Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
04:01 (GMT +7)

Một thủa làng xưa

VNTN - Để trở thành một vùng chuyên canh hoa, một “Đà Lạt” của xứ trà xứ thép như bây giờ, vùng quê “rốn lụt” Túc Duyên (thành phố Thái Nguyên) của tôi đã trải qua biết bao thương khó. Thế nhưng, từ trong sâu thẳm tâm hồn, tôi chưa bao giờ nguôi yêu tha thiết vùng đất này.


1.

Làng là nơi tôi lớn lên.

Làng tôi như một đứa trẻ được yêu chiều, luôn nằm gọn trong vòng ôm của con sông Cầu và cánh đồng Túc Duyên phì nhiêu. Mỗi năm, dòng sông dâng lũ đôi ba lần tắm táp cho làng, cũng chính đôi ba lần ấy chăm bón cho ruộng vườn những lượt phù sa mỡ màng. Chả vì thế mà cây cối trong làng đâu đâu cũng tươi tốt.

Ở làng nhà ai cũng có vườn mà vườn nào cũng nhiều cây. Nhiều cây, nhiều loại cây nên nhiều loại hoa, càng nhiều loại quả. Nhất là nhà nào chỉ có các ông bà già thì vườn không khác gì Hoa quả sơn của Tôn Ngộ Không. Cây vườn của người già toàn những cây cổ thụ, chẳng ai trèo lên mà hái xuống, với lại người già ít ăn ít ngủ, có hái xuống cũng lại chỉ đem chia cho đám trẻ hàng xóm. Mà trẻ con lại chỉ thích quả do chúng tự hái, kể cả quả chín nẫu đã bị chim ăn mất một nửa hay quả phải cắn bỏ đi gần hết vì bị sâu thì đối với chúng vẫn là món chiến lợi phẩm vô giá.

Người lớn luôn cấm trẻ trèo cây vì rất nguy hiểm. Nhưng chắc chẳng người lớn nào ở quê mà chưa từng nhiều lần ngã cây. Sao mà trẻ con lại mê thích trò mạo hiểm ấy đến vậy. Hồi tôi bé tẹo, mới mọc mỗi hai chiếc răng, bố tôi đã công kênh đặt tôi lên chạc ba của cây trứng gà đầu sân. Lần đầu tiên được ngồi ở độ cao như thế, tôi co rúm người vì sợ nhưng rồi cứ ôm chặt cây, nhất định không chịu cho bế xuống. Đấy cũng là cái cây đầu tiên tôi tập trèo khi năm, sáu tuổi gì đó. Trong kí ức của tôi, đó là những buổi trưa êm đềm với từng cơn gió mát lộng và những lá cây đung đưa không biết thế nào là mỏi, tôi nhìn mãi đến khi mỏi mắt thì đánh luôn một giấc trên chạc cây.

Nhiều loài cây như vậy, mùa nào thức ấy nhưng trẻ con vẫn thấy cây hồng là loài cây đáng yêu nhất. Mùa xuân lá cây hồng xanh non như những phiến ngọc. Tôi và bọn trẻ hàng xóm thường ngồi dưới những lùm cây, nhặt hoa rụng xâu thành từng chuỗi vòng màu vàng phơn phớt. Hoa hồng (cũng cùng tên nhưng không phải loài hoa hồng dùng để cắm bình) nhỏ bằng đầu ngón tay, đều nhau chằn chặn như những viên đá được mài bằng máy, khi rụng khỏi cành vẫn giữ hình bầu hoa thon thon và đủ nguyên các cánh. Chỉ cần kiếm một đoạn dây, đứa trẻ dù vụng về nhất cũng nhanh chóng xâu được chuỗi vòng thật ưng ý. Bọn chúng tôi vặt lá hồng trải lên nền đất, chẳng mấy chốc, trên thảm ngọc ấy lấm chấm những viên hoàng ngọc, lúc xâu vòng còn phải dứt con ong mật đang cắm đầu cố vét mấy hạt phấn hoa.

Không biết sao loài cây này lại được gọi là cây hồng. Vì hoa nó vàng, quả nó xanh, khi chín mới đổi thành màu đỏ chói. Quả hồng xanh thì chát lắm, có đứa tham ăn cắn vào phải lè ra ngay. Kể cả khi nó tự chín trên cây, đã đỏ chót ra rồi, chim đã mổ ăn mất hơn nửa quả rồi mà vẫn chát.

Thế mà hồng xanh hái về, chỉ cần xếp vào thúng, phủ lên lớp rơm mỏng và đốt que hương làm phép thì ngay hôm sau chúng đã biến đổi hoàn toàn. Tất cả hồng đỏ lộng lẫy, mọng căng. Bóc lượt vỏ mỏng như lớp da giấy, nước hồng tứa ra ngọt lịm. Miếng hồng tan trong miệng mát như miếng thạch, phảng phất mùi hương trầm. Hồng chỉ ra theo mùa nên rất quý. Thường gần đến Tết Trung thu, các vườn hồng được đồng loạt hái quả. Bà tôi xếp hồng chín vào các rổ nhỏ để mẹ đem biếu họ hàng. Trẻ con nhìn không chán mắt những quả hồng thon dài rực rỡ như những phẩm oản xinh xinh, mãi vẫn không tìm ra phép màu giấu nơi nào. Bà chia cho mỗi đứa một quả còn lại để dành đợi phá cỗ trông trăng.

Vườn nhà tôi hồi ấy còn có cây hồng khác loại, quả nó hơi dẹt chứ không thon như quả các cây khác, vị quả nhạt lại thêm tội nhiều hạt. Bà bảo quả hồng này chẳng khác gì quả cậy, rồi bà ngâm: “còn duyên buôn cậy bán hồng/ hết duyên buôn mít cho chồng gặm xơ”. Chắc bà không ngụ ý nói đến chị Huyền, buôn bán vặt ở đầu xóm, nhờ xinh đẹp mà chuyên bán hàng kém chất lượng cho mọi người. Chị Huyền luôn mồm năm miệng mười, đắt hàng lắm. Anh chồng chị luôn bóng bẩy sạch sẽ, đầu xịt gôm bóng nhoáng, áo sơ mi trắng, cà vạt kẻ ô chứ không vất vả như những người đàn ông trong làng. Chắc anh ấy chẳng bao giờ chịu gặm xơ mít đâu.

Cây hồng “vô duyên” cũng đã đem đến cho bọn trẻ niềm vui sướng vô biên. Cây rơm góc vườn là nơi cất giấu niềm hạnh phúc ấy. Cả một thế giới trẻ thơ diễn ra bên cây rơm, nào chơi trốn tìm, nào chơi bán hàng, thậm chí nhiều đứa lăn ra ngủ tại chỗ, người lớn tìm được phải xách tai mới chịu dậy. Mùa thu, cây rơm còn là nơi chứa đựng những bí mật của mỗi đứa trẻ. Lúc đó, cây hồng quả dẹt đúng là kho báu của bọn trẻ. Chúng tôi rình hái những quả ương để dấm trong đống rơm. Cất giấu thật kỹ và chốc chốc lại bò vào tìm lấy ra xem có bị chuột cắn mất miếng nào không. Chả mấy đứa đủ kiên nhẫn đợi được cho hồng chín nên chúng tôi đành đập quả hồng còn chát lè nhưng đã bị mân mê đến mức mềm nhũn để lấy hạt ăn tạm. Trẻ quê hiếm khi biết thế nào là vị ngọt ngào của kẹo bánh nên hạt hồng sần sật, xin xít cũng thấy ngon. Tôi đã giấu quả hồng thật kỹ trong đống rơm và nó chín mọng. Hít hà mãi quả hồng của riêng mình, tự mình hái xuống, tự mình dấm chín, nhưng cuối cùng tôi đã nhịn thèm để đổi quả hồng ấy lấy cái mặt nạ Bồ Tát vẽ bằng phấn màu trên giấy bìa của con Dũn hàng xóm. Đó là Tết Trung thu vui nhất trong tiềm thức của tôi, luôn sống lại cùng những giấc mơ về làng một thủa.

2.

Tôi không bao giờ quên những buổi hừng đông cùng mẹ hái rau trên đầm. Bắt đầu từ đằng đông lóe lên những tia sáng vàng rực rỡ rồi mặt trời chầm chậm leo lên như một chiếc đèn lồng lộng lẫy. Những đám mây cũng đổi sắc liên tục, lúc trắng muốt, lúc hồng rực, thoáng chốc lại vàng như nong kén tằm. Tôi nhìn thấy tất cả qua bóng của chúng trên mặt đầm. Lúc tôi đang cắm cúi cắt những ngọn rau muống non mỡn mà.

Làng tôi nằm ven sông, vùng đất trũng dày đặc đầm ao. Cũng như nhiều phụ nữ hay lam hay làm của làng, mẹ tôi đã vỡ hoang một khoảng trên đầm, thả những bè rau muống. Đầm khá rộng và sâu, rau muống và hoa súng tranh nhau mọc. Toàn súng dại hoa trắng hồng hoặc tím phớt, luôn hớn hở nở cùng những tia nắng đầu ngày. Nếu chỉ đứng trên bờ nhìn xuống, mặt đầm hẳn nhiên tuyệt đẹp. Màu xanh ngọc của nước, màu xanh non của rau, màu hồng, tím của hàng trăm, hàng ngàn đóa hoa đồng loạt nở. Mỗi sáng, hái đủ rau cho mẹ đi chợ, bao giờ tôi cũng nán lại trên đầm, hái thêm một ôm hoa súng. Tôi muốn khoe với bạn bè nhan sắc của đầm lầy. Những bông hoa luôn phụ công tôi. Có lẽ chúng quá e thẹn hoặc vẻ đẹp của chúng chỉ thuộc về đầm lầy, vì hễ bị lấy ra khỏi đầm, chúng lập tức héo rũ. Cũng có lẽ, chúng như những cô thôn nữ cứ hồn nhiên với nhan sắc rực rỡ của mình mà không biết mình đẹp. Những bông hoa càng đẹp trong tiềm thức, tôi yêu biết bao sự phản đối quyết liệt ấy của hoa.

Đầm cũng luôn là nỗi hãi hùng của tôi. Tôi không bao giờ quên được những sớm ngày mắt nhắm mắt mở, mẹ con tôi mang đèn lội đầm hái rau. Dụng cụ không thể thiếu là dây để bó rau, rổ đựng rau và cả chậu vôi để… trị đỉa. Tôi không dám nhìn những con đỉa trâu, đỉa hẹ đánh hơi thấy mùi người đua nhau ngo ngoe bơi đến. Hồi ấy tôi luôn ao ước giá có phép màu nào mời được lão bán đỉa thuốc trong chuyện chú bé gỗ mũi dài mang cây vợt bắt đỉa của lão đến bắt giúp. Chuyện bắt đỉa bán rồi cũng thành sự thật, nhưng mới vừa xảy ra gần đây, khi đỉa ở các đầm ao làng tôi đã bị thuốc sâu diệt sạch. Dân làng tôi phải đi tìm mua đỉa về nuôi nhân giống, đợi chúng to mới bắt lên, xâu vào dây thép, phơi lủng lẳng hàng dây trông mà phát gớm.

Lúc ấy, tôi còn mải sợ những con đỉa trâu to dài bằng cả ngón tay, đỉa hẹ nhỏ như tép bưởi, chúng bám dính vào làn da thiếu nữ, đánh hơi cực chuẩn, gắn cái mồm gớm ghiếc đúng mạch máu ra sức hút. Cảm giác nhoi nhói trên da thịt, tôi biết ngay nơi đó có con đỉa bám vào nhưng cứ mặc kệ cho chúng hút no máu sẽ tự rơi ra. Tôi sợ phải chạm vào thân thể mềm nhũn nhẽo của chúng, càng sợ phải nhìn thấy chúng. Vậy là sau mỗi lứa rau, hai cẳng chân thiếu nữ của tôi chi chít những vết đỉa cắn, có vết phải dán lá nón mấy ngày chưa cầm máu. Con gái nông thôn đều biết đỉa khi hút máu đã tiết vào máu chất chống đông máu nên vết thương chảy máu rất lâu. Lúc ấy, chỉ xé mẩu lá cọ trên chiếc nón đang đội trên đầu, dán vào máu sẽ thôi chảy. Có hôm, về đến nhà, tôi còn hét lên vì sờ phải một con đỉa đã no tròn đang ngủ yên trong áo. Ngoài đỉa, tôi còn sợ sâu. Hồi ấy, làng tôi trồng rau để mặc cho phát triển tự nhiên, không dùng cả phân bón lẫn thuốc trừ sâu. Rau muống nhà tôi có vô số các loại sâu. Tôi sợ nhất những con sâu voi, chúng to khủng khiếp, xanh lét và có sừng. Mỗi khi hái tới đám rau bị ăn cụt nham nhở, tôi lại bỏ dở chuyển sang đám khác. Mẹ tôi tìm bắt những con sâu ấy, bỏ vào chậu vôi cùng đám đỉa. Sau đó đỉa thì đổ vào thùng vôi tôi cho chết, sâu thì thả cho vịt ăn. Vịt nhà tôi nhìn thấy sâu voi cũng đạp lên nhau xô chạy, kêu cạp cạp đầy sợ hãi.

 

Suốt cả thời ấu thơ của tôi gắn với những ám ảnh về đầm lầy, cả những khoảnh khắc hồn ngân lên bao xúc cảm và cả những ác mộng khôn nguôi. Mẹ tôi vốn có kế hoạch kèm cặp con gái thành những phụ nữ đảm đang nên ngay khi tôi mới lên mười đã phải hái rau và gánh rau đi chợ bán. Tuổi lên mười ngày ấy, tôi mới cao chưa tới mét ba và nặng gần hai mươi cân. Với sức vóc ấy, đứa bé gái còm nhom là tôi phải kéo lê lết đôi quang gánh có dăm mớ rau muống mỗi bên, lội thập thõm qua những bờ ruộng, qua một con ngòi để đến bán ở cái chợ xép nơi những công nhân nghèo vội mua thức ăn khi tan tầm. Nhiều ngày đông mưa giá ế chợ, tối mịt tôi mới quẩy gánh về trong nỗi hãi hùng vô biên. Khi qua rặng tre kẽo kịt những âm thanh khô lạnh, răng tôi va vào nhau cầm cập trong nỗi sợ cứng người. Tiếng động lạ đã đáng sợ. Sự tĩnh lặng của màn đêm cũng đáng sợ không kém. Tôi còn phải một mình đi hết cánh đồng mênh mông màn đêm phủ đen đặc và im lặng đến rợn người. Đôi khi, quang gánh dài lượt thượt vướng vào nấm mộ nhấp nhô rải rác ven đường khiến tôi ngỡ rằng những người chết đang cố níu tôi lại. Lúc ấy, trong tiếng tim đập thình thịch của chính mình, tôi thèm chết đi được gặp một người nào đó. Mà ánh đèn từ làng hắt lại vẫn còn xa xôi quá!  Tập gánh mãi mà đôi vai bé nhỏ của tôi không chịu quen với chiếc đòn gánh cứng ngắc, lúc nào cũng phồng rộp lên và rớm máu. Bàn chân tôi cũng tím bầm vì những cú vấp ngã liên tục. Rất nhiều năm sau này, trong lòng tôi âm thầm nỗi oán trách mẹ, dù tôi biết những hôm tôi về chợ muộn, mẹ cũng như phát rồ chạy đi chạy lại quanh nhà. Mẹ đã cố không đón tôi, để tôi tập vào đời.

Tôi cũng có nhiều kí ức đẹp về đầm. Đó là những buổi đêm thả vó tôm ven bờ đầm. Trăng lồng lộng soi bóng xuống đồng, mặt nước như dát vàng và cảnh vật đẹp không thể tả. Trăng lóng lánh trong vó, ánh trăng biến những giọt nước thành những giọt vàng lấp lánh. Vẩy của con tép mại hay con cá đòng đong cân cấn bắt sáng khiến chúng muôn phần lộng lẫy dưới trăng. Trong chiếc rổ, cả chùm lá tre, cả những chú tôm càng to cộ đều như vừa được một nghệ nhân tuyệt vời tài hoa mạ lên một lớp vàng óng ánh. Những đêm tối trời, tôi đứng trong ánh sáng nhập nhòa của đàn đom đóm, nghe tiếng tôm cá búng nước và tiếng ếch nhái hò hẹn nhau. Dù rất quen mà tôi vẫn chưa thôi run rẩy vì sợ.

Người làng tôi hay thì thầm kể với nhau lắm chuyện ma quái ngoài đầm. Cây gạo ngay cuối làng, chỗ bụi tre là nơi trú ngụ của con ma nữ. Những đêm đẹp trời, người làng nhìn thấy rõ một cô gái tha thướt trong bộ áo váy trắng muốt, xõa xượi mái tóc, khi nằm khi ngồi vắt vẻo trên đỉnh ngọn cây. Còn cây thị cổ phía cuối đầm đã mấy đôi trai gái thất tình rủ nhau treo cổ tự tử. Bọn ma ấy vốn là những kẻ oan trái trong tình duyên nên rất ghét các đôi trai gái. Nếu thanh niên trong làng hò hẹn với nhau ở nơi thanh vắng thế nào cũng bị chúng hiện hình trêu ghẹo mà sợ phát ốm.

Cũng như bọn con gái mới lớn trong làng, tôi cực tin vào những câu chuyện ấy. Nhưng chỗ gốc gạo lại nhiều tôm càng về ăn nên tôi vẫn lấy hết can đảm để đặt vó. Có lần, tôi vừa kéo vó lên, vui mừng chộp mấy chú tôm to kềnh thì bị ai đó đấm nhẹ vào đầu. Suýt ngã lăn vì chết khiếp, định thần lại, tôi thấy một bông hoa gạo đỏ thẫm vừa rụng trúng ngay búi tóc và kẹt lại trên đầu tôi nặng trĩu.

 

Ký dự thi. Lưu Thị Bạch Liễu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy