Nét đẹp văn hóa ở đình làng Thượng Giã
VNTN - Đình làng Thượng Giã xa xưa thuộc tổng Thượng Giã, huyện Thiên Phúc, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc. Đầu thế kỷ XX làng Thượng Giã được cắt về phủ Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, nay là xóm Thượng, xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Nhân dân địa phương cho biết ngôi đình cổ làng Thượng Giã được xây dựng thời xưa hiện là địa điểm gò đồi thấp thuộc cánh đồng trước làng. Lúc đó đình có kiến trúc cổ hình chữ Đinh (T) 3 gian, 2 chái có tiền tế và hậu cung 4 mái, 4 đầu đao. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình bị phá để tiêu thổ kháng chiến. Thời kỳ hòa bình lập lại, có chính sách bài trừ mê tín dị đoan, do đó ngôi đình không được quan tâm. Tại giữa xóm Thượng có khu đất bằng phẳng đẹp đẽ, thuận tiện cho sinh hoạt, nhân dân đã xây dựng một công trình văn hóa gồm: 2 dãy nhà, mỗi dãy có 3 gian cấp 4, kiến trúc đơn giản, lợp ngói móc, làm nơi thờ cúng thành hoàng làng Thượng Giã xưa và cũng là nơi hội họp của dân làng. Từ mấy chục năm nay nhân dân gọi là Đình Thượng Giã. Với quá trình thăng trầm của lịch sử và thời gian các hiện vật trước đây của đình cũ đã được trả lại như: 7 phù điêu tạc chân dung các vị thần; 5 tấm bia cổ Hậu thần bi ký lập thời nhà Nguyễn; 2 chiếc cối đá lớn của đình hàng năm dùng để giã bánh dày trong ngày hội làng cùng chân kê đá tảng.
Phù điêu tượng gỗ 7 vị Thành hoàng thờ ở di tích đình Thượng Giã (Thái Nguyên)
Trong những năm qua, các cụ ở xóm Thượng đã đi sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến ngôi đình xưa, với quyết tâm phục hồi một phần còn lại của ngôi đình cũ. Kết quả rất đáng mừng, đã sưu tầm được Thần tích - Thần sắc gồm 75 trang cả chữ Hán Nôm và chữ Việt (sao năm 1938), Hương ước (1942) làng Thượng Giã và đã phục hồi được lễ hội truyền thống của làng sau hơn 60 năm không còn tổ chức. Năm 2014, đình Thượng Giã đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Năm 2019 - 2020, đình được tôn tạo bằng chất liệu bê tông cốt thép với tổng diện tích 150m2 để bảo quản lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý của di tích, đồng thời cũng phát huy giá trị lịch sử văn hóa của một ngôi đình trải qua nhiều thăng trầm.
Di tích Đình Thượng Giã mới được tôn tạo
Đình Thượng Giã thờ 7 vị nhân thần, 1 vị thiên thần gồm: Cao Sơn Hoành Dũng Khang Quốc, An Khang chấn quốc, Hồng Thánh (Phạm Cự Lạng thời tiền Lê), Tá Phụ Minh Thiên (thiên thần), Tam Giang Khước Địch đại vương (Trương Hống), Tam Giang Uy Địch đại vương (Trương Hát), Lân Nhĩ đại vương (Trương Lặng), Lã Sậu đại vương (Trương Lẽ). 4 vị đầu không rõ ngày sinh, ngày hóa; 4 vị sau đều sinh ngày mồng 5 tháng Giêng năm 502, hóa ngày mồng 10 tháng 4, là con của Thánh Mẫu Từ Nhan thờ ở Đền Vân Mẫu xã Chu Mẫu, thành phố Bắc Ninh. 4 vị thần tướng này đều trung thành với vua Triệu Việt Vương (thế kỷ VI) không theo Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế) nên đã tự vẫn trên sông Như Nguyệt và đã được 372 làng lập đền, đình, miếu, nghè thờ thuộc dọc theo dòng sông Như Nguyệt.
Điều đáng chú ý trong số tài liệu, hiện vật của ngôi đình, hiếm nơi nào trên đất Thái Nguyên có bộ tượng phù điêu tạc 7 vị thành hoàng thờ ở đình độc đáo, có giá trị nghệ thuật điêu khắc gỗ thời cổ như vậy. Bộ tượng này được gắn trên cùng một bức gỗ được khuôn lại có chiều dài khoảng 2,5m, chân dung tượng cao khoảng 70cm, rộng khoảng 50cm. 7 vị tượng được tạc chân dung (bán thân) trong tư thế mắt nhìn thẳng nghiêm trang, cổ cao, khuôn mặt bầu bình, môi đỏ, dái tai chảy dài, hai bàn tay búp măng sơn màu trắng chắp trước ngực, mình mặc áo bào hoa văn vân xoắn hình làn sóng. Bộ tượng được chạm bong kênh, đều sơn son thiếp vàng rực rỡ. Trong 7 tượng có 6 nam 1 nữ. Hai vị ngồi chính giữa (Thánh Ông, Thánh Bà) được ngồi trên ngai. Tượng Thánh Ông mắt xếch, đầu đội mũ cánh chuồn, Thánh Bà đầu búi tóc cao có cài trâm và hình hoa, tai đeo trang sức. Nói chung, về hình thức thì mỗi pho tượng mang một vẻ đẹp riêng, nhưng thần thái đều nghiêm trang, ung dung, tự tại. Màu sắc được trang điểm rõ với hai màu chủ đạo là màu vàng rực rỡ và màu đỏ tượng trưng cho sự quý phái và mẫn tiệp. Qua nghiên cứu phong cách nghệ thuật tạo tác thì bộ tượng phù điêu này có niên đại đầu thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX).
Theo thần tích và văn bản là 31 đạo sắc phong còn ghi chép lại được (sắc sớm nhất có niên hiệu Gia Long 6 (1808) và muộn nhất là Khải Định 9 (1924), cho biết: đó là tượng tạc chân dung gia đình Thánh Mẫu Tam Giang được thờ ở di tích. Bộ tượng rất có giá trị nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật tạc tượng cổ truyền thống của người xưa.
Bia đá cổ thời nhà Nguyễn ở đình Thượng Giã
Đình Thượng Giã mới được tôn tạo, điều đó thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của người dân, sự quan tâm tích cực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh. Ngôi đình vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và cũng là nơi bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa, lễ hội truyền thống vốn có của địa phương.
Nguyễn Đình Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...