Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
11:54 (GMT +7)

Mỹ muốn gì từ chuyến công du ba nước Đông Bắc Á của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis?

VNTN - Từ ngày 26-29/6/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có chuyến thăm ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và tham dự Đối thoại Quốc phòng Mỹ - Trung. Chuyến thăm của ông James Mattis đến ba nước Đông Bắc Á diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực đang có nhiều thay đổi, nhất là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Vậy, thông điệp đằng sau động thái ngoại giao này là gì?


Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis thăm Trung Quốc từ ngày 26-28/6. Ảnh: Reuters

Bối cảnh

Chuyến thăm ba nước Đông Bắc Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis diễn ra trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên tương đối lắng dịu, sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un,ngày 27/4/2018, với Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm. 5 ngày trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Triều Tiên tuyên bố ngừng thử hạt nhân và phóng tên lửa đường đạn xuyên lục địa. Đây được coi là "bước ngoặt lịch sử" trong quan hệ giữa hai miền. Tiếp sau đó là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 12/6/2018 tại Singapore, với Tuyên bố chung gồm 4 điểm, trong đó có nội dung phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Sau cuộc gặp này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri và sẵn sàng cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Về phía Mỹ, Tổng thống Mỹ tuyên bố cam kết bảo đảm cung cấp an ninh cho Triều Tiên, đồng thời tuyên bố dừng các cuộc tập trận chung với quân đội Hàn Quốc, vốn được coi là một trong những vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã mời ông Trump đến thăm Bình Nhưỡng vào thời điểm thích hợp. Ông Trump cũng mời lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm Mỹ. Hai nhà lãnh đạo đã vui vẻ chấp nhận lời mời của nhau.

Cùng với những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Đối thoại quốc phòng Mỹ - Trung diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước tiếp tục được duy trì, nhưng không thực chất, mặt cạnh tranh kiềm chế lẫn nhau vẫn là xu hướng chủ yếu. Quan hệ quốc phòng, an ninh Mỹ - Trung ẩn chứa nhiều thăng trầm và nghi kỵ, thiếu tin cậy lẫn nhau, chủ yếu nhằm đối phó với nhau về quân sự. Chiến lược Quốc phòng Mỹ 2018, công bố ngày 19/1/2018, công khai xác định 5 mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, trong đó, Trung Quốc được xếp ở vị trí thứ nhất.

Theo một số nhà phân tích, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ về quốc phòng, an ninh đang đi theo hướng ngày càng mang tính chiến lược hơn, nghiêm trọng hơn và toàn diện hơn. Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự vượt trội nhằm xây dựng một "quân đội vĩ đại nhất trong lịch sử" và triển khai chiến lược trên phạm vi toàn cầu; gia tăng ảnh hưởng tại các khu vực quan trọng như Trung Đông - Bắc Phi; gia tăng vị thế, ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, Nga.

Cạnh tranh Mỹ - Trung chủ yếu tập trung vào khu vực ảnh hưởng, nhất là can dự vào các điểm nóng như Biển Đông, biển Hoa Đông; cạnh tranh về tạo dựng "luật chơi" thông qua các cơ chế, thể chế đa phương. Trung Quốc phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực Đông Bắc Á.

Trong khi Mỹ đẩy mạnh can dự vào châu Á - Thái Bình Dương, thông qua tăng cường hợp tác với đồng minh ở khu vực, nhằm duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, thì Trung Quốc gia tăng các cuộc diễn tập quân sự bắn đạn thật và bắt đầu vận hành các thiết bị quân sự mới trên các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhằm trả đũa các hoạt động quân sự của Mỹ, phô trương sức mạnh và răn đe các nước trong khu vực.

Thông điệp của Mỹ

Vận động sự ủng hộ để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Theo quan điểm của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có vai trò rất quan trọng trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và chính sách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của Mỹ có thể sẽ không đạt được kết quả nếu không có sự ủng hộ của ba nước này. Do đó, mục tiêu đầu tiên đặt ra trong chuyến công du của ông James Mattis là vận động ba nước, nhất là Trung Quốc ủng hộ Mỹ trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trung Quốc là đồng minh gần gũi nhất và là đối tác thương mại chủ yếu của Triều Tiên. An ninh của Trung Quốc liên quan trực tiếp đến Triều Tiên, bởi hai nước có chung đường biên giới. Đương nhiên, Trung Quốc không muốn chế độ ở Triều Tiên sụp đổ, bởi điều này có thể tác động xấu đến an ninh của Trung Quốc do hàng triệu người Triều Tiên có thể chạy sang Trung Quốc lánh nạn. Do đó, Trung Quốc tuyên bố ủng hộ đối thoại liên Triều và đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, tuy nhiên, Trung Quốc phải có vai trò lớn trong vấn đề này. Thực tế cho thấy, Trung Quốc đã thể hiện vai trò quan trọng trong các cuộc đối thoại hòa bình liên quan đến Triều Tiên, thông qua 3 cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 3, tháng 5 và tháng 6/2018. Mỹ đã nhận thức được điều đó và muốn Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong việc duy trì lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên có các bước đi chắc chắn hướng tới phi hạt nhân hóa.

Đối với Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018. Ông Moon Jae-in cho rằng, đối thoại là lựa chọn tốt nhất để giải quyết những bất đồng về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trong Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, hai bên cam kết hướng tới một “kỷ nguyên mới về hòa giải, hòa bình và thịnh vượng” cũng như “mục tiêu chung hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”. Không thể phủ nhận một thực tế là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều được diễn ra theo kế hoạch và được coi là "thành công" có công rất lớn của ông Moon Jae-in và chắc chắn, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng không thể thiếu vai trò của Hàn Quốc.

Đối với Nhật Bản, Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhật Bản xác định, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên luôn là mối đe dọa an ninh của Nhật Bản. Vì vậy, một bán đảo Triều Tiên không vũ khí hạt nhân có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản. Bên cạnh đó, vấn đề 17 công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc từ những năm 1970-1980 cho đến nay vẫn là vấn đề "nóng" trong xã hội Nhật Bản, và là vấn đề các đảng đối lập sử dụng để chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe. Cũng giống như Hàn Quốc, Nhật Bản là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á. Hiện nay, Mỹ đang triển khai 38.500 quân tại Nhật Bản. Mỹ muốn Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn đối với an ninh khu vực nói chung và giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nói riêng.

Trấn an hai đồng minh chủ chốt ở châu Á

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động lấn lướt ở khu vực, nhất là trên biển Hoa Đông và Biển Đông, với chủ trương "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc tăng kinh phí đóng góp cho lực lượng Mỹ triển khai ở Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như chia sẻ chi phí triển khai các hệ thống vũ khí chiến lược của Mỹ, làm cho quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc rạn nứt. Hai nước tỏ ra nghi ngờ với các cam kết của Mỹ. Điều này cũng làm nóng dư luận ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc và làm chia rẽ nội bộ hai nước này. Chính vì vậy, chuyến thăm của ông James Mattis đến Hàn Quốc và Nhật Bản còn mang ý nghĩa trấn an hai đồng minh chủ chốt ở Đông Bắc Á rằng, Mỹ có lợi ích chiến lược, cam kết lâu dài ở khu vực. Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác song phương với Nhật Bản và Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quốc phòng, an ninh và hợp tác đa phương với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ trong khuôn khổ "Tứ giác kim cương"; đẩy mạnh hợp tác với các nước khác trong khu vực trong khuôn khổ chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Răn đe Trung Quốc

Bên cạnh việc vận động Trung Quốc ủng hộ giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Mỹ còn có ý răn đe Trung Quốc. Ngay trước chuyến đi, ông Mattis còn liên tục chỉ trích Trung Quốc và cáo buộc nước này quân sự hóa Biển Đông nhằm đe dọa và bắt nạt các nước láng giềng, đồng thời, Mỹ đã hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập hải quân "Vành đai Thái Bình Dương" (Rim of Pacific-RIMPAC), từ ngày 1-31/7/2018. Về bản chất, thông điệp răn đe của Mỹ đối với Trung Quốc là hãy hợp tác với Mỹ trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và Trung Quốc không nên “thống trị” Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; dừng các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông hay đe dọa, cưỡng ép các nước khác... Sau những thông điệp ở Đối thoại Shangri-La, trong chuyến thăm và Đối thoại Quốc phòng Mỹ - Trung lần này, Mỹ luôn thể hiện rõ quan điểm sẽ ủng hộ vai trò của Trung Quốc nếu đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định khu vực và sẽ hợp tác nếu có thể.

Như vậy có thể thấy, thông điệp của Mỹ đối với Trung Quốc qua chuyến thăm ba nước Đông Bắc Á và Đối thoại Quốc phòng Mỹ - Trung đang có nhiều mâu thuẫn. Trong khi áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc, hủy mời Trung Quốc tham gia diễn tập RIMPAC, chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề quân sự hóa Biển Đông... Mỹ lại tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Về phía Trung Quốc, nước này tỏ ra nghi ngờ ý đồ của Mỹ trong quan hệ với Đài Loan với việc mở một cơ sở mới của Viện nghiên cứu Đài Loan (AIT) ở Đài Bắc, mà Trung Quốc coi là một kiểu “đại sứ quán” của Mỹ ở vùng lãnh thổ này. Trung Quốc cũng tỏ ra tức giận khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, cũng như tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở gần các đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm giữ trái phép ở Trường Sa.

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước