Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
21:10 (GMT +7)

Người bị nhiều vạ bút

VNTN - Không hiểu là vì cái số hay vì một lẽ nào khác mà nhà văn Vi Hồng là một trong những nhà văn rất hay bị vạ văn chương, kiện cáo trong viết lách.

Cách đây khoảng nửa thế kỷ, là thời gian mà con người còn rất ấu trĩ trong sinh hoạt văn chương, khi truyện ngắn “Người chia ánh sáng” của Vi Hồng vừa được đăng tải liền đã có người chụp cho cái “mũ” to tướng là bôi xấu chế độ. Truyện ngắn của ông viết về nhân vật bị mù nhưng có tinh thần quyết vươn lên để tàn mà không phế. Cuối cùng nhân vật đã được lãnh đạo địa phương phân công cho công việc ngồi tại chỗ ở trạm điện để phân chia điện cho các thôn xóm (vì ngày ấy nguồn điện còn quá hạn chế nên phải có sự phân phối đều cho người dân). Nhà văn Vi Hồng gọi hành động đó là “chia ánh sáng”. Vậy mà có người suy diễn ra nhiều ý khôn lường. Nếu hồi ấy không có ông Bằng Giang, Chủ tịch Khu tự trị Việt Bắc cứu nguy thì có khi lôi thôi to.

Rồi truyện ngắn “Pặm” (ra đời khoảng năm 1972) bị sát phạt là bôi nhọ hình ảnh người phụ nữ miền núi (về ngoại hình, Pặm quả là một nhân vật hơi dị dạng nhưng bên trong lại ẩn chứa một tâm hồn thuần phác, trong trẻo, một tinh thần biết vượt lên số phận).

“Chuyện xảy ra trong mùa cá vật” (đăng tải vào năm 1978) cũng bị một phó giám đốc Sở Văn hóa “phạt” bằng hình thức trả nhuận bút chỉ bằng 1/3 thông thường chỉ vì nhà văn dám cho nhân vật tự tử, với lời phán rằng “cớ sao chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp như thế mà lại có chuyện tự tử”.

Lạ nhất và lớn nhất là đến tận những năm 90 thế kỷ trước, cuốn “Người trong ống” của ông còn bị rắc rối to. Cái không gian là một bệnh viện lớn ở một địa phương mà nhà văn lấy làm không gian của tiểu thuyết, đã bị nhiều vị lãnh đạo ở đây ngộ nhận và viết đơn từ kiện cáo khắp nơi cho rằng Vi Hồng đã bịa đặt để bếu riếu, nói xấu, vu khống họ. Tuy cái tên tỉnh và nhiều cái tên khác trong tiểu thuyết đều là những địa danh phiếm chỉ nhưng họ không cần biết đến điều ấy mà cứ nằng nặc vác đơn đi gặp hết người có trách nhiệm này đến cơ quan chức năng nọ để “vạch mặt” Vi Hồng, kẻ đã cả gan bôi nhọ họ. Kì quặc là ngày ấy nghe nói ai đó đã ra một cái lệnh (ngầm trong nội bộ) là cấm tất cả cán bộ, nhân viên trong bệnh viện không được đọc “Người trong ống”. Tất nhiên, rồi sau đó những cái đơn kiện do nóng vội và ít hiểu biết về chuyện sáng tác văn chương của một số người trong bệnh viện không được giải quyết. Nhưng buồn nhất là sau cái ngày tiểu thuyết “Người trong ống” ra đời, mặc dù Vi Hồng rất nhiều bệnh tật nhưng mỗi khi lâm bệnh, vợ ông không dám đưa chồng vào cái bệnh viện ấy nữa.

Ngày hôm nay, điềm tĩnh nhìn lại sự việc này thấy pha nhiều chất bi hài. Thực ra mọi chuyện do xuất phát từ lúc nằm điều trị ở bệnh viện, Vi Hồng thường được một vài bác sĩ, y sĩ của bệnh viện kể cho nghe những câu chuyện, những sự kiện đã xảy ra trong nội bộ của họ. Có thể không loại trừ cả việc mâu thuẫn này khác chưa được giải tỏa. Đối với một nhà văn thì đó chính là một nguồn nguyên liệu rất quí giá cho sáng tạo, nên Vi Hồng không thể không nắm bắt để chuyển tải vào tác phẩm. Trước khi viết “Người trong ống”, Vi Hồng không hề biết mặt hoặc thù ghét bất cứ một người nào mà ông sử dụng làm nguyên mẫu, nên chắc chắn không hề có chuyện ám chỉ, ám hại gì. Tất cả chỉ do vô tình mà bị cái ách giữa đàng nó quàng vào cổ. Ở đất Thái Nguyên này, Vi Hồng là nhà văn gặp cái nạn này nhiều nhất.

Hoa Cúc Biển

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ký ức về một truyện ngắn

Giai thoại văn nghệ 6 ngày trước

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 7 tháng trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 1 năm trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Chuyện vui về ô tô của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước