Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
18:47 (GMT +7)

Một tiếng thơ thanh khiết trên bầu trời văn học

/tmp/php4WjPnZ

Cái tên Thế Chính đã xuất hiện trên tờ Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc từ những năm 60 của thế kỉ trước. Anh từng được giải cùng với nhà văn rất nổi tiếng bấy giờ là Nguyễn Khắc Trường, tác giả của tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Sau rất nhiều năm, do hoàn cảnh và cuộc sống riêng tư, thơ anh hoàn toàn vắng bóng trên văn đàn. Tới năm 2000, anh mới thực sự trở lại với thơ, và trong hơn hai mươi năm liên tục cầm bút, bằng cách đi riêng của mình, Thế Chính đã chiếm được cảm tình của giới cầm bút và bạn đọc Thái Nguyên. Đến nay anh đã xuất bản gần mười tập thơ cùng nhiều giải thưởng văn học, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, xứng đáng là một cây bút thơ hàng đầu của tỉnh.

Đấy là những thành tựu từ sự phấn đấu không hề ngưng nghỉ mà Thế Chính đã có được. Hơn hai mươi năm cầm bút trở lại, anh đã nhận được nhiều lời khen từ các nhà văn, nhà thơ, các nhà lí luận và bạn bè… Có thể dẫn ra đây hàng loạt những trích đoạn nằm rải rác trong các bài phê bình, các hội thảo… Đầu tiên là một nhận định của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về bài thơ “Ngẫm”, một bài thơ khá nổi tiếng của Thế Chính, từng được hàng nghìn bài thơ họa của bạn thơ trên một tờ báo trung ương: “Tôi thấy, 50 năm trước đọc bài thơ Ngẫm nó vẫn hay và đúng. Bây giờ đọc vẫn hay và đúng. Và tôi tin 50 năm sau đọc bài thơ Ngẫm vẫn cứ hay và đúng” (Trích “Thơ Thế Chính và một cách nhìn”- Báo GD và TĐ ngày 8/3/2013). Một lời biểu dương như vậy của một nhà thơ nổi tiếng hàng đầu đất nước, đâu phải ai cũng có vinh dự được nhận. Hay với một đánh giá không hề quá về Thế Chính của nhà phê bình, PGS. TS Văn Giá trong một cuộc hội thảo: “Trong mảng thơ tình, Thế Chính đã có được những bài thơ đẹp, xứng đáng lưu trong sổ tay của những người yêu thơ nhiều thế hệ” (trích “Hội thảo về thơ Thế Chính” - tháng 8/2012)… Chỉ là lời cô đọng nhưng chắc chắn là một hạnh phúc hiếm hoi đối với người cầm bút. Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên là người cầm bút thế hệ sau Thế Chính rất nhiều, nhưng cũng có những nhận xét đầy thiện cảm: “Ông làm thơ từ thời văn nghệ Việt Bắc và nổi tiếng ở Thái Nguyên trong khoảng mười lăm năm nay. Anh em văn nghệ sĩ Thái Nguyên kính nể ông vì sự lao động thơ nghiêm túc chưa hề mệt mỏi vì niềm đau đáu trên từng con chữ”. Và còn nhiều lắm những đồng nghiệp viết về anh: Nhà thơ Trúc Thông, Văn Công Hùng, Phạm Văn Vũ, Chu Thị Thơm, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Thanh Mai…

Thơ Thế Chính đa dạng trong cách viết: Thơ trữ tình, thơ tự sự… cùng nhiều thể thơ: Lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn, tứ tuyệt, thơ tự do… ở nhiều đề tài. Nhưng hai mảng lớn trong thơ Thế Chính được bạn đọc quan tâm hơn, đó là mảng thơ mang màu sắc triết lí và thơ viết về đề tài tình yêu, chủ yếu là tình yêu đôi lứa. 

Thơ mang màu sắc triết lí

Không thể phủ nhận, Thế Chính là một nhà thơ thích triết luận. Trong hầu hết các tập thơ riêng của anh người đọc luôn gặp những bài thơ mang màu sắc triết lí. Anh thường suy ngẫm về thế sự, nhân sinh, tình yêu, về thiện ác… Hãy thử xem thi sĩ luận về cái ác:

Kẻ đi tìm mình bị mất

Trong cơn mơ

Con sói gặm nát đầu

Từng mảnh ác

Trơ ra

Bạc phếch

Con sói

Run rảy

Bàng hoàng

Nhận ra

Cái ác của mình

Chưa thấm vào đâu

Trong mọi cái đánh mất thì sự đánh mất chính mình là đáng sợ nhất. Nó đồng nghĩa với đánh mất nhân tính, đồng nghĩa với sự tha hóa đến tận cùng. Cái ác của kẻ đánh mất mình là cái ác chồng lên các ác, bằng mọi thú tính cộng lại.

Trong mảng thơ triết lí của Thế Chính, có lẽ hai bài thơ “Niềm đam mê hoang dã” và bài “Người khổng lồ” là hai bài thơ vừa thấm đẫm trí tuệ vừa nồng ấm tình người. Ở bài “Niềm đam mê hoang dã”, tác giả nhấn mạnh những giả định:

Giá đừng có con tầu đổ bộ xuống mặt trăng

Đừng có ai tìm tung tích của chiếc đĩa bay kì ảo

Đừng giải thích vì sao gió mưa, lụt bão…

  Có nghĩa là tác giả thử loại trừ mọi văn minh, trí tuệ, mọi ý thức… chỉ để phó mặc con người cùng “khát vọng hoang sơ” thì điều gì sẽ xảy ra? Thật bất ngờ. Theo suy luận (nói đúng hơn là theo ảo mộng) của tác giả - thì “Trăng sẽ đẹp hơn, người sẽ đẹp hơn, tình yêu sẽ đẹp hơn”. Vẫn biết đó là sự ngụy biện, “thi vị hóa” nhưng người đọc vẫn muốn đồng cảm với nhịp đập của con tim nhi nhiên của nhà thơ.

“Người khổng lồ” là một bài thơ triết lí về sức mạnh đàn ông, nói đầy đủ hơn là sức mạnh ấy khi đứng trước người phụ nữ (?). Đó là những bước chân “qua sông, qua núi” đầy dũng mãnh; đó là những bàn tay “bóp đá thành vôi, bẻ rừng thành củi”. Vậy mà khi đứng trước phái yếu, đến mức:

Mười bước chân không qua nổi

Ngực em cao vời ngọn núi

Tóc em mây phủ trắng rừng

Bước chân đàn ông lịu khịu

Chim chuyền lạc giữa mênh mông.

Khi triết luận, điều được Thế Chính quan tâm nhất có lẽ là những quan niệm về nhân sinh. Những quan niệm ấy, khi thì được bộc lộ trong tiếng gọi khát khao của bản ngã - tiếng gọi đã khàn nơi thế tục vọng về vùng huyền bí (ngọn tháp lạnh lùng) khi là sự nhập vai của một vị quan tòa để bàn về công chính (Giấc mơ của vị quan tòa)…

Đôi khi, thơ triết lí của Thế Chính cũng đề cập đến những điều to tát như vũ trụ, chiến tranh, nhân loại… Nhưng công bằng mà nói, khi anh luận về những vấn đề lớn lao hoặc mang ý nghĩa triết học thường luôn bị đuối tầm.

Chúng ta đều hiểu, thơ triết lí, kể cả những nhà thơ lớn cũng không dễ được đón nhận. Tuy nhiên, thơ triết lí của Thế Chính, dù ít, dù nhiều cũng đã chiếm được trái tim độc giả.

Thơ về tình yêu

Có thể nói, tình yêu là một đề tài nổi bật nhất và thành công nhất trong thơ Thế Chính. Đã có lần anh chọn lọc và tập hợp xuất bản một tập thơ riêng dày dặn về đề tài tình yêu, ghi rõ ở bìa một là: Thơ tình.

Đọc thơ tình yêu của Thế Chính, người đọc có một cảm nhận chung là anh không viết về những cảm nhận về tình yêu của người khác hoặc không viết để diễn giải về tình yêu chung chung mà viết cho chính mình. Chỉ cho chính mình thôi.

Ai đó đã nói, thơ tình chính là thơ thất tình. Điều này quả là đã ứng nghiệm vào Thế Chính. Người đọc, dù có cố gắng bao nhiêu để tìm ra một áng thơ tròn đầy, thi vị hóa tình yêu, viên mãn tình cảm lứa đôi trong hàng trăm bài thơ của Thế Chính ắt hẳn sẽ hoàn toàn thất vọng. Những mối tình bất thành, những mối tình dang dở, những đổ vỡ, mất nhau trong đời, những trái ngang, trắc trở trong tình yêu… đó mới là màu sắc đậm đặc nhất trong thơ tình Thế Chính. Ngay từ bài thơ đầu tập (Lửa mồ côi) đã như một mạch nguồn chung cho tinh thần thơ tình của anh. Chỉ là một thoáng “Em đi qua đời anh/ đánh rơi tàn lửa đỏ”, và rồi cái “tàn lửa đỏ” ấy đã vĩnh viễn trở thành một “đốm lửa mồ côi” cháy mãi trong tâm tưởng người li biệt:

Nhưng rồi em đã quên

Chẳng bao giờ trở lại

Để đốm lửa mồ côi

Trong lòng anh cháy mãi.

           (Lửa mồ côi)

Thơ tình yêu của Thế Chính thường gắn với những thi ảnh về những cơn mưa - cơn mưa tình yêu (Bao giờ gặp lại người ơi/ Để ta lại được mưa rơi trái mùa - Mong trời đừng tạnh); những cơn bão lòng tê tái (Đêm qua cơn bão tan rồi/ Em đi để lại mình tôi mưa nguồn - Bão tan); những giọt sương mộng mị, lụy sầu (Nghe sương buồn rơi lạnh ướt đời nhau - Nơi hẹn cũ); những vầng trăng khuất (Nàng ra đi như một vầng trăng lặn - Vầng trăng lặn) hoặc những thi ảnh vừa cụ thể vừa trừu tượng: một chiếc áo có hàng cúc đơm thưa, duy nhất chỉ một lần chàng trai nhìn thấy để rồi thương nhớ suốt đời (Ở chốn quê nhà thương người ra trận/ Em chẳng còn mặc áo cúc đơm thưa - Cúc đơm thưa); một chiếc lá cậm cang thuở chăn trâu chứa đầy hoài niệm (Ngày trở về/ anh đến gốc cậm cang/ Nhấm chiếc lá/ Không thể nào nuốt nổi - Lá cậm cang); một viên sỏi sinh ra từ nỗi đau (Trên con đường gai góc đến tìm nhau/ Ta đã vỡ một nửa đời hóa sỏi - Nẻo đường gai); những con sóng trốn chạy phía chân trời ảo vọng (Sóng nào lỗi nhịp cách ngăn/ Để ta nối sợi phong trần tìm nhau - Sóng). Những thi ảnh ấy (có thể cũ, có thể mới) nhưng đều mang vẻ thấp thoáng, mong manh, dễ vỡ, dễ tan như pha lê. Dường như khi viết về tình yêu, thi sĩ không sao tránh khỏi những thi ảnh mang tính định mệnh như vậy.

Tuy nhiên, hình ảnh đặc sắc nhất trong thơ tình yêu của Thế Chính lại là những giấc mơ. Không dưới 30 lần hình ảnh giấc mơ được láy đi láy lại trong các bài thơ viết về tình yêu. Đó là những giấc mơ thật (chiêm bao) và cả những giấc mơ tỉnh (thuật ngữ của Sigmund Freud - nhà phân tâm học thế kỉ 20). Khi thì giấc mơ hiện hữu như một ước ao: “Tình ở trong chiêm bao/ Là mối tình trẻ mãi”. Khi thì hiện lên như một hoang tưởng: “Điểm hẹn trong mơ/ Chờ ta từ kiếp trước”. Khi thì như một bám víu của thân phận: “May mà còn có giấc mơ/ Nếu không biết đến bao giờ người ơi”. Khi thì trở nên bất khả tín vào cõi thực: “Yêu trong mộng là tình thật nhất”. Đôi khi, giấc mơ được Thế Chính nâng thành triết lí: “Rơi vỡ chiếc bình mộng ảo/ Mảnh bình lưỡi sắc như gươm”,Chảy trong giấc mơ của loài kiến/ Cơn khát triệu năm rát mặt địa cầu”…

Những giấc mơ với nhiều hình hài, vóc dáng, khi là vật chất, lúc là tâm linh, tâm tưởng cứ thế hiện hữu suốt trong nhiều bài thơ về tình yêu của anh, làm nên một lớp sóng ngôn từ, một lớp sóng hình ảnh lan tỏa, tạo ra những lớp “sóng mơ” trong cõi thực; trở thành một liên khúc, đa hình, đa âm... Các nhà thi pháp học hiện đại cho rằng một trong những đặc trưng của thơ là trùng điệp. Trùng điệp âm, trùng điệp hình ảnh, trùng điệp nhịp, trùng điệp ý… Sự trùng điệp làm nên “một kiến trúc đầy âm vang”- như cách nói của một nhà phê bình phương Tây. Đúng vậy! Sự trùng điệp trong thơ tình của Thế Chính đã tạo ra những ám ảnh - ám ảnh về những giấc mơ tình yêu. Mà tình yêu của kiếp người hình như cũng chỉ mong manh như những giấc mơ vậy.

Có lẽ, khi viết thơ tình yêu, tâm hồn anh được giải tỏa, giải phóng, không bị quá ràng buộc bởi lí trí, những suy tư, triết luận này nọ (điều này có vẻ tối kị trong sáng tác thơ). Khi viết về tình yêu là lúc tiềm thức, vô thức luôn lấp ló đâu đó dưới ngòi bút của tác giả, những ẩn ức dồn nén có cơ hội thăng hoa. Chính vì vậy, tuy không nhiều, nhưng lác đác trong một số ít những bài thơ về tình yêu của anh thường thấp thoáng hoặc gần gũi với hình ảnh thơ siêu thực. Tuy những hình ảnh thơ chưa hẳn bất ngờ, sai biệt, phi lí (là những yếu tố làm nên hình ảnh thơ siêu thực) nhưng ít nhiều độc giả đã nhận thấy sự sáp lại một cách khá hài hòa của hai thực tại vốn cách xa nhau. Nhờ đó mà thơ tình của Thế Chính có chiều sâu và mang bóng dáng hiện đại:

- Vầng trăng khuyết cháy trên bình rượu mở

  Thương một thời cỏ mượt ấm chân đê

                                   (Vòng xoáy)

- Chiếc lạt mỏng hồn em nơi đáy mắt

  Câu thơ tình buộc chặt đời tôi

                               (Chiều nắng ngược)

Chiếc lạt mỏng hồn anh… Câu thơ tình…” được hình thành từ câu tục ngữ “Lạt mềm buộc chặt”. Đó là một hình ảnh siêu thực rất Việt Nam.

Có thể nói, thơ tình yêu của Thế Chính là tiếng vọng của tình yêu, rành rẽ hơn, là tiếng vọng về nỗi đau của tình yêu. Hạnh phúc luôn đồng hành cùng cay đắng. Bởi vậy, bản chất của tình yêu là nước mắt chứ không phải là niềm vui và nụ cười. Nhưng nỗi đau của tình yêu là nỗi đau thanh sáng, mang vẻ đẹp thẩm mĩ, vẻ đẹp làm cho tâm hồn con người trở nên trong trẻo, ấm áp và vị tha. Một trong những bài thơ về tình yêu của Thế Chính cũng đã nói về nỗi đau ấy như một tuyên ngôn cho riêng mình:

Nỗi đau kiếp người

Tôn giáo của thơ tôi.

      (Hoa trắng)

Nhìn chung, Thế Chính là môt người hết sức cẩn trọng trong việc sáng tác và công bố tác phẩm. Cả một đời cầm bút mà chỉ xuất bản chưa đầy một chục tập thơ mỏng so với các bạn viết ngày hôm nay chưa phải là nhiều. Nhưng dù cẩn trọng đến mức nào thì vẫn không thể lọc hết được sạn trong thơ. Rải rác trong các tập thơ của anh vẫn còn để lại những hình ảnh, những câu, những từ không phải là thơ, ví như: “Con đàn mà chịu đơn côi/ Đẻ ra một lũ để rồi dưa nhau”, “Chân như là chân mượn/ tay như là tay thuê”… Những cụm từ “Một lũ”, “dưa nhau”, chân mượn”, “tay thuê” mang tính khẩu ngữ cùng kiểu ví von sơ lược dễ biến thơ thành thứ thông tin cấp 1.

Mới biết, Thơ là một công việc không đơn giản. Chưa có ai đưa ra một định nghĩa thơ mà dám tự nhận là tuyệt đối. “Thơ là tiếng vọng của tâm hồn”, “Thơ là sự thể hiện sâu sắc của tâm trạng”, “Thơ là kiến trúc đầy âm vang”, “Thơ là tiếng nói độc bạch”… Đó là những lí thuyết sâu sắc mà nhiều thế kỉ qua đã đề cập tới. Nhưng có lẽ cuộc định nghĩa thơ vẫn chưa có hồi kết. Nêu vấn đề này, người viết bài muốn dẫn đến một câu thơ của Thế Chính:

Lớn lên con hãy ru mình

Bằng câu hát mẹ dụm dành cho con

Mong gì thành biển, thành non

Chỉ mong giữ lấy vuông tròn lời ru

Đâu cần biết thơ là gì? Người làm thơ cũng đâu cần thành biển, thành non. Hành trình hơn nửa thế kỉ làm thơ của Thế Chính chính là những lời lặng lẽ tự ru mình bằng những câu hát mẹ dụm dành như vậy. Phải chăng, đó cũng là góp một phần bé nhỏ về cách định nghĩa thơ.

Cũng xuất phát điểm từ lời ru của mẹ mà Thế Chính đã cất lên một tiếng thơ thanh khiết của riêng mình trên bầu trời văn học Việt Nam.

Nhà văn Hồ Thủy Giang

(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy