Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
15:19 (GMT +7)

Nghệ thuật bắt chước

VNTN - Nhiều người hẳn không khỏi ngạc nhiên khi được chứng kiến tận mắt những nhân vật kỳ lạ biểu diễn trên đường phố ở các nước phương Tây. Họ ăn mặc rất lịch sự, nhưng khuôn mặt lại được trát phấn dày đến mức trắng bệch. Họ múa may chân tay, làm những hành động rất lạ mắt mà không phát ra bất kỳ thứ ngôn ngữ nào. Khán giả vây quanh họ, vừa xem vừa đoán già đoán non xem liệu người diễn viên kia đang miêu tả ai: một nhân vật nổi tiếng, một người làm nghề gì đó, hay là một cá nhân nào đó trong số đang đứng xem?!

Những nhân vật kỳ lạ nói trên chính là những người nghệ sỹ bắt chước lấy đường phố làm sân khấu của mình. Trên một phương diện nào đó thì họ đang nối tiếp truyền thống của những anh hề thời cổ đại biểu diễn để mua vui cho người qua đường. “Trò” của họ là sử dụng những hành động, cử chỉ được khuếch đại cao độ nhằm miêu tả một cá nhân nào đó, có khi là chính những khán giả đang quan sát mình. Đơn giản chỉ có thế thôi, thế nhưng những người nghệ sỹ bắt chước đã đem lại tiếng cười cho mọi người. Đồng thời, những người nghệ sỹ bắt chước ấy đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống nghệ thuật đô thị.

Quá khứ vẻ vang

Trái với lầm tưởng của nhiều người, tuy rằng nước Pháp là nơi mà nghệ thuật bắt chước phát triển nhất, nhưng thực chất thì quốc gia này không phải là cái nôi của bộ môn trên. Những người thổ dân Australia từ thời nguyên thủy đã biểu diễn nghệ thuật bắt chước trong một nghi lễ gọi là Corroborre. Mọi người tụ tập quanh đống lửa trong sự im lặng và diễn cho nhau xem những câu chuyện rút ra từ thần thoại và cuộc sống thường ngày của họ, như một cách để lưu giữ và giáo dục lịch sử.

 

“Vua hài” Charlie Chaplin có nhiều năm biểu diễn bắt chước trên đường phố Paris

Tại châu Âu, nghệ thuật bắt chước xuất hiện lần đầu ở Hy Lạp thời cổ đại. Nhiều tác giả kịch Hy Lạp đã đưa những nhân vật anh hề chuyên bắt chước vào những tác phẩm kịch câm của mình, đơn cử như Aeschylus (cha đẻ của thể loại bi kịch) trong vở “Seven Against Thebes”. Dần dần mẫu nhân vật này được bước ra từ những vở kịch, và các nghệ sỹ bắt chước được phép biểu diễn riêng tấn trò của mình trên sân khấu.

Đến thời Đế chế La Mã, nghệ thuật bắt chước đã trở thành một bộ môn nghệ thuật đại chúng. Các nghệ sỹ bắt chước cùng các diễn viên tạp kỹ khác biểu diễn hằng ngày trên đường phố. Nói không ngoa, nơi nào mà người La Mã xây dựng thành phố, nơi đó sẽ có ít nhất một nghệ sỹ bắt chước biểu diễn. Những nghệ sỹ thành công nhất trở thành người nổi tiếng và họ hoặc là viết sách, hoặc là mở trường dạy biểu diễn nghệ thuật bắt chước.

Nghệ thuật bắt chước phát triển độc lập tại châu Á theo những cách riêng của nó. Ở một số nền văn hóa như Ấn Độ và Nepal, bộ môn này được coi như một phần của các nghi lễ tín ngưỡng, khi mà người nghệ sỹ cố gắng miêu tả lại những cử chỉ của các vị thần được tôn thờ. Tại Thái Lan, Mã Lai và Trung Á, những người kể sử thi lại đóng thêm cả vai nghệ sỹ bắt chước nhằm làm sống dậy nhân vật trong các sử thi được kể. Riêng Nhật Bản đã đưa nghệ thuật bắt chước lên thành bộ môn kịch mặt nạ Noh.

Nền nghệ thuật bắt chước châu Âu và châu Á đã “gặp nhau” nhờ Jacques Copeau - một nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên người Pháp. Jacques Copeau chịu ảnh hưởng rất nhiều của kịch Noh, và ông đã kết hợp nó với những anh hề được gọi là “Zanni” biểu diễn trên đường phố Paris đương thời để biến bộ môn bắt chước trở thành một môn nghệ thuật sang trọng, phong phú, nhiều tính hiện tượng. Diễn viên Étienne Decroux, học trò của Jacques Copeau, tiếp tục sự nghiệp của thầy mình và tạo ra những quy tắc cơ bản của nghệ thuật bắt chước hiện đại. Ngày nay, ảnh hưởng của nghệ thuật bắt chước không chỉ giới hạn đối với những nghệ sỹ trong nghề, mà còn lan ra tới điện ảnh, khiêu vũ…

Những người luôn tìm kiếm - sáng tạo

Hai bộ phận quan trọng đối với người nghệ sỹ bắt chước là đôi tay và nửa thân dưới. Nếu như những anh hề câm thể hiện cảm xúc nhân vật thông qua khuôn mặt, thì người nghệ sỹ bắt chước lấy hết nội tâm của mình ra áp dụng vào môi trường 3D. Đằng sau mỗi cử chỉ của họ là một ẩn ý. Người xem chỉ cần nhìn vào cũng có thể nhận ra nghệ sỹ bắt chước đang muốn thể hiện suy nghĩ, cảm xúc và hiện tượng nào.

Cũng chính vì việc không đặt cử chỉ lên trên gương mặt mà người nghệ sỹ bắt chước đánh phấn trắng cho khuôn mặt của mình. Có nhiều thể loại kịch câm sử dụng mặt nạ trong diễn xuất như bi kịch Hy Lạp cổ đại hay kịch Noh đã được đề cập ở trên, và đến thế kỷ 19 vẫn còn nhiều nghệ sỹ bắt chước đeo mặt nạ theo truyền thống này. Chiếc mặt nạ có hai tác dụng song song: đối với khán giả, nó làm họ chú ý đến cử chỉ của người biểu diễn thay vì là khuôn mặt họ; còn đối với người nghệ sỹ, nó giúp họ mất dần ý niệm về bản thân mà có thể nhập vai tốt hơn.

 

Một người nghệ sỹ bắt chước bên nhà thờ Sacré-Cœur (Paris, Pháp)

Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề này, nhưng nhiều khả năng sự xuất hiện của điện ảnh vào đầu thế kỷ 20 là lý do chính khiến các nghệ sỹ bắt chước chuyển từ mặt nạ sang dùng phấn. Các bộ phim đầu tiên đều là phim câm, người diễn viên dựa phần lớn vào cử chỉ của mình để thể hiện với khán giả. Chính vì thế mà trong thời kỳ này có rất nhiều nghệ sỹ bắt chước trở thành diễn viên nổi tiếng. Mà vị “vua hài” nổi tiếng Charlie Chaplin, người đã từng dành nhiều năm thời trẻ để biểu diễn bắt chước trên đường phố Paris là một ví dụ điển hình nhất. Tuy vậy, không phải bộ phim nào cũng có cốt truyện và bối cảnh để cho nhân vật của mình đeo mặt nạ. Trên phim trường thì các diễn viên trong cùng một cảnh quay cần nhìn rõ biểu hiện tâm lý của nhau để nhập vai tốt hơn. Và, đối với phim đen trắng, ngay cả những cử chỉ của người diễn viên cũng không hiện rõ trên màn ảnh bạc. Những lý do này nói chung đã dẫn đến việc từng bước từ bỏ mặt nạ của các nghệ sỹ kịch câm.

Người nghệ sỹ bắt chước có thể biểu diễn một mình, nhưng hoàn toàn có cơ hội để hai, ba người nghệ sỹ cùng biểu diễn với nhau. Khi này mỗi người sẽ đóng một vai trò khác nhau như kẻ ngốc, anh hề, người hầu, ông chủ…, và buổi biểu diễn của họ trở thành một tiểu phẩm. Đôi khi nghệ sỹ còn kéo cả người đang xem vào màn biểu diễn trước sự ngạc nhiên và thích thú của tất cả khán giả.

Nghệ thuật bắt chước là một bộ môn “cảm nhận nhanh”, tức khán giả chỉ cần nhìn thấy phần biểu diễn là hiểu ngay được người nghệ sỹ đang muốn truyền tải điều gì, nhờ vào sự quen thuộc của tuýp nhân vật đối với khán giả. Cái tài của người nghệ sỹ ở đây là tìm được những nét độc đáo, hài hước, đáng yêu,… ở những hành động diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, để khiến khán giả phải ồ lên vì ngạc nhiên và thích thú. Một nghệ sỹ bắt chước có tài sẽ làm khán giả vui lên. Nhưng một người nghệ sỹ xuất sắc thì khiến khán giả phải thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận cuộc sống của mình sao cho thêm phần yêu đời hơn.

Tương lai nào cho nghệ thuật bắt chước?

Cũng như nhiều bộ môn biểu diễn đường phố khác, nghệ thuật bắt chước đang chứng kiến một sự phát triển chưa từng thấy. Nhờ vào sự phát triển của du lịch và mạng Internet mà nghệ thuật bắt chước đang lan đến những vùng đất mà nó chưa từng đặt chân tới. Nhiều nghệ sỹ biểu diễn không chuyên lúc ban đầu chỉ là những người khách du lịch có cơ hội được thưởng thức nghệ thuật bắt chước, rồi vì quá ham mê mà đem bộ môn này trở về đất nước của họ.

 

Thủ đô Mat-xcơ-va của Nga đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của nghệ thuật bắt chước trong những năm gần đây.

Chính sách khuyến khích phát triển một nền văn hóa đa tầng, đa chiều giao thoa giữa truyền thống - hiện đại của nhiều thành phố cũng là một động lực quan trọng để nghệ thuật bắt chước phát triển. Ngày càng có thêm nhiều chính quyền địa phương hiểu ra rằng đưa nghệ thuật ra đường phố vừa nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa tăng kích trình độ dân trí; lại vừa tạo ra nguồn xung lực tiềm năng kích thích ngành “công nghiệp không khói” - du lịch phát triển đa dạng hơn. Lý do để bộ môn nghệ thuật bắt chước được đặc biệt ưu ái trên khắp thế giới là vì khả năng vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ của nó.

Với những nét đặc sắc riêng có ấy, người ta hoàn toàn có thể tin rằng nghệ thuật bắt chước sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Trong quá trình hội nhập mạnh mẽ như hiện nay của một thế giới phẳng, liệu Việt Nam chúng ta có nên “du nhập” bộ môn nghệ thuật độc đáo này? Thiển nghĩ, nếu là “tiếp biến” với mục đích góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa - nghệ thuật - du lịch và kinh tế - xã hội của đất nước, thì có vẻ đáng để cân nhắc.

Lê Công Hội (tổng hợp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy