Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
18:28 (GMT +7)

Năm học mới & chuyện học chữ ở bản xa

VNTN - Năm học mới lại đến, chợt nghĩ không biết các em học sinh vùng núi sẽ bước vào năm học mới thế nào, tôi quyết định lên Võ Nhai. Bên cạnh nỗi trăn trở, suy tư như mọi lần, chuyến đi còn mang lại cho tôi những niềm vui và hy vọng…


Vẫn là chuyện… khó

Điểm đầu chúng tôi đến là trường Khe Rịa, một trong 8 phân trường thuộc Trường Tiểu học Vũ Chấn (xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai). Nằm cách trung tâm xã khoảng 5km đường rừng, tại đây có 14 em học sinh người Dao theo học lớp 1, lớp 2, lớp 4 với 3 giáo viên phụ trách. Đoạn đường tuy ngắn nhưng mấp mô toàn những đá tảng to trồi lên và những luống đường đất chỉ vừa một bánh xe, khiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian. Vượt qua suối là lại gặp ngay dốc đứng, bánh xe trơn trượt, mấy lần mất lái khiến chúng tôi thót tim.

Đang giờ ra chơi, vài học sinh chơi trò đuổi bắt, trên tay kẹp đôi dép tổ ong, mặt mũi lấm lem mồ hôi nhễ nhại tung tăng chạy nhảy. Khi tóm được bạn cả hai thích chí ôm nhau lăn ra đất vật lộn, mặc cho bụi bay mù mịt. Chơi một lúc, các em chạy ra chỗ có mấy xô nước, cầm gáo múc uống một cách ngon lành. Rồi từng em cẩn thận đổ từng ít nước cho bạn rửa qua mặt mũi, chân tay. Tôi đùa: “Còn vết bẩn trên mặt kìa, xấu quá!”. Một em nam quệt tay lên mặt, bẽn lẽn: “Nước này thầy cô cháu phải xuống tận dưới khe suối dưới kia mang về, mệt lắm”, vừa nói em vừa chỉ xuống con suối xa tắp ở dưới chân dốc cạnh trường.

 Tôi tiến về phía lớp học có tiếng trò chuyện huyên náo, rôm rả bằng tiếng Dao. Thấy người lạ mọi câu chuyện bỗng im bặt, ngượng ngùng hiện rõ trên gương mặt. Các em liếc nhanh ánh mắt tò mò về phía khách rồi đồng loạt cúi gằm mặt xuống đọc sách.

 Lớp học là hai ngôi nhà được dân dựng cho. Nhà lợp lá cọ, có vài tấm gỗ mục che chắn xung quanh và đã rất cũ. Căn nhà to hơn chia làm hai gian được ngăn bởi vách gỗ, mỗi gian kê hai, ba bàn ghế gỗ một cách xộc xệch trên nền đất gồ ghề. Vào tiết học, lớp 2 học tập đọc, lớp 4 học toán. Thầy cô phải thật ý tứ, giảng hoặc cho học sinh đồng thanh phát âm to quá sẽ làm ảnh hưởng đến lớp bên cạnh. Căn nhà nhỏ bên cạnh thì vừa bị gió thổi bay mái, làm nứa và lá cọ rơi xuống, cũng may lúc đó học sinh đã được nghỉ nên không sao. Hiện giờ, các em lớp 1 phải học nhờ phòng của trường mẫu giáo. Thú thực nhìn cái dáng xiêu vẹo, tả tơi của hai căn nhà này, tôi không thể nghĩ rằng đây lại là nơi học tập, nghỉ trưa mỗi ngày của thầy trò nơi đây. Thỉnh thoảng, chúng cũng “vinh dự” được xóm mượn làm “nhà văn hóa”.

Cô giáo Ma Thị Duyệt bùi ngùi: “Giáo viên chúng tôi vẫn gọi vui đó là “lớp học nắng gió”. Mùa đông về, những cơn gió buốt ùa vào khe cửa, khe gỗ khiến các em học sinh với tấm áo mong manh run bần bật, không cầm nổi bút viết, răng va lập cập, không phát âm được. Mưa thì dột, cô trò lại vừa học vừa “né mưa” làm cái chữ khó lọt vào đầu. Mưa to quá, phải nghỉ sớm để các em về nếu không nước dâng lên là không kịp “sơ tán”. Mùa hè, nắng chiếu tràn ngập cả lớp, có khi rọi thẳng vào mặt giáo viên, học sinh…, nhưng mà vẫn thấy tốt… bởi không có điện, nắng như vậy sẽ có đủ ánh sáng để học.

Đường thì khó đi. Gần đây có người vào khai thác gỗ nên dễ đi hơn, chứ trước thầy cô toàn để xe ngoài đường, đi bộ hơn 3km vào trường. Hơn ba năm dạy học ở đây, nào có biết đến giầy dép thời trang gì đâu, toàn dép nhựa và ủng cao su thôi. Nhưng so với các em học sinh thì vẫn chưa thấm vào đâu”.

Cả trường chỉ có hai học sinh ở gần, còn lại đều ở những ngôi nhà nhỏ khuất sau những quả núi cao chót vót. Hàng ngày, các em phải dậy từ rất sớm để đến trường cho kịp giờ học bắt đầu lúc 7h30 sáng. Học hết buổi chiều, lúc quay về nhà thì trời đã tối. Nhiều em mỗi ngày phải đi cả chục cây số, men theo triền núi, vượt qua đèo cao, lội qua suối chỉ với đầu trần và đôi dép tổ ong có thể đã bật vài chỗ. Hỏi các em thích gì nhất, chúng đều hồn nhiên bảo: thích có một chiếc ô, một đôi ủng… Sống mũi tôi chợt cay cay.

Hai chị em Nhung và Cương đều học lớp 4, vẫn lắng nghe cô giáo nói chuyện với chúng tôi, nhưng thỉnh thoảng lại nhéo thứ gì đó trong túi bóng đưa lên miệng. Thì ra đó là suất cơm bố mẹ chuẩn bị cho các em từ sáng sớm, trước khi lên nương. Nhà của các em là một lán nhỏ khuất sau hai quả đồi, cách trường hơn 3km. Hai chị em sợ muộn học nên chưa kịp ăn, giờ mới tranh thủ “lót dạ”. Nhìn vào túi cơm, tôi không khỏi chạnh lòng. Nắm cơm nhỏ với những hạt vàng vàng đã khô, chắc do cơm vét ở đáy nồi với ít muối vừng, vậy mà hai chị em ăn một cách ngon lành. Thầy Lý Mạnh Chính (giáo viên lớp 4) cho biết: “Vào năm học, các em học sinh ở đây đều chuẩn bị những túi cơm nắm để đi học. Nhưng không phải hôm nào cũng có cơm, có lúc bữa sáng và bữa trưa chỉ là những củ khoai, củ sắn, có em bấm bụng nhịn đói để đi học”.

Tôi để ý thấy bàn bên cạnh có một em nét mặt rất buồn, chỉ cúi mặt xuống đọc sách. Tôi bắt chuyện nhưng hỏi gì em cũng chỉ ầm ừ vâng dạ rồi lại cúi gằm mặt xuống. Nhưng khi tôi hỏi: “Em có muốn sau này làm thầy giáo giống thầy Chính không?” thì em lớn giọng trả lời: “Không! Cháu phải làm bác sỹ”. Thầy Chính nghẹn lời: “Em Phóng ngoan lắm, nhưng từ lúc bố em bị bệnh suy thận, thỉnh thoảng em vẫn thất thường như vậy. Mỗi tuần phải chạy thận ba lần lại thêm tiền thuốc men nữa, vốn dĩ đã nghèo giờ lại khó hơn. Gia đình phải vay mượn, bán dần đồ đạc có giá trị để chữa bệnh, phải chuyển về ở nhờ với ông bà. Thỉnh thoảng, em tâm sự với tôi rằng sau này nhất định sẽ trở thành bác sỹ để giúp bố bớt đau…”.

Học sinh nơi đây vẫn thiếu thốn đủ đường. Quần áo cũ nhàu nát, đồ dùng sinh hoạt thiếu thốn. Nhiều em không đủ đồ dùng học tập các thầy cô giáo lại xin nhà trường hoặc tự mua giúp. Thương học sinh phải chịu đói, thầy cô tranh thủ dậy sớm chuẩn bị ít cơm rang mang đến. Gần đây, trường nhận được một niềm vui nho nhỏ khi được một tổ chức tài trợ 8 ngàn đồng bữa trưa cho mỗi em. Học xong buổi sáng, thay vì chỉ phải ăn cơm với muối hoặc muối vừng, giờ đây các em có thêm được ít thịt, ít đậu do các thày cô giáo nấu tại một gian bếp nhỏ được dân dựng cho bằng nứa, lá cọ ngay sát lớp học.

Xóm Khe Rịa có 48 hộ dân chủ yếu là người Dao và còn rất nhiều hộ nghèo. Họ sống không tập trung, chủ yếu làm nương rẫy. Có gia đình dựng lán nhỏ sống luôn trên nương. Cái nghèo, cái đói vẫn luôn đeo bám họ dai dẳng. Phân trường Khe Rịa đã có từ những năm 1980, trải qua hơn ba chục năm vẫn không có gì thay đổi. Mong muốn lớn nhất của thầy trò cũng như người dân nơi đây là có được khoảng 1km đường dây điện kéo từ ngoài đường cái vào. Anh Phan Đức Cường - trưởng xóm tâm sự: “Cũng muốn các em học sinh đi học cái chữ được thuận lợi hơn, nhưng nghèo khó quá nên cũng không làm được gì nhiều. Ngân hàng chính sách và một số tổ chức từ thiện, các đoàn thanh niên dưới thành phố đã hứa tài trợ đường dây điện, giúp làm ống dẫn nước từ lâu rồi, hy vọng niềm vui sẽ sớm đến với xóm…”.

Xa dần khó khăn

Rời Khe Rịa đến điểm trường học xóm Xuyên Sơn, một phân trường của Trường Tiểu học Thần Sa (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai). Cách đây hơn 3 năm, tôi đã có dịp theo chân một đoàn từ thiện đến nơi này, học sinh ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông. Khi đó, ngôi trường này cũng “xấu” như Khe Rịa vậy, đường vào thậm chí còn “khiếp” hơn, tuy không phải đi qua suối to nhưng dốc dựng đứng, hộc đá to lổm nhổm rất dễ mất lái, sơ sẩy là có thể bị bay xuống vực. Không ai dám đi xe mà phải để ở bản Ná rồi đi bộ vài cây số vào trường.

Đến nay, dù đi lại vẫn khó nhưng đã có thể đi xe vào tận nơi. Niềm vui lớn đã đến với bà con cũng như các em học sinh trong xóm. Từ năm 2009, công ty Cổ phần đầu tư và khai thác khoáng sản Thăng Long bắt đầu về đây khai thác. Ba năm trước công ty đã làm đường, kéo điện và xây dựng trường học. Trường Xuyên Sơn đã được xây mới khác trước rất nhiều với 5 lớp học khang trang, bàn ghế gỗ ép hiện đại, 3 phòng ở cho giáo viên, sân trường láng xi măng rộng rãi và có bể nước…

Tan trường, học sinh đã về gần hết nhưng ngoài sân vẫn còn lại dăm em đang nô đùa. Chơi chán, các em chạy ùa vào trong lớp học nằm phịch xuống nền gạch hoa, ngửa mặt hứng những cơn gió mát từ quạt trần phả xuống. Một lát sau, có tiếng xe Minsk phành phạch ngoài sân, cả bọn cùng chạy ra rồi nhảy lên xe đi về. Cô giáo Lê Thị Vinh vui vẻ: “Học xong năm em đó vẫn hay ở lại trường chơi, chắc là thích cái quạt. Đó là năm anh chị em ruột học từ mẫu giáo đến lớp năm, nhà ở bên bản Mông phía sau quả núi kia. Dạo này đường xá đi lại dễ hơn nên thỉnh thoảng bố các em ấy qua đón”.

Rồi cô Vinh kể: “Tôi đã dạy ở đây được 8 năm. Ngày chân ướt chân ráo vào đây, giáo viên phải sống trong những căn nhà tạm bợ dựng bằng tranh tre, cây mai, che bạt. Phòng học cũng dựng tạm, cũ nát, học sinh nằm vạ vật, mệt mỏi lắm. Nhất là cái sân trường, nắng thì bụi tung mù mịt, mưa thì không khác gì đầm lầy, vậy mà cô trò vẫn phải học thể dục ngoài đó. Nhưng khó khăn hơn cả vẫn là chưa có điện, cuộc sống giữa núi rừng của các giáo viên càng bị cách xa, biệt lập với thế giới bên ngoài hơn. Việc dạy học gian khó vô cùng”.

Điện về đã thắp sáng nhà dân, trường học và cả ước mơ cho con em đồng bào dân tộc và ý nguyện của những giáo viên nơi này. Tuy cái nghèo vẫn còn, nhưng khi có điện, nhiều nhà đã cố gắng sắm ti vi; mua máy móc phục vụ sản xuất… Mọi người đã được nghe đài, xem tivi, các em nhỏ được xem phim hoạt hình. Thầy cô giáo và học trò sẽ không còn phải soạn bài, học bài dưới ánh đèn dầu tù mù nữa.

Từ khi có điện, có cơ ngơi mới này, các em học sinh hứng thú với việc học tập hơn rất nhiều. Có em thích đến trường hơn cả ở nhà, các trường hợp nghỉ học ít hẳn đi. Thành tích học tập cũng được nâng lên đáng kể, trong năm học trước trường có 8 học sinh giỏi trong tổng số 21 em. Tất cả học sinh lớp 5 đều đi học tiếp cấp II, 2 em được vào học tại trường nội trú huyện.

Cô giáo Lê Thị Hiền là người trong xóm trước đây cũng là học sinh tại trường Xuyên Sơn vui vẻ chia sẻ: “Thật vui vì mọi thứ tốt đẹp hơn rất nhiều, nhất là từ khi được doanh nghiệp tài trợ kéo điện và xây trường học. Hy vọng dần dần đường sá, cơ sở vật chất, công trình sinh hoạt sẽ tiếp tục được hoàn thiện, để một tương lai không xa, có thể tổ chức bán trú cho các em học sinh”.

Trên đường quay về thành phố, bắt gặp các em học sinh mặc đồng phục quần xanh áo trắng sạch sẽ chỉnh tề, đi dép san - đan, tôi lại nhớ những gương mặt lấm lem, những vóc dáng gầy gò của các học sinh ở Khe Rịa, Xuyên Sơn. Một nỗi buồn bất chợt xuất hiện, nhưng chỉ thoáng qua thôi, bởi tôi biết còn nhiều cá nhân, tổ chức đang sẵn sàng giúp đỡ. Tin và mong rằng, chỉ nay mai cuộc sống của bà con và việc học cái chữ sẽ không quá gian nan với các em nữa

 

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước