Ngôi trường ấy mãi ghi dấu trong tôi
VNTN - Năm 1963, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm tôi được Bộ Giáo dục phân công công tác tại Sở Giáo dục Việt Bắc. Tôi đi tầu hỏa từ Hà Nội lên Thái Nguyên. Ra khỏi ga Thái Nguyên, hỏi thăm đường, người thì chỉ vào Kép Le, người thì chỉ vào Đồi Thông. Đến Kép Le thì cán bộ ở đấy bảo đấy là Ty Giáo dục Thái Nguyên. Muốn đến Sở Giáo dục Việt Bắc phải hỏi về Đồi Thông (cũng có người bảo phải về đồi ông Tấn). Ra khỏi Ty Giáo dục Thái Nguyên đã quá trưa, bụng đói nhưng chả thấy hàng quán đâu. Hỏi thăm, người ta bảo chỉ có ra Bến Tượng mới có cửa hàng ăn mậu dịch. Chưa biết Bến Tượng ở đâu, chưa biết xa hay gần, đang chưa biết tính kiểu gì, thì may quá, có một xe ngựa đang đi tới trên xe có 4-5 người, tôi ra hiệu xin lên xe, ngày ấy Thái Nguyên có một số xe ngựa chuyên chở khách từ ga tầu về Bến Tượng và ngược lại. Vào cửa hàng ăn mậu dịch, lúc ấy đã quá trưa nên hết cả cơm lẫn phở, chỉ còn mua được một cốc sữa uống tạm. Uống xong thì hỏi đường về Đồi Thông. Thế nào lại hỏi đúng một sinh viên khoa Hóa cũng được phân công về Sở Giáo dục Việt Bắc, tôi còn nhớ anh ấy tên là Khoát, được Sở phân công về Ty Giáo dục Lạng Sơn. Tôi về Sở từ 25/8 mãi đến ngày 30/8 mới có quyết định về Ty Giáo dục Thái Nguyên. Mừng quá, cầm quyết định, tôi vội vàng cuốc bộ về Ty. Ngày ấy, bọn chúng tôi cứ từ Việt Bắc mà được về Lạng Sơn hay Thái Nguyên được coi là một diễm phúc vì hai tỉnh này có đường tầu, mỗi khi nghỉ hè hoặc nghỉ tết có cơ may có phương tiện về quê.
Chi đoàn giáo viên trường cấp 3 Đại Từ năm học 1964-1965 |
Về Ty Giáo dục Thái Nguyên, các anh ấy bảo anh cứ nghỉ tạm ở đây vài ngày để chờ Ty họp phân công, ở các trường người ta cũng đang nghỉ phải chờ qua ngày 2/9 mới có người đón tiếp. Trong những ngày ở Ty, nghe một số anh em nói “Lử khử lừ khừ, không Đại Từ cũng Võ Nhai” thế là những ngày chờ đợi là những ngày thấp thỏm…
Rồi điều phải đến đã đến, ngày 3/9, tôi ra bến xe mua vé đi Đại Từ. Bến xe đặt ở gần chợ Âm Hồn cách Ty Giáo dục hơn 2km. Đến bến xe đã thấy người xếp hàng dài. Tôi trình quyết định nhận công tác cho người bán vé. Ông ấy bán cho tôi trước và giải thích với mọi người đây là thầy giáo về dạy cấp 3 Đại Từ. Sau khi mua được vé và chờ xe, có vài ba thanh niên đến hỏi tôi: “Thầy về dạy cấp 3 Đại Từ ạ?”. Tôi bảo “vâng”, và hỏi từ bến xe Đại Từ vào trường có xa không? Các thanh niên ấy bảo chúng em là học sinh cấp 3 Đại Từ, thầy cứ đi với chúng em, chúng em sẽ đưa thầy đến tận trường. Đoạn đường hơn 2 chục cây số, xe đi gần 1 tiếng đồng hồ. Thời gian ngắn, nhưng thầy trò nói được nhiều chuyện với nhau lắm. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ được một số em là: Đàm Việt Nga, Đàm Thị Bốn, Dương Trường Sơn… Các em nói chuyện sôi nổi nhiệt tình, thân thiết. Tôi nghĩ: Đại Từ không “lử khử lừ khừ” đâu.
Ngày 5/9/1963, lần đầu tiên được dự khai giảng với tư cách là một người thầy. Tôi nhớ mãi hình ảnh bác Phạm Khánh Vân, Bí thư Huyện ủy, khi nói chuyện với thầy trò nhà trường bác nói ít, nhưng khái quát được tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là vấn đề dân trí của huyện. Bác Khánh Vân nói không cầm giấy tờ gì nhưng rất lưu loát, rất súc tích, hấp dẫn người nghe. Nghe xong, tôi tự nhủ mình phải gắn bó lâu dài với Đại Từ và Đại Từ có những người Bí thư huyện ủy từ dân nghèo đi lên như vậy thì không thể nào “lử khử lừ khừ” được.
Trường cấp 3 Đại Từ đặt trên một quả đồi, đường vào trường như là một con đường độc đạo, đi chung với đường vào chợ. Muốn vào trường phải đi qua chợ. Ngày chợ phiên thì hầu như ngày nào cũng có học sinh và cả thầy cô vào lớp chậm do đi qua chợ bị ùn tắc, không kể là giờ ra chơi, một số em tranh thủ ra chợ mua quả ổi, quả cam, mua bơ lạc vào lớp vừa ăn vừa học, ảnh hưởng đến không khí học đường…
Năm học 1964 - 1965, tôi được bầu làm Bí thư Đoàn trường, tôi nghĩ rằng Đoàn thanh niên có thể làm một việc gì đấy, có ích cho trường. Tôi đặt vấn đề với thầy hiệu trưởng Đỗ Như Hiện, nhờ thầy báo cáo với UBND và Hợp tác xã Hùng Sơn, xin đất ruộng để tạo một con đường vào trường mà không phải đi qua chợ.
Được UBND xã và Hợp tác xã Hùng Sơn đồng ý, chúng tôi vạch kế hoạch, chia lô cho từng lớp giáo viên chủ nhiệm cùng tham gia, phân công cụ thể cho từng học sinh đem cuốc, xẻng, quang sọt khiêng đất… Làm lễ phát động thi đua, lễ khởi công… Thời gian làm đường mất 3 ngày chủ nhật thì hoàn thành. Con đường làm tạm ngày ấy để tránh chợ thì bây giờ đã trở thành con đường chính để vào trường. Nghĩ lại mới hay, đúng là xã hội chủ nghĩa có những ưu điểm riêng của nó. Ngày ấy ruộng là của hợp tác xã nên lấy bao nhiêu cũng được. Còn như bây giờ chắc là nhà trường không có tiền để đền bù.
Ngày 5/8/1965, đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh xâm lược miền bắc. Năm học 1966 - 1967 trường cấp 2-3 chia tách thành 4 trường: Trường cấp 2 Cù Vân, cấp 2 Ký Phú, cấp 2 Hùng Sơn và trường cấp 3. Trường cấp 3 sơ tán về xã Bình Thuận. 4 lớp đặt ở 4 góc đồi (đồi bà Lý Kinh) ở xóm Trại, 3 lớp đặt tại xóm Bình Khang, Bình Xuân. Các lớp đều đặt sâu dưới lòng đất từ 1,2m đến 1,5 m, mỗi lớp có 2 lối giao thông hào chạy dài xuống chân đồi. Dọc theo lối giao thông hào là các hầm chữ A đủ cho thầy và trò trú ẩn lúc có báo động. Học sinh đến lớp buộc phải có mũ rơm để tránh đạn. Các lớp cách xa nhau nên việc ra vào lớp hầu như là sự tự giác của thầy và trò. Tôi nhớ ngày ấy chỉ có khu chính (xóm Trại) có dùng trống hiệu lệnh, nhưng cũng không mấy ai nghe được. Ai có đồng hồ thì vào lớp trước, các thầy cô cứ nhìn thấy đã có người vào lớp rồi thì mình cũng vào. Học sinh nhìn thấy thầy cô vào lớp rồi thì vào theo…, cứ thế coi đấy là một hiệu lệnh. Xin nói thật là ngày ấy ít người có đồng hồ lắm cả trường ba, bốn chục giáo viên, một năm cũng chỉ được phân mua một đến hai chiếc đồng hồ Pon jot. Còn xe đạp thì chỉ có anh Vũ Quang Liên có một chiếc, còn thì gần mười năm cả trường chả được phân mua chiếc xe đạp nào, thế mà giáo viên vẫn đến lớp đúng giờ. Câu khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” có lẽ thời ấy được minh chứng một cách rõ ràng đầy đủ hơn lúc nào hết.
Tôi xin nói thêm là năm học 1967- 1968, để tránh cho học sinh phía bắc huyện phải đi qua thị trấn, trường đặt một số lớp ở xã Bản Ngoại hòng tránh máy bay địch, giáo viên phải phân công nhau đến dạy các lớp ở khu vực ấy. Vất vả đấy, gian khổ đấy nhưng ai nấy đều vui vẻ hoàn thành nhiệm vụ. Bây giờ tôi đã nghỉ hưu, có thời gian để suy ngẫm về quá khứ, tôi thấy rất vui, rất đỗi tự hào về trường cấp 3 Đại Từ. Ngày ấy, vật chất thì thiếu thốn đủ thứ, nhưng tình cảm thì rất trong sáng, anh em đồng nghiệp sống chan hòa, thân thiết với nhau. Các em học sinh thì ngoan ngoãn, chăm học, nhiều em quá khó khăn, có em vừa đi học vừa đi làm để kiếm tiền nhưng các em vẫn học tốt và đều trưởng thành.
Bây giờ, việc học sinh phải đi học thêm hầu như được coi là vấn nạn, nhưng những ngày chúng tôi dạy ở cấp 3 Đại Từ việc tổ chức dạy thêm, học thêm là một nghĩa vụ, ai tổ chức dạy được nhiều buổi, nhiều học sinh đi học thì được coi là một thành tích. Do có nhiều lý do khác nhau mà các em học sinh ở đây không có điều kiện thời gian học như các em ở thành phố, do vậy kiến thức cũng không được vững vàng. Để các em thi học kỳ tốt, nhất là các em lớp cuối cấp, nhà trường thường tổ chức phụ đạo cho các em. Ai dạy lớp nào thì phụ đạo cho học sinh lớp ấy. Học phụ đạo học sinh không phải đóng tiền, thầy giáo không có thù lao. Thế nhưng việc dạy thêm học thêm vẫn tổ chức chặt chẽ như học chính khóa vậy. Do có sự tận tình của thầy cô, sự quan tâm của nhà trường mà trường cấp 3 Đại Từ ngày ấy chất lượng khá tốt, kết quả thi tốt nghiệp vẫn sánh vai được với các trường ở thành phố và ở các huyện miền xuôi.
Những năm đầu thành lập, khi về trường tôi thấy độ tuổi của các em không đồng đều có một số em đúng độ tuổi, cũng có em mới học lớp 9 lớp 10 đã có vợ và con. Tuy vậy các em lớn tuổi này vẫn rất lễ phép với thầy cô. Ngược lại thầy cô lại rất thân mật, tôn trọng các em. Ngoài tình thầy ra, ta còn thấy tình bạn giữa hai đối tác này rất rõ ràng.
Kỷ niệm về trường cấp 3 Đại Từ thì còn nhiều lắm. Nhân kỉ niệm 65 năm thành lập Trường Cấp 3 Đại Từ, tôi muốn chia sẻ những kỉ niệm vẫn vẹn nguyên trong tôi như một lời tri ân với đồng nghiệp và các học trò yêu quý. Ngôi trường ấy, mãi mãi ghi dấu trong tôi.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đăng Kền
(nguyên giáo viên Trường cấp 3 Đại Từ)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...