Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
07:45 (GMT +7)

Người Karo – Bộ tộc xinh đẹp

Thung lũng Lower Omo ở miền Nam Ethiopia là một nơi có khá nhiều dân tộc sinh sống đông đúc và trù mật. Trong đó người Karo là bộ tộc có cư dân thiểu số nhất với chỉ khoảng 3.000 người song còn giữ được những thói quen lâu đời, không chịu ảnh hưởng bởi lối sống hiện đại. Và một trong đó là tục bôi vẽ thân thể, kèm theo căng tai, xiên môi, trích trổ một số họa tiết, biểu tượng lên ngực, tay và chân…

Trẻ em Karo


Tuy chỉ làm nông nghiệp, chủ yếu trồng đậu và ngô bên bờ đông sông Omo - một dòng sông lớn nhất nước này, nhưng người Karo tự hào vì chiến đấu rất giỏi và biết làm đẹp từ việc bôi vẽ và trang điểm từ bùn đất, tro than, hoa lá củ quả và là một trong các bộ tộc cuối cùng của Ethiopia duy trì truyền thống độc đáo này. Không rõ trong mắt người ngoài thế nào, nhưng mỗi thành viên cộng đồng Karo, dù nam hay nữ, già hay trẻ đều cảm thấy mình là một người xinh đẹp nhất, hấp dẫn nhất tại thung lũng Omo. Coi trọng diện mạo, ai nấy đều vẽ mình, làm tóc hết sức cầu kỳ và thường thay đổi họa tiết, kiểu dáng hàng giờ mỗi ngày. Thường là các chấm bi được chấm theo các hình học, hình dạng khác nhau quanh mắt, thái dương, gò má, cũng có khi là các vạch kẻ như sọc của con ngựa vằn hoặc đốm của con báo, con linh cẩu… trong khi ngực, lưng, hai đùi và bắp tay lại chi chít các mô típ chim thú, dấu tay, dấu chân như thể có một đàn thú vừa chạy qua.

Để tạo được những hình vẽ này, họ dùng phấn trắng, đất đỏ, muội than, lưu huỳnh, khoáng sắt, khoáng đồng cùng nhiều sa khoáng khác mà bôi lên người. Riêng với tóc thường trát bùn nâu, bùn đỏ lên tóc để giữ cho nó mềm mại và dễ tạo ra các kiểu đẹp mắt, như kiểu hạt đậu. Nam giới cũng hay bó tóc lên, sơn màu sặc sỡ cho tóc và trên đỉnh cắm, đính một vài lông chim. Mỗi năm, người ta còn xăm mình, cứa chích vào da nhiều lần nhằm tạo nên những vết sẹo hình sao, nhật nguyệt, mũi tên, cái khiên, đuôi trĩ, đôi khi là hình người - con vật để biểu thị cho sự dũng cảm, sắc đẹp và địa vị.

Người càng giữ chức vụ cao, tầm ảnh hưởng lớn, sự nổi tiếng, thành công càng có nhiều sẹo và để giống cha anh, họ liên tục “cấy” sẹo… Mỗi vết sẹo tương ứng với một sự trải nghiệm khó khăn, gan dạ trong cuộc đời đã từng qua, nhất là khi đã triệt hạ, đánh đuổi được con thú, kẻ thù đang xâm hại xóm làng. Xưa kia, khi còn là chiến binh, phải đánh nhau để giành giật thức ăn - lãnh thổ, mỗi khi hạ được một tên địch, nam giới luôn rạch một đường lên tay chân mình và rất vinh dự về chiến tích ấy, đi đem khoe nó với tất thảy mọi người, nhất là bạn gái. Ngày nay, chỉ chăn thả thôi, song nam nhân Karo vẫn giữ tục này, khi trưởng thành hay đạt một điều gì trong sự nghiệp đều khắc sẹo. Ngoài ra, cả trai lẫn gái còn xâu lỗ tai, cá biệt căng môi, căng tai, xiên que qua mũi, môi, cằm nhằm có những cái lỗ to cắm hoa, lá quả.

Tựu chung, người Karo trang trí cơ thể với hai lý do. Thứ nhất là vì sắc đẹp, sự nổi bật trong bộ tộc mình lẫn giữa các bộ tộc khác. Sống ở quanh mười mấy cộng đồng, ai cũng giàu sang, xinh đẹp, có nhiều khăn áo, vòng xuyến và đồ trang sức, trong khi cộng đồng Kara, một tên gọi khác của người Karo, lại nghèo khó - nam nhi thường phải mình trần - nữ nhi chỉ quấn tạm thời một mảnh khố nhỏ nên người Karo liền vẽ thật nhiều, cá biệt trát phấn từ đầu tới chân và đeo quanh đầu, cổ, ngực, mặt mũi đủ các loại hoa trái bốn mùa, vừa nhìn đã thấy lạ mắt, lôi cuốn. Đến giờ tại khu vực, thậm chí cả nước chỉ có họ và người Suri mới làm vậy!

Do mỗi năm chỉ có 49 ngày mưa, khí hậu nóng nực, việc bôi trát bùn còn giúp họ giữ được cơ thể mát mẻ, thơm tho, tránh ruồi muỗi đốt. Tiện có sữa, bơ, mỡ dê, bò, lừa, họ cũng bôi chúng lên người, mái tóc giúp da dẻ, tóc tai luôn mượt mà, bóng bẩy, cũng trét đất vô tóc để bọc tóc tạo kiểu như một thứ gôm bền bỉ cả tuần hay tháng. Phái mạnh thường trang điểm giản đơn, nhạt màu hơn song nhấn nhá tới các chi tiết như sọc, rằn, răng, mắt, ngón chân con thú để tỏ sức mạnh, sự đa dạng, khéo léo trong khi phái yếu tô đậm, giắt cực nhiều hoa, đeo lủng lẳng vòng cườm nhằm tăng độ quyến rũ, nữ tính.

Thứ hai là vì sự đấu đá lúc tranh giành bạn gái, hù dọa kẻ thù và ẩn náu vào môi trường. Cũng có quan niệm họ làm đẹp để kẻ thù cũng phải yêu mến. Và quả thực nhìn cách trang điểm của họ, người xem thấy rằng đây là một kiểu trang điểm rất dễ thương, hiền dịu, hài hòa, chủ yếu vì mục đích làm đẹp, gây thiện cảm, chứ không phải “dọa ma” người ta. Vì khác với nhiều bộ tộc trên thế giới thường bôi mình lòe loẹt hoặc đỏ choe đỏ choét hoặc đen nhẻm, đen thùi lùi, thậm chí còn đeo xương cốt, móng vuốt, vật sắc nhọn, lòa xòa, người Karo chỉ đánh phấn rất nhẹ nhàng, có khi chỉ chấm trên mặt vài nốt rất dễ coi và có tới 9 phần người xem vẫn nhận ra họ là ai.

Búi tóc ở nam giới Karo

Phụ nữ Karo thường để tóc ngắn, cạo hai bên mai và chừa một chỏm trên trốc trông như một cái bát úp. Họ cũng làm tóc như những hạt đậu nhỏ xinh nâu đỏ. Cả mái tóc là hàng nghìn hạt đậu hoặc các lọn trông như xâu cườm. Quanh đầu thường đội một xâu vòng hạt nhỏ rực rỡ màu đỏ xen vàng tựa như vương miện. Để xinh đẹp hơn, vào sáng sớm, trước khi đi đâu, mỗi chị còn chấm trên mặt nhiều cái chấm trắng, muốn người xem để ý ở đâu thì chấm nhiều tại đó, như khoe trán cao thì chấm trên trán, khoe ánh mắt hay cười thì làm một vòng quanh đôi mắt hoặc khoe nụ cười duyên thầm thì cho những chấm trắng tập trung quanh miệng. Đặc biệt dưới chính giữa môi dưới và cằm thường xiên một bông hoa lớn, khi cười sẽ đung đưa, thu hút. Cũng có khi họ cắm hoa lá quanh hai dáy tai, trên mũi, rồi dắt hai bên thái dương, quanh đầu… Ở một người có lỗ tai cực to do tục căng tai thì họ đút vào đó những cái đĩa đất, mảnh xương, ngà voi hay nhánh cây… Vào mùa hoa nở và thu hoạch là lúc nữ giới Karo đẹp nhất vì họ trang điểm và sức hương thơm cho mình bằng muôn thứ hoa.

Với nam giới Karo, lại chủ yếu giắt quả, bắp ngô, các loại cỏ, cánh côn trùng và lông chim. Tóc họ cũng ngắn, hình thức tương tự, song ở chính giữa đỉnh đầu, sau gáy thường để dài nhằm có thể tết hoặc búi, sau đó cố định bằng một mũ đất lưỡi chai rực rỡ. Để có màu đa sắc, họ thường sơn các màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng vào mũ và tăng thêm sự ấn tượng thì gắn vỏ cây tạo lỗ đính lông chim, thường là lông đà điểu, khi có gió bay phất phơ cực điệu. Sở dĩ họ đính lông đà điểu vì đây là con vật rất mạnh mẽ, nhanh nhẹn, tinh khôn, biết chịu đựng nắng gió khắc nghiệt của sa mạc. Đà điểu còn tự vệ giỏi, thậm chí tấn công mãnh liệt kẻ thù to cao hơn nó nhiều lần, ví dụ như chó mèo, xe cộ. Nói chung là con chim chẳng sợ cái gì.

Giống như tạo sẹo, sau mỗi lần chiến thắng địch thù hay một con thú hung dữ, nam giới Karo lại đính một cái lông lên mũ, và xem đó là biểu tượng của vinh quang. Hơi khác nữ nhân, đàn ông thường chỉ xiên ở cằm một cái que hay viên sỏi đá, nhưng nó khá dài và để giữ chặt, người ta thường xiên từ trong miệng ra và để đầu nhọn của nó thò ra ngoài cả chục centimét. Nhiều người cũng đeo vòng cổ rất to mà thực tế cũng là các biểu trưng về chiến công của họ, càng to, nhiều lớp càng dầy thành tích. Trước kia, họ có các ngọn giáo song nay được thay thế bằng các khẩu súng AK, vừa là vũ khí, vừa là phụ kiện làm đẹp. Và để đồng nhất, nam giới cũng vẽ, khắc hình phong phú lên báng súng. Họ thường dùng chúng để bảo vệ đàn gia súc, nhà cửa đồng thời chứng tỏ uy lực, sự hùng cường.

Vì vẽ mình và tô điểm bằng hoa lá, đứng ở đâu nam nữ Karo cũng thu hút và khi đi có thân hình rất gợi cảm, thanh lịch. Không chỉ vậy, họ còn có những điệu múa phồn thực cực kỳ hấp dẫn và dùng sắc đẹp, cử chỉ duyên dáng để lôi cuốn đối phương. Như nhiều dân tộc khác, nam nhi Karo phải trải qua khá nhiều thử thách mà tiên phong là lễ nhảy bò hay lễ thành niên của dân tộc. Cứ tới 13 tuổi, các em trai sẽ phải ra bãi chăn thả và trước sự chứng kiến của họ hàng, làng xóm nhảy qua lưng của một dãy hơn chục con bò trong sáu lần mà không ngã, nếu thành công sẽ được chứng nhận là đã đủ lớn khôn, khỏe mạnh, lấy vợ, còn thất bại thì vẫn là nhi đồng, chưa thể tự quyết việc đại sự. Những em chưa nhảy qua lưng bò sẽ phải thi lại vào năm sau, rồi năm sau nữa… đến khi đạt mới thôi.

Vì vậy, sắc đẹp đóng một vai trò rất quan trọng đối với nam nhi Karo, để các em có thể lọt vào mắt của một bạn gái nào đó, được bạn yêu mến mà chờ đợi. Và để có sắc đẹp, các anh chàng lại tô vẽ mình, nghĩ ra nhiều họa tiết hơn nhằm chấm trên người. Những lúc rảnh rỗi sau khi chăn bò và phụ giúp gia đình là những lúc các cậu bé tập trung với nhau học làm đẹp. Các em thường ra bờ sông, lấy bùn đất tập trát và dùng tay để tướt, vẽ dọc ngang trên bùn những hình học sao cho có nghĩa. Rồi chấm cho nhau các nốt trên mặt, làm sao để chẳng đứa nào giống nhau. Có thể nói niềm đam mê trang điểm đã ăn vào máu thịt người Karo và sống với họ suốt hơn 500 năm kể từ khi họ tới khu vực này. Ai nấy đều sớm biết tạo ra sự khác biệt so với người khác và cả dân tộc khác. Cá tính được vun đắp theo lịch sử để hôm nay trở thành một nét đẹp văn hóa, tập tục lạ kỳ, không phải ở đâu cũng có, khiến cho rất nhiều nhà nghệ thuật trong đó có nghệ thuật trang điểm tìm đến và phải ngỡ ngàng, say mê trước cách làm đẹp phong phú, tự nhiên của họ. Nhờ có những bộ tộc như người Karo, mà những bản sắc, di sản văn hóa lâu đời của Ethiopia và cả châu Phi đã được gìn giữ và phát huy trước mọi tác động của lối sống hiện đại.

Chu Mạnh Cường (biên dịch và sưu tầm)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy