt an ninh ở địa phương… Nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm, được trả lại tự do”. Ông Tú thở dài: Trình độ của cán bộ làm pháp luật như vậy, thì tránh sao khỏi việc dân khổ vì oan sai.
Vẫn là “thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Năm 1990, ông Tú được UBND tỉnh điều động tăng cường về Xí nghiệp bột khoáng (Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Thái) công tác. Sau hơn 1 năm làm việc tại đây, ông và 10 cán bộ, công nhân viên chức phát hiện Ban Giám đốc và Phòng Kế hoạch vật tư, Kế toán trưởng xí nghiệp có biểu hiện tham nhũng, nên đồng ký đơn tố cáo gửi lên lãnh đạo các cấp, ngành liên quan. Việc này được Thanh tra tỉnh vào cuộc, xác minh và có kết luận về các sai phạm của lãnh đạo xí nghiệp. Nhưng thay vì khắc phục hậu quả, sửa chữa khuyết điểm, Ban Giám đốc công khai trù úm những người dám đấu tranh, bằng cách cho nghỉ chế độ chính sách hoặc điều động đi làm công tác khác, không phù hợp với khả năng, năng lực chuyên môn. Ông Tú kể: Những năm tháng đánh giặc ở chiến trường miền Nam, kham khổ, nguy hiểm nhưng không… ác liệt bằng mặt trận chống tiêu cực. Để minh chứng nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế của Ban Giám đốc, chúng tôi tố cáo sự việc với Công an tỉnh. Chẳng khó khăn gì, bên Công an đã bắt giữ quả tang gần 4 tấn thiếc thô do lãnh đạo xí nghiệp sai phạm.
Thay vì sửa sai, lãnh đạo xí nghiệp yêu cầu ông Tú và những cán bộ, công nhân đứng ra tố giác phải bồi thường danh dự và thiệt hại cho cá nhân Giám đốc và xí nghiệp. Ông phải liên tiếp nhận sự trả thù từ cấp trên, như việc giám đốc mượn danh nghĩa “Tập thể lãnh đạo” để họp, lấy ý kiến biểu quyết khai trừ ông ra khỏi tổ chức Đảng; điều động sang làm bảo vệ xí nghiệp; ép ông phải nghỉ chế độ… Như con thỏ bị dồn đuổi đến cuối đường, ông bất lực, muốn buông xuôi. Nhưng ông đã không gục ngã. Ông tin: Một thiểu số cán bộ kém năng lực, thiếu đức, lộng quyền không thể “bàn tay che nổi bầu trời”. Ông viết đơn kêu cứu gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Trung ương, đề nghị làm rõ trắng đen, lấy lại sự công bằng cho người lao động trong xí nghiệp. Phải mất 3 năm trường, cơ quan chức năng mới có kết luận cuối cùng. Giám đốc và nhóm cánh hẩu bị kỷ luật, phải bồi thường một số thiệt hại cho xí nghiệp. Còn ông Tú được tỉnh đặc cách cho tăng lương đột suất, từ thang bậc lương 333 lên 390 (tăng 2 bậc lương/lần).
Cuối năm 1993, ông nghỉ hưu và tiếp tục với hành trình đi tìm công bằng cho mình. Như việc ông chứng minh bà nội và mẹ là những người phụ nữ có công với đất nước. Trong nhiều năm liên tục, ông không nhớ mình có bao nhiêu chuyến đi - về các bộ, ngành trung ương và các cơ quan chức năng của tỉnh để giải trình, chứng minh đó là sự việc có thật. Nhiều “một cửa”, gặp cán bộ trẻ thiếu hiểu biết, thiếu năng lực, trình độ, ông phải kiên trì “hướng dẫn” cho các cháu cần phải nghiên cứu, hiểu đầy đủ các quy định về chế độ chính sách của Nhà nước đối với người có công. Vì đi lại “một cửa” nhiều lần, nên nhiều cán bộ thấy ông rất ngại, sợ ông mắng vì chưa làm tròn trách nhiệm của một công chức. Nhưng lại rất nể vì ông là người hiểu biết pháp luật, thường có lời góp ý chân tình. Và cuối năm 2014, gia đình ông cùng lúc nhận 2 Bằng vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 của bà nội và 1 của mẹ ông.
Đúng lý thì những vinh danh này nghiễm nhiên gia đình ông được hưởng. Nhưng chẳng hiểu vì lý do nào mà ông và cả gia đình, dòng họ phải lận đận đi kêu đòi? Và trở thành người nhiều chuyện giữa nhân gian.
Ông Tú cùng các cháu nội, ngoại trước Bằng vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Sự đời, sao cứ phải “Con có khóc thì mẹ mới cho bú”. Ngay như việc hỗ trợ tiền làm nhà cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Ông được hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà mới. Nhưng để nhận được tiền, ông mất hàng chục lần về các bộ, ngành trung ương, địa phương kiến nghị thì mới nhận được số tiền này. Ông chia sẻ: Có lẽ tôi sinh chạm giờ bị “người ta” bắt nạt, nên việc gì, dù mình đúng mười mươi vẫn cứ phải khiếu nại mới được giải quyết. Đảng, Nhà nước không có lỗi, mà lỗi ở một số cán bộ tại các cơ quan, đơn vị chức năng chưa làm tròn trách nhiệm. Nên không phải riêng tôi, mà có rất nhiều người phải chịu oan ức, như các cụ cựu chiến binh từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở vùng bị địch dải chất độc hóa học, song không được hưởng chế độ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam.
Ông dừng lời như nén giấu niềm xúc cảm. Có lẽ ông đang âm thầm khóc. Ông khóc vì chẳng hiểu tại làm sao đời mình phải mất quá nhiều thời gian đi đòi những thứ mình nghiễm nhiên phải có. Ngay như việc ông tham gia chiến trường miền Nam, bị bom đạn thù cầy lên thân thể, sọ vùng đỉnh chẩn bị lún, nhưng ông phải mất 42 năm (1976 - 2018) mới được Nhà nước cấp Giấy Chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng.
Ông nói với chúng tôi như một lời tâm sự: Tháng 10 - 2018, tôi được mời đến UBND phường Gia Sàng, được các đồng chí lãnh đạo phường trao Giấy Chứng nhận thương binh và gắn huy hiệu thương binh lên ngực áo. Tôi luôn lấy làm vinh dự vì không làm hổ thẹn tổ tiên, gia tộc.
Làm người sống ngay thẳng đôi khi cũng thật khó. Đời người, khổ ải nhất là chuyện oan ức gieo vào mình. Ông Tú là người như thế, nên gần suốt cuộc đời phải đi trên hành trình hóa giải nỗi khổ tâm. Ông không nhận mình là người thắng cuộc. Vì sau “mỗi cuộc bể dâu”, ông phải trả giá rất nhiều mới có được nụ cười trọn vẹn.
Phạm Ngọc Chuẩn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...