Người Cà Mau
VNTN - 1. Nhà thơ Nguyễn Bá, quê ở Bến Tre song sự nghiệp văn chương của ông lại gắn bó sâu sắc với Cà Mau, nói với tôi, đã vào đến miền Tây nhất thiết phải sắp xếp thời gian đến Cà Mau.
Trước con mắt dò hỏi của tôi ông nói Cà Mau hấp dẫn và lạ lùng lắm, cả đời mình chưa chắc đã tìm được câu trả lời. Rồi ông đọc một câu ca dao: “Cà Mau đi dễ khó về/ Trai đi có vợ, gái về có con”.
- Thế còn Cần Thơ? Tôi hỏi.
- Cần Thơ hả? “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó, lòng không muốn về”. Ông đọc luôn câu ca dao quen thuộc.
Ngẫm nghĩ một lát, ông buông một lời bình luận rất “Hai Lúa”:
- Nhẹ hều à!
Và tôi đã hứa với ông sẽ đến với nơi “đi dễ khó về”.
Đất Cà Mau rất quen thuộc với tôi trong cuộc chiến tranh vừa qua. Nhưng xa Cà Mau từ ngày giải phóng miền Nam đã hơn 40 năm, không biết những người Cà Mau mà tôi rất đỗi thân quen ấy có gì đổi thay không? Gần nửa thế kỷ rồi còn gì!
Với một cơ may trong nghề làm báo, qua một bài báo tâm linh mà các em của liệt sỹ Cảnh người Thái Nguyên đã tìm được hài cốt của anh để đưa về địa phương mà tôi có số điện thoại của Anh hùng Lực lượng vũ trang (AHLLVT) đại úy Lê Văn Kiệm. Anh Cảnh và anh Kiệm là hai cán bộ chỉ huy cùng thời với nhau, anh Cảnh là chính trị viên còn anh Kiệm là đại đội trưởng.
Anh Ba Kiệm ngồi xe taxi đến đón tôi. Sau cái ôm ghì theo kiểu con nhà lính anh nói: Gặp anh Ba ở Cà Mau thế này em mừng quá, thằng em phải trực tiếp đón anh mới đã.
Nghe tin tôi vào Cà Mau, anh đã hủy chuyến bay ra Thái Nguyên kỷ niệm ngày truyền thống ngành Giao thông Vận tải để đón tôi.
Phút mở đầu như thế, trên cả tuyệt vời. Ba Kiệm bây giờ là Chủ tịch HĐQT một Công ty vận tải, có trong tay mấy chục chiếc xe taxi, đi khắp từ Nam chí Bắc có cái tên nghe thật dễ thương: Công ty “Đất Mũi”. Tôi chợt nhớ cái tên Đất Mũi này trùng với tên tập báo ảnh Đất Mũi của Cà Mau nổi tiếng một thời do anh Kiên Hùng phụ trách. Kiên Hùng là một nghệ sỹ nhiếp ảnh, say mê tìm tòi và giàu óc sáng tạo.
Binh minh nơi Đất Mũi Ảnh: Kim Khoa
Cũng nhờ cái nghiệp làm báo mà tôi và AHLLVT Lê Văn Kiệm có sự gắn bó vô hình với nhau. Năm 1973 (hơn 40 năm trước), để chuẩn bị cho đại hội mừng công của Quân khu miền Tây Nam Bộ, với danh nghĩa là phóng viên Báo Quân giải phóng Miền Tây Nam Bộ, tôi cùng Ba Kiệm đã hoàn thành bản báo cáo thành tích chiến đấu của anh. Nhưng lịch sử chiến tranh đã chuyển động với tốc độ “một ngày bằng 20 năm” nên bản thành tích ấy phải cất trong ba lô. Sau khi giải phóng miền Nam, Lê Văn Kiệm lại tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và tiêu diệt chế độ diệt chủng ở Campuchia. Mãi đến năm 2013, may mắn làm sao Ba Kiệm vẫn còn giữ được bản báo cáo ấy. Thành tích chiến đấu của anh được kéo dài thêm trong một cuộc chiến tranh sau này. Với một bản báo cáo khá đầy đủ thành tích chiến đấu của Lê Văn Kiệm và được đánh giá là sinh động và trung thực, anh được nhà nước tuyên dương AHLLVT năm 2015. Tôi tự nhiên trở thành một “ân nhân bất đắc dĩ” của anh, anh mong muốn có ngày được nói lời cảm ơn với một nhà báo và coi tôi như một người anh cùng họ Lê trong gia đình. Và dịp ấy chính là cuộc gặp gỡ hôm nay trên thành phố Cà Mau ngập tràn sức sống.
Đúng là đất nước thanh bình và thời kỳ hiện đại. Chẳng mấy chốc các cựu chiến binh của Trung đoàn 10 (Trung đoàn kết nghĩa với tỉnh Cà Mau) có nhà ở thành phố, đã phóng đến quây quanh tôi. Thôi thì đủ chuyện, kẻ khóc người cười. Ba Kiệm bấm đến ba, bốn chục cuộc điện thoại, cước phí điện thoại dễ đến bạc triệu, cho tôi nói chuyện với anh em trung đoàn từ Hải Phòng đến Đà Lạt và vùng nuôi tôm Ngọc Hiển.
Rồi bia rót ra. Rồi rượu cạn ly. Rồi ôm nhau hát những bài ca một thời trong bom đạn như: Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Bài ca may áo... Những bài hát luôn tếu táo, trẻ tươi, sặc mùi lính tráng. Bài hát “Bài ca may áo” không hát là “chiến sỹ ta dầm mưa dãi nắng” mà hát là “chiến sỹ ta nằm đâu ngủ đó”, rồi “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” lại hát tếu rằng: “Bắt chị sui phải ngồi trên ván gõ, bắt anh sui ngồi kế bên chị sui”. Cứ thế, chúng tôi bá vai nhau, hát miên man như muốn quay trở lại thời trai trẻ cổ tích của mình.
Rồng rắn nhau đi tới mấy cửa hàng. Gần khuya lại kéo nhau vào quán cháo vịt xiêm, cá chốt xào sả.
Nữ bác sỹ Hà hỏi tôi: Anh muốn ăn gì, anh Ba? Tôi “cắc cớ” muốn kêu những món mà giữa Cà Mau thành phố này, chắc là hiếm. Tôi nói ngay: Có rau đắng không? Có ngay, Hà đáp. Chuột chiên, tôi nghĩ chắc là bạn bè phải bó tay. Nhưng không ngờ tôi lại nghe tiếp, có ngay. Thật ngạc nhiên, chỉ mươi phút sau, nhà hàng bưng ra một đĩa rau đắng xanh mướt, vài phút nữa lại đem ra một đĩa chuột chiên thơm nức. Tôi giơ tay vái mỗi người một cái vì thán phục.
Trong cái nhìn lơ mơ vì hơi men, tôi thấy bạn bè tôi vẫn y sì như ngày xưa, xa lắm rồi mà tôi đã đọc qua các trang sách lúc còn trên ghế nhà trường. Đó là những con người trọng nghĩa khinh tài, dám xả thân vì nghĩa cử. Cái dòng máu và tính cách hào sảng từ thủa ông cha “mang gươm đi mở cõi” vẫn còn đậm đặc trong những bạn bè quanh tôi. Nó chưa bị ngọn gió trái chiều của cơ chế thị trường pha loãng.
Có một thứ vacxin miễn dịch nào đó đã được “cấy” trong tâm hồn những bạn bè này của tôi chăng!
Khi nhìn những bạn chiến đấu năm xưa, hình như vương vấn một nét buồn. Tôi đoán không nhầm, ba nữ cựu chiến binh ngồi bên tôi, chỉ có Hà là có chồng có con, hai người còn lại đều sống độc thân. Riêng Lan Anh có em gái ruột cũng độc thân, giờ ở cùng nhau nương tựa lúc tuổi già. Tôi hình dung bây giờ họ đã trở thành những “bà già xưa”, lặng lẽ giữa một thành phố trẻ rực rỡ nhà cao tầng và rộn rã, ồn ào xe cộ.
Ba Kiệm tâm sự, nhiều chị em còn cực lắm. Rất nhiều người chưa một lần biết thành phố (chỉ Sài Gòn). Hầu hết chưa được đến Hà Nội. Anh hào hứng kể, lúc anh chuyển ngành về Ban Tổ chức Tỉnh ủy, anh cùng Ban liên lạc CCB Trung đoàn 10 đã đề đạt với Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân giúp đỡ tạo điều kiện để tất cả chị em Trung đoàn 10 cư trú tại Cà Mau được ra Hà Nội viếng lăng Bác. Tôi nói với mọi người, tôi biết chuyện này vì Hồng Nga công tác ở Ban Chính trị Trung đoàn gọi điện báo tin đang ở Hà Nội. Tôi hỏi, ra Hà Nội bằng cách nào, Hồng Nga cũng đã báo tin, chúng em được Tỉnh ủy “đãi” một chuyến đi ra Hà Nội viếng Bác và thăm vịnh Hạ Long. Nghe thế, tôi mừng quá, bất ngờ reo lên trước chiếc điện thoại di động: Cà Mau muôn năm!
* *
*
2. Những ngày ở Cà Mau, tôi tìm thăm lại bạn bè xưa, trong số đó có chị Mười. Gặp tôi, chị Mười kể, chồng chị đã mất cách đây mười mấy năm. Lúc hạ huyệt chồng, chị gỡ khăn tang cuốn quanh một hòn đất rồi thả theo quan tài. Chị xả tang ngay từ ngày vĩnh biệt chồng. Tôi ngạc nhiên nhìn chị như nhìn một người từ hành tinh khác đến.
Chị nhỏ nhẹ tâm sự, lúc chồng còn sống thì chị đã sống trọn vẹn và làm tròn đạo nghĩa của người vợ với chồng. Bây giờ còn nhiều việc phải làm, không thể nấn ná mãi trong đau thương được.
Ôi! Chị thực sự là người phụ nữ hiện đại của thế kỷ 21.
Tôi chợt nghĩ tới câu thơ đầy triết lý nhân sinh của nhà thơ Chế Lan Viên, câu thơ:
Người chết đã chết rồi
Người sống bận đi lên.
Mà chị bận thật. Phải thay chồng lo cho 3 người con trai có cơm ăn, có tiền tiêu, có nhà ở, trách nhiệm thật nặng nề.
Rồi người phụ nữ nhỏ nhắn ấy cũng lo được cho các con. Mỗi người đều có một cơ ngơi, một nghề nghiệp, một nguồn thu nhập khá ổn định. Ba người con trai của chị đều tự nguyện nối nghiệp cha, mỗi người đều làm chủ một doanh nghiệp vận tải hành khách. Đến thời điểm này, có người đã có tới hai xe khách giường nằm cao cấp, mỗi chiếc trị giá hàng tỷ đồng.
Tôi chú ý một chi tiết, cảm thấy khá hiếm trong việc kinh doanh hiện nay. Ấy là trường hợp 3 người con trai của chị, mặc dầu kinh doanh riêng lẻ “lời ăn, lỗ chịu” nhưng họ đều có một cái tên chung: Xe khách Trần Tính, lấy theo tên người con thứ hai của chị.
Không khó nhận thấy những dấu ấn quê hương ăn đậm trong tâm hồn các anh khi bến xuất xe là Cà Mau, quê ngoại, và bến đến là Tịnh Biên (An Giang), quê nội.
Tôi có may mắn được chứng kiến khi xe các anh gần tới bến đỗ lúc chạy ngang qua nơi đặt phần mộ của người cha, xe chầm chậm lăn bánh và trên xe vang lên một tiếng còi ngắn trong trẻo. Khi vừa xuất bến để bắt đầu cuộc hành trình, các anh cũng lặp lại động tác ấy. Những âm thanh ngân lên như một lời chào, báo tin an toàn, may mắn lúc trở về cũng như lời cầu xin sự phù hộ của người cha trên chặng đường phía trước.
Một hôm, Trần Tính - người con thứ hai của chị Mười - nói với tôi: Năm nay (2016), chính phủ gọi là năm khởi nghiệp, con nghĩ cũng nên làm một cuộc “khởi nghiệp”, cậu Ba thấy sao?
Tôi thật bất ngờ, không nghĩ rằng các nhà doanh nghiệp như Trần Tính lại theo sát tình hình thời sự đến vậy.
Tôi hỏi:
- Khởi nghiệp tức là mở đầu. Thế Tính định khởi nghiệp nghề gì?
- Vẫn là vận tải hành khách thôi, nhưng mở thêm tuyến mới, cũng được coi như là hưởng ứng năm khởi nghiệp mà.
- Đúng là sáng kiến! Cậu ủng hộ con. Tôi thân mật với nhà doanh nghiệp Trần Tính vì anh ít tuổi hơn hai đứa con của tôi. Liệu xem nên mở tuyến nào đây, tôi hỏi.
- Dạ! Bình Dương.
Nói là làm, đó cũng là tính cách của người Cà Mau. Hai vợ chồng Trần Tính lên thành phố Hồ Chí Minh mua xe và trở về chờ xong thủ tục mở tuyến. Tôi tranh thủ đi xem xét xung quanh bến xuất phát, chợt nhận ra nhiều khu dân cư ở đây có khá nhiều gia đình khóa cổng, khóa cửa, bỏ nhà hoang. Hỏi những người dân bản địa họ bảo, đi Bình Dương làm thuê hết rồi, có những cặp vợ chồng còn đón cả cha mẹ lên giữ cháu nội, cháu ngoại cho họ đi làm. Có lẽ con mắt của nhà kinh doanh từ lâu đã nhìn ra nhu cầu đi lại giữa Bình Dương và Tịnh Biên, An Giang.
Cà Mau Ảnh: Kim Khoa
Chuyến xe mở tuyến vượt qua Bình Dương, dừng lại ở bến đỗ cuối cùng huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, nơi có nhiều công ty nước ngoài. Xe đến đúng lúc huyện Vĩnh Cửu mở cuộc “Liên hoan tiếng hát thanh niên công nhân nhà trọ”. Đường phố rực rỡ cờ và băng rôn khẩu hiệu. Tôi quan sát kỹ phong cách tiếp thị của lái xe và phụ xe người Cà Mau. Họ theo chân một người mới làm quen, nhà ở An Giang, đi đến từng phòng trọ của công nhân, thân mật mời chào và đưa cac - vi - dit. Có chuyện vui, cười nôn ruột, ấy là nhà xe Trần Tính có một lái xe ốm nhom, đầu húi trọc lóc, tay chân khuỳnh khoàng. Vừa bước vào một phòng trọ của nữ công nhân, chưa kịp chào hỏi, chị em tưởng xì ke đến xin tiền liền ù té chạy. Anh phải la lớn, tôi là lái xe, tôi đi chào hàng. Chị em rón rén dừng lại, nhận ra điều anh lái xe nói là thật. Cười òa. Thế là họ quen nhau.
Trần Tính còn trẻ, mới 38 tuổi. Anh mời mấy người “bạn hàng” mới quen đến lai rai ở quán bò nướng, tại ngã ba đường, dưới chân đèn cao áp. Nhìn họ bàn chuyện làm ăn, tôi không hề thấy sự chụp giật, lèo lá. Họ tính toán với nhau y như ông cha họ từng bàn bạc chuyện đồng áng, tôm cá vậy. Dường như nhà kinh doanh người Cà Mau này hiểu rằng sự cởi mở và chân thực trước “thượng đế” là điều cốt lõi trong kinh doanh mà các phương tiện báo chí hiện nay đang dùng hai từ “bền vững”.
Một hôm Trần Tính nói với tôi, cậu Ba có số điện thoại của nhà báo nào không? Để làm gì? Tôi ngạc nhiên hỏi. Để con cần khi có chuyện. Anh dẫn giải ngay, chỉ cần con chở một bao đường Thái Lan trên xe, đến Nhà Bàng là bị thổi còi ngay. Nhưng có người chở cả xe tải đường Thái vẫn đi qua trót lọt, con voi lọt qua lỗ kim còn con chuột nhắt thì chào thua. Tôi cho anh số điện thoại của bạn tôi, có 3 số cuối là ...288, rồi giải thích thêm, nhà báo này người Cà Mau nhưng bây giờ đã chuyển lên thành phố (tức Sài Gòn). Thế là con yên tâm. Anh bình tĩnh nói.
- Cậu có biết không? Anh lại hỏi tôi. Lâu nay con chỉ còn tin ở các nhà báo, họ không có văn hóa nhiệm kỳ. Cả đời họ là một nhiệm kỳ, chuyên làm việc tốt cho xã hội và bênh vực những người bị thiệt thòi do bất công.
Tôi nghe lòng mình rộn rực một cảm giác khó tả. Những suy nghĩ của Trần Tính phải chăng là thông điệp của rất nhiều doanh nhân Cà Mau muốn gửi đến các nhà báo một lời cầu mong không lời và lòng yêu mến, quý trọng. Tôi chợt nhận ra, doanh nhân Cà Mau này đã nhìn thấy “quyền lực mềm” của báo chí và muốn nó đồng hành trong sự nghiệp kinh doanh của mình.
Trong khi tôi đang ghi lại kỷ niệm những ngày vừa qua ở Cà Mau thì được tin việc kinh doanh vận tải hành khách trên lộ trình mới của Trần Tính gặp rất nhiều khó khăn, khách chưa quen, càng chạy càng lỗ, lỗ tới 4 - 5 chục triệu rồi. Thương trường là chiến trường, quả là khắc nghiệt. Tôi cầu mong Trần Tính cũng như các doanh nhân Cà Mau đã hưởng ứng cuộc khởi nghiệp quốc gia theo phát động của Thủ tướng Chính phủ sớm vượt qua cửa ải “vạn sự khởi đầu nan”.
* *
*
3. Những người Cà Mau tôi gặp khi biết tôi quê ở Thái Nguyên thường đọc ngay câu thơ của Tố Hữu: “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế” và kèm theo một câu hỏi: “Bộ ngoài ấy lạnh dữ lắm hả?”. Nhưng năm nay trời không rét, miền Bắc mất mùa đông, đúng là biến đổi khí hậu thật. Các chàng trai si tình miền Nam không phải “gửi nắng cho em” nữa. Tôi bật cười với “cái” phát hiện ngồ ngộ của mình giữa đêm khuya thì chuông điện thoại lên tiếng. Tôi giật mình. Những người cỡ tuổi tôi rất sợ những “cú” điện thoại vào giờ này.
- Anh Ba hả?
Trời đất ơi! Một giọng phụ nữ Nam Bộ, giọng út Hương.
- Có làm mất giấc ngủ của anh không?
- Anh đang thức, đang nghĩ về một câu hát: “Anh ở trong này không có mùa đông”. Anh đang nghĩ đến Cà Mau quê em đó.
- Cảm ơn anh! Anh nói thật hay xạo đấy?
- Thôi, không cãi lộn nữa. Chắc có chuyện gì quan trọng lắm em mới gọi điện cho anh giờ này.
- Anh Ba này. Em vừa nghe một tiếng bìm bịp kêu bên kia sông. Nghe rồi cứ thao thức mãi. Từ ngày Cà Mau lên thành phố đến giờ, mười mấy hai mươi năm rồi đêm nay mới được nghe một tiếng bìm bịp kêu. Chắc lúc này nước đang “lên”.
- Mô Phật! Tôi kêu lên và bỗng thấy bàng hoàng khi nghe một cái tin chẳng mấy liên quan đến mình nhưng lại làm xúc động một người phụ nữ đã từng qua một thời bom đạn.
Tôi lặng đi tới mấy giây. Hình dung em đang ngồi bất động, nhìn ra xa xăm. Đến hôm nay, qua bao nhiêu thăng trầm và va đập với đời, tâm hồn em vẫn còn tươi non, lãng mạn, vẫn nhạy cảm như một dây đàn. Một làn gió, một âm thanh lướt qua tâm hồn em cũng làm rung rinh những ký ức xa xôi.
- Em nhớ... út Hương nói ngắt quãng. ... nhớ những đêm thanh vắng, trong rừng U Minh. Lúc này mọi người đã thức dậy chuẩn bị cho cuộc chống càn hôm sau của địch. Khi nghe tiếng kêu của con bìm bịp, bọn con gái chúng em đứa nào cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ má. Làm các anh phải dỗ dành như dỗ bọn con nít.
Tôi xúc động, nghe nghèn nghẹn nơi sống mũi khi nghe những lời tâm sự của em.
Đêm nay nghe tiếng chim bìm bịp kêu, út Hương nói tiếp, nhớ lại những ngày sống trong rừng U Minh. Những ngày tháng ấy ai cũng được yêu thương, được tôn trọng và bảo vệ. Thiếu thốn đủ đường mà thương nhau, có thể sống chết vì nhau.
Em nhớ từng con sông, con rạch, từng bà má đã nuôi mình. Em nhớ các anh, nhớ mọi người đã một thời sống chết bên nhau. Giọng út Hương run run.
Máy tắt. Im lặng.
Rừng đước Cà Mau Ảnh: Kim Khoa
Tôi cũng như bị đắm chìm trong xúc cảm của em. Tôi mường tượng lại cuộc sống trong khu giải phóng, trong mỗi đơn vị thời chiến vừa qua dường như đã là một xã hội thu nhỏ.
Cách đây không lâu, ngành Hậu cần Quân khu có một cuộc họp mặt truyền thống. Trong số những người đến dự, một người trong ngành Quân y được phong hàm cấp tướng. Có người chỉ em rồi hỏi vị tướng: Anh có nhận ra người phụ nữ kia là ai không. “Ông” tướng nói rất vui: Nhận ra ngay, út Hương chớ ai! Nhưng ngày trước ai mà “rớ” được bả.
- Mèng đéc ơi! Em đáp lại ngay, em út mà đòi “rớ” chị hả? Có mà trời sập.
Bỗng dưng cả hội trường tiếng cười vỡ òa ra. Cả vị tướng 1 sao 3 vạch và anh lính trơn đều cười vang. Tiếng cười hôm ấy cũng giống như tiếng cười những năm tháng ở trong vùng giải phóng trong những buổi sinh hoạt hái hoa dân chủ, người thua cuộc bị quẹt lọ nghẹ hay tiếng cười giòn tan lúc mọi người chui vào hầm kèo chữ A khi nghe tiếng pháo địch đề pa, vừa bò vừa tranh thủ nhéo chí nhau như những đêm trăng nào đó ở quê nhà.
Bao nỗi nhớ ấy được truyền từ lớp người này đến lớp người khác, nó vô hình song đã trở thành một trong những nhân tố của nền văn hóa tương lai. Vì thế mà nó có sức mạnh và có độ bền lâu dài, giúp mọi người chịu đựng được gian khổ, vượt qua đau thương, bom đạn và giành thắng lợi.
Hình như có thần giao cách cảm. Tôi đang định bấm máy gọi em thì điện thoại của tôi đã đổ chuông.
- Anh ngủ chưa? Anh Ba.
- Ngủ làm sao được! Út Hương.
- Con bìm bịp lại vừa kêu lần nữa! Chắc lúc này nước đã “đứng” rồi.
Vẫn xoay quanh một tiếng chim bìm bịp. Với em cũng như bao người Cà Mau khác, tiếng chim bìm bịp mang cả hồn vía đất đai, sông nước, cỏ cây, có cả hồn vía của ông cha xưa nữa, nó lay động sâu xa tâm thức của con người. Có khi chỉ vì những âm thanh ấy mà người ta dám xả thân, dám sống chết cho quê hương. Tôi tôn trọng những phút giây sâu lắng trong tâm hồn em lúc này, nó hoàn toàn trái ngược với sự vô cảm đang có nguy cơ lan tràn như nạn dịch ngoài xã hội. Tôi chợt nhớ đến một câu hát miền quê em: “Bìm bịp kêu, con nước lớn ròng”.
Nhưng hình như em nói một đằng mà trong lòng lại nghĩ về một nẻo nào xa vời vợi. Tôi nghe tiếng em thảng thốt như tiếng vạc rơi trong đêm sương. Gương mặt em dịu dàng hiện lên theo từng lời nói, xinh đẹp một thời con gái, rồi hòa tan trong mênh mang. Giây lát sau thật bất ngờ trong ký ức tôi lại hiện ra những nét thần thái trên khuôn mặt Nguyễn Bá. Dù hai gò má cao đã nhuốm màu phong trần song đôi mắt vẫn sáng như hai đốm lửa và giọng nhà thơ vẫn sang trọng và mềm ấm như một lời ru:
Cà Mau đi dễ, khó về
Trai đi có vợ, gái về có con
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...