Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
20:21 (GMT +7)

Mỹ cảm về phái đẹp trong thơ Quang Dũng

1. Có thể nói, vấn đề mỹ cảm về phái đẹp là một trong những phẩm tính làm nên giá trị nhân bản sâu sắc của văn nghệ. Trong dòng chảy văn chương dân tộc, qua các thời đại, với những mức độ khác nhau, mỹ cảm về phái đẹp luôn là cảm hứng trong thơ của những thi tài: Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Bùi Giáng, Nguyên Sa... và đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng bạn đọc. Xét trong trường thẩm mỹ này, Quang Dũng - nhà thơ kháng chiến tài hoa, cũng không ngoại lệ, bởi mỹ cảm về phái đẹp là một trong những yếu tính làm nên hệ giá trị đặc sắc và độc đáo của thơ ông.

Nhà thơ Quang Dũng (Nguồn ảnh: internet)

Luận bàn về thơ Quang Dũng, lâu nay các nhà nghiên cứu thường nói đến một số phương diện như vẻ đẹp hào hùng, bi tráng, lãng mạn, hào hoa… để minh chứng cho chất nghệ sĩ và chiến sĩ của ông. Song, đọc thơ Quang Dũng, không thể phủ nhận một sự thật đó là những bài thơ hay, ám ảnh nhất là những bài thơ ít nhiều xuất hiện hình ảnh phái đẹp: Áo trắng, Bắt tép kho cà, Chiêu Quân, Cố Quận, Dòng đời, Đêm Bạch Hạc, Đêm Việt Trì, Đôi bờ, Đôi mắt người Sơn Tây, Đường trăng, Hồng Phú Châu Giang, Lính râu ria, Không đề I, Không đề II, Nhớ, Tây Tiến, Những cô hàng xén, Nhớ những mùa xuân, Suối tóc, Trắc ẩn, Trên đường chiều thứ bảy, Trưa hè, Một mùa thu tới, Quán bên đường, Một phút thoáng qua...

Có thể thấy hình ảnh phái đẹp xuất hiện trong thơ Quang Dũng phong phú sắc màu, đa dạng cung bậc cảm xúc. Đó là vẻ đẹp của sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây, giữa cụ thể và trừu tượng, giữa hiện thực và lãng mạn… tất cả làm nên một vẻ đẹp cao nhã, quí phái, sang trọng cả về hình thể, trí tuệ, tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.

Đằng sau những câu thơ phần nhiều mang âm hưởng da diết, thiết tha bởi những suy tư hoài niệm về Mẹ, Chị, Em, Nàng... trên tất cả, phải chăng là sự trân quý phái Đẹp, là bầu trời cháy bỏng khát vọng hòa bình, yêu thương, hạnh phúc?

Mỹ cảm về phái đẹp trong thơ Quang Dũng là một bình diện còn bỏ ngỏ, xung quanh vấn đề này bạn đọc có thể tiếp tục phát hiện, khám phá nhiều thông điệp về “con người bên trong con người” của thi nhân và những giá trị nhân văn mà ông gửi gắm cho đời sau. Luận giải vấn đề Mỹ cảm về phái đẹp trong thơ Quang Dũng như một căn tố hình thành thủ pháp sáng tạo riêng có của tác giả sẽ làm rõ hơn hệ hình tư duy nghệ thuật thi ca của Quang Dũng, và đây cũng chính là hệ giá trị cần được ghi nhận trong hành trình sống và viết của nhà thơ “xứ Đoài mây trắng”.

2. Mỹ cảm là khả năng cảm thụ về cái Đẹp, “Mỹ cảm là (...) cảm thụ trực giác về sự hài hòa giữa tính nhất thể và tính đa dạng, giữa tính đồng nhất và tính dị biệt, giữa động và tĩnh, giữa sự hợp nhất và sự phân hóa (...). Niềm khát khao da diết của con người vươn tới cái đẹp chính là nỗi nhớ nhung (...) không phút nào nguôi đối với sự hài hòa nguyên thủy” (1). Mỹ cảm là một cảm tình riêng, là sự cảm thụ về cái Đẹp của từng cá nhân nhưng có căn cứ, chuẩn đích chung. Bởi lẽ, trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng cảm xúc thẩm mỹ của nghệ sĩ khi đạt đến sự kết tinh cao độ thì tự nó mang sức mạnh cảm hóa sâu sắc, giúp con người thức nhận nhiều giá trị nhân văn, nhân đạo, nhân bản của nhân quần xã hội.

Bàn về mỹ cảm trong thơ Quang Dũng thiết nghĩ không thể không quan tâm đến cội nguồn ảnh hưởng đến tư duy thơ và cảm xúc thẩm mỹ của nhà thơ. Chính nhà thơ Quang Dũng đã tâm sự: “Thời đi học, tôi rất mê Đường thi tam bách thủ, nhất là những bài thơ dịch của Tản Đà. Tôi cũng say Thơ mới như bất cứ một học sinh nào thời đó”(2). Qua bộc bạch của thi sĩ, có thể thấy Quang Dũng là nhà thơ sớm tiếp nhận tinh hoa của văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây kết tinh trong nền văn học dân tộc qua hai dòng chảy của suối nguồn thơ Đường và thơ Mới; và một trong những sự kết tinh của suối nguồn thơ ca trong Đường thi và thơ Mới đó là những mỹ cảm về phái đẹp mà ở đó có sự hợp hôn nhiệm mầu giữa cái đẹp Đông và Tây trên nền tảng của cái đẹp thuần Việt. Đây chính là căn tố tạo nên những dự phóng sáng tạo trong thơ Quang Dũng khi viết về phái đẹp dù họ là ai, ở lứa tuổi nào, ở nông thôn hay thành thị, miền núi hay miền xuôi.... Và để có những thành công trong sáng tạo nghệ thuật được bạn đọc nhiều thế hệ ghi nhận như vậy, Quang Dũng hẳn đã phải bền bỉ vượt qua nhiều trở ngại để nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo của mình với tất cả tình yêu thương và trân trọng con người.

Trong bài “Thi sĩ của những nẻo đường kháng chiến”, Hoàng Thu Đông nhận định: “Có thể nói không lầm rằng không có cuộc kháng chiến của dân tộc trong thời kỳ 1945 - 1954 thì đã không có những bài thơ của Quang Dũng. Vì hầu hết đề tài những sáng tác thi văn của Quang Dũng trong suốt mười năm chiến tranh chống Pháp thực dân đều rút ra từ lòng đất nước kháng chiến, phản ánh chân thành và ý nhị tâm hồn của một con người văn nghệ trong giai đoạn sôi động hào hùng này”(3).

Quả thật, bao nhiêu hình ảnh trong kháng chiến đã sống lại qua thơ Quang Dũng, một thời đại anh dũng đau thương của dân tộc được tái hiện chân thực và cảm động. Khác với nhiều người cùng thời, Quang Dũng làm thơ không phải là để tụng ca, để tuyên truyền, để cổ vũ cho kháng chiến mà ông làm thơ để trải lòng mình, để nói lên những trăn trở của mình về thân phận con người qua những cảnh đời mà ông bắt gặp trên hành trình thiên lý... Quãng đời rong ruổi qua bao nẻo đường đất nước “tấm lòng và cảm xúc của mình ra sao thì viết vậy”(4). Với tấm chân tình như vậy nên thơ Quang Dũng là thơ của những gì giản dị, gần gũi nhưng được thể hiện bằng cả tâm hồn nhân ái, giàu mỹ cảm.

Mỹ cảm về phái đẹp trong thơ Quang Dũng luôn gắn với những mảnh đời, những thân phận mà ở đó luôn ẩn chứa những phẩm tính đẹp người phụ nữ Việt Nam: thủy chung, chịu thương chịu khó, duyên dáng, dịu dàng, đài các... Tất cả những vẻ đẹp từ truyền thống đến hiện đại của phái đẹp đều bắt gặp trong thơ Quang Dũng ở những cấp độ khác nhau. Đó có thể là phụ nữ ở vùng quê xứ Đoài “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ mong”, là “Các cô hàng xén về làng/ Mai lại đi từ tối đất/ Cần cù nuôi mẹ nuôi em/ Những cô hàng xén tên xinh/ Đẹp như ca dao nước Việt (Những cô hàng xén), hay những “dáng kiều thơm” nơi thị thành, đô hội “thướt tha áo trắng, khăn màu”, hoặc chỉ là “con hát bên sông”: “Em là con hát ở bên sông/ Lạnh với trường giang kiếp má hồng/ Chiều đến em bừng son phấn mộng/ Rẻ người không tiếc mảnh hồn trong (Đêm Việt Trì). Thậm chí, có thể là một cô gái Lào: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ/ Khèn lên man điệu nàng e ấp/ Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ” (Tây Tiến).

Song có lẽ, kết tinh cho mỹ cảm trong thơ Quang Dũng về phái đẹp đó là hình ảnh về Người Mẹ mà thi sĩ luôn yêu kính đặc biệt. Vì vậy hình ảnh Người Mẹ trở đi trở lại đau đáu, thiết tha trong thơ Quang Dũng: Mẹ tôi em có gặp đâu không?/ Những xác già nua ngập cánh đồng... (Đôi mắt người Sơn Tây); Là những đường đi qua ngõ trúc/ Mẹ già thao thức ngó qua phên/ Hành quân trong đám người đêm ấy/ Biết có con thương của mẹ hiền... (Đường trăng); Quê anh không khăn trắng/ Nhưng chắc có màu tang/ Những người con đi vắng/ Những mẹ già nhớ thương/ Trời mưa giăng màn xám/ Bởi vì đâu thê lương/ Hoa cỏ dâng màu trắng... (Mưa); Vang vọng bãi Lương Tuyền/ Mẹ tiễn qua sông/ Bến Mộc gặp trăng lên (Bất Bạt đêm giao quân - 1968); Thoảng mùi thơm quê mùa/ Hơi thở ấm trầu đen rưng rức/ Mẹ già nón nhẹ bay tua (...)/ Tu hú tu hú/ Mùa vải ven bờ/ Nơi quê hương trời xưa ấu thơ/ Mẹ già đầu tóc bạc phơ/ Dăn deo nét khó/ Người vào run sốt/ Giữa trưa đòi đắp chăn/ Mẹ già hối đun nước (Nhà uống nước lã quen); Lấy thêm chiếu đắp/ Kiếm thêm mền/ Mền nâu rách mướp(...)/ Nhớ mẹ già tiền cơm chẳng lấy/ Nhớ em khó nghèo giữa vườn hoang dại... (Nhớ);…

Những bà Mẹ đã gặp đây đó từ nhiều miền quê khác nhau trong đời sống được thi nhân “khắc họa” tinh tế và phong phú. Đó là người Mẹ ngày đêm thao thức “ngó qua phên” kiếm tìm con mình theo những đoàn người hành quân ra trận; Hay người Mẹ “nhớ thương” con đi vắng biền biệt trong màn mưa giăng thê lương; Mẹ tiễn con qua sông lên đường trong đêm trăng Bất Bạt; Mẹ chăm sóc con giữa cơn sốt rét run; Mẹ nghèo khó, cho con cơm ăn lúc đói lòng mà tiền không lấy... ký ức về một bà Mẹ nào đó mà tác giả gặp đâu đó trong đời thường bất chợt xuất hiện giữa ngổn ngang cảm xúc của thi nhân. Vẻ đẹp tỏa ra từ Mẹ giúp Con có thêm niềm tin ở tương lai, duy trì nuôi dưỡng hy vọng để tiếp tục hành trình vạn dặm...

Hình ảnh người Mẹ trong thi ca thế giới, trong đó có thi ca Việt Nam thường mang những yếu tính phổ quát: nhân hậu, vị tha, nhẫn nại, giàu lòng yêu thương... Tuy nhiên, hình ảnh Mẹ trong thơ Quang Dũng, ngoài nét đẹp có tính phổ quát ấy còn mang nét đẹp riêng. Trong cảm thức của thi nhân, Mẹ luôn hiện lên với dáng hình nhỏ nhắn, liêu xiêu, tất tả ngược xuôi; vẻ bên ngoài tưởng như mong manh, yếu đuối nhưng lại tiềm ẩn một nội lực mạnh mẽ - những người Mẹ Việt Nam thời chiến âm thầm chờ đợi chồng con, đằng đẵng cô đơn chịu đựng những mất mát, hy sinh nhưng chưa bao giờ tuyệt vọng, Mẹ luôn sẵn lòng sẻ chia tấm lòng mình cho những đứa con của muôn bà mẹ khác... Mẹ như một vệt sáng lấp lánh ấm áp trong bức tranh cuộc sống nhiều gam màu lạnh, u buồn và vì thế những vần thơ về Mẹ của Quang Dũng thường neo lại lòng người những dư âm vừa sâu lắng, vừa trân quý, cảm phục... Quang Dũng đã chạm khắc bằng thơ một tượng đài bất tử đầy chất bi tráng về người Mẹ Việt Nam trong một hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử dân tộc.

Với độ lùi thời gian, đọc lại thơ Quang Dũng, chúng ta không thể không thừa nhận, những áng thơ mê hoặc, ám ảnh nhất, góp phần quan trọng làm nên thi nghiệp của Quang Dũng đều xuất hiện hình ảnh Em - nhân vật trữ tình như một điểm tựa nghệ thuật để thi sĩ gửi gắm ước vọng, suy tư về cuộc sống, con người. Tài hoa của Quang Dũng là ở chỗ chưa bao giờ ta bắt gặp trong thơ ông một bức chân dung hoàn thiện về người đẹp nhưng chỉ với vài nét “chấm phá” vào những “biểu tượng biết nói” trên thân thể người phụ nữ như “đôi mắt”, “suối tóc”, “nụ cười”, “vầng trán”, “dòng lệ”… bức họa về người đẹp đã hiện lên với thần thái quyến rũ, ẩn chứa một hấp lực quấn riết tâm cảm người đọc... mà những vần thơ sau đây là một minh chứng đầy thuyết phục: Tôi để nàng qua chẳng nói gì/ Mắt người nghiêm quá dưới hàng mi/ Màu tang sầu cả hồn trai trẻ/ Nhớ thầm từ đó bóng người đi (Áo trắng); Nước mắt em buông lã chã/ Long lanh nhớ giếng quê nhà (Bắt tép kho cà); Mắt kia em có sầu cô quạnh/ Khi chớm thu về một sớm mai?/ Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự/ Kinh thành em có nhớ bên tê?/ Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến/ Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề./ Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa/ Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ/ Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ/ Xa quá rồi em người mỗi ngả/ Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau/ Em đi áo mỏng buông hờn tủi/ Dòng lệ thơ ngây có dạt dào? (Đôi bờ); Em chở anh sang đò/ Đi tòng quân một sớm/ Hôm nay làm cô dâu/ Đám cưới qua sông Đáy/ Em từ vườn Tế Tiêu/ Qua bờ sang chợ Đại/ (...) Sớm mai rồi tiễn biệt/ Tóc đẹp nhường bâng khuâng/ Một đêm dài để nhớ/ Những người xa vô cùng (Đêm Bạch Hạc); Từ độ thu về hoang bóng giặc/ Điêu tàn ơi lại nối điêu tàn/ Đất đá ong khô nhiều suối lệ/ Em đã bao ngày lệ chứa chan?/ Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc/ Thương vườn ruộng khôn khuây (...)/ Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương (Đôi mắt người Sơn Tây); Em buồn dĩ vãng, mắt khô trong/ Em là con hát ở bên sông/ Ðừng nhớ thương em uổng tấc lòng/ Em ở kiếp này là ở tạm/ Tìm em kiếp khác Liễu Trai Nương (Đêm Việt Trì); Hồng Phú, những cô hàng tạp hoá/ Mắt đẹp nhìn bâng khuâng (Hồng Phú Châu Giang); Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Những cây ổi thơm ngày ấy/ Và vầng hoa ngâu mưa thu/ Tóc anh đã thành mây trắng/ Mắt em dáng thời gian qua (Không đề); Đường về quê hương về quê hương/ Em mặc áo vàng hay áo tím/ Mắt em lơ đãng nhìn chấm mây (Không đề II); Cô bé cười chúm chím/ Mắt non nhìn như sao/ Đôi mắt nhìn như sao/ Má hồng như trái mận/ Mùa đang độ ngọt ngào! (Lính râu ria); Mắt sáng trong đang tập đánh vần/ Tuổi em mười bốn chớm mùa xuân (Nhớ) …

Từ những áng thơ trên, ta thấy, điều đặc biệt trong cảm nhận của Quang Dũng về phái đẹp đó là hình ảnh “đôi mắt”. Đôi mắt như một điểm nhấn trong nhiều thi phẩm, được nhìn từ nhiều góc độ, với nhiều trạng thái khác nhau: “như nước giếng thôn làng”, “buông lã chã”, “long lanh”, “mắt sầu cô quạnh”, “dòng lệ ngây thơ”, “lệ chứa chan”, “u uẩn chiều lưu lạc”, “mắt khô trong”, “mắt đẹp nhìn buâng khuâng”, “mắt em dáng thời gian qua”, “mắt non nhìn như sao”, “đôi mắt nhìn như sao”, “mắt em lơ đãng nhìn chân mây”, “mắt em dìu dịu buồn Tây Phương”... Tại sao “đôi mắt” cứ trở đi trở lại trong nhiều bài thơ của Quang Dũng như vậy? Phải chăng đôi mắt là nơi ẩn chứa những điều sâu thẳm trong tâm hồn người phụ nữ có thể “nói” lên nhiều điều mà không ngôn từ nào có thể diễn tả?! Bởi vậy, đôi mắt của Em đã để lại bao kỷ niệm nhớ nhung khắc khoải trong tâm thức thi nhân?! Những đôi mắt đẹp xuất hiện trong thơ Quang Dũng khi vui, khi buồn, có sầu cô quạnh, u uẩn... có nhớ thương, có trong trẻo, hồn nhiên... Đôi mắt là hiện thân thế giới tinh thần phong phú, đầy bí ẩn của Em - đó là một bầu trời ngập tràn cảm xúc của tuổi thanh xuân, khát vọng yêu thương, gần gũi, mong chờ, hy vọng...; hình ảnh “mắt em dìu dịu buồn Tây Phương” mãi mãi da diết, lay động tâm thức bạn đọc dù ở bất cứ thời đại nào, và ánh nhìn “dìu dịu” vương nỗi “u uẩn” của người con gái Sơn Tây giữa khung trời mênh mang như đang hướng về một chân trời quê hương vời vợi nỗi chờ mong… chỉ giản dị vậy thôi nhưng đôi mắt ấy, ánh nhìn ấy đã neo vào tâm cảm người đọc thi ca Việt như một hằng số văn hóa.

Có thể nói, Quang Dũng - là một trong những thi sĩ với bút lực tài hoa và sự nghiệm sinh sâu sắc đã để lại cho đời sau những câu thơ miêu tả đôi mắt phái đẹp đầy sức ám gợi. Hình tượng đôi mắt trong thơ Quang Dũng với vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại, là sự kết hợp giữa vẻ dịu dàng, hiền thục của phương Đông và sự mạnh mẽ, nồng nàn cuốn hút đến lạ lùng của phương Tây. Không những thế, “đôi mắt” của phái đẹp trong nhận thức của Quang Dũng là nơi hội tụ, tỏa sáng cái Đẹp hình thức, quyến rũ vừa chứa đựng vẻ đẹp nội tâm tinh tế, với muôn vàn cảm xúc biến thiên không ngừng, trong nhiều hoàn cảnh thời gian và không gian. Đôi mắt của người đẹp cho thấy số phận của con người cá nhân, là một hệ giá trị mỹ cảm cho thấy tư duy thơ khác lạ của Quang Dũng đặt trong bối cảnh “dàn đồng ca” đơn điệu của thơ kháng chiến đương thời.

Bên cạnh hình tượng đôi mắt, mái tóc cũng là một biểu tượng của những mỹ cảm về phái đẹp mà Quang Dũng đã thể hiện trong thơ mình. Trước Quang Dũng, mái tóc đã hiện hữu trong thi ca Việt Nam: “Tiên thề cùng thảo một chương/ Tóc mây một món dao vàng chia đôi” (Nguyễn Du). “Xương mai một nắm hao gầy/ Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương” (Tản Đà); “Mắt quầng tóc rối tơ vương/ Em còn cho chị lược gương làm gì” (Nguyễn Bính)… Kế thừa vẻ đẹp văn hóa truyền thống, khi mái tóc được xem như “một góc con người”, là phẩm hạnh, phong thái của vẻ đẹp người phụ nữ cho nên trong thơ Quang Dũng hình ảnh suối tóc của Em không phải vô cớ mà xuất hiện nhiều đến như vậy!? Ấn tượng khó phai trong tâm thức bạn đọc là hình ảnh Mái tóc em vừa vương hương bưởi/ Chân nhẹ nhàng còn dính phấn hoa (...)/ Các cô hàng xén ngày xưa/ Gương tròn bỏ túi/ Tóc giắt hoa nhài (Những cô hàng xén); Mái tóc vương hương bưởi, mái tóc giắt hoa nhài... gợi nét đẹp giản dị, mà quyến rũ của Mẹ, của Chị, của Em nơi làng quê vốn êm ấm như một đặc trưng văn hóa riêng có của người phụ nữ Việt Nam truyền thống đã khiến trái tim bao chàng trai xao xuyến: “Tóc em dài sao em không búi/ Để chi dài bối rối dạ anh...”(Ca dao). Mái tóc dài luôn được xem là “chuẩn thẫm mỹ” để các chàng trai chọn người yêu thương: “Một thương tóc xõa ngang vai/ Hai thương đi đứng vẻ ngoài có duyên” (Ca dao). Và hình ảnh suối tóc của phái đẹp trong mỹ cảm của Quang Dũng là nét đẹp đặc thù của nữ giới, nên trong tiềm thức của thi nhân, bên cạnh “đôi mắt” bạn đọc còn thấy tràn ngập những giấc mơ về “suối tóc”:

Thuở ấy em ngồi trên cửa gác/ Tóc buông hong với gió đầu thu/ Nhẹ nhàng anh đến hồn chan chứa/ Ghi vội vàng em mấy nét thơ.../ Em mải mơ gì dưới nắng êm?/ Tóc như suối mực chảy êm đềm.../ Hương nhẹ như là hương hoa cau/ Tóc em buông suối chảy về đâu?/ Thiên thai em mở bừng trong gác/ Ðựng hết Trời xanh chứa hết mầu(...)/ Giờ hết, Em đi, mùa cũng hết/ Những thời hong tóc hiếm làm sao!/ Rộn ràng nắng mới tìm hương cũ/ Ngơ ngẩn chiều đi trước gác cao/ Em hãy về đây ngắm lại tranh/ Sắc mầu còn gửi bóng ngày xanh/ Ðây là suối tóc qua song cửa/ Vẫn chảy êm đềm dưới nắng hanh (Suối tóc); Mái tóc lung linh, áo trắng hiện về hư ảo. Người ơi! Vườn xưa nhớ chuyện Liêu Trai. Đêm vắng qua phố hoang tàn (...). Ôi mái tóc - đôi mắt thẳm xưa/ Tất cả mắt em là nghệ thuật/ Nhớ em dòng tóc dài đôi mắt (...) Say suối tóc ngày xưa bây giờ bắt gặp/ Phải chăng nguồn thông cảm là đây/ Phút chốc em thành thần nữ/ Ngự trị hồn ta... (Trắc ẩn). Cho dẫu thời gian phủ bụi lên kỷ niệm, hình ảnh “suối tóc” Em luôn “ngự trị”, sống dậy khá linh động trong tiềm thức thi nhân và chảy dài theo thời gian và nỗi nhớ...

Trong cảm quan thẩm mỹ của Quang Dũng, đôi mắt, suối tóc Em hiện lên thường gắn liền với hoài niệm thiết tha về một quá vãng thanh tân lãng mạn. Vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt Nam phần nhiều vốn “chân lấm tay bùn” và cam chịu “đất đá ong khô nhiều suối lệ” trong cảm nhận của Quang Dũng bỗng trở nên đầy hư ảo lung linh, huyền diệu, một vẻ đẹp vừa giản dị vừa kiêu sa, gần gũi đó mà xa xôi đó... Tôn vinh mỹ cảm về phái đẹp phải chăng với thi nhân đồng thời cũng là khát vọng chia sẻ muôn nỗi khắc khoải, “khôn khuây” hướng về quê hương bản quán, là mong mỏi hòa bình, hạnh phúc cho mỗi con người, đặc biệt là cho Mẹ, cho Chị, cho Em... những cái tên, những gương mặt luôn gợi nhiều niềm thương nỗi nhớ trong tận cùng tâm thức của thi nhân. Không những thế, mỹ cảm về phái đẹp cũng chính là nguồn sống vô tận, tiếp thêm năng lượng trong hành trình sống và viết đầy giông bão và gian truân của nhà thơ... Phải chăng, vì thế trong thơ Quang Dũng luôn chất chứa những sự tự vấn và thao thức về hình ảnh EM - Phái đẹp: Bao giờ tôi gặp em lần nữa/ Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca/ Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ/ Còn có bao giờ em nhớ ta? (Đôi mắt người Sơn Tây); Bỏ em anh đi/ Đường hai mươi năm/ Dài bao chia ly.../ Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa.../ Giữ trọn tình người cho đẹp (Không đề).

Đại thi hào Nguyễn Du trong tận cùng nỗi đau của lòng mình đã xa xót thốt lên: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (Truyện Kiều). Tiếp bước Nguyễn Du trong hành trình sáng tạo thi ca biết bao thi nhân đã luôn dành những vần thơ đẹp nhất tặng phái đẹp, và cảm quan của Quang Dũng về phái đẹp không phải là ngoại lệ. Song đến với phái đẹp, Quang Dũng không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của họ mà còn thấu cảm với những bất hạnh trong số phận của người phụ nữ. Cảm nhận về phái đẹp trong thơ Quang Dũng không chỉ có hình ảnh của đôi mắt, suối tóc, nụ cười mà còn có sự cảm thông chia sẻ về những bất hạnh trong những số phận không may của người phụ nữ. Trong bi kịch giữa sự sống và cái chết, không phân biệt đẳng cấp, giai cấp, địch/ ta, giàu/ nghèo, sang/ hèn,... Quang Dũng luôn luôn đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông, chia sẻ. Và chính điều này tạo cho những mỹ cảm về phái đẹp trong thơ Quang Dũng không đơn thuần mang vẻ đẹp của một chủ nghĩa duy mỹ thuần túy mà còn có giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc. Vì vậy, có lẽ, trong thơ Việt Nam hiện đại không nhiều lắm những nhà thơ có những dòng thơ cảm động, để an ủi, thấu hiểu nỗi đau cùng những người vợ lính hy sinh sau chiến trận như Quang Dũng: Nhiều người vợ trẻ/ Đàn ông đã ngã trên chiến trường/ Vất vả nuôi con những ngày kháng chiến/ Xót xa thương khóc bao ngày/ Chiều thứ bảy hôm nay/ Họ đi bên người chồng mới lấy/ Và những đứa con/ Bước còn bỡ ngỡ/ Bên người cha mới hôm qua/ Ai biết được bây giờ/ Tâm sự của những người/ Ngậm ngùi cất kỹ ảnh chồng/ Vào đáy hộp nữ trang/ Đau khổ đi thêm một bước (Trên đường chiều thứ bảy).

3. Đọc thơ Quang Dũng, chúng ta luôn bắt gặp một giọng độc thoại mang nặng những tâm sự sẻ chia cùng phái đẹp: Em tản cư, tôi là lính tiền phương/ Xa Hà Nội, cùng nhau, từ một thuở/ Lòng rưng rưng thương nhau quá dọc đường/ Tiền nước trả em rồi. Nắng gắt/ Đường xa xa mờ núi và mây/ Hồn lính vương vài qua sợi tóc/ Tôi thương mà em đâu có hay… (Quán bên đường); Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến/ Hiu hắt chiều sông lạnh bến Tề/ Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa/ Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ/ Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ/ Xa quá rồi em người mỗi ngã/ Bên này đất nước nhớ thương nhau/ Em đi áo mỏng buông hờn tủi/ Dòng lệ thơ ngây có dạt dào? (Đôi bờ); Chiều ấy em về thương nhớ ai?/ Tôi chắc đường đi đã rất dài/Tim tím chiều hôm lên bóng núi/ Dọc đường mờ những cánh hoa phai (Một phút thoáng qua); Viết những dòng thơ không lề luật mà chẳng tặng ai Vì biết không bao giờ gửi, không bao giờ gửi, không bao giờ gửi/ Em! Chúng ta đã quá nhiều những lòng thương, những tâm tư, những tình sử chan hoà nước mắt hay niềm vui, tiếng cười rồ dại... Rất là mệt mỏi!/ Lòng hào kiệt cổ xưa chợt dậy. Bực dọc... Muốn đập tan một thứ - Nếu không là tất cả. Em! Mái tóc với đời Em (Trắc ẩn). Suốt một đời thơ, thi sĩ Quang Dũng đã lựa chọn phái đẹp như một niềm an ủi, một điểm tựa tinh thần để lấp đầy khoảng trống của cuộc đời luôn thường trực nỗi cô đơn bản thể,… Phái đẹp đã trở thành chuẩn thẩm mỹ, nguồn cảm hứng bất tận, nuôi dưỡng sự thăng hoa của hồn thơ Quang Dũng - một nghệ sĩ tài năng và tài hoa của nền văn học dân tộc. Mỹ cảm về phái đẹp trong thơ Quang Dũng, vì thế không chỉ là cảm hứng làm nên những dự phóng sáng tạo trong thơ ông mà còn là một hệ giá trị của cái đẹp nhân bản tạo nên sự tồn sinh bất tử của thơ Quang Dũng trong tâm thức bao thế hệ người đọc hôm qua, hôm nay và mai sau. Từ đây, hé lộ cho người đọc hiểu hơn vì sao suốt hành trình sống và sáng tạo nghệ thuật, Quang Dũng luôn tin tưởng, hy vọng và đau đáu một nỗi niềm: Xương máu không làm hoa hết tuổi/ Điêu tàn chưa héo cỏ xanh tươi/ Trường kháng đã lên bình thản điệu/ Em chờ ta nhé, em lòng ơi!(...)/ Ngay tự phút này thây xác gục/ Ta khơi nguồn sống đến muôn đời/ Hôm nay tình đến lòng chinh khách/ Đợi chờ ta nhé! Đợi ngày mai...(Dòng đời).

----------

(1). Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt văn Việt người Việt, Nxb. Trẻ, TPHCM. 2001, tr. 378.

(2), (4). Nhiều tác giả, Nhà thơ Quang Dũng từ Tây Tiến đến Tây Nguyên (Trần Ngọc Trác, Bùi Phương Thảo sưu tầm & biên soạn), Nxb. Hội Nhà văn, H.2017, tr.7- 8.

(3). Hoàng Thu Đông, Quang Dũng thi sĩ lãng mạn và cách mạng, Nguyệt San Nhân Văn phát hành số 15 tháng 7/1972, tr.45.

Cao Thị Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy