Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
15:51 (GMT +7)

Nghề của những người quanh năm nhọ nhem

VNTN - Than tổ ong có giá thành rẻ, cháy bền, tỏa nhiệt cao nên rất được tầng lớp bình dân ưa chuộng. Đáp ứng nhu cầu xã hội, các lò than mọc rải rác từ thành phố đến nông thôn. Người làm than luôn phải làm việc nặng nhọc, thường xuyên tiếp xúc với sự độc hại nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải ngậm ngùi chấp nhận.


Không còn là nghề “hot”

 

Để tìm hiểu về công việc làm than tổ ong, tôi tìm đến một cơ sở khá lớn ở phường Trưng Vương mang tên Thành Nhàn. Rất dễ để nhận ra một nơi sản xuất than bởi nó có những đặc điểm rất riêng. Khoảng sân trước nhà và kho xưởng luôn đặc một màu đen kịt bởi bụi than và các viên than dự trữ chất thành từng dãy cao ngút. Còn trong khu vực sản xuất có mái che thấp lè tè nhằm hạn chế gió mưa, một vài người cần mẫn thoăn thoắt, tiếng nói cười xen lẫn tiếng máy móc chạy ầm ì.

Ông chủ là anh Nguyễn Tiến Thành, có thâm niên làm than hơn 10 năm nhiệt tình dẫn tôi đi tham quan xưởng và giới thiệu cách làm ra một viên than tổ ong. Qua lời kể tỉ mỉ của anh tôi nhận ra rằng để có được một viên than tròn trịa cũng thật cầu kì, nhiều khâu đoạn. Đầu tiên là nhập nguyên liệu than cám từ mỏ than Khánh Hòa, Núi Hồng và đất thịt, đất sét từ khu vực Cam Giá, sông Cầu cùng một số chất phụ gia, chất kết dính… Sau đó lần lượt xúc vào máy trộn đều với một tỉ lệ nhất định rồi cho vào máy ép khuôn. Cuối cùng nhẹ nhàng nhấc từng viên xếp ra phơi dưới nắng hơn nửa ngày cho khô là thành phẩm. Một viên than chất lượng tốt dễ bắt cháy, có thời gian cháy trên 2 tiếng rưỡi, ngọn lửa xanh bốc cao. Khoảng 3 năm nay, có thêm loại than không mùi được làm từ than mùn nhập từ Quảng Ninh. Loại này khi đốt không gây mùi khó chịu nên được bán với giá thành cao hơn.

Những năm chín mươi, khi than tổ ong đang là loại mặt hàng thiết yếu, hàng loạt lò than mọc lên thì anh Thành còn đang phục vụ trong quân ngũ. Thỉnh thoảng về thăm nhà, anh lại sang giúp chú ruột đóng than, dần dần anh “yêu” cái nghề này từ lúc nào không hay. Năm 2002, anh phục viên rồi quyết định cùng vợ là chị Nhàn mở cơ sở sản xuất than tổ ong. Nhân công của lò than những ngày đầu không ai khác ngoài vợ chồng anh. Họ làm tất cả các khâu từ trộn nguyên liệu, đóng khuôn, đục lỗ… đều bằng thủ công cho đến việc ngược xuôi tìm mối tiêu thụ. Vất vả nhưng không nản, khoảng 3 năm sau họ tích góp được một số tiền để mua máy trộn, máy dập khuôn tự động. Hai loại máy này ngày đó cực kì hiếm, có tiền cũng chưa chắc đã mua được. Anh Thành phải túc trực nhiều ngày ở một tiệm cơ khí lớn dưới Hà Nội mới sở hữu được nó. Nhờ nỗ lực, đến nay, xưởng anh đã có 10 nhân công, 3 xe tải, hàng ngày khá đông người cả trong và ngoài tỉnh đến giao dịch. Anh Thành nhớ lại: “Tôi mở lò than chỉ với gần chục triệu đồng vốn. Nói ra ai cũng giật mình bởi từng đấy tiền không đủ để mua máy trộn, chưa có đầu ra ổn định, trong khi mọi thứ đều phải trả bằng tiền mặt”.

Lăn lộn nhiều năm, anh Thành hiểu rõ sự cạnh tranh trong nghề sản xuất than cũng khá khốc liệt, nhất là ở giá cả và chất lượng. Làm nghề này cũng phải có tâm, nếu pha trộn ít than, nhiều bùn để lấy lợi nhuận thì dù khó phát hiện nhưng trước sau gì cũng sẽ bị đào thải. Đồng thời, nó cũng có không ít những bấp bênh, thăng trầm nhất là trong bối cảnh hiện đại, nhu cầu sử dụng than ngày càng ít, lãi suất giảm. Mấy năm gần đây, không ít cơ sở sản xuất chật vật và phải đóng cửa, tiền bán ra không bù được vào chi phí sản xuất, trả cho nhân công. Anh Thành chia sẻ: “Trước đây mỗi tháng trung bình bán ra trên 20 vạn viên, trừ các khoản mỗi tháng thu về 20 - 30 triệu đồng, nhưng đến nay số lượng giảm hẳn đi, may thì được khoảng 10 triệu đồng”.

Cơ cực đời làm than

Với 150 đồng/viên, một ngày làm cật lực của công nhân làm than từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối được khoảng 1000 viên (tương đương 150 ngàn đồng), trừ cơm nuôi hai bữa còn 120 ngàn đồng. Đối với những người có sức khỏe tốt thì mức thu nhập có thể cao hơn. Người thợ than thuộc mọi lứa tuổi, chủ yếu là những người ở vùng nông thôn, các huyện lên thành phố để tìm việc. Thật khó nhận ra gương mặt từng người nếu như chưa lần nào gặp mặt bởi lớp bụi than, bùn đất bám dày kín từ đầu đến chân.

Đưa tay quệt vệt than và mồ hôi trên má, anh Tiến (Phổ Yên), thợ than của một cơ sở sản xuất tại phường Quán Triều cho biết: “Ngày thường thu nhập của một công nhân không dưới 4 triệu đồng/tháng. Ba tháng giáp Tết có thể tăng lên 5 - 6 triệu đồng/ tháng. Tính giờ làm việc và công sức bỏ ra thì số tiền đó cũng chưa phải là cao. Mỗi ngày đứng 8 tiếng xúc than vào máy dập khuôn, nhiều khi đau lưng quá nhưng phải cố vì ngừng xúc một chút thôi, than trong nồi hết dây chuyền sẽ ngừng hoạt động”.

Những người đóng than tổ ong cả ngày ngồi khom lưng giam mình trong nắng, nhễ nhại mồ hôi và đặc biệt là luôn hít thở phải bụi than, mạt cưa… mà không có một chế độ bảo hiểm nào. Nhiều công nhân tự trang bị dụng cụ bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay, ủng khi làm việc, tuy nhiên do đặc thù công việc, không phải ai cũng quen với những thứ mà họ cho là “vướng víu”. Thứ mà trong túi bất kì công nhân nào cũng có đó là nước muối sinh lý, hễ nghỉ giải lao là nhỏ mũi để rửa, hạn chế bụi vào phổi. Anh Tiến bộc bạch: “Độc hại thật nhưng trời nắng, cứ đeo khẩu trang là khó thở, một lúc bị thở dốc ngay. Ngày đầu chưa quen, đêm đến mấy anh em ho sù sụ. Ai có tiền thì thỉnh thoảng đi bệnh viện, ai không có thì… mặc kệ, đến đâu hay đến đó. Thời buổi khó khăn, mình cần việc chứ việc đâu cần mình. Làm than - than cho cái thân nhiều lắm!”.

Cơ sở sản xuất than này có diện tích khá lớn, trên 1000m2 nhưng khi có gió mạnh, bụi than thốc lên mù mịt cả một vùng, chẳng dễ nhìn thấy nhau dù chỉ cách vài bước chân. Mỗi lần như vậy, tôi lấy tay che kín mặt, nấp vào sau máy trộn vậy mà vẫn cảm thấy bụi than đang dần đeo bám lên khắp người. Còn với những người công nhân, họ chỉ khẽ nhíu mắt một chút rồi lại tiếp tục công việc, có lẽ họ đã quá quen với cảnh như vậy. Cứ thế, chẳng mấy chốc, bệnh ho nghiễm nhiên trở thành bệnh nghề nghiệp đối với người làm than, xa hơn có thể là rất nhiều bệnh về hô hấp như hen suyễn, viêm phổi.... Chưa kể, những cơn đau lưng, đau khớp… âm ỉ hành hạ từ ngày này sang ngày khác. Chứng kiến cảnh hàng chục công nhân hàng giờ ngập ngụa trong bụi than, tôi rùng mình và không khỏi xót xa khi nghĩ “án tử” đang dần đến với họ. Chính họ cũng biết rõ điều đó nhưng vẫn phải chấp nhận công việc này vì mưu sinh.

Ở cùng chỗ làm với anh Tiến còn có vợ chồng anh Bảy, chị Nhung và 3 công nhân khác. Để tiết kiệm chi phí, họ đều ở lại những lán dựng tạm bợ tại ngay xưởng được che bởi những tấm bạt đã tả tơi. Mỗi lán rộng khoảng 4m2 chỉ đủ chỗ cho hai người nằm cùng với một ít quần áo, đồ dùng. Góc lán là một vài bát đĩa còn xót lại vài sợi mì tôm và 1 bếp than tổ ong để phục vụ nấu nướng… tất cả cũng đều dính bụi than từ khu sản xuất bay vào. Ngày chiến đấu với than, tối đến lúc ngủ cũng với… than.

Anh Bảy hồ hởi mời tôi ngồi vào chiếc phản cũ chỗ nào cũng dính vệt bùn khô: “Chú em thông cảm, quần quật cả ngày, đến tối thì chân tay rã rời nên đặt người xuống là ngủ để mai chiến đấu tiếp, không có thời gian chăm chút chỗ ăn chỗ ngủ”. Vợ chồng anh chị ở Phú Bình, cả gia đình 6 miệng ăn đều trông chờ vào mấy sào ruộng, làm chẳng bõ công, cuộc sống lay lắt. 4 năm trước, anh chị quyết định khăn gói lên thành phố kiếm việc làm. Ban đầu là đi phụ hồ nhưng dần dần việc không đều, thu nhập thấp không đủ tiền gửi về quê. Được người quen giới thiệu, anh chị đi làm than tổ ong rồi gắn bó với nó cũng được hơn 3 năm bởi cho thu nhập khá cao và ổn định.

Chị Nhung ngậm ngùi: “Nhiều khi cực lắm em ạ, hai vợ chồng có lúc muốn bỏ về quê làm ruộng lắm rồi, đói thì vẫn có rau cà. Nhưng còn hai đứa con đang đi học, bố mẹ cũng hay đau ốm không có tiền làm sao được, phận mình đã như vậy rồi”. Vừa nói chị vừa khẽ quệt mồ hôi trên má, hình như chị đang cố giấu đi những giọt nước mắt đang chực chảy ra từ khóe mắt…

Nhọc nhằn nghề bán than

Trên các đường phố tấp nập rất dễ để nhận ra họ, bởi ai cũng na ná giống nhau: mũ nón sùm sụp trên đầu, bộ quần áo dày cộm, chân tay đen nhẻm, nhem nhuốc bụi than… đó là những người chở than thuê, người bán than tổ ong dạo. Ngay từ sáng sớm, dạo quanh một số lò than lớn trong thành phố đã thấy hàng chục người vẻ mặt ngái ngủ, mỏi mệt chầu chực chờ nhận than chở đến nơi tiêu thụ.

Những người bán than cũng phải lao động nặng nhọc và suốt ngày tiếp xúc với khí độc, bụi than nên rất có nguy cơ bị ho, bệnh ngoài da… đã vậy họ lại ở trọ tại những căn phòng ẩm thấp, thiếu dưỡng khí, ăn uống thất thường không đủ chất nên dễ bị bệnh tật tấn công.

Ảnh: Lê Tú

Một viên than nặng khoảng 1,4kg, mỗi lần chở đem bán ít nhất là 100 viên, có lúc lên đến cả 500 viên, nặng đến vài trăm kg. Bốc lên xe, chở đến nơi giao hàng rồi lại bốc dỡ từng viên xuống. Số tiền mà người bán than thu được rất bèo bọt so với công sức bỏ ra. Mỗi viên than thường lấy từ lò giá 1.200 đồng/1 viên, đem bán thì chỉ lãi mỗi viên từ 200-300 đồng.

Anh Bằng (Bắc Kạn) ở khu xóm trọ cạnh chợ Thái có hoàn cảnh éo le gà trống nuôi con. Để có tiền cho con ăn học, anh đã làm nghề bán than hơn 5 năm nay. Ngay tờ mờ sáng anh đã dắt chiếc xe dream Tàu chất đầy than ra khỏi nhà, và đến tối mịt lại trở về phòng cũng với một xe ăm ắp than. Vừa dùng đôi tay thô... ...ráp xếp than vào sọt anh vừa nói với tôi: “Hồi mới vào nghề, tôi phải dong xe đạp vừa đi vừa rao bán. Cả ngày khản cổ mới bán được chục viên than, dần dần được vài quán ăn bình dân gọi lấy thường xuyên. Ngày phải bán khoảng 300 - 350 viên mới đủ tiền ăn, tiền trọ và dành dụm một ít gửi về cho các con. Ngày càng ít khách, bấp bênh lắm. Làm nghề này kiếm được nhất vào dịp Tết, trước ngày 23 tháng Chạp, nhà nào dùng than cũng phải mua nhiều gấp mấy lần, để tránh phải gọi than vào dịp ra Giêng sợ bị đen”.

Công việc này đông nhất là cánh mày râu, số còn lại là phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng không thể kiếm được việc làm giữa phố phường đông đúc đành nhắm mắt làm cái nghề nặng nhọc và không đòi hỏi nhiều vốn liếng này. Chị Thủy (Phú Bình) có khuôn mặt ưa nhìn nhưng trông thật hốc hác, mệt mỏi, nhìn vào thật khó để tin được rằng năm nay chị mới chỉ 26 tuổi. Buổi sáng chị tranh thủ đi rửa bát thuê cho quán ăn rồi đi bán than. Chị tâm sự: “Em biết là cực nhọc vất vả nhưng trình độ học thấp, không làm thì biết lấy đâu ra tiền để nuôi mình và chữa bệnh cho mẹ. Em mới làm gần 1 năm mà sụt cân, “xuống mã” khủng khiếp. Nhiều lúc chẳng dám soi gương vì thấy mình nhăn nheo lại càng tủi”.

Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, đường xá lầy lội hoặc dốc cao… hễ có khách gọi là những người bán than lại lập tức chở đến. Dù có ốm đau hay mệt mỏi thì cũng phải cố, nếu không lần sau khách sẽ không gọi mình nữa. Vất vả đã đành, nghề này cũng dễ gặp một số rủi ro, phiền toái, nhất là đối với nữ giới.

Chị Thủy bức xúc kể lại: một vài lần chở than đến một số nhà đàn ông độc thân có máu “dê”, bị họ gạ gẫm, sàm sỡ bực mình và uất ức vô cùng nhưng thấp cổ bé họng biết kêu ai…

Chị có bị quịt tiền bao giờ không? - tôi hỏi. Có chứ - chị trả lời. Một lần em được gọi mua 300 viên than nhưng họ chỉ trả trước nửa tiền, hẹn tháng sau trả nốt. Nghĩ là khách quen nên em đồng ý. Ai ngờ tháng sau quay lại, bị họ mắng như tát nước là than không đủ khối lượng, nhiều bùn, đun không cháy nên không trả tiền. Năn nỉ mãi không được đành ngậm ngùi mất mấy trăm ngàn đã ứng cho chủ than”. Giọng chị nghẹn lại: “Em chỉ mong dành dụm được chút tiền rồi trở về quê mở quán tạp hóa nhỏ, nhưng… cứ thế này chắc cả đời chẳng được”.

Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, bên cạnh đó nhận thức về sự độc hại của than cũng tăng lên, nên bếp ga, bếp điện đang được thay thế dần cho than tổ ong. Nhưng đối với những người thu nhập thấp thì than tổ ong vẫn luôn là sự lựa chọn số một. Chắc rằng trong một thời gian dài nữa, than tổ ong vẫn là một loại mặt hàng thiết yếu. Người làm than, bán than, họ vẫn sẽ tiếp tục phục vụ cho nhiều bếp lửa gia đình, dù họ có khi cả tháng chẳng bao giờ được nhóm lên bữa cơm bình dị.

Tôi chợt ngậm ngùi khi nghĩ đến họ - những người làm than.

 

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước